Sunday, June 9, 2019

KHI TỔNG THỐNG ĐẾN THĂM NỮ HOÀNG (Lê Phan)




Lê Phan
June 9, 2019

“Veni, vidi, tweeti” (Ta đến, ta thấy, ta tweet), đó là tóm tắt mà tờ New Yorker nói Tổng Thống Donald Trump hẳn nghĩ về chuyến đi đến thăm Anh Quốc của ông.

Mà nếu ông có nghĩ như vậy thì cũng phải thôi vì trong khuôn khổ của một chuyến đi của một tổng thống Hoa Kỳ, chuyến đi Anh và Âu Châu của tổng thống tương đối ít ồn ào và êm thắm. Đoàn hộ tống của ông nghe đâu chỉ có 1,000 người.

Air Force One đã chọn hạ cánh xuống phi trường Stansted ở phía Đông Bắc thủ đô Luân Đôn, hay đúng hơn tôi phải nói là kinh đô Luân Đôn vì đây vẫn còn là một vương quốc và danh xưng chính thức của đất nước này là Vương Quốc Thống Nhất (United Kingdom). Đối với dân Anh và nhiều trăm ngàn du khách Âu Châu thích đi phi cơ rẻ tiền thì đây là một cửa ngõ không mấy hào nhoáng cho Âu Châu. Nếu quý vị muốn kiếm vé đi Bologna vào lúc 6 giờ 30 phút sáng mà chỉ mất có $30, Stansted là phi trường của quý vị. Nhưng tổng thống không chọn đến Stansted vì lý do đây là một phi trường cho các hãng hàng không rẻ tiền mà là vì vấn đề an ninh. Stansted ít bị chú ý hơn và cũng tương đối ít khách hơn nên an ninh dễ bảo đảm hơn.

Luân Đôn là một thành phố cổ kính. Thành phố do người La Mã lập nên khi đế quốc của họ còn cai trị thế giới. Hồi đó thành phố này mang cái tên là Londonium. Trong thành phố còn rải rác những di tích của người La Mã. Không xa nơi tổng thống gặp Thủ Tướng Theresa May còn có một Roman Bath, một phòng tắm công cộng mà người La Mã nổi tiếng ưa thích. Ngay cả triều đại đang cầm quyền cũng dẫn dòng họ đến thời Quận Công Normandie, mà sau này là Vua William the Conqueror đến chinh phục đất nước này. Tòa thành Tower mà ông xây dựng vẫn còn đứng vững mặc dầu đã 1,000 năm.

Nhưng thành phố hiện có một ông đô trưởng khá trẻ, ông Sadiq Khan, năm nay chưa đầy tứ tuần. Khổ một nỗi tổng thống không ưa ông đô trưởng của thành phố chủ nhà. Chưa đến nơi ông đã có một cuộc đấu khẩu bằng tweet với ông Khan mà tổng thống bảo là “stone cold loser.” Thú thật tôi không hiểu tổng thống muốn nói gì. Tạp chí New Yorker bảo hẳn là để đối nghịch với tổng thống vốn là “red hot winner” chăng. Tổng thống nổi giận vì ông Khan đã phản đối không phải sự hiện diện của tổng thống mà cách đón rước. Hoàn cảnh nước Anh đang cần bạn sau khi đòi ly dị với bạn cũ khiến chuyện mời đón bạn mới là chuyện cũng được đi nhưng trải thảm đỏ như vậy cũng hơi khó chịu.

Cũng tại vấn đề an ninh tổng thống đã không được thưởng thức một trong những khoản ngoạn mục nhất của một vị quốc khách của nữ hoàng. Họ được đưa vào thành phố trên xe tứ mã sơn son thếp vàng ngồi kế bên nữ hoàng để tới Điện Buckingham nơi một căn apartment đặc biệt đã được dọn dẹp để họ có thể là khách quý của nữ hoàng. Nhưng sở bảo vệ yếu nhân Secret Service bảo không được.

Xe tứ mã này, tuy không lộ thiên nhưng toàn bằng gỗ, thật là một mục tiêu tốt cho khủng bố, nhất là con đường đi qua công viên Thánh James cây cối um tùm, thêm khó khăn cho việc bảo vệ. Thôi thì tổng thống hẳn cũng an ủi vì cựu Tổng Thống Barack Obama, người mà ông vẫn cả quyết là không phải dân Mỹ, cũng đã chọn sự an toàn của “Con Quái Vật-the Beast,” cái tên của chiếc Cadillac One vốn chở tổng thống đi khắp nơi.

Tổng thống cũng không ở lại trong một apartment ở Điện Buckingham mà phải ở trong tư dinh của ông đại sứ Hoa Kỳ ở Luân Đôn. Có người xấu bụng bảo là không hiểu hoàng gia tại sao đúng lúc này lại đi canh tân khu dành cho các quốc khách. Những người bênh hoàng gia thì chỉ ra là chuyến công du của tổng thống đã trì hoãn nhiều lần bỗng được vội vàng tổ chức vì Thủ Tướng Theresa May sắp phải từ chức, nên hoàng gia không biết trước kịp để thúc hối sửa chữa cho xong khu apartment cho quốc khách.

Dầu sao chăng nữa tổng thống cũng an ủi vì Winfield House là tòa tư thất lớn thứ nhì ở Luân Đôn. Hơn thế Winfield House là hoàn toàn Mỹ, do chính một nữ triệu phú người Mỹ dựng lên, nên tổng thống khỏi sợ bị lây nhiễm những thứ ngoại lai. Vả lại ở Winfield House hẳn là tổng thống khỏi phải sợ những bữa cơm thiếu món khoái khẩu.

Dân chúng Anh thường bảo nhau là có một hoàng gia có nhiều cái lợi vì hoàng gia đã được huấn luyện từ nhỏ để giữ lễ nghi và tự chế. Bởi thế, tuy báo chí cố tìm cách bới móc nhưng mặc dầu tổng thống được thâu băng gọi Quận Chúa Sussex là “nasty,” Hoàng Tử Harry đã không để lộ một tí gì giận hờn khi gặp tổng thống cả. Quận chúa có thể còn thiếu kinh nghiệm nhưng may quá bà có lý do, Hoàng Tử nhí Archie mới vừa đầy tháng nên bà còn nghỉ hộ sản.

Mặc dầu đã có một số bày tỏ lo ngại là tổng thống có thể, trong cơn thịnh nộ, đưa ra thêm những lời phê bình hay tweet thiếu lễ độ, nhưng dân chúng Anh đã không lo cho nữ hoàng. Bởi đây là một người được huấn luyện để làm vua, và nhiệm vụ chính của nhà vua là tiếp khách cho quốc gia. Bà không thiếu kinh nghiệm.

Chỉ hai năm sau khi lên ngôi bà đã phải tiếp đón Hoàng Đế Haile Selassie của Ethiopia. Những vị khách quý mà bà đã nhân danh Vương Quốc Thống Nhất chào đón gồm Vua Faisal của Iraq, Tổng Thống Charles de Gaulle, và hai nhà độc tài Mobutu Sese Seko của Zaire, Suharto của Indonesia, và ngay cả đến Tổng Thống Nicolae Ceausescu của Romania.

Một vài vị trong số này, như ông Ceausescu chẳng hạn sau này đã bị dân chúng lật đổ và xử tử, nhưng khi ở Luân Đôn, họ đều đã được chinh phục bởi những nụ cười hiền hòa, câu chuyện vô thưởng vô phạt, và theo một số trong các nhà ngoại giao Anh, vũ khí bí mật của nữ hoàng, Bữa Quốc Yến. Họ giải thích, một điều nữ hoàng biết chắc là, đối diện với một dàn chào như vũ khí những dao muỗng nĩa, ngay cả các nhà độc tài cũng phải đầu hàng. Ông này bảo “Khi phải chọn xem cái dao cá nào là dao cá đúng và toán xử tử thì ông Ceausescu sẽ chọn tử hình.”

Ấy là chưa kể, tham dự quốc yến thì các ông phải mặc áo đuôi tôm. Một chính trị gia đã từng có kinh nghiệm giải thích là khi đã mặc vào cái bộ đồ đó thì vấn đề không phải là có thể trình diễn, hay khoe khoang mà vấn đề là bạn có thở nổi không. Nhất là với một người có dáng dấp như tổng thống. Ông Obama có cái hên là ông thon nhỏ nên đỡ bị thắt cột hơn. Thành ra chúng ta phải thông cảm khi tổng thống đã phải trải qua nào là đứng lên đọc bài diễn văn, rồi còn nâng ly chúc sức khỏe nữ hoàng, nhất là khi ông lại không uống rượu để cho nó đỡ cảm thấy cái gò bó của bộ đồ đuôi tôm, trong đó tệ nhất là cái mà Ăng lê gọi là waistcoat tức là cái gilet cứng ngắc đè trước ngực như cái áo giáp vậy.

Nữ Hoàng Elizabeth II và Tổng Thống Donald Trump trong buổi vinh danh các cựu chiến binh từng sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy và hy sinh mạng sống mình 75 năm trước đây, vào ngày đổ bộ lên bờ biển Normandy ở Pháp, vốn thường được gọi là ngày D-Day, hôm Thứ Tư, 5 Tháng Sáu. (Hình: Chris Jackson-WPA Pool/Getty Images)

Trong số những người chọn vắng mặt có ông Jeremy Corbyn, người mà tước vụ chính thức là Leader of Her Majesty’s Opposition, tức là Lãnh Tụ Đối Lập của nữ hoàng. Người chê thì bảo ông Corbyn tẩy chay bữa tiệc là trẻ con nhưng người khen thì bảo ông ta giữ nguyên tắc. Dầu sao chăng nữa, nhờ không đi dự dạ tiệc nên sáng sớm hôm sau ông đã có thể đi biểu tình chống tổng thống. Tổng thống bèn lên tweet chê ông Corbyn là “tiêu cực.” Một nhà ngoại giao tham dự bữa tiệc nhận xét với nhà ngoại giao kế bên là tổng thống đáng lẽ không nên làm vậy bởi nhỡ vài tháng tới người hôm nay là Lãnh Tụ Đối Lập của nữ hoàng có thể là thủ tướng Anh thì hơi phiền. Ông kia bảo không sao, tổng thống dễ quên lắm. Cứ như ông Boris Johnson ngày nào khi còn ở chức vụ của ông Đô Trưởng Khan đã từng bảo không thèm mời tổng thống đến Luân Đôn ấy vậy mà nay là bạn thân của tổng thống rồi đấy.

Ấy là chưa kể hoàng gia đã sẵn sàng tiếp đón không những tổng thống mà nguyên cả hai cậu con trai và ba cô con gái của tổng thống nữa. Chả thế mà họ đã chụp hình ngay sau dự đại yến để gửi tặng nữ hoàng cảm ơn.

Nhưng rồi tổng thống đã chào nữ hoàng ra đi rồi. “Veni, vidi, tweeti” – Ta đến, ta thấy, ta không cần chinh phục chỉ cần tweet thôi. Dân chúng Anh thở phào nhẹ nhõm, ít nhất sẽ không bị đứng tim vì nhỡ tổng thống nghĩ lại đòi đem cái Tổ Chức Y Tế Quốc Gia – National Health Service (NHS) quý hóa của mình thay thế bằng hệ thống y tế của Hoa Kỳ thì khổ quá. (Lê Phan)





No comments: