Friday, June 7, 2019

VIỆT NAM ĐÃ XÂM LĂNG hay ĐÃ CỨU CAMPUCHIA? (Dewey Sim & Lynn Lee - SCMP)




Dewey Sim & Lynn Lee (SCMP)
DCVOnline dịch
Posted on June 6, 2019 by Editor

Việt Nam đem quân vào Campuchia lật đổ chế độ Khmer Đỏ vào cuối những năm 1970 vẫn là một vấn đề gây chia rẽ giữa các quốc gia thành viên Asean

hủ tướng Singapore Lee Hsien Loong (Lý Hiển Long) khơi dậy cuộc tranh luận về thời Khmer Đỏ.

Singapore nằm trong số những quốc gia coi hành động của Hà Nội là hành động xâm lăng của ngoại bang; Campuchia và Việt Nam cho đến ngày nay nói rằng nhận định đó ‘không đúng’

Xương trong một ngôi mộ tập thể chôn hàng trăm nạn nhân Khmer Đỏ ở Campuchia. Ảnh: AFP

Việt Nam và Campuchia đã phản bác Thủ tướng Singapore Lee Hsien Loong về những nhận xét gần đây của ông mô tả về cuộc “xâm lăng” của Việt Nam vào Campuchia, và sau đó đã bị 5 nước Asean phản đối, và từ chối ủng hộ chính phủ thay thế chế độ Khmer Đỏ.

Tuần này Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, Tướng Tea Banh nói với truyền thông địa phương rằng nhận xét của Thủ tướng Singapore “không đúng”, cùng lúc phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết những nhận xét đó “không phản ảnh khách quan sự thật lịch sử.”

Lee đã mô tả các sự kiện Việt Nam đưa quân xâm chiếm Campuchia trong một bài đăng trên Facebook vào ngày 31 tháng 5, sau cái chết của cựu thủ tướng Thái Lan và cố vấn hàng đầu của hoàng gia, Tướng Prem Tinsulanonda.

Prem là người đứng đầu quân đội Thái Lan khi cộng sản Việt Nam, vừa đánh bại người Mỹ năm 1975, và tấn công sang Campuchia vào ngày 25 tháng 12 năm 1978. Hai nước láng giềng đã có những cuộc giao tranh biên giới trước đó và cuộc xâm lăng của Việt Nam rõ ràng là để xóa bỏ chế độ Khmer Đỏ giết người do Pol Pot cầm đầu.

Khmer Đỏ rất thân với Bắc Kinh và cộng sản Việt Nam đã nhờ Liên Xô ủng hộ khi đó để viện trợ quân sự nếu Trung Quốc tham gia vào cuộc xung đột.


Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines — Năm thành viên đầu tiên của Asean — đã coi cuộc tấn công của Việt Nam là một hành động xâm lược của ngoại bang  nếu được dung thứ, sẽ có ảnh hưởng đến chủ quyền của chính họ. Còn có những lo ngại rằng nó sẽ đưa đến sự lây lan của chủ nghĩa cộng sản, khi đó là mối đe dọa đối với sự ổn định chính trị cho một số quốc gia.

Từ năm 1978 đến khi Việt Nam rút khỏi Campuchia năm 1989, các nhà ngoại giao Asean, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã vận động để Hà Nội bị cô lập tại các diễn đàn như Liên Hiệp Quốc và không để cho chế độ cộng sản Việt Nam cài đặt ở Phnom Penh được công nhận.

Trong bài viết trên Facebook, thu hút được hơn 20.000 ý kiến, Thủ tướng Lee nói rằng hành động của Asean,

“đã ngăn chặn không để hành động xâm lược quân sự và thay đổi chế độ được hợp pháp hóa [và] đã bảo vệ an ninh cho các quốc gia Đông Nam Á khác, và dứt khoát định định hướng lộ trình của khu vực.”
TT Lý Hiển Long

Nhưng một số người Việt Nam trên Facebook trả lời cho biết bài viết của Thủ tướng Singapore đã không đếm xỉa đến những hy sinh của Việtnam nhằm xóa bỏ chế độ Khmer Đỏ. Một người trên Facebook, Nguyễn Tuấn Cường, đề nghị Lee đến thăm một ngôi làng Việt Nam giáp biên giới Campuchia để xem Khmer Đỏ đã làm gì ở đó.

“Bạn có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra với người Việt Nam và Campuchia nếu chúng tôi không ‘xâm chiếm’ Campuchia?”
Nguyễn Tuấn Cường

Sau đó vào buổi tối cùng ngày trong bài phát biểu quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh an ninh quốc tế, Đối thoại Shangri-La, khi mô tả sự hình thành của Asean,Thủ tướng Lee, cho biết Việt Nam

“đã xâm chiếm Campuchia, do đó gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các nước láng giềng không cộng sản.”
TT Lý Hiển Long

Người Campuchia rời Phnom Penh sau khi lực lượng Khmer Đỏ chiếm thủ đô vào tháng 4 năm 1975. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Quốc Phòng Campuchia Banh, người tham dự hội nghị thượng đỉnh, cho biết ông đã phàn nàn về những bình luận của Thủ tướng Lee với người đồng cấp, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen. Theo tin của Thời báo Khmer hôm thứ hai, ông ấy nói,

“Ông ấy [Thủ tướng Lee] đã không nói sự thật và tuyên bố của ông không phản ảnh lịch sử. Điều đó không đúng vì ông nói quân đội Việt Nam xâm chiếm Campuchia.
Chúng tôi muốn ông ấy đính chính lại.”
Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, Tea Banh

Bộ Ngoại giao Việt Nam Việt Nam cho biết họ đã đưa ra vấn đề với các đối tác  Singapore. Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao cộng sản Việt Nam, được Vietnam Express trích dẫn, nói rằng sự đóng góp và hy sinh của Việt Nam trong việc giúp người Campuchia chấm dứt nạn diệt chủng Khmer Đỏ là đúng và được công nhận khắp nơi.

Cuộc tranh luận về những trang lịch sử gần đây của Asean, đã nhấn mạnh sự khác biệt giữa các quốc gia thành viên – dù có những nỗ lực để tránh đối đầu và hướng tới sự đồng thuận – về quan niệm về chủ quyền và duy trì ranh giới.

Con trai thứ năm Thủ tướng Campuchia Hun Sen, dân biểu Hun Many, nói với tờ Phnom Penh Post hôm thứ Ba rằng chính đảng của cha của ông, đảng Nhân dân Campuchia, với sự giúp đỡ của cộng sản Việt Nam, đã cứu nhiều người Campuchia khỏi đau khổ. Ước tính có khoảng 2 triệu đến 3 triệu người đã thiệt mạng và năm ngoái, hai nhân vật lãnh đạo cuối cùng còn sống sót của Khmer Đỏ đã bị một tòa án diệt chủng do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn kết tội. Cả hai đã thụ án chung thân cho tội ác chống nhân loại.

Cựu lãnh đạo Khmer Đỏ Nuon Chea và Khieu Samphan trong phiên tòa được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn. Cả hai đều bị kết tội chống nhân loại. Ảnh: EPA

Singapore biết rõ về sự ghê tởm của người Campuchia đối với Khmer Đỏ, thủ tướng sáng lập Lee Kuan Yew đã viết như vậy trong hồi ký của ông, Từ thế giới thứ ba đến thứ nhất: Câu chuyện về Singapore từ năm 1965-2000 (From Third World to First: The Singapore Story 1965-2000.).

Thủ tướng Lee nói, nhưng các nỗ lực của Singapore ngăn chặn Việt Nam là để tránh có một chế độ bù nhìn được thiết lập, và để đảm bảo rằng mọi người thấy rằng “việc xâm lược không mang lại lợi ích gì”.

Nhà ngoại giao Singapore đã nghỉ hưu, ông Bilahari Kausikan, trong phiên hỏi đáp tại một khóa giảng hồi tháng 3 năm 2016 tại Singapore, cho biết cuộc khủng hoảng Campuchia là cuộc chiến ủy nhiệm giữa Trung Quốc và Liên Xô khi đó và vai trò của Asean là ngăn chặn cuộc xâm lược của cộng sản Việt Nam là một “việc đã rồi’.

Vị cựu đại sứ thẳng thắn nói, là một tập hợp của các quốc gia nhỏ, Asean có thể vận động hành lang hiệu quả hơn nhiều tại Liên Hiệp Quốc. Ông nói,

“Những gì chúng tôi có thể làm, chúng tôi đã làm rất tốt, đó là ngăn chận Việt ở mọi ngả đường khi họ cố gắng thoát khỏi sự cô lập ngoại giao.”
Cựu Đại sứ Singapore Bilahari Kausikan

Ong Keng Yong, một đại sứ lưu động và chủ tịch điều hành của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, trong cùng một khóa giảng kể lại rằng ông nằm trong số các chuyên gia ngoại giao được giao nhiệm vụ đảm bảo rằng ngay cả khi các nhân viên ngoại giao phải sử dụng nhà vệ sinh, họ sẽ xuất hiện kịp thời để bỏ phiếu chống lại Việt Nam.

Hôm thứ Tư, khi được hỏi ông có bình luận gì về vấn đề nay, Kausikan schỉ nói:

“Triết gia George Santayana đã từng nói ‘Những người không nhớ lịch sử sẽ bị buộc lặp lại lịch sử.’ Bộ trưởng Campuchia nên suy nghĩ về điều này.”
Cựu Đại sứ Singapore Bilahari Kausikan

Phó giáo sư của trường đại học Occidental, Sophal Ear, người sống sót sau chế độ Khmer Đỏ, nói rằng tuyên bố của Lee là “thực sự đúng…, nhưng dĩ nhiên, Phnom Penh muốn viết lại lịch sử và nhờ mọi người phản đối chế độ do Việt Nam hậu thuẫn trong những năm 1980 phải xin lỗi, vì bất kỳ ai chống họ là ủng hộ Khmer Đỏ.

Hình ảnh các tù nhân tại nhà tù khét tiếng Khmer Đỏ, S-21, ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: Marissa Carruthers

 Đề cập đến việc Trung Quốc hiện là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Campuchia, Sophal Ear nói thêm,

“Nhảm nhí. Việt Nam đã xâm chiếm Campuchia. Đã có một cuộc kháng chiến của lực lượng không cộng sản. Tất nhiên, Trung Quốc hiện cướp Campuchia.”
Sophal Ear

Joshua Kurlantzick, một thành viên cao cấp của Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết  Việt Nam xâm lăng Campuchia vẫn là một vấn đề nhạy cảm.

Ông nói, dẫu cuộc xâm lăng đó đã kết thúc “một trong những chế độ tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay”, thì việc Hoa Kỳ và các quốc gia trong khu vực ủng hộ các nhóm đồng minh của Khmer Đỏ sau cuộc xâm lược là một vết nhơ trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.

Joshua Kurlantzick  nói, ngoài ra, Campuchia luôn nhạy cảm với khái niệm cho rằng họ, bằng cách nào đó, lệ thuộc vào Việt Nam, và trong khi nhiều người Campuchia đã xem các lực lượng Việt Nam là những người giải phóng, thì ở Campuchia vẫn có tinh thần chống Việt Nam được các chính khách khuấy động thường xuyên.

“Vì vậy, giới lãnh đạo Campuchia có thể đồng thời muốn trấn an Việt Nam rằng họ vẫn là một đối tác quan trọng, giải quyết những cảm xúc tế nhị của người Campuchia về cuộc xâm lược của Việt Nam và đảm bảo tiếp tục có quan hệ với Việt Nam.
Joshua Kurlantzick

Bộ Ngoại giao Singapore không trả lời yêu cầu bình luận.

© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

*
Nguồn: Did Vietnam ‘invade’ Cambodia, or save it?  | Dewey Sim & Lynn Lee  | SCMP | June 6, 2019.

Bài viết này đã đăng trong ấn bản của tờ South China Morning Post với tựa đề, “Tuyên bố ‘xâm lăng’ của Thủ tướng bị phản đối”.

------------------

THEO DÒNG THỜI SỰ

Kông Kông  -   08/06/2019

BTV Tiếng Dân   -   08/06/2019

Dương Quốc Chính   -    07/06/2019

Nguyễn Lương Hải Khôi   -   07/06/2019

Trung Bảo   -   06/06/2019

Phạm Trần    -    6-6-2019

Nguyễn Ngọc Chu    6-6-2019

Dương Quốc Chính     6-6-2019

Tạ Duy Anh     6-6-2019 

BTV Tiếng Dân    6-6-2019

Chu Mộng Long     5-6-2019

Dương Quốc Chính    5-6-2019

Dương Quốc Chính     5-6-2019 

Trần Quốc Quân    05/06/2019





No comments: