Wednesday, April 29, 2020

KIỀU CHINH : HÀNH TRÌNH CHÔNG GAI CỦA MỘT NGƯỜI TỊ NẠN ĐẾN HOLLYWOOD (Hoài Hương - VOA)



28/04/2020

Đúng vào ngày này 45 năm về trước, Kiều Chinh đang trên một chuyến bay vòng quanh thế giới bất tận. Máy bay đáp xuống phi trường của những thành phố hoa lệ nhất thế giới, nhưng không thành phố nào mở cửa đón chào nữ minh tinh màn bạc hàng đầu của miền Nam Việt Nam bởi vì Kiều Chinh bỗng nhiên trở thành một người vô tổ quốc, mang passport ngoại giao của một chính phủ không còn được công nhận. 45 năm sau, Kiều Chinh kể lại với VOA về bước đầu gian nan của cuộc đời một người tị nạn Việt Nam, phấn đấu làm lại cuộc đời từ con số không, để cuối cùng tìm lại cho mình một chỗ đứng dưới ánh mặt trời tại Hollywood, thủ đô điện ảnh của thế giới.

Kiều Chinh trong phim The Joy Luck Club. Ảnh chụp ngày 22/9/2015 tại Hungtington Beach, California.(AP Photo/Nick Ut)

Thân phận tị nạn, vô tổ quốc

“Tôi hiểu rằng tôi phải ra đi. Lúc đó đi không phải là dễ, dù rằng trong tay tôi có passport diplomatique. Sang tới Singapore, ngay lập tức tôi bị tống vào tù là bởi vì cái passport diplomatique không còn hiệu lực. Họ nói cái passport đó thuộc về một chính phủ không còn power,” Kiều Chinh chia sẻ với VOA.

Kiều Chinh trong vai ni cô Như Ngọc trong phim "Hồi Chuông Thiên Mụ" (1957)


Đó là khoảnh khắc không bao giờ quên trong cuộc đời đầy thăng trầm của cựu ngôi sao điện ảnh miền Nam Việt Nam, khi Kiều Chinh nhận thức được thân phận của một người vô tổ quốc, và thấm thía nỗi mất mát to lớn của mình trong những ngày cuối cùng dẫn tới biến cố 30/4/1975. Mất hết tất cả, gia đình, tiền tài, danh vọng, Kiều Chinh trở thành người nhập cảnh bất hợp pháp tại nơi mà chỉ hơn một tuần trước, bà từng được săn đón trong tư cách là minh tinh màn bạc trong một bộ phim đình đám, vừa quay xong vào ngày 15/4/1975.

Cãi lại lời khuyên gia đình, bà trở về giữa một Sài Gòn đang hấp hối. Tất tả ra đi một tuần sau đó, bà đã phải trả những cái giá đắt cho quyết định đó. Với sự can thiệp của các nhà ngoại giao và bạn bè, Kiều Chinh được thả khỏi nhà tù với điều kiện phải lập tức rời Singapore.

Sau một chuyến bay vòng quanh thế giới dài như vô tận, Kiều Chinh đáp xuống phi trường Toronto vào 6 giờ chiều ngày 30/4/1975, và nghiễm nhiên trở thành một người tị nạn.

Như hàng trăm ngàn người tị nạn khác, Kiều Chinh đã trải qua những đắng cay của cuộc đổi đời, phải làm lại tất cả, từ hai bàn tay trắng để cuối cùng trở thành một trong những diễn viên gốc Việt được biết tiếng nhiều nhất ở Hollywood.

Kiều Chinh không bao giờ quên được cú điện thoại đã giúp bà thoát cảnh cơ cực với công việc dọn chuồng gà trong những ngày đầu tị nạn tại Canada. Dốc hết số tiền dành dụm được, Kiều Chinh gọi cho một số đồng nghiệp và bạn cũ ở Hollywood. Thất vọng vì không gặp được ai, bà đánh liều với số tiền còn lại vào một cú điện thoại cuối cùng, và bắt liên lạc được với một phụ nữ chỉ gặp qua một lần ở Sài Gòn: minh tinh màn bạc Mỹ Tippi Hedren.

Tippi Hedren


“Tôi gọi cầu may vậy thôi, nhưng tôi ngạc nhiên khi bà là người nhấc máy điện thoại trả lời. Tôi nói “Tippi, đây là Kiều Chinh đây, tài tử Việt Nam ở Sài Gòn. Chúng ta gặp nhau cách đây 10 năm, có nhớ không? Bà ấy nói ối tôi mừng quá mừng quá! Khi Sài Gòn thất thủ tôi có nghĩ tới you. Tôi không biết you sống hay chết, đang ở đâu. Tôi khóc òa lên, tôi nói là tôi không còn tiền để mà nói tiếp nữa, xin gọi lại. Lúc bấy giờ tôi mới kể lại tình trạng của tôi. Bà ấy nói thôi đừng khóc nữa “Everything will be OK. Bà ấy đã mở vòng tay và trái tim ra và giúp đỡ tôi. Bà mua vé máy bay cho tôi từ Toronto đi sang Hollywood,” Kiều Chinh xúc động thuật lại.

Những bước đầu tại Hollywood

Chen chân vào thủ đô điện ảnh thế giới là điều không dễ dàng, dù Kiều Chinh được sự bảo trợ của một số bạn bè có thế lực ở Hollywood như tài tử William Holden và Tippi Hedren.

Kiều Chinh đã bỏ lỡ nhiều dịp may hiếm có như cơ hội được đóng một vai trong phim Apocalypse Now (1979), vì phim quay ở nước ngoài, không thể trở về Mỹ do tình trạng di trú bấp bênh trong thời gian đầu. Khởi sự với những vai nhỏ, Kiều Chinh đã bắt đầu thấy ánh sáng ở cuối đường hầm khi được chọn đóng vai cô bạn gái của nhân vật Hawkeye Pierce do tài tử Alan Alda đóng trong M.A.S.H., phim truyền hình nhiều tập rất ăn khách của Mỹ lúc bấy giờ.

Sự nghiệp điện ảnh của Kiều Chinh thực sự khởi sắc với phim Joy Luck Club, dựa trên một tiểu thuyết của Amy Tan. Kiều Chinh đóng vai một bà mẹ thời chiến đứt ruột bỏ lại hai đứa con song sinh dưới một gốc cây. Cảnh này, theo New York Times, là cảnh gây xúc động nhất trong phim Joy Luck Club.

Kiều Chinh đã truyền được cảm xúc của mình tới người xem vì liên tưởng tới cảnh đời thực, khi ở tuổi 15, bị cha bỏ lại tại phi trường để đi tìm người anh đã bỏ nhà ra đi theo cách mạng vào đêm trước khi gia đình di cư vào Nam.

Đây cũng là một trong những bộ phim đắc ý nhất của Kiều Chinh. “Cho tới bây giờ đi dâu, đi ngoại quốc, tôi mới ở Luân Đôn về, mới ở bên Pháp về, tôi đi đâu người ta cũng vẫn nhận ra mình trong phim Joy Luck Club, ngay cả trên máy bay, những người hôtesse de l’air cũng nhận ra mình, họ nói Wow! Trong phim Joy Luck Club phải không? Lại mang cho tôi một lon nước đặc biệt, hay là mang cho tôi một cái bánh đặc biệt, những cái nhỏ nhỏ đó nó làm cho mình ấm cúng lắm,” nữ minh tinh cho biết.

30th Annual GLAAD Media Awards

Thành tựu

Dù không tìm lại được vị thế ngôi sao điện ảnh hàng đầu đã mất khi Sài Gòn sụp đổ, nhưng Kiều Chinh đã nhiều lần được làng điện ảnh quốc tế vinh danh, trong số này phải kể đến Giải Emmy cho phim tài liệu ``Kieu-Chinh: A Journey Home'' – (Kiều Chinh: Hành trình trở về) của FOX Television (1996), Kiều Chinh cũng được trao Giải Nữ diễn viên Đặc biệt tại Đại hội Điện ảnh Delle Donne ở Ý (2003), Giải Thành tựu cả đời tại Liên hoan Điện ảnh Việt Nam Quốc tế (2003), và Thành tựu cả đời tại Liên hoan Phim San Diego (2006) cũng như tại Lễ hội Điện Ảnh San Francisco, Lễ hội Toàn cầu (2015).

Người nghệ sĩ đa năng đa tài hai lần phải bỏ lại tất cả sau lưng để đi tị nạn, lần đầu một mình xuôi Nam, và lần thứ nhì, bỏ xứ ra đi trên chuyến bay vòng quanh thế giới dài vô tận, Kiều Chinh nay đã chiếm được một chỗ đứng đặc biệt trong xã hội Mỹ, quê hương thứ hai, và trong trái tim của cộng đồng người Việt khắp nơi.

Kiều Chinh từng được Quốc hội Hoa Kỳ vinh danh là “Người Tị nạn Trong Năm” vào năm 1990. Kỷ niệm 60 năm bà hoạt động trong ngành điện ảnh, Dân biểu Luis Correa đại diện bang California đã vinh danh Kiều Chinh tại Hạ viện Hoa Kỳ về những đóng góp to lớn cho kỹ nghệ điện ảnh và cho các hoạt động thiện nguyện, phục vụ các cộng đồng trên khắp thế giới.

Kiều Chinh là phụ nữ Việt Nam đầu tiên được mời phát biểu tại lễ Kỷ niệm 10 năm Ngày đặt viên đá đầu tiên để xây Tượng đài Chiến tranh Việt Nam ở thủ đô Washington vào năm 1992.

Kiều Chinh còn có một cái tài khác ít được biết đến hơn. Từ năm 1993 tới nay, bà là một trong những diễn giả chuyên nghiệp của Greater Talent Network, thường xuyên được mời phát biểu hay đọc diễn văn tại các sự kiện lớn, như các hội nghị, hội thảo của giới khoa bảng và các đại học trên khắp nước Mỹ.

Kiều Chinh chia sẻ với VOA một kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp làm diễn giả khi bà được mời đọc diễn văn khai mạc một sự kiện của Hội Phụ nữ Toàn quốc Mỹ, đúng một ngày sau biến cố 11/9/2001.

“Nói gì với nhau, nói gì với nước Mỹ? Nói gì với những gia đình, nói gì với những người phụ nữ? Hôm đó tôi đi ra, thường thì trên sân khấu thì nào là đèn đóm, nhưng hôm ấy tôi đi ra, ngay lập tức tôi tắt đèn xuống, ngay lập tức tôi ngỏ lời cầu nguyện. Cầu nguyện cho những nạn nhân vừa chết, cầu nguyện cho nước Mỹ và nói lên tấm lòng, cảm xúc của người phụ nữ. Tôi là người sanh đẻ ở một quê hương chiến tranh, lớn lên trong chiến tranh, gia đình tôi cũng từng bị tan nát, hàng ngày tôi cũng đã chứng kiến biết bao nhiêu người nằm xuống, bao nhiêu là đổ máu…”

Bài diễn văn của Kiều Chinh, không có thì giờ để soạn trước vì vụ khủng bố xảy ra đột ngột, hoàn toàn dựa trên cảm xúc, đã đi thẳng vào trái tim của người nghe. Cử tọa đã đồng loạt đứng lên vỗ tay không dứt.

Người phụ nữ Đông phương, người con của Hà Nội

Sinh hoạt và làm việc với người Tây Phương, sinh sống ở hải ngoại lâu hơn thời gian ở Việt Nam, nhưng Kiều Chinh không bao giờ quên nguồn cội và luôn giữ trong tim hình ảnh của Hà Nội, vì theo lời bà, ‘thời gian ở Hà nội là thời gian hạnh phúc nhất, còn có sự yêu thương và đùm bọc của bố, của anh’.

Trong những lần xuất hiện tại những sự kiện điện ảnh hay hội nghị, hội thảo quốc tế hoặc những buổi vinh danh những đóng góp của người Mỹ gốc Việt, Kiều Chinh luôn luôn mặc áo dài, và vẫn giữ nguyên vẻ khả ái, dịu dàng, nền nếp của một phụ nữ Đông phương.

Bà chia sẻ:
“Tôi luôn luôn hãnh diện là người Việt Nam, tôi luôn luôn mặc áo dài Việt Nam, như lần lãnh Emmy Award cho documentary về Việt Nam ... Tôi nghĩ rằng đó là thái độ của một người tự hào về nguồn gốc của mình”.

Hai lần phải bỏ lại tất cả sau lưng để đi tị nạn, nghị lực nào, động lực nào đã thúc đẩy Kiều Chinh tiếp tục cuộc hành trình, và đến tuổi bát tuần, vẫn làm việc, vẫn đóng góp cho xã hội?

“Tôi có những bất hạnh trong đời. Tôi cũng có may mắn vô cùng. Tôi bị vấp ngã rất nhiều lần, nhưng luôn luôn cố gắng để đứng dậy, và tôi luôn luôn có sự giúp đỡ của bề trên, không biết bằng cách nào đó đã cho tôi cái sức mạnh đó,” Kiều Chinh bộc bạch.

Mất mẹ từ lúc lên 6, xa bố từ tuổi 15 để không bao giờ được gặp lại, đau xót trong lần trở về thăm mộ cha, gặp lại người anh sau 41 năm xa cách... Cuộc đời ba chìm bảy nổi của Kiều Chinh, quả như lời một nhà báo của New York Times, là một bộ phim đời thực có những tình tiết còn gay cấn hơn cả những câu chuyện mà bất cứ một nhà viết truyện phim nào có thể tưởng tượng.

Xin chân thành cảm ơn Kiều Chinh đã dành cho VOA-Việt ngữ cuộc phỏng vấn này.








No comments: