RFA
19/05/2020
Vừa qua, cộng đồng
Wikipedia Tiếng Việt đã có cuộc đề cử thành viên ThiênĐế98 để trở thành CheckUser, kiểm
định viên, nhằm hỗ trợ quản lý nội dung được đóng góp, đăng tải bởi người
dùng trên trang này. Tuy nhiên, thành viên này đã không giành đủ số phiếu vì vướng
phải cáo buộc là người của nhà nước Việt Nam.
Trước các cáo buộc cho rằng
mình là người của nhà nước Việt Nam, vào ngày 18 tháng 5, thành viên ThiênĐế98
qua email cho RFA biết để xem xét quan điểm của một thành viên trên Wikipedia cần
xem cách họ làm việc. ThiênĐế98 cho biết các việc làm và hoạt động của bản
thân trong cộng đồng Wikipedia tiếng Việt cũng đã đủ nói lên điều đó:
“Như các thành viên trên trang Wikipedia tiếng Việt
đã có nhiều dịp tiếp xúc, tôi có quan điểm trung dung về chính trị: tôi truy bắt
các tài khoản tuyên truyền chính trị từ tất cả các quan điểm (vốn bị cấm tại
Wikipedia tiếng Việt, theo quy định), các tài khoản phụ tham gia bầu cử làm
chênh lệch số phiếu,... Các vụ việc trình kiểm định của tôi khá cân bằng về
phía hai phía, sau khi đã suy xét cẩn thận khả năng các tài khoản vốn là một
người dùng để tránh sai lệch và làm người dùng cảm thấy bị xúc phạm. Theo thống
kê, từ các vụ việc tôi đưa đi trình CheckUser, đã có 80 tài khoản con rối (tài
khoản con, điều không được phép tại Wikipedia) bị phát hiện và khóa vô hạn.
Do đó, tôi không thể và không cần chứng minh danh
tính, do việc xử lý quá nhiều các việc quảng cáo cá nhân, doanh nghiệp, các tài
khoản tuyên truyền chính trị của các bên gây nhiều mâu thuẫn, thù hằn, dẫn đến
sự nguy hiểm trong đời sống thực tế nếu các thông tin bị rò rỉ.”
Kiểm định viên Nguyễn Xuân Minh, một trong những Wikipedian tiên phong trong
việc đóng góp và xây dựng cộng đồng Wikipedia tiếng Việt cho RFA biết qua email
rằng ông biết đến ThiênĐế98 qua những hỗ trợ trong chiến dịch chống phá hoại và
spam của thành viên này. Ngoài ra, ông Minh đã có ấn tượng tốt trước những đóng
góp của ThiênĐế98 trong những chủ đề về tôn giáo.
Anh Hiếu, một thành viên trong cộng đồng Wikipedia tiếng Việt sống tại Canada,
cho biết ThiênĐế98 đã không giành đủ phiếu bầu tiến cử đầu tiên cho vị trí kiểm
định viên để có quyền sử dụng công cụ CheckUser vì những cáo buộc cho rằng
thành viên này là người của nhà nước Việt Nam.
Qua những theo dõi sự hoạt
động của thành viên ThiênĐế98, anh Hiếu khẳng định thành viên này đã rất tích cực
trong việc bảo quản nội dung đăng tải trên Wikipedia tiếng Việt và dẹp loạn ‘rối’,
tức sockpuppet, khi những tài khoản này được lập ra để phá hoại và đăng những nội
dung tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam:
“Trong tiếng Việt có tình trạng là nạn ‘rối’ kéo dài,
kể từ năm này qua năm khác. Cứ mỗi khi mà chúng tôi sửa đổi các bài liên quan đến
chính trị Việt Nam như là Việt nam Cộng hòa các thứ thì rối tung hết cả lên, vì
có nhiều tài khoản lập để sửa đổi. Như thế thì chất lượng thì thua tiếng Anh rồi;
bản tiếng Anh tin tưởng nhiều hơn. Nhưng Thiên Đế hiện nay không có khả năng
check IP, thì tất cả những công viên check IP trên trang này đều phải nhờ qua 2
kiểm định viên hiện nay là Nguyễn Xuân Minh với cả Nguyễn Hữu Dụng, mà bây giờ
chỉ có anh Dụng là làm thôi.”
Kiểm định viên của dự án
Wikipedia tiếng Việt Nguyễn Xuân Minh cho biết, công cụ CheckUser rất hữu ích
trong công tác kiểm tra các hình thức lạm dụng và xác minh các tài khoản ‘rối’.
Các tài khoản ‘rối’ sau khi bị chặn trên một mảng có thể tiếp tục gây rối trên
mảng khác. Tuy nhiên, công cụ CheckUser vẫn chỉ được dùng như là phương án cuối
cùng vì các lo ngại bảo mật:
“Công cụ CheckUser hữu ích trong việc kiểm tra một số
hình thức lạm dụng, nhưng chúng tôi cố gắng chỉ dùng nó như là một phương án cuối
cùng vì những lo ngại về quyền riêng tư và khả năng kết quả công cụ này đưa ra
có thể bị hiểu sai. Công cụ này thật sự không có nhiếu tác động như cộng đồng
nghĩ. Chúng tôi đã từ chối sử dụng công cụ này trong một số trường hợp qua công
tác thẩm định chuyên sâu - người yêu cầu thực sự có lý do hợp lý để nghi ngờ đó
là tài khoản ‘rối’ hay không, hay đó là suy nghĩ chỉ theo mong muốn? Trong trường
hợp nghi ngờ, chúng tôi thiên về việc bảo mật hơn và từ chối sử dụng công cụ
này.”
Anh M.Đ., chuyên viên
phát triển phần mềm tại TP.HCM, cho biết nếu kiểm định viên
Wikipedia có thể nắm thông tin IP của người dùng thì việc tìm kiếm, xác định
máy chủ sẽ trở nên dễ dàng. Tuy nhiên, anh tin rằng nếu thành viên nào có thông
hiểu về công nghệ thông tin, họ có thể tránh né việc bị truy lùng bằng cách
dùng mạng riêng ảo VPN:
“Nếu mà có IP của một người thì có thể kiếm dễ rồi.
Tuy nhiên, bên công nghệ thông tin cũng đã có fake IP rồi và chuyển đổi. Nếu mà
có mục đích né rồi, thì khó mà track. Những VPN free cũng khó có, phải biết về
công nghệ thông tin một chút thì mới nắm được nó hoạt động làm sao để mà lắp sẵn,
xài VPN free. Đa số những người biết công nghệ thông tin sẽ sử dụng cái đó, hơn
là những người không biết.”
Kiểm định viên Nguyễn
Xuân Minh cho biết việc có nhiều thành viên ủng hộ và phản đối không dung nhượng
trong bất kỳ cuộc bầu cử nào trong cộng đồng Wikipedia là điều bình thường:
“Ví dụ, thường có những câu hỏi chính đáng liên quan
đến khả năng của ứng cử viên trong việc giải quyết các xung đột một cách khéo léo,
hoặc áp dụng các hướng dẫn trong dự án một cách công bằng, mặc dù cuộc thảo luận
đó sẽ phù hợp hơn trong quá trình ứng cử thành công cho vị trí bảo quản viên của
ThiênĐế98.
Câu hỏi giả thuyết về cách ThiênĐế98 xử lý quấy nhiễu
của Bộ Công an ít liên quan về về cá nhân ThiênĐế98 hơn là về biện pháp bảo vệ
mà cộng đồng có thể cần xem xét.”
Ngoài ra, kiểm định viên
Nguyễn Xuân Minh cho biết Wikimedia Foundation yêu cầu kiểm định viên được bầu
phải gửi các giấy tờ tùy thân hợp pháp và ký vào bản thỏa thuận bảo mật để xác
minh danh tính của mình. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Minh nhận định rằng giấy tờ
tùy thân hợp lệ vẫn không đủ để tiết lộ bất kỳ xung đột lợi ích cá nhân nào.
Anh Hiếu cho rằng chính
quyền Việt Nam hoàn toàn có khả năng kiểm tra IP người dùng trên trang
Wikipedia và không cần phải đưa người trà trộn vào cộng đồng Wikipedia nhằm đạt
được quyền sử dụng công cụ CheckUser.
----------------------------------
RFA
11/05/2020
Theo thông tin được ghi
nhận, hiện đang có cuộc bầu cử cộng đồng đối với thành viên ThiênĐế98 cho vị
trí CheckUser, kiểm định viên, trên Wikipedia Tiếng Việt, trang bách khoa toàn
thư tự do trực tuyến và có thông tin cho rằng thành viên này là người của nhà
nước Việt Nam. Điều này đã được báo cáo tới Wikimedia Foundation, tổ chức có
nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động của trang Wikipedia và phát triển các phiên bản đa
ngôn ngữ.
Một trong những dấu hiệu
đáng ngờ được chỉ ra là việc thành viên ThiênĐế98 đã góp phần tạo ra Quy chế biểu
quyết trên Wikipedia tiếng Việt với nội dung có nhiều điểm tương đồng với một mẫu
văn bản pháp lý của chính phủ Việt Nam. Đồng thời, trong bản báo cáo này còn có
đề ra những hành động xóa hoặc chỉnh sửa thông tin các bài viết với nội dung
liên quan đến tham nhũng, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, hay thời bao cấp theo chiều
hướng có lợi cho nhà nước Việt Nam.
Trước sự việc trên, nhà
hoạt động Lã Việt Dũng cho biết theo quan sát của anh khi sử dụng trang
Wikipedia Tiếng Việt để tra thông tin, việc nhà nước Việt Nam tìm cách khống chế
và kiểm soát các nội dung được đăng trên trang này là có thật:
“Khi mà mình tra vấn đề lịch sử về Đảng Cộng sản Việt
Nam, một số vấn đề về an sinh xã hội, mình thấy rằng là trang Wikipedia Việt
Nam đã bị tuyên giáo Đảng Cộng sản Việt Nam khống chế rồi. Thông tin đã được sửa
đổi và sai lệch đi rất nhiều. Mình nghĩ đầu tiên là cái cơ chế mở của
Wikipedia, mọi người đều có thể đóng góp vào đó. Cái thứ hai, những nhà hoạt động
ở Việt Nam thì thường họ cũng không để ý tới cập nhật thông tin trên Wikipedia
lắm, đấy là chính quyền Việt Nam đã chiếm dụng gần như cái không gian mạng
Wikipedia.”
Theo anh Dũng, Wikipedia
là trang tra cứu rất được ưu dùng và phổ biến trong giới học thuật ở Việt Nam,
khi người dùng muốn tra cứu các khái niệm hay lịch sử của một nhân vật, sự kiện
họ quan tâm. Vì thế mà chính quyền Việt Nam ra sức khống chế các nội dung được
đăng:
“Về vấn đề quan trọng giữa Wikipedia và an ninh mạng,
mình nghĩ mỗi cái nó có một vai trò khác nhau. Vấn đề về học thuật, lịch sử thì
Wikipedia vẫn là một kênh tra cứu tốt; chính quyền Việt nam họ đã, đang và sẽ
tiếp tục khống chế kênh đó.”
Wikipedia mang tính cộng
đồng cao; các nội dung đăng tải đều được đóng góp và bảo trì bởi các thành viên
trên trang này. Chính vì lý do đó, những thành viên đóng góp các thông tin chỉ
trích chính quyền Việt Nam thường bị đe dọa bắt bớ bởi thành viên khác được
xưng là công an Việt Nam, theo thư báo cáo về cuộc bầu cử kiểm định viên của
thành viên ThiênĐế98 được gửi đến Wikimedia Foundation.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Quảng
Ngãi khi được hỏi về thông tin vừa nêu cho rằng điều đó phù hợp với quy định về
an ninh mạng của nhà nước Việt Nam:
“Cứ nói thông tin sai, không đúng theo quy định của
luật an ninh mạng, thì người ta sẽ xử theo luật thôi. Luật này khi người ta
thông qua góp ý ở Quốc hội, giờ đã trở thành luật của Việt Nam rồi. Ăn thua luật
quy định tùy theo mức, xử lý hành chính cho đến hình sự; nhất là các tội liên
quan đến chuyện chống chế độ. Nếu không đồng ý, (có thể) tham gia góp ý, phản
kháng, nhưng nếu luồng lách, chống phá thế này, thế nọ gây hại cho vấn đề an
ninh trật tự an toàn xã hội của nhà nước, thì người ta sẽ trị thôi, tùy theo mức
độ.”
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho biết
khi đăng hoặc viết thông tin trên trang Bách khoa trực tuyến như Wikipedia mà bị
cho không đúng sự thật, có tính chất xuyên tạc lịch sử, người đăng đó nếu ở Việt
Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự cho hành vi vu khống:
“Người mà viết một thông tin mà không đúng sự thật,
thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống. Tức là về lịch sử,
một trang, cuốn bách khoa về lịch sử, nhưng mà nó có tính chất xuyên tạc lịch sử,
hoặc vu khống thì trong Bộ luật Hình sư Việt Nam có cái tội gọi là tội vu khống
và người nói không đúng sự thật trong Bộ luật Hình sự Việt Nam có thể bị phạt
tù từ 3 tháng cho đến 7 năm về tội vu khống.”
Theo ý kiến của nhà hoạt
động Lã Việt Dũng, anh nghĩ việc đòi truy tố người viết trên Wikipedia của
chính quyền Việt Nam cho hành vi đăng tải thông tin sai sự thật là không khả
thi, vì trang này được thiết kế với một không gian mở, tức mọi nội dung được đóng
góp và quản lý với cộng đồng cùng các nguồn bằng chứng được liệt kê rõ.
Tuy nhiên, nếu sự thật
thành viên ThiênĐế98 là người của nhà nước Việt Nam và trở thành
CheckUser, hoặc kiểm định viên, của trang Wikipedia, ngoài việc có thể sửa đổi
thông tin trên các bài đăng về nhà nước Việt Nam trên trang Wikipedia Tiếng Việt,
các cá nhân đóng góp nội dung nhạy cảm về chính phủ nước này có thể gặp nguy hiểm,
vì CheckUser sẽ được quyền truy cập công cụ kiểm định để thu thập và kiểm tra
thông tin IP (Internet Protocol) của các thành viên đăng tải thông tin trên
trang này. Đây là việc có thể gây ra nhiều rủi ro bảo mật cho các thành viên
đăng những thông tin trên Wikipedia mà chính phủ Việt Nam thấy bất lợi.
Anh S.H., một chuyên viên
phần mềm làm việc tại tập đoàn điện toán VMWare, cho RFA biết nếu một ai đó có
thông tin IP đích thực của người dùng, việc xác định vị trí máy chủ và ISP
(Internet Service Provider, tức Nhà cung cấp Dịch vụ Internet) là việc rất dễ
dàng. Từ đó, chính quyền có thể điều tra và xác minh danh tín của người dùng
đăng tải thông tin.
Hiện tại, ngoài thư báo
cáo về thành viên ThiênĐế98 đến Wikimedia Foundation, các cảnh báo về những
hành động khả nghi của thành viên này cũng được thông báo trên mục Tin nhắn cho
các bảo quản viên của trang Wikipedia Tiếng Việt. Với số phiếu bầu hiện tại cho
vị trí kiểm định viên CheckUser, thành viên này đã gần đạt được mục tiêu để nắm
quyền hành này trong cộng đồng theo quy định.
RFA đã liên lạc với
Wikimedia Foundation về sự việc trên qua email, điện thoại và đang
chờ hồi âm cho vấn đề cụ thể vừa nêu.
No comments:
Post a Comment