Tuesday, May 26, 2020

KIỆN TRUNG QUỐC VỀ COVID-19 : TRIỂN VỌNG ĐẾN ĐÂU? (Ngọc Lễ)




27/05/2020

Các nguyên đơn ở Mỹ ‘có đủ cơ sở pháp lý và căn cứ’ để kiện các thực thể ở Trung Quốc đã ‘cố tình che giấu và trì hoãn công bố thông tin về dịch’ khiến Covid-19 có điều kiện bùng phát và tàn phá nước Mỹ, luật sư thụ lý vụ kiện này nói với VOA.

Dịch Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra khởi phát từ thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc hồi cuối năm 2019 trước khi lan ra khắp châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi. Mỹ hiện là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 1,7 triệu ca nhiễm và trên 100.000 người đã chết tính đến ngày 26/5.

Ngày 12/3, Berman Law Group, một hãng luật tại thành phố Boca Raton, bang Florida, đã khởi sự một vụ kiện tập thể (class action) để đòi chính phủ Trung Quốc phải có trách nhiệm pháp lý và bồi thường cho điều mà họ cho là ‘sự lơ là và xử lý tệ dịch Covid-19’. Các nguyên đơn trong vụ kiện tập thể này là ‘tất cả các nạn nhân bị dịch bệnh tác động trực tiếp, bao gồm chủ các doanh nghiệp và thân nhân các nạn nhân tử vong’, theo thông cáo của công ty luật Berman.

Đến ngày 8/4, hãng luật này thay mặt cho các bác sỹ, y tá ở Mỹ tiếp tục đệ đơn cho vụ kiện tập thể thứ hai với cáo buộc chính phủ Trung Quốc đã đầu cơ và thao túng thị trường trang thiết bị bảo hộ y tế giữa đại dịch.

Kiện ai?

Cả hai vụ kiện này đều được đưa ra tòa án liên bang Hoa Kỳ tại Quận Nam Florida (Southern District of Florida)

VOA đã liên lạc với ông Jeremy Alters, chiến lược gia trưởng của Berman Law Group, để tìm hiểu về tiến triển vụ kiện, và được ông cho biết là theo yêu cầu của hãng luật, tòa án đã đồng ý dời phiên xử đầu tiên từ ngày 1/5 sang ngày 4/9 để họ có đủ thời gian phục vụ cho tất cả các bên liên quan, bao gồm nguyên đơn và bị cáo, trong đó có việc dịch tài liệu vụ án sang tiếng Hoa cho phía Trung Quốc và yêu cầu họ phúc đáp trước ngày 31/8.
Luật pháp Mỹ không cho phép khởi kiện một nước nào đó vì các quốc gia được hưởng quyền ‘miễn trừ quốc gia’ (sovereign immunity). Về vấn đề này, ông Alters cho biết bị đơn trong các vụ kiện là Đảng Cộng sản Trung Quốc và các thực thể trong Chính phủ Trung Quốc.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc là một đảng chính trị, không phải là một nhà nước có chủ quyền, do đó họ không được hưởng bất kỳ hình thức miễn trừ quốc gia nào,” ông giải thích và nói rằng cho dù Đảng Cộng sản nắm quyền kiểm soát đất nước Trung Quốc đi nữa thì họ vẫn không được xem như là một nhà nước để hưởng quyền miễn trừ.

Ngoài ra, ông cho biết vụ kiện cũng vận dụng ‘Ngoại lệ về Hoạt động Thương mại’ mà theo đó hoạt động mang tính thương mại của một nước khác trên lãnh thổ của Mỹ không được hưởng quyền miễn trừ quốc gia.

Về phản ứng của phía Trung Quốc đối với vụ kiện, ông cho biết đến nay ‘họ chỉ đưa ra những tuyên bố rằng vụ kiện là nực cười và rằng không phải họ mà chính Mỹ mới phải chịu trách nhiệm’.

“Họ chưa đưa ra phản hồi chính thức về vụ kiện và họ có thời gian cho tới ngày 31/8 để trả lời,” ông nói thêm.

Trong trường hợp Trung Quốc bác bỏ toàn bộ vụ kiện và không tham gia, ông Jeremy Alters nói rằng phiên xử vẫn có thể diễn ra và đưa ra phán quyết mà không cần sự tham gia của bị đơn. Khi đó, các bị đơn Trung Quốc tự làm mất đi quyền biện hộ của mình trước tòa và nếu các nguyên đơn ở Mỹ được xử thắng thì Tòa án sẽ cho phép họ tịch thu tài sản của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Mỹ.

Ông cho biết đã từng có tiền lệ về những vụ kiện như thế này ở Mỹ, chẳng hạn như vụ kiện chính phủ Libya bắn rơi máy bay của hãng Pan-Am giết chết 270 người vào năm 1988 và cuối cùng phía Libya phải bồi thường 2,7 tỷ đô la, theo lời ông, và những vụ kiện nhằm vào Cuba nhưng nước này không tham gia để tự biện hộ để cuối cùng Tòa ra phán quyết cho phép tịch thu tài sản của họ để bồi thường cho nguyên đơn ở Mỹ.

Kiện vì lẽ gì?

Về việc tại sao kiện Trung Quốc đối với những gì xảy ra trên đất Mỹ, chuyên gia của hãng luật Berman giải thích: “Virus corona xuất phát ở Trung Quốc. Họ đã không kiểm soát được nó. Họ đã không cảnh báo thế giới đàng hoàng để cho con virus đó tấn công người dân Mỹ. Do đó, thiệt hại đã xảy ra ở đây, trên đất Mỹ. Chính vì vậy các công dân Mỹ đã bị ảnh hưởng bởi hành động của Trung Quốc.”

Theo nhận định của người đại diện hãng luật Berman này thì ‘Trung Quốc biết’ về mức độ nguy hại của sự lan truyền virus corona nhưng ‘thay vì cảnh báo Mỹ và thế giới thì họ lại che giấu’. Bằng chứng mà ông đưa ra là việc Trung Quốc trừng phạt bác sỹ nhãn khoa Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên đưa ra cảnh báo về những ca bệnh bí hiểm ở Vũ Hán, và kiểm soát các cuộc bàn luận trên mạng xã hội về dịch bệnh cũng như không chia sẻ chuỗi gien của virus mãi cho đến ngày 10/1.

Phía Trung Quốc cho đến nay vẫn một mực bác bỏ những cáo buộc che giấu thông tin. Họ khẳng định rằng đã thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới ngay từ những ngày đầu có ca bệnh và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã thông báo ngay với người đồng nhiệm Mỹ Donald Trump sau khi Bắc Kinh ý thức được mức độ nguy hại của dịch. Khi đó, Tổng thống Trump còn lên Twitter ca ngợi Trung Quốc ‘đã làm rất tốt’ trong kiểm soát dịch.

“Vấn đề đặt ra là tại sao họ làm như vậy? Họ làm vậy để bảo vệ lợi ích kinh tế của riêng họ,” ông Alters lập luận. “Họ cần phải ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ. Và chỉ sau khi ký xong thỏa thuận họ mới công bố dịch bệnh với thế giới. Nếu họ công bố sớm hơn thì hàng chục ngàn người Mỹ và người dân khắp thế giới sẽ không chết.”

Khi được hỏi tại sao có thể đổ lỗi Trung Quốc làm lây bệnh đến Mỹ khi mà Tổng thống Trump đã ra lệnh cấm các chuyến bay từ Trung Quốc đến Mỹ khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, ông Alters nói ngay trước khi có lệnh phong tỏa ở Vũ Hán thì ‘đã có rất nhiều người ở đây tỏa đi khắp Trung Quốc và khắp thế giới vào dịp Tết Nguyên đán’.

“Không nghi ngờ gì dịch bệnh phát xuất từ Trung Quốc. Mà nếu Mỹ có bị lây từ châu Âu thì nhìn vào các chuyến bay chúng ta sẽ thấy đã có hàng ngàn người đến châu Âu từ Trung Quốc (trong tháng 1),” ông lập luận.

Cố tình?

Theo phân tích của ông Alters thì ‘sự cố tình’ của Trung Quốc mà vụ kiện nêu ra ‘không phải là cố tình làm lây lan dịch bệnh gây hại cho Mỹ và phương Tây’ mà là ‘cố tình che giấu dịch vì lợi ích riêng của chính quyền và điều này vô tình làm lây lan dịch bệnh khắp thế giới’.

“Tôi không nói là Trung Quốc lấy con virus đó ra từ phòng thí nghiệm rồi cố tình lan truyền nó khắp thế giới. Ý tôi là họ có đầy đủ thông tin về dịch bệnh mà đáng lẽ ra họ nên thông báo cho thế giới biết sớm hơn một tháng. Chính sự không chia sẻ thông tin đó là cố tình,” ông giải thích.

Về việc ‘Trung Quốc có đầy đủ thông tin’ về dịch bệnh ngay từ đầu, nhất là với một chủng virus corona quá mới mà thế giới chưa biết gì nhiều, ông dẫn ra việc bà Thạch Chính Lệ, phó giám đốc Viện Virus học Vũ Hán, phòng nghiên cứu cấp độ 4 duy nhất của Trung Quốc chuyên nghiên cứu các mầm bệnh đặc biệt nguy hiểm, đã ‘nghiên cứu một loại virus tương tự ngay từ năm 2013 mà bà tìm thấy trên một loài dơi hang động nằm cách Vũ Hán hơn 1.800 cây số’ và chủng virus này giống đến 96% chủng virus corona gây dịch Covid-19. Bà Thạch đã thừa nhận việc này trên tạp chí chuyên ngành The Nature hồi tháng 2.

Khi được hỏi có thể dồn hết trách nhiệm lên Trung Quốc hay không vì nếu Trung Quốc có che giấu dịch bệnh đi nữa thì nếu chính quyền Mỹ cảnh giác, không chủ quan, phản ứng đầy đủ và kịp thời thì cũng không để đến tình trạng như hiện nay, ông nói: “Trách nhiệm phải bắt đầu ở nơi dịch bệnh xuất hiện. Tất cả những gì xảy ra sau đó đều có nguyên nhân từ đó.”

“Nếu Trung Quốc hành động đàng hoàng và ngăn chặn được dịch bệnh kịp thời thì Mỹ đã không phải đương đầu với nó,” ông giải thích.

Ông cũng cho rằng không nên so sánh giữa dịch Covid-19 hiện nay với dịch H1N1 vốn khởi phát ở Mỹ vào năm 2009 rồi sau đó lan ra gây thiệt hại khắp thế giới, trong đó có Trung Quốc. Ông cho rằng Trung Quốc ‘không thể quy trách nhiệm cho Mỹ về dịch H1N1’.

“Hai trường hợp hoàn toàn khác nhau. Toàn bộ thông tin về virus H1N1 đã được Mỹ chia sẻ đầy đủ và kịp thời với Trung Quốc,” ông nói. “Nếu Trung Quốc muốn kiện Mỹ thì cứ việc. Nhưng tôi chắc rằng nếu họ làm như vậy thì hậu quả kinh tế đối với họ sẽ nặng nề.”

Trung Quốc trả đũa?

Về khả năng Trung Quốc sẽ trả đũa nếu Tòa ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, ông Jeremy Alters nói: “Tôi cho rằng nền kinh tế của họ sẽ bị tàn phá bởi vì tất cả chúng ta đều biết là nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào xuất khẩu đi thế giới và nhất là Mỹ.”
Tuy nhiên, ông cho rằng nếu Trung Quốc trả đũa thì Mỹ cũng sẽ ‘gánh chịu thiệt hại nặng nề’ nhưng những gì kinh tế Mỹ đang trải qua hiện nay vì dịch bệnh ‘cũng đã là quá nặng nề rồi’. “Kinh tế Mỹ không thể bị tồi tệ hơn nữa so với những gì đã xảy ra hiện nay mặc dù xuất khẩu hay nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.”

Trong trường hợp Trung Quốc không chịu bồi thường thiệt hại cho Mỹ nếu như Tòa ra phán quyết, ông nói các nguyên đơn có thể tịch thu tài sản của Trung Quốc ở Mỹ như đã từng làm với các vụ kiện nhằm vào Cuba, ông nói và cho biết số tiền mà ông nhắm đến cho thiệt hại của Mỹ là ‘hàng ngàn tỉ đô la’.

Với vụ kiện tập thể thứ hai về tích trữ vật tư y tế, ông Alters chỉ ra rằng ‘khi dịch bệnh nổ ra ở Trung Quốc, họ đã đi khắp thế giới để mua trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) và ‘không cho phép các công ty Mỹ sản xuất khẩu trang ở Trung Quốc như 3M và Honeywell xuất khẩu hàng hóa đi Mỹ’.

“Khi dịch đã lắng lại ở nước họ và bùng phát trên thế giới họ lại đem vật tư y tế đó đi bán khắp nơi để thu lợi nhuận khổng lồ. Đó là hành vi trục lợi từ việc cố tình che giấu thông tin về dịch của họ,” ông phân tích.

“Vì lẽ đó mà Mỹ và phần còn lại của thế giới phải chịu hậu quả,” ông nói.






No comments: