VietNamNet
21/01/2020 21:45 GMT+7
Ông Donald Trump chỉ là tổng thống thứ ba trong lịch
sử Mỹ từng bị luận tội. Phiên tòa luận tội ông, do Thượng viện chủ trì đang thu
hút sự chú ý của đông đảo dư luận Mỹ và thế giới.
Các chuyên gia pháp lý của hãng thông tấn BBC đã giải
đáp một số thắc mắc chính của độc giả liên quan đến phiên tòa luận tội tổng thống
Mỹ đương nhiệm:
Thời điểm diễn ra phiên tòa?
Phiên tòa luận tội Tổng thống
Trump tại Thượng viện đã chính thức khai mạc hôm 16/1 với các thủ tục
mang tính nghi lễ. Sau khi đoàn nghị sĩ Dân chủ mang bản luận tội của Hạ viện
trình lên Thượng viện, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff đã đọc to
các điều khoản luận tội Tổng thống Trump trước Thượng viện.
Vài giờ sau, Chánh án Tòa tối cao John Roberts tuyên
thệ nhậm chức chủ tọa phiên tòa xử lãnh đạo Nhà Trắng. Tiếp đó, từng thượng nghị
sĩ lần lượt bước lên tuyên thệ trước mặt ông Roberts, cam kết sẽ "chí công
vô tư" khi tham gia phiên tòa quyết định xem liệu có nên phế truất ông
Trump hay không.
Phiên xử khai mạc đã khép lại chóng vánh. Phần xét xử
chính sẽ bắt đầu vào lúc 13h ngày 21/1 theo giờ Mỹ (1h ngày 22/1 theo giờ Việt
Nam). Trong suốt quá trình xét xử, các thượng nghị sĩ sẽ nghe các bên tranh luận
6 tiếng/ngày và 6 ngày/tuần trước khi bỏ phiếu thông qua phán quyết cuối cùng.
Tổng thống Trump có phải đích thân ra hầu tòa?
Luật pháp Mỹ không có quy định buộc tổng thống phải
đích thân ra hầu tòa trong phiên xét xử tại Thượng viện. Hai tổng thống Mỹ trước
đây từng bị luận tội là Andrew Johnson (năm 1868) và Bill Clinton (năm 1998)
cũng không xuất hiện tại phiên tòa do Thượng viện tổ chức.
Nếu các nhân chứng được triệu tập đến phiên tòa luận
tội Tổng thống Trump tại Thượng viện (hiện không có gì chắc chắn về điều này),
nhóm đặc trách luận tội của Hạ viện, vốn đóng vai trò như các công tố viên
trong các phiên xét xử, có thể cố gắng yêu cầu ông chủ Nhà Trắng phải ra điều
trần. Song, một quyết định như vậy có thể làm dấy lên những tranh cãi về các đặc
quyền, đặc biệt là quyền miễn trừ của tổng thống cũng như quyền chống lại việc
tự buộc tội của mỗi cá nhân trong quá trình tố tụng theo quy định của Hiến pháp
Mỹ. Chánh án Tòa tối cao John Roberts sẽ có trách nhiệm đưa ra phán quyết cuối
cùng về vấn đề này.
Tuy nhiên, vẫn có một khả năng khác là ông Trump sẽ
tình nguyện ra điều trần để tự bảo vệ mình trước tòa. Ông chủ Nhà Trắng trước
đây từng bày tỏ sẵn sàng làm điều này. Song, căn cứ vào nhiều thông điệp
Twitter và phát biểu "bất nhất" trước đây của ông Trump, hầu hết các
nhà quan sát tỏ ra nghi ngờ việc tổng thống Mỹ rốt cuộc sẽ thực hiện ý định.
Hơn thế nữa, các cố vấn chính trị cho Tổng thống Trump chắc chắn sẽ phản đối việc
ông đích thân hầu tòa.
Theo lịch làm việc đã được Nhà Trắng công bố, ông
Trump sẽ dự diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sỹ vào thời điểm phiên tòa
luận tội của Thượng viện bắt đầu trong tuần này.
Nguy cơ ông Trump bị kết tội cao tới mức nào?
Khác với phiên xét xử tội phạm thông thường, kết quả
phiên tòa luận tội tổng thống Mỹ sẽ phụ thuộc vào kết quả bỏ phiếu của toàn bộ
các thành viên Thượng viện. Trong viễn cảnh xấu nhất, nếu 2/3 trong tổng số 100
thượng nghị sĩ (67 thượng nghị sĩ) bỏ phiếu ủng hộ kết tội tổng thống, ông
Trump sẽ bị phế truất và phải rời Nhà Trắng khi chưa hết nhiệm kỳ. Kịch bản này được tin khó có khả
năng xảy ra khi đảng Cộng hòa của ông Trump đang nắm quyền kiểm soát Thượng viện
với 53/100 ghế và họ nhìn chung vẫn đồng thuận đứng về phía ông.
Nếu Thượng viện gần như chắc chắn không bỏ phiếu phế
truất ông Trump, nỗ lực luận tội tổng thống của phe Dân chủ là vô ích?
Theo các tuyên bố lâu nay của các chính khách Dân chủ,
lí do họ xúc tiến quá trình luận tội tổng thống dù biết cơ hội để phế truất ông
Trump cực nhỏ là vì họ
"cảm thấy có nghĩa vụ phải bắt lãnh đạo Nhà Trắng chịu trách nhiệm về những
hành động của ông". Họ tin ông Trump đã lạm dụng quyền lực để gây sức
ép buộc Ukraina phải điều tra đối thủ chính trị và nếu họ không ra tay ngăn chặn,
tổng thống sẽ có đà lấn tới, "làm những chuyện còn ghê gớm hơn nữa",
có thể gây bất lợi cho đảng Dân chủ trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020.
Tất nhiên, việc phe Dân chủ thúc đẩy luận tội ông
Trump có chứa đựng yếu tố chính trị. Nếu không nỗ lực làm điều này, họ có nguy
cơ mất đi những người ủng hộ trung thành nhất. Khi đó, các chính khách Dân chủ
hoặc đối mặt với vô vàn thách thức trong các cuộc bầu cử sơ bộ sắp diễn ra đầu
năm nay hoặc thua trong tổng tuyển cử vào tháng 11 tới đây vì các cử tri không
cảm thấy đủ động lực để đi bầu hoặc bỏ phiếu ủng hộ họ nữa.
Nếu Thượng viện rốt cuộc ra phán quyết tha bổng, ông
Trump có phải lĩnh hậu quả tiêu cực nào không và có thể tái tranh cử không?
Tổng thống Trump tất nhiên có thể tái tranh cử khi
Thượng viện tuyên trắng án trong phiên tòa luận tội ông. Song, tồn tại khả năng
là quá trình luận tội có thể gây tổn hại về uy tín chính trị đối với lãnh đạo
Nhà Trắng. Các cử tri có thể quá ngán ngẩm với những rắc rối pháp lý bủa vây
ông Trump hoặc không còn tin tưởng vào những quyết sách của tổng thống đương
nhiệm, khiến cơ hội tái cử của ông sụt giảm mạnh.
Nếu ông Trump đã phạm pháp nhưng Thượng viện vẫn quyết
tha bổng thì ông có bị tòa án liên bang xét xử sau khi mãn nhiệm hay không?
Luật pháp Mỹ không có quy định tổng thống sau khi trải
qua quá trình luận tội của Quốc hội, lúc mãn nhiệm sẽ thoát việc bị truy tố vì
những vi phạm hình sự thời còn đương chức. Tuy nhiên, có sự khác biệt về các
tiêu chuẩn của một phiên tòa hình sự với một phiên tòa luận tội ở Thượng viện.
Các sai phạm của tổng thống khiến ông bị luận tội không nhất thiết cấu thành tội
phạm theo luật pháp Mỹ hiện hành và ngược lại. Song, việc tổng thống buộc phải
từ nhiệm không đồng nghĩa ông sẽ được miễn truy tố.
Thực tế, một trong những giai đoạn gây tranh cãi nhất
trong bê bối Watergate (nghe lén đối thủ) của Richard Nixon là khi vị tổng thống
thứ 37 này của Mỹ xin từ chức để tránh đối mặt với việc bị luận tội, người kế
nhiệm ông - Gerald Ford đã ra quyết định ân xá cho mọi tội lỗi ông có thể phạm
phải khi còn đương chức. Nếu không được hưởng đặc quyền miễn trừ như vậy, ông
Nixon nhiều khả năng đã bị truy tố và xét xử tại tòa án liên bang.
Nếu ông Trump bị phế truất và Phó Tổng thống Mike
Pence lên thay, ông Pence có thể bổ nhiệm ông Trump làm phó tổng thống không?
Dù Thượng viện nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng
hòa được tin rốt cuộc sẽ tuyên Tổng thống Trump vô tội, nhưng hiện vẫn tồn tại
một viễn cảnh ít khả năng xảy ra là, có ít nhất 20 thượng nghị sĩ Cộng hòa
"làm phản", bỏ phiếu ủng hộ kết tội lãnh đạo Nhà Trắng, khiến ông
Trump mất chức. Trong trường hợp này, Phó Tổng thống Mike Pence sẽ lên tiếp quản
Nhà Trắng thay cho ông Trump cho tới khi diễn ra tổng tuyển cử. Khi đó, ông
Pence có thể bổ nhiệm ông Trump làm Phó Tổng thống cho mình vì Hiến pháp Mỹ
không cấm điều đó.
Tuy nhiên, trở ngại đầu tiên là, việc ông Pence bổ
nhiệm ông Trump sẽ cần được sự phê chuẩn của đa số nghị sĩ thuộc cả Hạ viện và
Thượng viện. Do phe Dân chủ đối lập nắm đa số ghế tại Hạ viện, động thái dự kiến
sẽ khó "qua cửa" cơ quan lập pháp này.
Ngoài ra, về mặt lý thuyết, ngoài việc bỏ phiếu ủng
hộ phế truất ông Trump, Thượng viện cũng có thể ra phán quyết cấm ông về sau nắm
giữ các chức vụ trong chính phủ. Nếu Thượng viện không làm điều đó, không có gì
ngăn cản ông Pence đặt cược vào việc nâng đỡ "sếp" cũ.
Tuấn
Anh
No comments:
Post a Comment