Wednesday, April 15, 2020

MỘT NGÔI LÀNG Ở VIỆT NAM TRỞ THÀNH BIỂU TƯỢNG XUNG ĐỘT ĐẤT ĐAI (David Brown - Asia Sentinel)





David Brown  -  Asia Sentinel
 Song Phan dịch
15/04/2020

Đồng Tâm là một ngôi làng cổ ở rìa phía tây của đồng bằng sông Hồng. Về mặt hành chính, nó đã được sáp nhập vào thủ đô Hà Nội, hiện là ngôi làng có tám triệu dân. Tuy nhiên, về mặt xã hội và văn hóa, Đồng Tâm vẫn là một thế giới khác. Đó là ngôi làng của những người nông dân, đã canh tác với đất đai giàu phù sa trong vùng, hàng trăm năm qua.

Một cuộc đối đầu đầy xáo động giữa dân làng và cảnh sát hồi tháng 4 năm 2017 đã đưa Đồng Tâm khỏi sự mờ mịt thôn dã. Vấn đề ở đây là vấn đề bình thường ở vùng ven các thành phố Việt Nam, đó là quyền sử dụng đất.

Đại diện chính quyền thành phố Hà Nội đã tìm cách thuyết phục khoảng ba mươi gia đình, rằng việc họ khiếu kiện về quyền canh tác ở một lô đất 59 ha là không hợp lệ. Sau ba năm thương lượng không có kết quả, sự kiên nhẫn của các quan chức bị bào mòn. Khi bốn đại diện của các gia đình đến dự một cuộc họp khác, họ đã bị bắt và đưa đi. Ngay sau đó, đám đông giận dữ đã tiến vào hội trường xã và bắt giữ con tin: 38 cảnh sát cơ động và các quan chức địa phương.

Suốt cả một tuần, sự bế tắc làm sáng rực trên Facebook, vốn là nơi thích hợp cho những tin tức mà báo chí dưới sự kiểm soát của nhà nước không được phép đưa ra. Nhớ lại các cuộc đụng độ bạo lực khác liên quan tới các vụ thu hồi đất, ý kiến trên mạng dự đoán rằng, mọi thứ sẽ không tốt cho nông dân; chính quyền sẽ đánh trả thôi.

Và rồi chủ tịch Hà Nội đã đến Đồng Tâm và hứa rằng, nếu con tin được thả thì bốn đại diện gia đình bị công an bắt giữ cũng sẽ được trả tự do. Hơn nữa, không ai trong số những người phản đối sẽ bị trừng phạt vì chống lại chính quyền, và sự tiến triển của tranh chấp quyền sử dụng đất “sẽ được thẩm tra kỹ lưỡng”.

Dư luận Việt Nam rất ấn tượng. Tôi cũng thế. Tôi đã viết rằng, “cách quản lý cuộc đối đầu của chủ tịch Chung có thể đánh dấu một bước ngoặt. Các quan chức Việt Nam thường xuyên (và xứng đáng) bị xem như là những kẻ ác trong các vụ tranh chấp đất đai. Lần này, các quan chức cấp cao của thủ đô đã kết thúc tình huống con tin theo hướng thỏa mãn ý thức về ‘chơi đẹp’ của công chúng“.

Thỉnh thoảng sau đó, Đồng Tâm lại xuất hiện trên bản tin quốc nội. Sự tranh chấp đất đai không biến mất; trên thực tế, chính quyền dường như ngày càng ít muốn đền bù dân làng trong việc lấy lô đất đang có vấn đề này. Sau khi rà soát lại hồ sơ địa chính, Thanh tra Hà Nội kết luận rằng, lô đất này chắc chắn đã được dành riêng cho mục đích quốc phòng vào năm 1980, và việc các gia đình đã từng canh tác lô đất đó trong nhiều thế hệ chẳng có tác dụng gì. Thanh tra nhắc nhở rằng, dù đất nông nghiệp của Việt Nam thuộc quyền sở hữu của “toàn dân”, Nhà nước quản lý và có thể chỉ định lại việc sử dụng đất đai cho một mục đích khác khi có nhu cầu công cộng.

Bây giờ nói tới sự kiện xảy ra rạng sáng ngày 9/1/2020, chỉ hai tuần trước Tết Nguyên đán. Ở phía bắc đường 429, chính quyền đã bắt đầu xây dựng một bức tường ngăn chận dân làng, không cho tiếp cận khu đất tranh chấp. Đêm đó, theo Bộ Công an, một nhóm dân làng đã tấn công cảnh sát đang bảo vệ công trường. Họ trang bị lựu đạn, bom xăng và giáo mác. Bị đẩy lùi, dân làng rút về nhà. Bộ Công an cho biết, cảnh sát đã đuổi theo. Trong khi đánh đấu nhau tiếp theo tại nhà của ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, là thủ lĩnh của những người dân làng này, ông bị giết với một quả lựu đạn trong tay; ba sĩ quan cảnh sát cũng bị đâm chết.

Vài ngày sau, ba sĩ quan – một thượng tá, một trung uý và một thiếu úy – được vinh danh là liệt sĩ anh hùng, nạn nhân của khủng bố. Tuy nhiên, những phiên bản của Bộ Công an về các sự kiện bắt đầu được làm sáng tỏ. Những bài viết đăng các trên phương tiện truyền thông độc lập đã mô tả một cuộc điều quân quá lớn: Có khoảng 3000 binh sĩ vây bọc quanh ngôi làng khi mọi người đang say ngủ vào khoảng 3 giờ sáng ngày 9 tháng 1, một đơn vị cảnh sát cơ động đã triển khai đến nhà ông Kình. Không rõ họ có ý định giết vị cựu lãnh đạo làng này hay không; dù có hay không thì ông Kình đã chết bởi các vết thương do đạn bắn vào đầu và ngực. Vợ ông, mấy người con lớn và một số hàng xóm, cả thảy 26 người bị bắt, bị buộc tội là đồng phạm trong một “âm mưu chống lại và tấn công chính quyền“.

Trên truyền hình quốc gia, tối 13/1, con trai và cháu nội ông Kình thú nhận, đã tiếp tay ông chống cự và giết chết các sĩ quan cảnh sát. Có thể thấy được các vết bầm trên mặt họ. Trong khi đó, thi thể bị đánh dập của ông Kình được trả về cho gia đình; vợ ông được thả, và trong một đoạn clip quay vào ngày tang lễ ông Kình, bà vợ nói rằng, cảnh sát đã buộc bà phải thú nhận rằng chồng bà chết với một quả lựu đạn trong tay khi chống lại việc bắt giữ.

Sau đó vào ngày 14/1, Bộ Công an đã chỉnh lại chi tiết về cái chết của ba sĩ quan. Bộ Công an cho biết, họ không bị đâm mà cả ba người rơi vào một giếng thông gió khi băng qua mái nhà của ông Kình và bị các đồng bọn khát máu tưới xăng thiêu chết.

Không lâu sau đó, một nhóm trí thức độc lập đã đi xe từ Hà Nội đến hiện trường, nơi xảy ra những sự kiện này. Báo cáo của họ được chuyển tới các cơ quan tư pháp và rò rỉ tới các nhà báo thân thiện, khẳng định rằng, không có bằng chứng nào về một vụ cháy ở đáy giếng thông gió và, hơn nữa, việc phân tích kiểu hình các lỗ đạn trong phòng ngủ của ông Kình cho thấy, không có chuyện đánh nhau, mà chỉ có chuyện giết người.

Sau đó, ở Việt Nam, sự chú ý của công chúng đã rơi vào kỳ nghỉ sắp xảy ra và chỉ vài ngày sau đó, rơi vào việc lo lắng virus corona sẽ sớm lan sang Việt Nam. Đó cũng là lúc trùng hợp với thời điểm tôi đến Việt Nam bốn tuần và lấy thông tin “dư luận” từ những người thạo tin (tôi đã hỏi khoảng hai chục người quen) về trận đánh Đồng Tâm thứ 2.

Về những gì thật sự đã xảy ra, có những  mâu thuẫn trong dư luận rất đáng kể. Như chế độ Hà Nội mong muốn, người dân Việt Nam không dễ tiếp cận tin tức về các sự kiện ở Việt Nam từ các nguồn bên ngoài. Để mở các trang tin của Đài Á Châu Tự Do, BBC, hoặc một vài trang web ở nước ngoài do các nhà bất đồng chính kiến điều hành, họ phải kết nối thiết bị của mình với một máy chủ bên ngoài Việt Nam, thông thường qua VPN. Ngay cả những người am hiểu về công nghệ thông tin, cũng thấy ít tẻ nhạt hơn khi đăng nhập vào Facebook, nơi mà họ đào xới từ một mớ bòng bong ý kiến trái chiều và lời công kích nặng nề vống lên từ một vài sự kiện – đôi khi thật nhưng thường là giả. Dù đang đọc các bài báo trên các phương tiện truyền thông trong nước được cấp phép và bị giám sát chặt chẽ, hoặc kiểm tin tức lọc từ bên ngoài, họ vẫn là những người tiếp thu thông tin một cách hoài nghi.

Một luật sư trẻ mà tôi đã có dịp tiếp xúc là ngoại lệ; thật sự tức giận về những sự kiện gần đây ở Đồng Tâm. Anh ấy đã chuyển cho tôi một bài phân tích có vẻ rất chính xác về vụ này, để đập tan phiên bản của công an. Sau ba giờ đồng hồ miệt mài đọc qua tài liệu 33 trang (bằng tiếng Việt của GS Hoàng Xuân Phú: ND), tôi cũng tức giận theo.

Những người khác mà tôi gặp đã nói rằng, họ đã vô cùng sốc khi nghe thuật lại về cuộc đối đầu này. Tuy nhiên, một nửa số người đối thoại đã hoài nghi về đòi hỏi bồi thường của dân làng; một số người tin rằng chính quyền xã này từ lâu đã đưa ra các tài liệu sử dụng đất nguỵ tạo. Tuy nhiên, ngay cả những nguồn này cũng cho biết họ đã kinh hãi trước chiến thuật của cảnh sát và sau đó, bởi phiên bản tự tạo của Bộ Công an.

Có lẽ phản ứng nhất quán nhất mà tôi nghe được là sự hối tiếc rằng, xung đột về quyền sử dụng đất vẫn còn quá phổ biến, một vết thương chưa được chữa trên cơ thể chính trị.
Một vài người đối thoại với tôi, nói rằng, sự cố Đồng Tâm lần thứ hai đã nhắc họ nhớ tới dịp Tết cách đây 8 năm, khi nông dân Đoàn Văn Vươn và các em ông tự rào chắn khu đất nuôi trồng thuỷ sản của họ và suốt một ngày, với mìn tự chế và súng hoa cải mua ở chợ đen, đã chống lại 80 cảnh sát được lệnh chiếm đất.

Vụ đó và những vụ khác tương tự mặc dù không quá kịch tính, đã thúc đẩy mong muốn mạnh mẽ về việc sửa đổi Luật Đất đai trong công chúng Việt Nam. Có lập luận rằng, nông dân nên được bảo đảm sở hữu mãnh đất mà họ đang canh tác hoặc, nếu như nó bị thu hồi vì mục đích công cộng chính đáng, họ cần được bảo đảm bồi thường một cách công bằng.

Cuối cùng, không có gì thay đổi nhiều. Ở vùng ngoại ô các thành phố đang phát triển nhanh của Việt Nam, việc chiếm lấy đất vẫn còn phổ biến. Dân làng phản đối, nhưng cuối cùng họ cũng buộc phải chấp nhận đền bù một phần nhỏ giá trị đất khi nó được chuyển đổi sang mục đích thương mại. Các quan chức thực hiện việc này bỏ túi riêng phần lợi lộc đáng kể dưới gầm bàn và bên thứ ba, điển hình là nhà phát triển bất động sản hoặc doanh nghiệp liên kết với nhà nước như Viettel, né tránh đền bù với giá phải chăng cho người đã canh tác đất ấy.

Sau trận đấu đầu tiên ở Đồng Tâm, vụ bắt giữ con tin vào tháng 4 năm 2017, sự can thiệp của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung có thể được coi là đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách đất đai, thậm chí một loạt cải cách làm giảm vai trò của các quan chức địa phương như là trung gian giữa nông dân và nhà phát triển. Thật khó để tin rằng, việc ông Chung làm không có sự đồng ý của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, lúc đó, vẫn có những người hoài nghi, coi đây chỉ là một cuộc rút quân chiến thuật của nhà nước, với các biện pháp trừng phạt phải tuân theo.

Có vẻ như những người hoài nghi đã đúng.





No comments: