Wednesday, April 15, 2020

VÀI NHẬN ĐỊNH SƠ LƯỢC VỀ VỤ HẢI DƯƠNG 8 (Đặng Sơn Duân)




15/04/2020

Như vậy, đến 17 giờ 45 ngày 15.4 tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng đội tàu hải cảnh hộ tống của Trung Quốc đã đi ra khỏi vùng thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia và đi vào vùng đặc quyền kinh tế Brunei, chuẩn bị đến vùng biển Malaysia với khả năng cao sẽ tiến xuống khu vực cụm bãi cạn Luconia.

Hiện chưa rõ phạm vi khảo sát đầy đủ của tàu Hải Dương 8 lần này nhưng hiện có năm khả năng:

– Chỉ khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế Malaysia xung quanh cụm bãi cạn Luconia.

– Khảo sát lấn sang cả vùng thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia.

– Khảo sát vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và Brunei.

– Khảo sát lấn cả ba khu vực là vùng thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia, vùng đặc quyền kinh tế Malaysia và vùng đặc quyền kinh tế Brunei.

– Một khả năng khác không thể không bàn tới là tất cả hoạt động khảo sát chỉ là nghi binh, “giương đông kích tây” để Trung Quốc ra tay ở một khu vực khác, chẳng hạn như bãi Ba Đầu ở cụm Sinh Tồn, nơi nhiều tàu dân binh Trung Quốc đã xuất hiện kể từ giữa tháng 2. Không loại trừ khả năng Trung Quốc toan tính hạ đặt cấu trúc phi pháp nhằm kiểm soát bãi này.

Về mặt thời điểm, ngoài việc lợi dụng tình hình dịch bệch do virus bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc chọn thời điểm triển khai để tàu khảo sát chỉ đến khu vực ngay sau khi kết thúc Hội nghị cấp cao trực tuyến đặc biệt ASEAN và ASEAN+3. Có khả năng Trung Cộng chọn tiến hành sau thời điểm này để tránh bị công kích hay tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra một động thái thể hiện đoàn kết nào đó.

Ngoại trừ kịch bản nghi binh, trong bốn kịch bản còn lại, Malaysia là đối tượng đầu tiên bị nhắm tới. Có một số lý do để Bắc Kinh chọn gây sức ép với Kuala Lumpur:

– Thứ nhất, Malaysia là quốc gia cuối năm 2019 đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc bản đồ ranh giới thềm lục địa của nước này ở Biển Đông. Tuy có khúc mắc với Việt Nam về việc lấn vào phía tây nam thềm lục địa mở rộng ở phía bắc của Việt Nam và với Philippines, nhưng Trung Quốc là quốc gia cay cú nhất vì với động thái của mình, Malaysia đã bác bỏ cái gọi là “đường lưỡi bò” ở Biển Đông.

– Thứ hai, Trung Quốc phản ứng việc Malaysia triển khai tàu khoan West Capella hoạt động ở lô ND1 trong thềm lục địa chồng lấn giữa Malaysia. Đây có thể là cách Trung Quốc gây sức ép như từng triển khai Hải Dương 8 để phản ứng việc Việt Nam đưa giàn khoan Hakuryu 5 ra lô 6.1.

– Thứ ba, Trung Quốc có thể muốn thử thách mức độ chịu nhiệt của chính quyền tân thủ tướng Muhyiddin Yassin, người vừa nhậm chức vào tháng 3.

– Thư tư, “thừa nước đục thả câu”, lợi dụng tình hình dịch bệnh để tiếp tục đẩy mạnh triển khai chiến lược “tằm ăn dâu” của mình ở Biển Đông.

Về phía Việt Nam, đối với kịch bản nghi binh, Việt Nam chắc chắn sẽ không mất cảnh giác và cản phá quyết liệt của Trung Quốc, vốn đi ngược với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tuy nhiên, không loại trừ quá trình cản phá có thể châm ngòi cho một vụ va chạm, đặc biệt khi nhóm tàu sân bay Liêu Ninh đang có mặt ở Biển Đông.

Hai kịch bản còn lại liên quan trực tiếp đến Việt Nam là tàu khảo sát Trung Quốc đi vào khu vực thềm lục địa chồng lấn. Cả trong trường hợp này, Việt Nam dĩ nhiên sẽ triển khai lực lượng để đẩy đuổi, dù có thể chỉ mang tính biểu tượng. Tuy nhiên, có hai điểm sẽ ảnh hưởng đến tính toán của Việt Nam.

Đầu tiên khu vực tàu khảo sát ở đây cách khá xa so với bờ biển (hơn 300 hải lý) sẽ ảnh hưởng đến khả năng triển khai lực lượng tàu bè dày đặc như những lần Trung Quốc xâm phạm trực tiếp.

Thứ hai, khu vực biển tranh chấp với Malaysia này về mặt ý nghĩa chiến lược có thể không sánh bằng so với khu vực Tư Chính, vốn phải được bảo vệ bằng mọi giá.

Trong tình huống đó, Việt Nam với cương vị chủ tịch ASEAN cần phải chứng tỏ khả năng làm chủ cuộc chơi trong một năm dịch bệnh, vốn ít nhiều sẽ cản trở các hoạt động theo lịch trình.

Sự kề vai sát cánh giữa Việt Nam và Malaysia là thực sự cần thiết và hai nước thậm chí có thể xem xét khả năng cùng khởi kiện Trung Quốc liên quan đến khu vực này. Diễn biến tiềm tàng cũng sẽ thúc đẩy Việt Nam và Malaysia giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong tranh chấp giữa hai nước.

Với tình huống Trung Quốc gây sức ép với Malaysia hoặc Brunei hoặc cả hai, Việt Nam cũng cần phải mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ những người anh em trong cộng đồng ASEAN.

Khi tàu Hải Dương 8 xâm phạm vùng biển Việt Nam vào năm ngoái, thủ tướng Malaysia khi đó là Mahathir Mohamad trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 8 cũng đã ra tuyên bố chung bày tỏ lo ngại nghiêm trọng.

Việt Nam phải chủ động lên tiếng phản đối, vạch mặt Trung Quốc, không chỉ trên cương vị chủ tịch ASEAN và giữ vững sự đoàn kết ASEAN trong việc lên án Bắc Kinh.

Ở cương vị chủ tịch ASEAN, Việt Nam đứng trước thách thức phải bảo đảm rằng những kịch bản từng xảy ra với chính mình sẽ không lặp lại với các thành viên khác, khi một số nước tỏ ra bàng quang với những nỗ lực vận động lên án mạnh mẽ Trung Quốc của Việt Nam.

Đừng để như lời một cư dân mạng Trung Quốc am hiểu hoạt động của hải cảnh nước này châm biếm khi hay tin Malaysia là đích ngắm của Trung Quốc: Đài truyền hình Việt Nam có thể an tâm chiếu phim về hội nghị Thành Đô.












No comments: