Thu
Hằng -
RFI
Đăng
ngày: 25/05/2020 - 14:31
Hồng Kông trở thành một mặt trận mới trong cuộc đối
đầu vốn đã rất căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Dường như Bắc Kinh đã mất kiên
nhẫn vì Hồng Kông vẫn chưa có bất kỳ đạo luật nào trừng phạt các tội "phản
bội, ly khai, phản loạn và lật đổ", theo quy định trọng điều 23 của Luật
Cơ Bản. Xã hội tại đặc khu hành chính này bị xáo trộn từ một năm nay vì các
phong trào đòi dân chủ và tự chủ, bị Bắc Kinh cáo buộc là do nước ngoài giật
dây.
Dự luật an ninh áp dụng ở
Hồng Kông, được đưa ra bỏ phiếu trong phiên bế mạc Quốc Hội Trung Quốc ngày
28/05, thực ra chỉ mang tính hình thức. Theo AFP, dự thảo luật gồm 7 điều, một
mặt là để "cảnh báo, ngăn chặn và trừng phạt" trên
lãnh thổ Hồng Kông "mọi hành động nhằm chia rẽ đất nước, lật đổ
chính quyền, tổ chức và tiến hành các hoạt động khủng bố" hoặc mọi
hành vi "gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an ninh quốc gia".
Nhưng thực chất là để trấn áp phong trào đòi dân chủ, diễn ra suốt năm 2019, từ
ôn hòa của người dân đến bạo lực của một bộ phận cực đoan đòi độc lập.
Mỹ : Thế lực bên
ngoài bị Bắc Kinh nhắm đến
Mặt khác, dự luật cũng
kêu gọi "cứng rắn chống lại mọi hình thức can thiệp của các thế lực
nước ngoài" và "đưa ra những biện pháp đáp trả cần
thiết". Một trong những "thế lực nước ngoài" mà
Bắc Kinh nhắm đến chính là Washington. Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc vốn
đã căng thẳng, giờ lại thêm Hồng Kông, có thể "đẩy Bắc Kinh đến bờ
một cuộc chiến tranh lạnh mới" với Hoa Kỳ, theo cảnh báo của ngoại
trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong buổi họp báo ngày 24/05.
Quy chế tự trị của Hồng
Kông từng được tổng thống Mỹ Donald Trump cứng rắn cảnh báo trước Đại Hội Đồng
Liên Hiệp Quốc vào tháng 09/2019. Không chỉ bảo vệ lợi ích thương mại, tài
chính của hơn 1.300 doanh nghiệp Mỹ với khoảng 85.000 công dân Mỹ thường trú ở
đặc khu hành chính, Washington còn muốn sử dụng Hồng Kông làm phương tiện gây sức
ép trong cuộc chiến thương mại chưa hồi kết giữa hai đại cường thế giới.
Cứng rắn hơn tổng thống
Trump về vấn đề dân chủ ở Hồng Kông, Quốc Hội lưỡng viện Mỹ đã thông qua việc
tài trợ cho nhiều nhóm đối lập ở đặc khu hành chính. Theo tổng kết hàng năm của
tổ chức phi lợi nhuận National Endowment for Democracy của Mỹ, được nhà nghiên
cứu Trung Quốc Jin Kai đăng trên The Diplomat (06/05/2020), trong những năm
2016-2019, hơn 2,3 triệu đô la đã được phân bổ đến nhiều tổ chức khác nhau để ủng
hộ các phong trào đấu tranh vì dân chủ hoặc bảo vệ nhân quyền ở Hồng Kông,
trong đó có Trung Tâm Tương Ái (Solidarity Center), Trung Tâm Tư Pháp Hồng
Kông (Justice Centre Hong Kong Limited) và Liên Đoàn Nhà Báo Quốc Tế
(International Federation of Journalists, Asia Pacific).
Ngoài ra, Quốc Hội Mỹ
cũng thông qua nhiều dự luật quan trọng về Hồng Kông vào cuối năm 2019, trong
đó phải kể đến Đạo Luật Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông năm 2019 (Hong Kong
Human Rights and Democracy Act of 2019, HKHRDA). Đích thân Hoàng Chi Phong
(Joshua Wong) và một số nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông khác đã đến tận Mỹ điều
trần trước một ủy ban lưỡng đảng vào ngày 17/09 để vận động Quốc Hội Mỹ thông
qua đạo luật trên.
Hồng Kông : Mặt trận
mới giữa Mỹ và Trung Quốc
Đạo Luật Nhân Quyền và
Dân Chủ Hồng Kông năm 2019 quy định về việc ban hành biện pháp ngoại giao và trừng
phạt kinh tế trong một số kịch bản. Chính vì vậy, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo
thường xuyên phải xác nhận trước Quốc Hội Mỹ liệu Trung Quốc có tôn trọng "mức
độ tự chủ cao" được trao cho Hồng Kông từ năm 1997 hay không để
tiếp tục hoặc đình chỉ quy chế thương mại đặc biệt áp dụng với Hồng Kông.
Thứ Sáu 22/05, ngay khi dự
luật an ninh Hồng Kông được trình lên Quốc Hội Trung Quốc, ngoại trưởng Mỹ đã dọa
không cấp chứng nhận trên. Ngoài ra, các nghị sĩ Mỹ dự kiến đề xuất vào ngày
27/05 một dự thảo luật nhằm trừng phạt mọi quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm
về việc vi phạm quyền tự chủ của Hồng Kông.
Nếu được thông qua, những
biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc thêm lao đao,
nhưng cũng "có nguy cơ làm hại tất cả mọi người và khiến quá trình
tái thiết Hồng Kông thêm khó khăn hơn", theo đánh giá của ông Quách
Vinh Khanh (Dennis Kwok), một nghị sĩ Hồng Kông ủng hộ dân chủ.
Chưa bao giờ kể từ năm
1970, mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc lại xấu và nguy hiểm như hiện
nay và cả "hai nước đều có nguy cơ thua cuộc" nếu "không
có tầm nhìn chiến lược và kế hoạch để hạn chế xung đột", theo nhận định
của ông Richard Haass, chủ tịch Hội Đồng Quan Hệ Đối ngoại (Council on Foreign
Relations).
-----------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN
QUAN
No comments:
Post a Comment