Friday, January 17, 2020

ĐỒNG TÂM - MÁU & NƯỚC MẮT (Đoàn Bảo Châu)





Để có được một cái nhìn công bằng và toàn diện về vụ việc rất cần một hội nghị mở rộng và công khai để tranh luận. Tôi nói điều này cũng là để khẳng định rằng cho dù tôi có nỗ lực đến đâu thì những điều tôi nêu ra ở đây cũng chỉ có tính tương đối. Bởi một cá nhân với nguồn lực, tài liệu hạn chế thì nếu có thể cũng chỉ là tả được vài bộ phận chứ không vẽ được trọn vẹn cả con voi.

Chúng ta sẽ nhìn góc độ lịch sử & cơ sở pháp lý, cách hành xử của chính quyền, tâm lý người dân, lòng tin…

1. Lịch sử & cơ sở pháp lý:

Một trong những lập luận mà nhiều người dùng để chứng minh cho luận điểm của họ khi nói khu 59 héc ta thuộc đất quốc phòng là stt của Trung tướng Phi công AHLLVT Phạm Phú Thái. Theo ông Thái thì năm 1968 chính phủ đã cho phép quân đội xây dựng một sân bay bí mật ở khu vực Miếu Môn. Đồng thời xây dựng hệ thống hầm giấu máy bay trong các dãy núi song song với đường băng và cách từ vài trăm mét. Đầu tháng 4.1969 khi sân bay bằng đất và hệ thống hầm đã hoàn thành bước một thì ông Phạm Phú Thái và đồng đội đã được nhận lệnh hạ cánh thử nghiệm sân bay và hầm cất giấu máy bay. Các bạn có thể đọc bài viết ở đây.

Trong bài này trung tướng Phạm Phú Thái cho rằng:

1/ Bản đồ đất mà chính phủ giao cho quốc phòng làm sân bay có từ 1968.

2/ Đất này ko có tranh chấp vì đó là đất quân sự và ông khẳng định người dân đã “LẤN CHIẾM ĐẤT CÔNG.”

Ông Thái cũng thừa nhận là bộ quốc phòng không đưa ra được tấm bản đồ giao đất từ 1968 mà chỉ có bản đồ năm 1991. Theo tôi, lập luận của trung tướng Thái khá là mơ hồ, nhất là khi không có tài liệu chứng minh.

Nhà sử học Dương Trung Quốc gọi việc không đưa ra được bằng chứng lịch sử là gót chân Asin lớn nhất của chính quyền.

Theo ông Quốc, từ thời thượng cổ khi nói về đất đai bao giờ cũng đi kèm với bản đồ. Kho địa bạ nhà Nguyễn làm trong 31 năm đã lập tất cả bản đồ của tất cả thửa đất dù nhỏ nhất trên toàn bộ lãnh thổ của 18.000 làng xã.

Ông Quốc nói:
“Nếu Chính phủ đưa ra một bản đồ về đất mà Thủ tướng Đỗ Mười trao cho Quốc phòng từ năm 1981 thì khỏi có chuyện gì xảy ra. Người dân hỏi tại sao không có bản đồ? Điều này gợi lại cho chúng ta câu chuyện Thủ Thiêm vì nhập nhằng trong bản đồ mà nhân dân bức xúc.

“Bản đồ là tối thiểu. Năm 1980, chúng ta ở trình độ cao. Bây giờ chúng ta không có bản đồ đưa ra, các bản đồ đều dựng lại từ năm 2013, 2014 thì làm sao người dân tin được. Những cán bộ địa phương khi đó chỉ là con cháu của thế hệ như ông Kình. Cho nên như vậy phải tin người dân, phải kiểm tra thẩm định, không nên đứng về một phía.”

Theo tôi phỏng đoán thì cái sân bay bí mật từ năm 1968 như trung tướng Phạm Phú Thái nói chính là tiền đề cho sân bay quân sự Miếu Môn mà cố thủ tướng Đỗ Mười đã kí quyết định 113TTg ngày 14/4/1980.

Ngày 10/11/1981, UBND tỉnh Hà Sơn Bình (tên cũ) ra quyết định 386 QĐ/UB, tiến hành dự án giai đoạn I, thu hồi khu đất 47,36 ha thuộc phía đông của cánh đồng Đồng Sênh, có đền bù cho hợp tác xã Đồng Tâm và giao cho Bộ Tư lệnh Công binh, và sau này thuộc Lữ Đoàn 28, Quân chủng Phòng không, Không quân.

Từ 1981 đến 2015, dự án sân bay Miếu Môn không thực hiện được. Như vậy là dự án sẽ không có giai đoạn 2 và khu đất phía Đông của Đồng Sênh với diện tích 47,36 ha là khu đất duy nhất của Đồng Tâm được thu hồi và đền thù.

Ngày 27/3/2015, Bộ Tham mưu ra quyết định 551 thu hồi lại khu đất này và giao cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel để xây dựng nhà máy sản xuất, nhưng theo chủ tịch Nguyễn Đức Chung thì là để xây dựng công trình quốc phòng A1.

Theo như ông Lê Đình Kình thì ranh giới và cột mốc của khu đất 47,36 vẫn còn và cơ sở pháp lý của mảnh đất này rõ ràng và giữa quân đội và người dân không hề có tranh chấp.

Vấn đề ở đây là nằm ở khu đất 59 hec-ta phía Tây của Đồng Sênh. Thanh tra Hà Nội và sau là Thanh tra Chính phủ khẳng định khu 59 héc-ta này là đất quốc phòng nhưng lại không hề đưa ra được quyết định thu hồi hay bản đồ nào. Đây chính là gót chân Asin như đại biểu Dương Trung Quốc nói. Trong khi ấy thì suốt mấy chục năm từ năm 1981 đến nay, người dân Đồng Tâm vẫn canh tác liên tục trên khu đất này, vẫn đóng thuế sử dụng đất đầy đủ. Khu đất 59 héc-ta chính là nguyên nhân của sự tranh chấp giữa người dân và chính quyền.

Ông Lê Đình Kình đã từng lập luận như trong những clip được phổ biến rộng rãi:

Một là: Nếu là đất quốc phòng thì sao Viettel và chính quyền Hà Nội lại bồi thường bố trí tái định cư cho các hộ dân ở đây? Chưa phạt họ chiếm dụng đất quốc phòng đã là may cho họ rồi, sao lại còn ưu đãi đền bù hàng tỷ đồng cho mỗi hộ dân và lập dự án bố trí tái định cư cho họ nữa?

Hai là: Khi có chuyện thu hồi đất, dân làng Đồng Tâm khiếu nại cơ quan chủ quản dự án sân bay Miếu Môn là Quân chủng Phòng không – Không quân thì họ đề nghị liên hệ với các cấp chính quyền Hà Nội. Thế nghĩa là đất dân sự, chứ nếu là đất quốc phòng thì sao Quân chủng đẩy trách nhiệm sang cho chính quyền Hà Nội được?

Ba là: Nếu là đất quốc phòng thì sao chính quyền xã Đồng Tâm bao lâu nay vẫn thu thuế đất nhà ở cho các hộ dân được xã cấp tạm đất?

Chính bởi những lý do quan trọng như trên mà người dân xã Đồng Tâm đã không phục chính quyền và họ nghi ngờ có sự không minh bạch và có lợi ích nhóm ở đây. Điều này họ nói trong những clip về cuộc họp thường kì của người dân.

2. Tâm lý và nguyện vọng của người dân Đồng Tâm:

Chính bởi chính quyền không đưa ra được bản đồ, quyết định thu hồi đất nên người dân không phục. Hơn nữa theo họ, Viettel là của bộ quốc phòng nhưng cũng là một doanh nghiệp, nếu muốn dùng đất nông nghiệp của dân thì phải thoả thuận bồi thường theo luật đất đai, có vậy họ mới có thể có điều kiện để chuyển đổi ngành nghề.

3. Dư luận:

Rất nhiều bạn phóng viên không biết có nghiên cứu kĩ về cơ sở pháp lý hay không nhưng đã khẳng định người dân Đồng Tâm chiếm đất quốc phòng và căn cứ vào việc đổ máu để kết luận những người phản kháng là tội phạm chứ không đại diện cho người dân.

Tôi chỉ lưu ý các bạn rằng việc đổ máu này là do chính quyền đã chủ động khởi phát. Theo luật định thì việc cưỡng chế đất đai phải thực hiện trong giờ hành chính và phải trước hay sau Tết nguyên đán 15 ngày. Không chỉ như vậy mà theo tôi, nếu cơ sở pháp lý của chính quyền đã không đầy đủ thì chính quyền cần phải có một cách ứng xử kiên nhẫn, mềm mại với người dân chứ không thể đánh úp vào nhà dân với một lực lượng được trang bị đến tận răng như vậy.

Quan điểm của riêng tôi là không ủng hộ bạo lực cả từ hai phía. Những chiến sỹ cảnh sát cũng là con em của dân, không có đất đai nào đáng giá bằng mạng người. Nhưng ở đây tôi cho rằng lỗi của chính quyền là phần lớn và sai về nhiều mặt.

Chính quyền làm thế này là làm mất đi hình ảnh trên trường quốc tế về mặt nhân quyền, về thái độ với người dân. Có nhiều bạn sẽ chửi rằng họ không phải là dân mà là tội phạm, nhưng đấy chỉ là một cách nói nguỵ biện, khi đã phải huy động tới cả nghìn quân thì đám đông “tội phạm” kia chính là dân đấy.

Chính quyền “do dân, vì dân” mà ứng xử với dân như với địch như vậy là không ổn.

Chính quyền nắm quyền trong tay, sao không làm truyền thông công khai để thuyết phục người dân và dư luận trước đi?

Một điều lạ là khi tôi đọc những bài báo trên báo chí chính thống thì thông tin đều rất mơ hồ mà không bao giờ chỉ ra thực chất vấn đề.

Trong bối cảnh tham nhũng tràn lan, thì người dân có quyền đặt câu hỏi đằng sau sự mập mờ là cái gì?

Đây cũng chính là câu chuyện của niềm tin. Khi niềm tin thấp thì người dân rất khó đồng thuận với sự giải thích sơ sài.

Theo tôi, sự việc xảy ra chẳng những là một nỗi đau với cả nước, một thảm hoạ nhân đạo mà còn là một thất bại lớn của chính quyền.

Hãy để báo chí trong nước và nước ngoài, quốc hội, luật sư, và các tổ chức xã hội dân sự tham gia làm sáng tỏ sự việc này. Làm được thế là để tránh những thảm kịch Đồng Tâm khác.

Tôi viết không phải để bênh bên nào, mà với một mục đích duy nhất là để cố gắng chạm tới sự thật. Tôi biết sự cố gắng này là rất khó và chắc chắn sẽ không đầy đủ và có thể có thiếu sót nhưng ai cũng có quyền thu thập thông tin và phát ngôn quan điểm của mình.

Bàn về việc này không chỉ để nêu ra đúng sai của sự việc vừa xảy ra mà còn để ứng xử sao cho có tình có lý với hậu quả của sự việc.

Rồi đây những người dân bị bắt sẽ bị xử sao đây? Nhà cửa của họ tan hoang, mưu sinh khó khăn, gia đình xé nhỏ tan tác… nhưng lỗi của họ đến đâu? Ai, quyết định nào đã góp phần đẩy số phận của họ tới bước đường cùng ấy?

Các luật sư chắc hẳn sẽ đồng hành cùng họ. Nhưng như các nhà báo quốc doanh chế giễu các luật sư bênh người dân là các “luật sư toàn thua”, tôi thấy đấy chính là một sự thật cay đắng khi có luật nhưng luật sư ở Việt Nam không có tiếng nói thật sự.

Do vậy, hơn bao giờ hết công luận cần quan tâm tới những số phận kém may mắn kia, những con tim có lương tri cần đập những nhịp tha thiết và gần gũi hơn với đồng loại khốn khổ của mình.

Nếu không, tôi sợ rằng những sự việc đau lòng sẽ còn xảy ra nhiều hơn nữa trên đất nước của chúng ta.

Xin trân trọng cảm ơn các bạn đã quan tâm tới sự việc này. Xin các bạn hãy bổ sung để bức tranh “sự thật” được đầy đủ hơn. Xin cảm ơn!

Bản đồ khu đất tranh chấp


.
YOUTUBE.COM


*
*


Tôi dự định sẽ tìm hiểu sâu về cơ sở pháp lý của đất Đồng Tâm nhưng giờ thì tôi hiểu điều ấy là không thể. Một cá nhân không thể thay một phiên toà nơi các luật sư có thể tranh luận tới tận cùng vấn đề, với sự có mặt của các nhân chứng, bản đồ, bằng chứng lịch sử… Nhưng, nếu một phiên toà ấy như thế xảy ra thì đã không có một sự đổ máu như vậy.

Tôi là người ngoài cuộc và tôi có quyền chọn đặt lòng tin của mình một bên. Trong vụ việc này tôi đứng về phía người dân Đồng Tâm, phía chính quyền đã có hẳn một hệ thống truyền thông hùng hậu tuyên truyền cho họ. Ở đây có mấy điều cần nói rõ:

1. Sự mập mờ của chính quyền

Trước đây, trong một cuộc phỏng vấn với BBC, ông Lê Đình Công, con cụ Lê Đình Kình nói rằng hồi tháng 5/2017 đoàn Thanh tra Hà Nội đã từng về đo đạc cụ thể từng mốc giới và diện tích đất tại Đồng Tâm nhưng trong kết luận thanh tra họ lại không đưa vào biên bản làm việc buổi hôm đó mà chỉ kết luận vu vơ một câu rằng “toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng 64,66 héc-ta, hoàn toàn không có đất nông nghiệp.”

“Đây là một kết luận sai trái,” ông Công nói. “Chúng tôi nhiều lần yêu cầu Thanh tra Hà Nội đưa bằng chứng, cơ sở pháp lý 59 héc-ta này là đất quốc phòng như kết luận của họ. Nếu thế thì chỉ cần sau 3 tiếng đồng hồ dân Đồng Tâm sẵn sàng giao đất. Nhưng đến nay họ không đưa được bằng chứng và cũng không dám về đối thoại với dân dù chỉ một lần.”

Chính cụ Kình là nhân chứng sống, đã quản lý đất nông nghiệp và tham gia bàn giao đất cho quốc phòng từ những năm 1980 ở Đồng Tâm. Thế nhưng Thanh tra Chính phủ chưa bao giờ đối thoại với cụ Kình hay bất cứ người dân nào ở Đồng Tâm. Cụ đã khẳng định nhiều lần trong những cuộc phỏng vấn khác nhau là mảnh đất 59 héc-ta ở Đồng Xênh là đất nông nghiệp, hoàn toàn tách biệt với mảnh 47,36 héc-ta đã giao cho quốc phòng từ năm 1980. Chính quyền đã cố tình ‘nhập nhèm’, ‘lẫn lộn’ hai mảnh này với nhau.

2. Sự sai lầm có tính hệ thống của chính quyền

Ngoài việc mập mờ về cơ sở pháp lý, cố tình né tránh một phiên toà để vấn đề pháp lý được rõ ràng. Chính quyền đã có những sai lầm rõ ràng không thể chối cãi.

Quay trở lại năm 2017, công luận được biết đến một đảng viên 56 tuổi đảng, cụ Lê Đình Kình, từng là bí thư xã Đồng Tâm trong nhiều năm. Cụ Kình bị các cán bộ lừa ra đồng, nói là đi đo mốc giới rồi có một công an ở địa phương đã đánh làm gẫy xương chậu của ông. Sau đấy cụ Kình bị ném lên xe như một con vật, mồm bị nhét giẻ.

Đây là nguyên nhân khiến người dân bức xúc nên đã bắt giữ 38 cảnh sát cơ động. Xin nhớ cho lúc ấy cụ Kình không hề là một tội phạm nguy hiểm gì mà cần bắt giữ khẩn cấp.
Từ cái sai của chính quyền, đã dẫn đến cái sai của người dân. Có lẽ chính quyền cảm thấy cái sai của mình nên cũng đã ứng xử mềm mại và linh hoạt trong lần ấy.

3. Sự việc đau lòng dẫn tới đổ máu gần đây bắt đầu bằng việc những người dân tuyên bố trên mạng xã hội là sẽ chống trả khi chính quyền đưa tới cưỡng chế đất. Đấy có thể xem được là một hành động vi phạm pháp luật không? Các luật sư có thể cho ý kiến. Nhưng điều này dẫn đến một câu hỏi khác là người dân có quyền bảo vệ đất khi họ tin mảnh đất ấy thuộc quyền sở hữu của họ không?

Như đã nói, tôi sẽ không đi sâu vào cơ sở pháp lý mà để các luật sư làm việc này. Tiếc thay, tôi sợ rằng từ giờ thì mọi tranh luận về cơ sở pháp lý đều vô nghĩa. Sự tranh chấp đã được giải quyết bằng bạo lực và có kết cục khiến toàn xã hội rùng mình ghê sợ. Đây không phải là cách hành xử của một xã hội văn minh. Sự việc đáng nhẽ có thể được giải quyết mà không cần có giết chóc và máu. Nhưng đấy chính là kết quả tất yếu khi bên nắm quyền lực cố tình tránh một sự tranh tụng về pháp lý ở toà án.

Câu chuyện về Đồng Tâm đã làm tâm người ly tán. Xã hội chia làm 2 bên. Bên nào cũng nhìn bên kia với ánh mắt ghét bỏ. Điều này thực sự đáng buồn. Một sự việc Đồng Tâm đã vậy thì mới hiểu tại sao sự nghiệp hoà hợp hoà giải dân tộc sau mấy chục năm không đi đến đâu. Càng suy ngẫm, tôi càng thấy lỗi của chính quyền là rất lớn. Người dân có thể sai một thì chính quyền sai mười.

Cứ cho là người dân tuyên bố sẵn sàng đáp trả như vậy là sai đi. Vậy chính quyền có thể làm gì? Họ có thể căn cứ vào cái sai ấy để có lệnh khám nhà để tìm vũ khí. Đấy cũng là một cách làm truyền thông để công luận có thể hiểu biết về pháp luật hơn. Giúp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào chính quyền.

Nhưng không, cũng như năm 2017, chính quyền xác định ngay cụ già gần 60 năm tuổi đảng, từng là cán bộ xã nhiều năm và con cháu, một số hàng xóm của ông là tội phạm.
Không cần giấy khám nhà, không cần xét xử của toà án để tuyên bố ai có tội ai không, chính quyền Hà Nội đã chủ động tấn công vào nơi ở của họ. Đây là điều mà nhiều nhân chứng ở Đồng Tâm có thể khẳng định và đây cũng là điều mà chính quyền ở Hà Nội loay hoay để tìm kịch bản đối phó với công luận. Đầu tiên họ bảo do người dân tấn công những người đang thay tường sân bay Miếu Môn. Họ tấn công xong thì chạy về nhà nên phải đuổi theo truy kích tội phạm. Thấy công luận cười với sự vô lý của kịch bản này, họ lại bảo người dân ném lựu đạn vào chốt 16, lúc ấy đang gần với nhà của cụ Kình.

Và sau cuộc tấn công xảy ra, ngay hôm sau thì nhiều nhà báo đã viết trên mạng xã hội rằng cha con cụ Kình giữ trong nhà một ổ những con nghiện, dùng tiền nước ngoài để hoạt động. Từ một người đồng chí trung kiên của đảng, cụ Kình đã được nhuộm đen thành tội phạm đáng sợ sau một đêm.

Tất nhiên, để công luận căm phẫn và nhìn cha con cụ Kình và những người theo cụ là tội phạm thực sự thì những thông tin như hầm chông, mảnh sảnh và đốt cháy các chiến sỹ công an được tung ra.

Với những gì xảy ra ở Thủ Thiêm, Lộc Hưng, Văn Giang… và những vụ việc sai trái của chính quyền trong việc xông vào nhà công dân mà không hề có lệnh khám nhà, thu giữ máy ảnh, điện thoại, máy tính, sách vở như vụ việc xảy ra gần đây với Quyết Hồ và vô số những vụ bắt bớ vi phạm pháp luật với những người bất đồng chính kiến thì tôi càng tin chính quyền sai trái rất nhiều trong vụ việc Đồng Tâm.

Hãy nhớ rằng vụ tấn công này đã được chuẩn bị chu đáo, có kế hoạch tác chiến. Những gì thực sự xảy ra trong căn nhà cụ Kình, chỉ một số người của chính quyền biết. Cụ Kình và các con cháu của cụ biết. Khi một sân khấu được dựng lên, những nhân chứng bị chết hay đang bị giam giữ thì các vị muốn nói gì chẳng được. Chỉ có điều là để hợp lý hoá các chi tiết, các nhà viết kịch bản đã rất vụng về thô thiển và vô tình đã tự lột mặt mình.

Sự mờ ám về cơ sở pháp lý của mảnh đất ngay từ đầu, sự bao che nhau từ thanh tra thành phố tới nhà nước thành và quyết tâm lấy được mảnh đất mà không cần phải tranh tụng trước toà đã dẫn tới việc đánh úp nhà dân vào ban đêm.

Lô-gic đơn giản lắm. Đường đường nắm chính quyền trong tay, toà án, luật pháp trong tay, tại sao lại chọn phương án tấn công nhà dân như tấn công tội phạm? Tôi biết, khi đọc stt này các vị cay tôi lắm. Ai lại nói lên sự thật một cách thẳng thắn thế bao giờ. Nhưng các vị cần phải học bài học về Đồng Tâm, nhìn thấy hết cái hậu quả đau đớn mà hành xử mất dạy của các vị đã gây ra cái gì.

Cả xã hội choáng váng vì sự bất nhân, sự dã man, của việc đổi trắng thay đen của các vị. Rồi đây oan hồn của người đảng viên gần 60 tuổi đảng ấy sẽ đeo bám các vị suốt nhiều năm cuộc đời, lương tâm các vị còn bị dằn vặt. Đừng sai lầm nối tiếp sai lầm.
Thuốc đắng giã tật. Lời tôi nói đây là thuốc đắng, nghe để thấy hết cái hậu quả của sự việc mà để tránh sai lầm trong tương lai.

Tôi không khẳng định sự việc này có lợi ích nhóm hay không, nhưng tội lỗi của chính quyền là nghiêm trọng. Lòng dân li tán chia thành hai phe, phe người có lương tri, ủng hộ sự thật, lẽ phải và bênh vực người dân thấp cổ bé họng và phe nhất nhất theo chính quyền và lấy việc bê đít quyền lực là lẽ sống, là phương cách kiếm sống.

Hãy nhớ rằng cái xã hội mà các vị đang điều hành, cái sân khấu với những bầy đặt thô thiển và bất nhân ấy có con cháu các vị đang sống. Hãy sống và làm việc theo lương tâm của mình và hãy làm những gì mà các vị thật sự tự hào.

Đất nước này đã đổ máu nhiều rồi. Máu của dân đã thấm từng mét đất trên dải đất chữ S này. Đừng rao giảng do dân vì dân rồi lại tắm máu của dân. Với sự dối trá và ác độc với dân như vụ Đồng Tâm thì tôi chẳng ngạc nhiên ở Việt Nam nếu vào một hoàn cảnh khác sẽ xảy ra một Thiên An Môn phiên bản Việt.

Hãy nhớ rằng một xã hội chỉ có thể trở nên văn minh khi chính quyền hành xử minh bạch, tôn trọng pháp luật.


Theo như pháp luật vn thì đất đai không thuộc về sở hữu của cá nhân, riêng luật sở hữu thì rất mập mờ nên chung quy lại không có sở hữu cá nhân, mà là thuộc sở hữu của đảng và nhà nước là công cụ quản lý ! Quốc hội của đảng, nhà nước của đảng và quân đội công an cũng vậy , dĩ nhiên luật pháp cũng là công cụ của đảng! Đảng có tất cả , còn người dân có cái gì???
Đây đành rành cùng kịch bản, công thức như Thủ Thiêm, từ một dự án làm hạt nhân, nhóm lợi ích sẽ nhập nhèm, lấn chiếm vùng đất chung quanh. Nhưng đây còn hơn Thủ Thiêm, bởi vì nó có biểu hiện là dòng chính, không biết nhóm này lên đến cấp bậc nào, dám điều động cả toàn hệ thống vào cuộc, hành xử ngang ngược, vô pháp vô thiên, gây tang thương, ly loạn xã hội. Chống tham nhũng đích thực là chống khi nó mới manh nha, hình thành, để đến khi nó phát tác hết hậu quả thì vớt vát được gì? Người chết có sống lại không, ông Trọng?
.
Đã là chế độc tài thì không bao giờ học bất cứ cái gì có thể dẫn đến nguy cơ đe dọa sự độc tài đó. Bởi vậy, đừng khuyên chính quyền học làm dân chủ, thượng tôn pháp luật. Chỉ có một cách loại bỏ nó khỏi xã hội Việt nam và thay vào đó một chính quyền thực sự vì dân.




No comments: