Sunday, April 19, 2020

HỆ QUẢ ĐỊA CHÍNH TRỊ CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19, THẬT KHÔNG MAY, SẼ CÒN KÉO DÀI (The Economist)




The Economist, 18/4/2020

CÓ PHẢI TRUNG QUỐC ĐANG CHIẾN THẮNG?

Năm 2020 đã bắt đầu ở Trung Quốc một cách thật đáng sợ. Khi một loại virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp lây lan ở Vũ Hán, các quan chức của Đảng Cộng sản, vốn hành động theo bản năng, đã che giấu nó. Ngay lập tức, một số người dự đoán rằng đây có thể là một vụ “Chernobyl của Trung Quốc”, hàm ý đến việc Đảng Cộng sản Liên Xô đã nói dối về thảm họa hạt nhân, và vì thế đã đẩy nhanh sự sụp đổ của Liên Xô. Nhưng những người này đã sai. Sau sự lúng túng ban đầu, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhanh chóng áp dụng một chế độ kiểm dịch quy mô lớn về phạm vi và với mức độ cảnh báo nghiêm trọng ở mức cao. Việc giãn cách xã hội dường như đã trở nên hiệu quả. Số lượng các trường hợp dương tính mới với covid-19 đã chậm lại một cách nhỏ giọt. Các nhà máy ở Trung Quốc đang mở cửa trở lại. Các nhà nghiên cứu đang khẩn trương đưa các loại vắc-xin vào thử nghiệm. Trong khi đó, số người chết, theo số liệu chính thức, tại Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Hoa Kỳ đã tăng mạnh.

Trung Quốc ca ngợi đây là một chiến thắng. Một chiến dịch tuyên truyền rộng lớn giải thích rằng Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh nhờ sự cai trị độc đảng mạnh mẽ. Đất nước này hiện đang thể hiện sự nhân đạo của mình bằng cách cung cấp cho thế giới bộ dụng cụ y tế, bao gồm gần 4 tỷ khẩu trang từ ngày 1 tháng 3 đến ngày 4 tháng 4. Đất nước này đã hy sinh thời gian của nó để giúp cho phần còn lại của thế giới có thể chuẩn bị. Nếu một số nền dân chủ phương Tây đang lãng phí thời gian, thì điều đó cho thấy hệ thống chính quyền của họ kém hơn Trung Quốc.

Một số người, bao gồm cả những người theo dõi chính sách đối ngoại dễ bị kích động ở phương Tây, đã kết luận rằng Trung Quốc sẽ là người chiến thắng từ thảm họa covid. Họ cảnh báo rằng đại dịch sẽ được ghi nhớ không chỉ là một thảm họa của con người, mà còn là một bước ngoặt địa chính trị để loại nước Mỹ khỏi vị trí lãnh đạo toàn cầu.

Quan điểm đó đã bắt nguồn một phần do diễn biến thực tế. Tổng thống Donald Trump dường như không có hứng thú trong việc dẫn đầu trong sự phản ứng toàn cầu đối với virus. Các tổng thống Mỹ trước đây đã lãnh đạo các chiến dịch chống lại HIV/AIDS và Ebola. Trump đã tuyên bố sẽ ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì sự thiên vị của tổ chức này dành cho Trung Quốc. Với người đàn ông đứng đầu Nhà Trắng vốn đang tuyên bố rằng: “Tôi có quyền lực tuyệt đối”, nhưng lại bảo: “Tôi không phải chịu trách nhiệm gì cả”, Trung Quốc đang có cơ hội nâng cao tầm ảnh hưởng toàn cầu của mình.

Mặc dù vậy, Trung Quốc có thể sẽ không thành công. Có một điều là, không có cách nào để biết liệu kết quả của Trung Quốc trong nỗ lực đối phó với đại dịch covid-19 có ấn tượng như nước này tuyên hay không. Người ngoài không thể kiểm tra xem các quan chức bí mật của Trung Quốc có phải đã trung thực về số ca dương tính và ca tử vong do virus corona hay không. Một chế độ độc đoán có thể ra lệnh cho các nhà máy phải hoạt động, nhưng nó không thể buộc người tiêu dùng mua sản phẩm của của những nhà máy đó. Chừng nào đại dịch còn hoành hành, sẽ còn quá sớm để biết liệu mọi chuyện sẽ kết thúc với việc tin rằng Trung Quốc đã kiểm soát đại dịch thành công, hay nó sẽ đổ lỗi bằng cách đàn áp bác sĩ ở Vũ Hán - người đầu tiên đưa ra cảnh báo.

Một trở ngại khác là tuyên truyền của Trung Quốc thường rất thô bỉ và gây khó chịu. Những phát ngôn của Trung Quốc không chỉ đơn thuần là ca ngợi các nhà lãnh đạo của chính họ; một số phát ngôn còn tỏ ra hả hê vì sự rối loạn của chính quyền Hoa Kỳ, hoặc tuyên truyền các thuyết âm mưu rằng virus corona là một vũ khí sinh học của Hoa Kỳ. Trong mấy ngày gần đây, người châu Phi ở Quảng Châu đã bị đuổi khỏi nhà, bị cấm thuê khách sạn và sau đó bị quấy rối vì ngủ trên đường phố, rõ ràng vì các quan chức địa phương sợ rằng họ có thể bị nhiễm virus. Hoàn cảnh của họ đã tạo ra các tin tức đầy phẫn nộ trên truyền thông và sự phản ứng về ngoại giao trên khắp châu Phi.

Và các nước giàu thì đang nghi ngờ về động cơ của Trung Quốc. Margrethe Vestager, Giám đốc về cạnh tranh của EU, kêu gọi các chính phủ mua cổ phần trong các công ty chiến lược của nước họ để ngăn chặn Trung Quốc lợi dụng tình trạng hỗn loạn thị trường nhằm mua lại cổ phần với giá rẻ. Nhìn rộng hơn, đại dịch đã hình thành nên những lập luận rằng các quốc gia không nên phụ thuộc vào Trung Quốc cho các hàng hóa và dịch vụ quan trọng, từ máy thở đến mạng 5G. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự kiến thương mại toàn cầu sẽ giảm 13-32% trong ngắn hạn. Nếu điều này biến thành một cuộc “giải toàn cầu hóa” trong dài hạn, vốn đã là một mối lo ngại trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, thì điều này sẽ gây tổn hại cho Trung Quốc nhiều như bất cứ nơi nào trên toàn cầu.

Điều cơ bản hơn là: liệu các quốc gia khác có sẵn sàng chấp nhận để cho Trung Quốc thay thế Hoa Kỳ hay không. Chắc chắn, Trung Quốc sẽ không cố gắng tái tạo thế mạnh theo kiểu Hoa Kỳ: một mạng lưới các liên minh với các đế chế khổng lồ trong khu vực tư nhân nhằm thúc đẩy quyền lực mềm, từ Google và Netflix đến Đại học Harvard và Quỹ Bill Gates. Trung Quốc cho thấy nó dường như không muốn đảm nhận vị trí lãnh đạo mà sẽ có thể đẩy quốc gia này vào các cuộc khủng hoảng toàn cầu, như nước Mỹ đã từng trải qua từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai.

Một thử nghiệm về tham vọng của Trung Quốc sẽ là cách thức mà quốc gia này tiến hành trong cuộc đua sáng chế vắc-xin ngừa virus corona. Nếu Trung Quốc thành công đầu tiên, thì thành công này có thể được sử dụng như một chiến thắng của quốc gia và là nền tảng cho sự hợp tác toàn cầu. Một thử nghiệm khác là giảm nợ cho các nước nghèo. Vào ngày 15 tháng 4, nhóm G20, bao gồm cả Trung Quốc, đã đồng ý để các quốc gia mắc nợ tạm hoãn thanh toán nợ cho các quốc gia chủ nợ trong tám tháng. Trong quá khứ, Trung Quốc đã mặc cả về nợ nần đằng sau cánh cửa đóng kín và tiến hành song phương, một cuộc mặc cả giữa con rồng với bầy chuột, để tìm kiếm những nhượng bộ chính trị. Nếu quyết định của G20 được thực hiện, có nghĩa là Bắc Kinh hiện đang sẵn sàng hợp tác với với các chủ nợ khác, và tỏ ra hào phóng hơn, đó sẽ là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng chi tiền để có được vai trò mới trên toàn cầu.

Có lẽ Trung Quốc ít quan tâm đến việc điều hành thế giới, mà quan tâm hơn đến sự đảm bảo rằng các cường quốc khác không thể hoặc không dám cản trở nó. Trung Quốc đang cố gắng giảm tỷ lệ dự trữ bằng đồng đô-la [để thay thế bằng đồng nhân dân tệ (ND)] trên quy mô toàn cầu. Và họ đang nỗ lực để đưa các nhà ngoại giao của mình vào các vị trí có ảnh hưởng trong các tổ chức đa phương, để họ có thể định hình các quy tắc toàn cầu, về quyền con người, hay quản trị internet. Một lý do khiến Trump phải chiến đấu với những kẻ khiến Hoa Kỳ trở nên tồi tệ hơn là vì điều đó khiến ông có vẻ xứng đáng hơn với vị trí Tổng thống Hoa Kỳ.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang phải điều hòa giữa tham vọng toàn cầu rộng lớn với một sự thận trọng trong việc cai trị một đất nước 1,4 tỷ dân. Họ không cần phải tạo một trật tự quốc tế dựa trên quy tắc mới từ đầu. Họ có thể thích tiếp tục thúc đẩy các trụ cột toàn cầu của trật tự, mà Hoa Kỳ xây dựng sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, trở nên lung lay, để một Trung Quốc đang trỗi dậy sẽ không bị kiềm chế.

Đây không phải là một triển vọng tốt lành. Cách tốt nhất để đối phó với đại dịch và hậu quả kinh tế của nó là phải hành động ở quy mô toàn cầu. Các vấn đề như như tội phạm có tổ chức và biến đổi khí hậu cũng vậy. Những năm 1920 đã cho thấy những gì sẽ xảy ra khi các cường quốc trở nên ích kỷ và vội vàng lợi dụng những rắc rối của các quốc gia khác. Sự bùng nổ đại dịch covid-19 cho đến nay đã gây ra nhiều sự lợi dụng để giành lợi thế từ nhiều quốc gia. Trump phải rất nỗ lực để hiện tượng này không tiếp tục diễn ra. Đối với Trung Quốc, để quốc gia này theo đuổi một hành động mang tính lợi dụng như vậy sẽ không phải là một chiến thắng mà là một bi kịch.


GÂY ẢNH HƯỞNG TOÀN CẦU – CẢM ƠN NGƯỜI ANH CẢ TẬP CẬN BÌNH

Trong trường hợp thiếu sự lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ nhận ra đây một cơ hội để tăng cường sức mạnh của mình. Trung Quốc gọi đây là hoạt động viện trợ khẩn cấp lớn nhất mà họ đã thực hiện ở nước ngoài kể từ năm 1949, khi Đảng Cộng sản bắt đầu nắm quyền. Hầu như không có ngày nào trôi qua mà lại không có tin tức về nỗ lực viện trợ thiết bị y tế của Trung Quốc, từ khẩu trang đến máy thở, cùng sự biết ơn của người được nhận tài trợ; và của các đội y tế Trung Quốc bay ra nước ngoài để giúp các quốc gia chiến đấu với đại dịch covid-19. Chỉ vài tuần trước, Trung Quốc là nạn nhân lớn nhất của virus, và chính phủ của họ đã bị xua đuổi vì hành vi che đậy sự bùng phát ban đầu của đại dịch. Bây giờ, Trung Quốc đang cố gắng vẽ một bức tranh mới của chính mình như là một mô hình để kiểm soát đại dịch, và là vị cứu tinh của thế giới.

Phương tiện truyền thông của nhà nước Trung Quốc luôn có mặt để ca ngợi mỗi đóng góp, cho dù nhỏ. Vào ngày 21 tháng 3, một chuyến tàu chở hàng khởi hành từ thành phố Nghĩa Ô phía Đông Trung Quốc đi đến Madrid, cách đó hơn 13.000 km. Ngoài hàng hóa thương mại là 110.000 khẩu trang và gần 800 bộ quần áo bảo hộ được tài trợ bởi một công ty nhà nước (họ đã đến hơn hai tuần sau đó). Khoản viện trợ trị giá dưới 50.000 đô la. Nhưng một trang web truyền thông nhà nước gọi nó là một “bước ngoặt mới” trong việc xây dựng một “con đường tơ lụa sức khỏe”. Trong số những khẩu hiệu được dán trên tàu có một câu nói: Xin mời đến đây, hỡi các hiệp sĩ đấu bò tót!

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc đang chuyển sự chú ý đến hoàn cảnh của các quốc gia khác. Dữ liệu liên quan đến đại dịch covid của Trung Quốc rất đáng ngờ, nhưng rõ ràng nó đã suy giảm đáng kể các trường hợp nhiễm virus ở trong nước. Hầu như tất cả các ca dương tính mới được được phát hiện của Trung Quốc đều liên quan đến du khách từ nước ngoài. Là nhà sản xuất lớn nhất thế giới của hầu hết các bộ dụng cụ y tế cần thiết nhất trên toàn cầu, và với nhu cầu riêng giảm đi nhiều, Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia khác. Thật vậy, trong một đại dịch, giúp đỡ người khác cũng là để giúp chính mình, như người phát ngôn của Trung Quốc từng nói.

Tuy vậy, Trung Quốc cũng nhìn thấy phần thưởng chính trị tiềm năng. Một hệ quả trực tiếp là Trung Quốc tăng cường sức mạnh của nó ở nước ngoài. Ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, Trung Quốc đã cạnh tranh quyết liệt với Mỹ để giành ảnh hưởng toàn cầu. Bây giờ Trung Quốc thấy nước Mỹ đang bị tê liệt bởi virus corona, và tổng thống Donald Trump đang dò dẫm để đối phó với cuộc khủng hoảng và không muốn tiến hành một nỗ lực quốc tế để chống lại căn bệnh này. Tại Đại hội Đảng năm 2017, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết đất nước của ông sẽ trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu vào giữa thế kỷ về “tầm ảnh hưởng quốc tế”. Mục tiêu đó thể hiện rõ trong các mô tả của Trung Quốc về cách mà thế giới nên thực hiện để đối phó với đại dịch covid. Thế giới nên coi Trung Quốc đang lãnh đạo tiến trình đối phó với đại dịch ở quy mô toàn cầu.

Một lợi ích chính trị khác mà Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể hy vọng sẽ gặt hái được là ở trong nước. Phát huy sự giúp đỡ của Trung Quốc cho các quốc gia bị ảnh hưởng và mong muốn học hỏi từ thành công của Trung Quốc sẽ giúp làm chệch hướng sự chỉ trích của công chúng về phản ứng chậm chạp của Đảng đối với đại dịch này, đặc biệt là việc bịt miệng các bác sĩ đã chia sẻ thông tin về đại dịch này trên mạng Internet, và việc không cảnh báo công dân mặc dù có bằng chứng lây nhiễm từ người sang người. Truyền thông nhà nước nhấn mạnh rằng cuộc chiến của Trung Quốc với đại dịch covid-19 đã cho thấy “sự ưu việt” của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, với khả năng “độc đáo” của đất nước này trong việc điều phối nguồn lực con người và các nguồn lực khác. Việc đánh bóng hình ảnh của Chủ tịch Tập Cận Bình như một nhân vật tầm cỡ toàn cầu đã giúp củng cố thông điệp này. Bất kỳ cuộc gọi điện thoại nào giữa Tập và một nhà lãnh đạo thế giới để thảo luận về cuộc khủng hoảng đều lập tực được đưa lên truyền hình nhà nước mỗi đêm, bất kể nội dung các cuộc điện đàm có công khai hay không. Các tin tức này khiến Tập trở thành một chính khách rộng lượng và đáng tin cậy.

Tuyên truyền của Đảng về nỗ lực viện trợ được dẫn dắt bởi các câu khẩu hiệu của Tập. Đi theo “con đường tơ lụa sức khỏe” theo đường sắt từ Trung Quốc đến Tây Ban Nha đã trở thành một biểu tượng. Phép ẩn dụ này được Tập sử dụng lần đầu tiên vào năm 2017, khi Trung Quốc ký thỏa thuận với Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) để thành lập một hợp phần liên quan đến y tế thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu của Trung Quốc (mà WHO là tổ chức đầu tiên đăng ký tham gia). Ý tưởng Vành đai và con Đường, và tất cả các chương trình đánh bóng thương hiệu liên quan đến ý tưởng này đều được liên kết chặt chẽ với Tập. Nội dung của chúng thật mơ hồ, không có định nghĩa rõ ràng nào được đưa ra, về một con đường tơ lụa mới. Nhưng ý định là rất rõ ràng: mô tả Trung Quốc về cơ bản là một quốc gia hiền lành. Các con đường trải dài trên toàn cầu, nhưng tất cả đều dẫn đến Trung Quốc.

Trong các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo thế giới về viện trợ liên quan đến đại dịch covid-19, Tập thích sử dụng một cách diễn đạt yêu thích khác: “xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung cho nhân loại”. Nghe có vẻ vô hại, nhưng trung tâm của ý tưởng này là một nguyên tắc khiến Trung Quốc trở nên đáng mến, đó là tôn trọng các quốc gia khác bất kể hệ thống chính trị của họ như thế nào. Các công thức khác nhau đã được sử dụng từ thời Mao Trạch Đông (thuật ngữ được ưa chuộng của Mao, “năm nguyên tắc của sự chung sống hòa bình”, vẫn còn được sử dụng). Điều đó có nghĩa là các quốc gia khác nên bỏ qua bất kỳ sự hiểu lầm nào về cách thức mà Đảng Cộng sản đang cai trị Trung Quốc, và thể hiện sự tôn trọng với Trung Quốc.

Vào ngày 26 tháng 3, tại một cuộc họp trực tuyến của các nhà lãnh đạo khối G20, Tập đã đề nghị chia sẻ kinh nghiệm của Trung Quốc về việc chống lại căn bệnh này và hợp tác trong việc tìm kiếm vắc-xin bằng cách nhấn mạnh cam kết của Trung Quốc đối với “khái niệm về một cộng đồng nhân loại cùng chia sẻ tương lai chung”. Hai ngày trước đó, Tập đã khẳng định với tổng thống của Kazakhstan, Kassym-Jomart Tokayev, rằng “sự cấp bách và tầm quan trọng” trong việc tạo ra một cộng đồng như vậy đã trở nên “rõ ràng hơn bao giờ hết” trong suốt đại dịch.

Một số nhà bình luận về Trung Quốc nói rằng viện trợ y tế của đất nước này có thể giúp củng cố “quyền lực mềm” đầy hấp dẫn của Trung Quốc, trái ngược với “quyền lực cứng” liên quan đến sức mạnh quân sự và kinh tế. Xây dựng quyền lực mềm như vậy là một trong những mục tiêu của Đảng kể từ Đại hội Đảng năm 2007. Tập đã dành sự quan tâm đặc biệt cho việc xây dựng quyền lực mềm, tăng cường các dự án như Học viện Khổng Tử và các dự án phát thanh toàn cầu nhằm truyền đạt tin tức “sạch sẽ” về Trung Quốc cho khán giả phương Tây, theo phong cách vô hại của phương Tây. Trong đại dịch này, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng như các nhà ngoại giao của nước này đã sử dụng Twitter và Facebook (vốn đang bị chặn ở Trung Quốc) để tuyên truyền các nỗ lực viện trợ nhân đạo của Trung Quốc. Các chuyên gia nói rằng hàng ngàn tài khoản Twitter được sử dụng cho việc này là những tài khoản “bị giật dây”, được thiết lập để truyền bá thông tin sai lệch.

Chiến dịch tuyên truyền đã được giúp đỡ bởi sự vắng mặt của Hoa Kỳ trong giai đoạn đầu khi thế giới phải đương đầu với đại dịch, một phần vì ông Trump không quan tâm đến lãnh đạo toàn cầu [đối với đại dịch], và một phần là do thiệt hại do Covid-19 gây ra tại Hoa Kỳ. Hoa Kỳ thậm chí còn lúng túng trong việc thực hiện nghĩa vụ viện trợ quốc tế của mình. Vào tháng 3, Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID), đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các nước châu Phi ngăn chặn Ebola trong giai đoạn 2014-2016, đã bắt đầu hủy kế hoạch viện trợ các lô hàng vật tư y tế ra nước ngoài, vì chúng cần thiết cho Hoa Kỳ. Và khi chính quyền Trump cũng như các thống đốc và bệnh viện của Mỹ lùng sục khắp thế giới để mua khẩu trang, quần áo bảo hộ và những thứ tương tự, họ đang làm điên đầu các đồng minh vốn cũng đang cần những hàng hóa tương tự. Đầu Tư tháng này, các quan chức ở Pháp và Đức đã cáo buộc Hoa Kỳ chuyển hướng [máy bay về Hoa Kỳ] đối với các lô hàng khẩu trang tế được dự định sử dụng ở nước họ. Các quan chức ở Washington đã bác bỏ các báo cáo, nhưng họ củng cố quan điểm, được tuyên bố ở nhiều nơi trên thế giới, rằng nước Mỹ chỉ đang lo cho chính nó. Quyết định của ông Trump vào ngày 14 tháng 4 đã đình chỉ các nghĩa vụ thanh toán [đối với các khoản viện trợ quốc tế] của đất nước ông vì việc xử lý đại dịch trên toàn cầu sẽ củng cố quyết định này, mặc dù nhiều quan chức phương Tây đồng tình với quan điểm của ông trong việc tố cáo Trung Quốc đã không đưa ra cảnh báo sớm về nguy cơ lây truyền của virus corona giữa người với người.

Tuy nhiên, chiến thắng trái tim và lý trí cũng không phải là điều dễ dàng đối với Trung Quốc. Tất cả các tuyên truyền về sự hào phóng của Trung Quốc sẽ không có ích gì, bởi giá trị của các khoản quyên góp của Trung Quốc thấp hơn rất nhiều so với việc bán bộ dụng cụ y tế (đôi khi có chất lượng thấp) cho người mua vì mục đích thương mại. Từ ngày 1 tháng Ba đến ngày 4 tháng Tư, Trung Quốc đã xuất khẩu 1,45 tỷ đô-la vật tư y tế trên toàn cầu. Hầu hết hàng hóa này bán cho các quốc gia giàu có với giá thị trường. Vào thời điểm tàu hỏa chở hàng hóa viện trợ của Trung Quốc đến Madrid, Tây Ban Nha đã mua các thiết bị tương tự từ các nhà cung cấp Trung Quốc với trị giá gấp khoảng 10.000 lần so với hàng hóa viện trợ được gửi bằng đường sắt.

Có thể Trung Quốc đã không đưa ra một chiến lược viện trợ, với ý thức rõ ràng về việc các quốc gia nào sẽ nhắm mục tiêu ưu tiên và nên được tặng miễn phí bao nhiêu. Thật vậy, thật tốt cho Trung Quốc khi các các công ty của nước này, cả nhà nước và tư nhân, có nhiều công ăn việc làm. Một số công ty lớn nhất của đất nước đã bắt đầu tham gia hoạt động viện trợ với chính phủ, nhưng chủ yếu bởi các công ty này cũng đang có nhiều lợi ích thương mại vốn đang bị đe dọa tại các quốc gia nhận viện trợ của Trung Quốc.


SỰ HÀO PHÓNG CỦA GIỚI DOANH NHÂN

Jack Ma, nhà tỷ phú, đồng sáng lập Alibaba - một đế chế thương mại điện tử khổng lồ, đã đi đầu trong nỗ lực viện trợ. Cùng với quỹ từ thiện của Alibaba, ông đã gửi các máy thở, bộ đồ bảo hộ và các bộ xét nghiệm covid-19 để phân phối cho tất cả 54 quốc gia châu Phi. Huawei, một công ty viễn thông, vốn đang bị Mỹ coi là mối đe dọa đối với an ninh của họ, đã chuyển một phần lớn cam kết của nó, gồm 500.000 khẩu trang, 50.000 kính bảo hộ, 30.000 bộ quần áo bảo hộ và 120.000 găng tay cho các bệnh viện ở New York. Công ty này cũng đã quyên góp hàng triệu khẩu trang cho các quốc gia đang cân nhắc xem có nên cho phép Huawei đầu tư vào mạng 5G của họ, bao gồm Canada và Hà Lan.

Tại nhiều vùng của Châu Âu, viện trợ của Trung Quốc có thể đã giành được sự ngưỡng mộ. Một bảng quảng cáo lớn cảm ơn “người anh cả Tập Cận Bình”, được trả tiền bởi một tờ báo lá cải của chính phủ Serbia, đã xuất hiện ở thủ đô Belgrade của Serbia. Lucrezia Poggetti của tổ chức MERICS, một think-tank ở Berlin, nói rằng sự bất mãn của công chúng đối với Liên minh châu Âu và mất lòng tin đối với ông Trump khiến sự ủng hộ Trung Quốc tăng mạnh. Trong tháng này, một cuộc thăm dò được thực hiện bởi một đài truyền hình Ý đã hỏi mọi người họ muốn trở thành đồng minh nào ngoài châu Âu. Trong số 800 người được hỏi, 36% ủng hộ Trung Quốc và chỉ 30% ủng hộ Hoa Kỳ.

Nhưng nhiều người ở phương Tây hoài nghi đối với tuyên truyền của Trung Quốc, bởi Trung Quốc đã bóc lột nhân công giá rẻ và cố tình quên đi sự viện trợ mà phương Tây đã dành cho Trung Quốc vào thời điểm cần thiết. Đầu tháng 2, Mỹ và châu Âu đã gửi 30 tấn vật tư y tế cho Trung Quốc (phần lớn được tặng riêng). Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phàn nàn rằng mọi người nói nhiều về viện trợ của Trung Quốc và Nga cho châu Âu, nhưng không ai nói về việc Pháp và Đức đã cung cấp 2 triệu khẩu trang và hàng chục ngàn quần áo bảo hộ cho Ý. Người đứng đầu về chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, đã cảnh báo về “chính trị của sự hào phóng” của Trung Quốc.

Ở các nước nghèo, nỗ lực viện trợ của Trung Quốc có vẻ hiệu quả hơn. Tại Châu Phi, các hàng hóa viện trợ của Trung Quốc đang rất cần thiết – một thực tế mà mạng lưới truyền thông rộng khắp châu Phi của Trung Quốc luôn nhấn mạnh (các hãng tin trên khắp châu Phi sử dụng các thông tin từ Tân Hoa Xã - hãng thông tấn của nhà nước Trung Quốc). Nhưng nước Mỹ vẫn là một nhà tài trợ lớn hơn nhiều cho châu Phi và cho Liên Hợp Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc đã đóng góp 368 triệu đô-la cho ngân sách chung của Liên Hợp Quốc, chỉ bằng 55% đóng góp của Hoa Kỳ.

Hình ảnh Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề tại châu Phi do những vụ trục xuất một số người châu Phi từ nơi cư trú của họ ở thành phố Quảng Châu (phía nam Trung Quốc), sau khi được báo cáo rằng một vài người trong số họ đã bị nhiễm covid-19. Hình ảnh người châu Phi bị buộc phải ngủ trên đường phố đã được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội ở quốc gia của họ. Daily Nation, một tờ báo Kenya, đã cáo buộc Trung Quốc về sự phản bội trực tiếp này. Một số đại sứ của Trung Quốc tại các nước châu Phi đã được các chính phủ sở tại triệu tập đến để phản đối. Trung Quốc cho biết họ sẽ dần dần dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến sức khỏe đối với người châu Phi tại Quảng Châu, đồng thời phủ nhận sự phân biệt đối xử với người châu Phi.

Trong số các nước đang phát triển, Trung Quốc rất có thể, nếu không muốn nói là đã giành được sự ủng hộ bằng cách cung cấp các khoản trợ giúp kinh tế như hiện tại bằng cách cung cấp viện trợ y tế. Ở Châu Phi, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất, đã cho các quốc gia châu Phi vay hơn 140 tỷ đô la kể từ năm 2000. Vào ngày 6 tháng 4, Ken Ofori-Atta, Bộ trưởng Tài chính Ghana, cho biết Trung Quốc nên tăng cường mạnh mẽ bằng cách tái cơ cấu hoặc xóa một số khoản vay, bởi theo ông, Ghana sẽ cần 8 tỷ đô la để phục hồi nền kinh tế trong năm nay. Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đã đề xuất rằng các chủ nợ nên phối hợp để xóa nợ.

Vào ngày 15 tháng 4, Nhóm G20, bao gồm Trung Quốc, đã đạt được đồng thuận trong việc cho phép các nước đang phát triển đình chỉ thanh toán nợ cho các thành viên của mình cho đến đầu năm 2021. Nhưng khi nói đến việc tái cơ cấu các khoản vay, Trung Quốc có thể thích đàm phán song phương hơn là hợp tác chặt chẽ với các bên cho vay khác. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã sẵn sàng thay đổi các điều khoản của khoản nợ của mình, ví dụ như những khoản nợ của Cộng hòa Congo trong năm ngoái. Nhưng Trung Quốc thích hành động lặng lẽ và tùy vào từng trường hợp. Bằng cách đó, Trung Quốc có thể duy trì các mặc cả chính trị được hình thành bởi việc cho vay của Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc đã thông báo xóa khoản nợ 78 triệu đô-la cho Cameroon. Một tháng sau, Cameroon đã rút ứng cử viên của mình (và ứng viên của Liên minh châu Phi) cho chức Tổng giám đốc của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc, dọn đường cho ứng cử viên Trung Quốc trúng cử vị trí này. Một số nhà phê bình phương Tây gọi đây là một “sự bù đắp lại” [cho việc được xóa nợ (ND)].

Trong suốt cuộc đại dịch, Trung Quốc đã thể hiện sự sẵn sàng hợp tác các nước với lòng tốt. Việc triển khai “quyền lực khôn ngoan” [kết hợp giữa “quyền lực cứng” và “quyền lực mềm”] của Trung Quốc, đã được chứng minh rõ ràng trong phản ứng của họ đối với các đề xuất rằng Trung Quốc có thể đã làm trầm trọng thêm đại dịch bởi sự che đậy thông tin. Các đại sứ quán Trung Quốc ở một số quốc gia đã nổi giận khi những những nhân vật nổi tiếng, từ con trai của tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro, đến Mario Vargas Llosa, một nhà văn Peru, đã phát biểu “sai lầm” như vậy. Đại sứ quán Trung Quốc ở Lima cáo buộc ông Vargas Llosa đã đưa ra những lời chỉ trích vô lý và vô căn cứ đối với Trung Quốc, khi ông đổ lỗi cho sự che đậy ban đầu của hệ thống độc tài Trung Quốc. Một số nhà ngoại giao Trung Quốc thậm chí đã phản ứng dữ dội khi mọi người chỉ ra rằng virus có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không đưa ra một kế hoạch chi tiết rõ ràng để định hình trật tự toàn cầu. Nhưng vào năm 2017, Tập đã đưa ra một gợi ý về cuộc chơi lâu dài của Trung Quốc khi ông tuyên bố rằng Trung Quốc đã có một “vị trí dẫn dắt” trong các vấn đề quốc tế, và sẽ đóng góp nhiều hơn cho nhân loại. Điều này dường như không liên quan đến thúc đẩy các quốc gia khác chuyển sang chủ nghĩa xã hội kiểu Trung Quốc. Mục tiêu của Trung Quốc thường là để tự vệ, để bảo vệ bản thân khỏi những lời chỉ trích và thách thức đối với các yêu sách lãnh thổ của mình. (Khi Bruce Aylward, một cố vấn cho WHO, giả vờ không nghe thấy câu hỏi về Đài Loan của phóng viên, truyền thông Trung Quốc rất vui mừng). Tuy nhiên, Trung Quốc cố gắng thuyết phục những người khác chấp nhận quan điểm đặc biệt về quyền con người. Trung Quốc đánh giá thấp các quyền tự do cá nhân, ưu tiên phát triển kinh tế và nghĩ rằng các chính phủ nên kiểm soát mạng Internet như họ muốn.

Việc Trung Quốc có thể tận dụng đại dịch để tăng cường sức mạnh toàn cầu hay không sẽ phụ thuộc không ít vào chính trị và nền kinh tế của Trung Quốc và Hòa Kỳ sau đại dịch. Bằng cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2009, Trung Quốc đã đạt được nhiều ảnh hưởng trong khi phương Tây suy sụp. Tuy nhiên, Trung Quốc nay có thể sẽ không đạt được điều đó trong đại dịch này: các gói kích thích kinh tế khổng lồ có thể khiến đất nước này tê liệt trong nợ nần. Trung Quốc nên cảnh giác khi lặp lại chiến thuật này.

Một khi thế giới trỗi dậy sau đại dịch, sự chú ý của phương Tây dường như sẽ tập trung hơn vào việc ngăn chặn sự xử lý việc bùng phát đạt dịch của Trung Quốc, về độ tin cậy của dữ liệu [của Trung Quốc] liên quan đến đại dịch covid-19, và sự tổn thương của phương Tây trước sự kiểm soát của các chuỗi cung ứng quan trọng của Trung Quốc, không chỉ trong các ngành y tế. Những vấn đề như vậy có thể khiến Trung Quốc lo lắng hơn về ảnh hưởng toàn cầu của mình và khiến đất nước này khó định hình thế giới hơn theo ý muốn của nó. Nếu Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, ông có thể tái khẳng định tầm nhìn tự do về trật tự thế giới, bao gồm hỗ trợ cho các tổ chức đa phương và các liên minh khu vực đã bị Trump chê bai và bỏ qua. Và Trung Quốc có thể vấp ngã. Một làn sóng bệnh dịch khác có thể làm các tuyên bố của Đảng Cộng sản không còn đáng tin cậy. Thất nghiệp tăng vọt có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng xã hội ở trong nước và ngăn cản các nhà lãnh đạo Trung Quốc giành thắng lợi trong cuộc tranh giành ảnh hưởng toàn cầu.

Hiện tại, khi nước Mỹ đang loay hoay với Đại dịch, Trung Quốc xuất hiện như một nhà lãnh đạo thiếu tự tin dù đang có những điều kiện tốt nhất. Sự thiếu tự tin của Trung Quốc đã được bộc lộ khi quốc gia này trở thành Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc vào tháng trước. Trong suốt tháng, nó đã không triệu tập bất kỳ phiên họp toàn thể nào về đại dịch. (Vào ngày 9 tháng 4, Hội đồng này đã tổ chức một cuộc họp, nhưng Trung Quốc một mực khẳng định rằng cuộc họp trực tuyến này sẽ không công khai với công chúng.) Các phái viên của Liên Hợp quốc nói rằng Trung Quốc không muốn cho Mỹ cơ hội để đổ lỗi cho về đại dịch cho Trung Quốc. Một trong những nhà ngoại giao của Hội đồng Bảo an nói: “Thật vô trách nhiệm!”. Thay vào đó, hai đối thủ kình dịch là Hoa Kỳ và Trung Quốc đều từ chối dẫn đầu. Hoa Kỳ rút lui; Trung Quốc thì không chắc chắn liệu quốc gia này thực sự muốn nhận trách nhiệm toàn cầu hay không. Thế giới, vì thế, sẽ bị tổn thương.
.


.
Cảm ơn bác Nguyen Trung Kien đã bỏ công phu dịch trọn vẹn bài báo giá trị này. Phải có trình độ Tiếng Anh khá mới dịch mạch lạc như vậy được. Tôi chỉ xin góp ý về… Tiếng Việt để bác sửa lại nghe cho ra Tiếng Việt hơn.
Đội ngũ biên tập của tờ báo này thuộc loại cao thủ về viết lách. Không những về từ ngữ mà cả câu kéo họ cũng để tâm cẩn thận. Chẳng hạn, khi họ viết câu ngắn không phải vì thiếu… chữ; hoặc khi họ viết câu dài không phải vì họ không biết ngắt thành nhiều câu ngắn hơn. Cụ thể như câu mở bài “This year started horribly for China” chỉ có 6 chữ ngắn để gây ấn tượng cho người đọc. Khi dịch sang Tiếng Việt, bác khiến nó dài gần gấp đôi làm mất đi cái “ép phê” mà người viết cố ý tạo ra. Câu đó có thể dịch như thế này:”Trung Quốc khởi đầu một năm thật đáng sợ.” Tôi biết là bác cố ý dịch thoát, chớ không phải dịch kiểu từng chữ; như bác “tự tiện” thêm con số 2020 vào chẳng hạn. Nhưng nguyên tắc chung khi dịch là đừng có… dịch, dù là dịch… thoát đi nữa. Dịch là diễn đạt tiếng nước này theo cách nói (văn hóa) tương đương của tiếng nước kia. Chớ không phải là tìm nghĩa tương đương. Chẳng hạn những trạng từ có “ly” ở cuối; không cần phải thêm hai chữ “một cách” vào đó; vừa dư vừa dở! Trong câu thứ hai, tôi nghĩ bác đã không dịch trọn ý của tác giả. Câu đó nên “dịch” như thế này:”Khi Vũ Hán bị một loại vi trùng đường hô hấp lây lan, các quan chức của Đảng, theo bản tính Cộng Sản, cố giấu tiệt.” Trong câu này, bác không lặp lại từ “nó” (ở cuối câu) thì mới ra Tiếng Việt; và phải thêm từ “cố” mới diễn tả hết ý của câu văn. Nhưng cái chính mà người viết muốn chơi chữ ở đây là “Communist Party officials’ instinct”, lợi dụng cú pháp Tiếng Anh trong hình thức sở hữu cách để nói móc. Bác để ý “Communist Party” được đặt ở vị trí tính từ với hàm ý cái “instinct” đó thuộc về các quan chức ĐCS, chớ không phải là “bản năng” của bất cứ ai. À, bác cố ý dịch sót chữ virus. Đồng ý thời nay nói virus thì hầu như ai cũng hiểu nhưng dịch như vậy, vô hình trung, làm câu dài thêm ra. Có lẽ bác cũng thấy, để nguyên chữ virus thì bác lại phải “tạo” ra mấy chữ “gây nhiễm trùng” thêm phí… giấy.
Dĩ nhiên, tôi biết bác không có thời gian để ngồi trau chuốt từng câu như dịch một tác phẩm văn học mà chỉ ráng cung cấp thông tin thời sự bổ ích cho mọi người. Chính tôi cũng không có thời gian để làm được như bác; dịch một bài báo rất dài! .

.
Mong bác Nguyen Trung Kien có nhiều thời gian để dịch những bài báo của The Economist thường xuyên hơn! Tôi khoái văn phong của tờ báo này; viết mà như thể đang làm… tình (chớ không phải tâm tình) với độc giả vậy. Thường họ có cái màn foreplay dạo đầu khiến độc giả dù không có cảm hứng (vì đang bận tâm nghĩ chuyện khác) cũng phải tò mò muốn đọc vài đoạn xem sao. Đến khi sực nhớ mình đang bận làm chuyện khác thì đã đọc gần hết bài báo rồi! Họ dùng lối viết vừa đưa đẩy qua về, vừa nâng lên hạ xuống, vừa vuốt ve chỗ này vừa nhéo chỗ kia… Như trong bài này, mở đầu họ cho độc giả cảm tưởng Trung Quốc đang gặp đại họa. Đọc mấy câu, ồ hóa ra không phải! Đọc thêm đoạn nữa, thấy Trung Quốc quả là đáng nguy thật. Đọc tiếp ít đoạn lại thấy không đến nỗi nào. Cứ thế, họ làm độc giả hồi hộp như đang xem phim “Trên Từng Cây Số” của Bulgaria hồi xưa.
Ngoài ra, tờ báo này có lối… chửi rất nhẹ mà thâm. Tôi nhớ hồi năm 2000, tờ báo này có một bài viết về Trần Trường, một người quê ở Đồng Tháp vượt biên qua Mỹ rồi sau mở tiệm cho thuê băng video ở Little Saigon, là trung tâm văn hóa và thương mại của cộng đồng người Việt tị nạn ở tiểu bang California. Thường những người làm ăn buôn bán thì lo… làm ăn buôn bán. Ông Trường này vừa buôn bán vừa làm… chính trị ngay trong tiệm video của mình bằng cách treo cờ Đỏ và hình HCM. Đọc bài báo, mới đầu cứ tưởng họ bênh vực ông Trường. Đai khái họ nói đó là quyền tự do ngôn luận này nọ được bảo đảm trong Hiến Pháp Hoa Kỳ. Tiệm của ông Trường thì ông muốn treo cái gì thì treo. Sau đó họ mới nói sơ qua lai lịch ông Trường từng là thuyền nhân xin tị nạn ở Mỹ. Cuối cùng, họ kể ông Trường có lần bị cảnh sát tới nhà còng tay vì tội đánh… vợ. Khi ra tòa, ông Trường giải thích rằng đánh vợ là chuyện bình thường bên xứ (Việt Nam) của ông. Họ còn kể thêm mấy đứa con của ông Trần Trường chẳng có đứa nào mang họ Trần mà lấy họ… Washington (là họ của vị Tổng thống được xem là “cha già dân tộc” của nước Mỹ).
Nhân nói về chuyện này, tôi xin kể thêm chút xíu gọi là “Trần Trường ngoại truyện”. Sau vụ đó vài năm, Trần Trường đem hết vốn liếng về Việt Nam làm ăn; cụ thể là đầu tư nuôi cá ở quê ông. Không lâu sau thì ông bị phá sản vì bị nhà nước chơi ép sao đó. Trong thời gian này, vì quá căng thẳng nên vợ của ông phải vào nhà thương… điên ở Biên Hòa. Chuyện này thì do chính ông Trường kể lại cho đài BBC sau khi về lại Mỹ.







No comments: