Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 21/01/2020 - 15:11
Donald
Trump và Tập Cận Bình tạm khép lại cuộc đọ sức trên bàn cờ thương mại. Ở hiệp
1, Washington thắng Bắc Kinh 1-0. Để đổi lấy nhiều hợp đồng, tổng thống Trump tạm
từ bỏ tham vọng đòi Trung Quốc ngừng gây cạnh tranh bất bình đẳng trên thị trường.
Trên đây là phân tích của Jean François Dufour, giám đốc cơ quan tư vấn DCA –
Chine Analyse.
Ngày 21/01/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump đến dự
Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos,Thụy Sĩ lần thứ 50 trong thế thượng phong. Tuần
trước Washington và Bắc Kinh vừa ký kết hiệp định thương mại phần 1, tạm gác lại
cuộc chiến kéo dài từ gần hai năm qua. Ngày 15/01/2020 tại Nhà Trắng, nguyên thủ
Mỹ và phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã đặt bút ký vào "hiệp định
đình chiến" về thương mại. Tổng thống Donald Trump đánh giá đây là một
"thỏa thuận lịch sử với Trung Quốc, một bước tiến hướng tới mô hình
trao đổi mậu dịch công bằng".
Với công luận trong nước và nhất là thành phần cử
tri ủng hộ ông, Donald Trump đã ghi được một bàn thắng quan trọng và rõ rệt nhất
là việc ép buộc Trung Quốc mua thêm gần 200 tỉ đô la hàng hóa của Mỹ trong hai
năm, 2020 và 2021.
RFI Việt ngữ liên lạc với chuyên gia Jean-François
Dufour, giám đốc điều hành DCA - Chine Analyse, cơ quan chuyên cố vấn cho các
doanh nghiệp Pháp muốn đầu tư vào Trung Quốc. Ông không chút nghi ngờ về thắng
lợi của Donald Trump trong ngắn hạn.
"Tôi nghĩ rằng trong ngắn hạn có thể nói Mỹ đã
ghi được một bàn thắng vì Bắc Kinh đã có những bước nhượng bộ quan trọng. Cụ thể
nhất và cũng là điều dễ đo lường nhất đó là việc Trung Quốc cam kết mua thêm gần
200 tỉ đô la hàng của Mỹ trong năm 2020 và 2021. Điểm đáng chú ý ở đây là trong
số các mặt hàng Trung Quốc sẽ mua của Mỹ gồm đương nhiên là có nông phẩm, có
năng lượng và nhất là hàng công nghiệp. Hai lĩnh vực công nghiệp của Mỹ được
Trung Quốc chiếu cố là công nghiệp sản xuất máy bay và xe hơi. Trung Quốc mua
thêm hàng của Mỹ là một thắng lợi của chính quyền Trump. Nhưng nhìn xa hơn thì
chúng ta thấy là ở giai đoạn 2, phần thắng rõ ràng là thuộc về phía Bắc Kinh. Mỹ
tạm thời từ bỏ mục tiêu đòi Trung Quốc thay đổi cơ cấu kinh tế. Trong khi đó, như
đã biết đây mới chính là cội nguồn dẫn đến cuộc đọ sức song phương từ gần hai
năm qua. Mùa xuân 2018 chính quyền Trump đòi Bắc Kinh ngưng trợ cấp cho các
doanh nghiệp Nhà nước, ngưng ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ. Các vấn đề
này có được nhắc đến trong văn bản thỏa thuận giai đoạn 1 nhưng không mang tính
ràng buộc. Tất cả những vấn đề nhậy cảm này được gác lại để chờ tới giai đoạn 2
của đàm phám Mỹ-Trung".
Như vậy là Washington gián tiếp công nhận mô hình
kinh tế của Trung Quốc mà ở đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong lúc đây là một
trong những nguyên nhân được Nhà Trắng nêu lên khi khiêu chiến với Bắc Kinh.
Giám đốc cơ quan tư vấn DCA –Chine Analyse phân tích
tiếp :
"Mâu thuẫn ở đây là với thỏa thuận vừa ký kết lần
này, Hoa Kỳ rõ ràng yêu cầu Nhà nước Trung Quốc cam kết nhập khẩu nhiều hơn nữa
hàng của Mỹ. Như vậy có nghĩa là Washington công nhận mô hình kinh tế của Trung
Quốc mà ở đó Đảng và Nhà nước đóng vai trò chỉ đạo. Kim ngạch nhập khẩu do chính quyền Bắc Kinh ấn định
chứ không do thị trường định đoạt. Chỉ nội yếu tố này cũng đủ cho thấy Trung Quốc mới thực
sự giành phần thắng trong cuộc đọ sức về thương mại lần này. Mỹ đồng ý
ngưng đòi Trung Quốc thay đổi mô hình kinh tế và để đổi lại thì Bắc Kinh nhập
khẩu thêm hàng Mỹ".
Với thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vừa rồi, tổng
thống Trump còn ghi thêm nhiều bàn thắng quan trọng khác. Trước hết ông đặt đối
phương, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vào thế khó xử. Bởi Washington tiếp tục
áp thuế 25 % vào 2/3 hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ và thứ hai là Hoa Vi, con
chim đầu đàn trong ngành viễn thông Trung Quốc vẫn trong tầm ngắm của Nhà Trắng.
Chính vì hai điểm này, mà một vài tuần lễ trở lại đây, nguyên thủ Trung Quốc
không còn hô hào "đương đầu với Mỹ bằng mọi giá" trong lúc báo
chí ở Bắc Kinh đã khá kín đáo và thận trọng về thỏa thuận được ký kết tại
Washington hôm 15/01/2020.
Thắng lợi không nhỏ khác của chính quyền Trump là
Washington đã bắn đi một tín hiệu mạnh với các đối tác và đối thủ thương mại
khác của Hoa Kỳ : trật tự thương mại và luật chơi trong lĩnh vực này vẫn trong
tay của Mỹ. Ngay cả trước một đối thủ nặng ký như Trung Quốc mà Nhà Trắng còn
áp đặt được một số điều - ít ra là về hình thức cho tới thời điểm này, thì phần
còn lại của thế giới từ Liên Hiệp Châu Âu đến Nga hay hai quốc gia sát cạnh Hoa
Kỳ là Canada và Mêhicô, cũng như hai đồng minh của Mỹ tại châu Á là Nhật Bản và
Hàn Quốc đều nên cân nhắc kỹ những đòi hỏi Chú Sam.
Dù vậy, đi sâu hơn vào vấn đề, giới phân tích đồng
loạt nói tới một "hiệp định ngừng bắn với nhiều lỗ hổng" và tệ
hơn nữa, Hoa Kỳ không hề tôn trọng luật cạnh tranh của thị trường, như chuyên
gia Jean - François Dufour phân tích :
"Tôi cho rằng, câu hỏi then chốt nằm ở phía
Trung Quốc. Trong bối cảnh kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại, mà đó là một
điều bình thường, thì liệu rằng Trung Quốc có thể mua thêm vào tới 200 tỉ đô la
hàng hóa chỉ của riêng Mỹ trong 2 năm hay không ? Đương nhiên, Trung Quốc cần
mua hàng của thế giới, nhưng khi mua thêm 200 tỉ đô la hàng Mỹ, Trung Quốc sẽ
phải bỏ rơi một số bạn hàng khác. Thí dụ như mua thêm dầu khí của Mỹ thì Bắc
Kinh sẽ lơ là với Nga và các nguồn sản xuất ở Trung Đông. Nông sản Mỹ sẽ lấn át
các nhà cung cấp ở châu Mỹ Latinh, như Brazil. Thế rồi khi cam kết mua thêm
hàng công nghiệp của Hoa Kỳ, Bắc Kinh sẽ phần nào quay lưng lại với châu Âu. Nếu
thỏa thuận vừa ký kết hôm 15 tháng Giêng tại Washington được tôn trọng, châu Âu
sẽ thiệt thòi trong vụ này".
Dẫu sao, thỏa thuận mậu dịch tạm thời này cho thấy,
tổng thống Trump là một lãnh đạo rất thực tế. Ông đón nhận việc chính quyền
Trung Quốc tự ý cam kết mua thêm 200 tỉ đô là hàng Mỹ như một thắng lợi vẻ vang
trong cuộc đọ sức với Tập Cận Bình cho dù điều đó đi ngược lại với "tự
do thị trường". Khi đưa hai lĩnh vực hàng không và xe hơi vào thỏa thuận
với Trung Quốc, Nhà Trắng tìm cách cứu tập đoàn Boeing đang gặp khó khăn và rất
cần đến các khách hàng Trung Quốc. Tương tự như vậy, mức độ lệ thuộc của nền
công nghiệp xe hơi Mỹ và thị trường rộng lớn nhất thế giới là Trung Quốc ngày
càng lớn. Bên cạnh đó, Washington chơi trò "cầm dao đằng chuôi"
với Bắc Kinh như giải thích của giám đốc cơ quan tư vấn DCA- Chine Analyse :
"Tôi thấy phía Mỹ đã rất khôn ngoan trong vụ
này, nghĩa là vẫn giữ một số phương tiện để duy trì áp lực để tiếp tục điều
đình với Trung Quốc. Mỹ vẫn có thể hủy thỏa thuận này bất cứ lúc nào (ít ra là
về bề ngoài). Thành thử đây mới chỉ là một "hiệp đình ngừng bắn" chứ
chưa thể nói tới hòa ước lâu dài. Tuy nhiên, các bên mất gần hai năm để đạt tới
thỏa thuận giai đoạn 1 và ở đây, Trung Quốc đã đem túi tiền ra nhử Mỹ. Nhưng
tôi chờ đợi là đàm phán về hồi thứ nhì sẽ gay go hơn nhiều, nhất là khi
Washington động chạm đến chính sách trợ giá của Trung Quốc cho các doanh nghiệp,
đến vai trò của Nhà nước trong các hoạt động kinh tế, đến phần chuyển giao công
nghệ và gắn liền vế kinh tế với an ninh quốc gia. Dù vậy, do bận tranh cử
Donald Trump tạm thời ngưng đánh thuế thêm vào hàng Trung Quốc và đẩy tất cả những
vấn đề khó khăn nhất sang giai đoạn 2".
No comments:
Post a Comment