Sunday, June 9, 2019

HỒ SƠ THIÊN AN MÔN MỚI : BÊN TRONG CUỘC HỌP BÍ MẬT ĐÃ THAY ĐỔI TRUNG QUỐC (Andrew J. Nathan - Foreign Affairs)




Trà Mi dịch
Posted on June 8, 2019 by editor_

Ngày nay, trên bề mặt Trung Quốc có một chế độ mạnh hơn so với bất kỳ thời đại nào kể từ triều đại Mao Trạch Đông, nhưng nó cũng dễ vỡ hơn.

Thủ tướng Zhao Ziyang, lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Hu Yaobang tại một cuộc họp năm 1984. Ảnh: AP

Ngày 15 tháng 4 năm 1989, nhân vật lãnh đạo được hâm mộ ở Trung Quốc Hu Yaobang (Hồ Diệu Bang) chết sau một cơn đau tim ở Bắc Kinh. Hai năm trước, Hồ Diệu Bang đã bị cách chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vì quá cởi mở. Trong những ngày sau khi ông qua đời, hàng ngàn sinh viên từ các đại học ở Bắc Kinh đã tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn, ở trung tâm Bắc Kinh, để đòi đảng [cộng sản] tổ chức một đám tang xứng đáng cho ông.

Tôn vinh Hồ Diệu Bang là cách các sinh viên bày tỏ sự không hài lòng của họ đối với tham nhũng và lạm phát đã bùng phát  trong mười năm cải cách và mở cửa dưới quyền Đặng Tiểu Bình, người lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, và sự thất vọng của họ khi không có tự do hóa chính trị. Trong bảy tuần sau đó, các nhân vật lãnh đạo đảng cộng sản đã tranh luận về cách đối phó với những cuộc biểu tình và họ đã đưa ra những tín hiệu không đồng nhất cho công chúng. Trong khi đó, số người biểu tình tăng lên có thể gần tới một triệu, gồm công dân từ nhiều tầng lớp xã hội. Sinh viên chiếm quảng trường tuyên bố tuyệt thực, yêu cầu của họ ngày càng triệt để và các cuộc biểu tình lan rộng đến hàng trăm thành phố khác trên khắp Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình quyết định tuyên bố thiết quân luật, có hiệu lực vào ngày 20/5.

Nhưng những người biểu tình nhất định phản kháng và họ Đặng ra lệnh dùng vũ lực bắt đầu vào đêm ngày 3 tháng Sáu; trong 24 giờ sau đó, hàng trăm người đã thiệt mạng, nếu không muốn nói là nhiều hơn; vẫn chưa được biết số người chết chính xác. Bạo lực đã kích động sự nổi dậy lan rộng khắp xã hội Trung Quốc và dẫn đến sự lên án của quốc tế, và các nước dân chủ trong khối G-7 áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc. Zhao Ziyang (Triệu Tử Dương), Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã ủng hộ cách đối xử ôn hòa và không chấp nhận quyết định sử dụng vũ lực. Đặng Tiểu Bình lật đổ Triệu Tử Dương ra khỏi vị trí quyền lực, và họ Triệu bị quản thúc tại gia, cho đến khi ông chết vào năm 2005.

Hơn hai tuần sau, vào ngày 19-21 tháng 6, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng, Bộ Chính trị, đã triệu tập cuộc họp mà họ gọi là một cuộc họp ‘mở rộng’, một cuộc họp gồm cả những đảng viên lớn tuổi đã nghỉ hưu và có ảnh hưởng nhất. Mục đích của việc tập hợp nhóm đảng viên này là để thống nhất giới tinh hoa của đảng đang chia rẽ xung quanh các quyết định của Đặng Tiểu Bình trong việc sử dụng vũ lực và loại bỏ họ Triệu ra khỏi Bộ Chính trị. Cách đối phó của đảng cộng sản đối với cuộc khủng hoảng năm 1989 đã định hình tiến trình của lịch sử Trung Quốc trong ba mươi năm kế tiếp và cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị đã định hình cách đối phó đó. Nhưng những gì được nói trong cuộc họp chưa bao giờ được tiết lộ cho đến hôm nay.

Một trang ghi lại sự kiện ngày 4 tháng 6 năm 1989, trong nhật ký của Li Rui (Lý Duệ), một trong những thư ký riêng của Mao, với tiêu đề Cuối tuần Đen tối. Hình ảnh: Thư khố Viện Hoover.

Nhân kỷ niệm 30 năm cuộc đàn áp tàn bạo ngày 4 tháng 6, New Century Press (Thế Kỷ Mới), một nhà xuất bản tại Hồng Kông, sẽ xuất bản “Zuihou de mimi: Zhonggong shisanjie sizhong lòngui liusi tựa jielun wengao” (Tối hậu đích bí mật: Trung Cộng thập tam giới tứ trung toàn hội “lục tứ” kết luận văn đương hay “Bí mật cuối cùng: Tài liệu cuối cùng về Cuộc đàn áp 4 tháng 6”), gồm các bài phát biểu của những đảng viên hàng đầu đã phát biểu tại phiên họp. Thế kỷ Mới có được những bản tốc ký (và hai văn bản ghi lại nhận xét) từ một đảng viên đã lấy được bản sao ngay lúc đó. Năm 2001, tạp chí này đã xuất bản các trích đoạn từ Hồ sơ Thiên An Môn (The Tiananmen Papers), một loạt các báo cáo chính thức và biên bản cuộc họp đã được bí mật đưa ra ngoài Trung Quốc và những tài liệu ghi lại các cuộc tranh luận gay gắt và đưa ra quyết định gây tranh cãi khi đảng cộng sản phải đối phó với các cuộc biểu tình ở Trung Quốc mùa xuân năm 1989. Đến nay, những bài diễn văn mới tiết lộ này đã làm sáng tỏ những gì đã xảy ra sau cuộc đàn áp, nói rõ về những bài học mà giới lãnh đạo đảng rút ra từ cuộc khủng hoảng Thiên An Môn:

Nguồn: New Century Press

1.    Đầu tiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang bị nội thù trong nước thông đồng với kẻ thù ở nước ngoài thường trực bao vây;
2.    Thứ hai, những cải cách kinh tế phải lùi lại nhường chỗ cho việc kỷ luật ý thức hệ và kiểm soát xã hội;
3.    Và thứ ba, đảng cộng sản thất bại trước kẻ thù nếu để nội bộ chia rẽ.

Hình : Sinh viên Trung Quốc trong một cuộc biểu tình ở Quarg trường Thiên An Môn, Băc Kinh, Tháng 4, 1989. Ảnh: Stringer Network / Reuters

Những bài phát biểu đưa ra một cái nhìn ở hậu trường đáng chú ý về văn hóa chính trị độc đoán trong thực tế – và một dấu hiệu của những gì sẽ xảy ra ở Trung Quốc, trong những thập kỷ sau đó, đảng cộng sản đã sử dụng các hình thức kiểm soát tinh vi và xâm phạm hơn bao giờ hết để chống lại lực lượng đòi tự do hóa. Đọc những văn bản đó, người ta có thể thấy những đảng viên tại chức đã đoàn kết với những đảng viên lão thành đã nghỉ hưu nhưng vẫn giữ được quyền lực trong giai đoạn đầu của thời hậu Mao. Những người này từ lâu đã lo sợ rằng những cải cách của Đặng Tiểu Bình quá tự do, đã hoan nghênh cuộc đàn áp, và những người từ lâu ủng hộ cải cách và mở cửa đã phải chấp hành lệnh của đảng.

Các bài phát biểu cũng cho thấy rõ những bài học rút ra từ Thiên An Môn tiếp tục hướng dẫn lãnh đạo Trung Quốc như thế nào: người ta có thể vẽ một đường thẳng nối liền những quan điểm và đã được đưa ra trong cuộc họp của Bộ Chính trị tháng Sáu năm 1989 với cách đối xử cứng rắn với sự đổi mới và người bất đồng chính kiến ​​mà hiện nay Chủ tịch Tập Cận Bình đang theo đuổi.

Cả thể  thế giới có thể đang đánh dấu kỷ niệm 30 năm của cuộc khủng hoảng Thiên An Môn như một chương sử quan trọng của Trung Quốc cận đại. Tuy nhiên, đối với chính phủ Trung Quốc, Thiên An Môn vẫn là một điềm báo đáng sợ. Mặc dù chế độ hiện tại đã xóa sạch các sự kiện của ngày 4 tháng 6 khỏi ký ức của hầu hết người dân Trung Quốc, nhưng họ vẫn sống với hậu quả của nó.

Luận điệu của Đảng

Bộ Chính trị đã không triệu tập những người tham gia cuộc họp của mở rộng để tranh luận về sự khôn ngoan của các quyết định của Đặng Tiểu Bình. Đảng cộng sản triệu tập họ đến cuộc họp để làm lễ bầy tỏ lòng trung thành, trong đó mỗi diễn giả đăng đàn khẳng định sự ủng hộ của mình bằng cách chứng thực hai văn bản: một bài phát biểu mà Đặng đã đọc vào ngày 9 tháng 6 để bày tỏ lòng biết ơn đối với những đoàn quân đã thực hiện cuộc đàn áp ở Quảng trường Thiên An Môn và một bản báo cáo do đối thủ kịch liệt Triệu Tử Dương, Thủ tướng Li Peng (Lý Bằng), soạn thảo. nêu chi tiết những lỗi lầm của Triệu Tử Dương khi giải quyết khủng hoảng. (Hai văn bản này đã được công bố từ lâu.)

Không rõ chính xác những ai đã tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị. Nhưng ít nhất 17 người đã phát biểu, và mỗi người đèu bắt đầu nhận xét của mình bằng những từ “Tôi hoàn toàn ủng hộ,”  bài phát biểu của Đặng Tiểu Bình và bản báo cáo của Lý Bằng. Tất cả đều đồng ý rằng cuộc biểu tình của sinh viên đã bắt đầu như một sự ‘xáo trộn’ (thường được dịch là ‘hỗn loạn’). Họ đồng ý rằng chỉ khi những người biểu tình chống quân đội tiến vào Bắc Kinh vào ngày 2 tháng 6 thì tình hình mới biến thành một cuộc “bạo loạn phản cách mạng” buộc phải dẹp tan bằng vũ lực. Mỗi bài phát biểu đều được bổ túc bằng những hiểu biết cá nhân, để diễn giả thể hiện lòng chân thành ủng hộ Đặng Tiểu Bình. Qua nghi lễ xác định lòng trung thành này, đảng cộng sản đang chia rẽ đã tìm cách sang trang và xác lập lại quyền kiểm soát đối với một xã hội u buốn.

Khi phân tích lý do trước nhất tại sao lại có ‘sự xáo trộn’ xảy ra và tại sao nó lại trở thành một cuộc bạo loạn, các diễn giả đã tiết lộ một sự hoang tưởng sâu sắc của họ về những kẻ thù trong và ngoài nước. Xu Xiangqian  (Từ Hướng Tiền), một nguyên soái đã nghỉ hưu trong Quân đội Giải phóng Nhân dân, tuyên bố:

“Sự thật chứng minh rằng sự hỗn loạn hồi tháng trước và hơn thế nữa, cuối cùng đã trở thành một cuộc bạo loạn phản cách mạng, là kết quả của sự liên kết của các lực lượng phản cách mạng trong và ngoài nước, kết quả của sự thăng hoa lâu năm của việc tự do hóa tư sản. . . . Mục tiêu của họ là một kế hoạch điên rồ nhằm lật đổ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và đánh sập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để thiết lập một nền cộng hòa tiểu tư sản có thể là nước chống cộng, chống xã hội, và hoàn tất nghĩa vụ chư hầu cho các cường quốc phương Tây.”
Từ Hướng Tiền. Nguồn: china news today

Peng Zhen (Bành Chân), cựu chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội Nhân dân, đã lặp lại những suy nghĩ  đó:

“Trong một khoảng thời gian, có một nhóm rất nhỏ, những người kiên quyết thúc đẩy tự do hóa tiểu tư sản đã hợp tác với các thế lực thù địch nước ngoài để kêu gọi sửa đổi hiến pháp của chúng ta, âm mưu phá hủy Bốn Nguyên tắc cơ bản [của Đặng Tiểu Bình để duy trì chủ nghĩa xã hội và sự cai trị của Đảng Cộng sản] phá đổ nền tảng của nước ta; họ âm mưu thay đổi. . . hệ thống chính trị cơ bản của đất nước chúng ta và thúc đẩy thay thế nó bằng hệ thống tam quyền phân lập theo kiểu Mỹ; họ âm mưu thay đổi chế độ dân chủ tập trung của nước Cộng hòa Nhân dân chúng ta do giai cấp công nhân lãnh đạo và dựa trên liên minh công nông để trở thành một nhà nước độc tài tư bản hoàn toàn tây phương hóa.”
Bành Chân. Nguồn: Amazon.com

Bốn Nguyên tắc cơ bản trong con đường cơ bản của Đảng trong giai đoạn đầu xã hội chủ nghĩa của Đặng Tiểu Bình :

[1. Tất tu kiên trì xã hội chủ nghĩa đạo lộ (duy trì con đường chủ nghĩa xã hội)
2. Tất tu kiên trì nhân dân dân chủ chuyên chính (duy trì chuyên chính dân chủ nhân dân)
3. Tất tu kiên trì Trung Quốc Cộng sản Đảng đích lãnh đạo (duy trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc)
4. Tất tu kiên trì Mã Khắc Tư – Liệt Ninh chủ nghĩa, Mao Trạch Đông tư tưởng (duy trì chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Mao Trạch Đông)]
Đặng Tiểu Bình. Nguồn:Wikipedia

Những người khác đưa ra một điểm thậm chí còn chi tiết hơn về chủ đề này, gợi lên những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh để cảnh cáo về sự lật đổ của Mỹ. Tướng Song Renqiong (Tống Nhậm Cùng), Phó Chủ tịch Ủy ban Tư vấn Trung ương của đảng nói,

“Bốn mươi năm trước, [Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Foster] Dulles nói rằng hy vọng cho sự phục hồi [của chủ nghĩa tư bản] ở Trung Quốc sẽ đến ở hế hệ thứ ba hoặc thứ tư [sau khi Trung Hoa trở thành nước cộng sản]. Nay, tình trạng ý thức hệ  chính trị trong một phần giới trẻ thật đáng lo ngại. Chúng ta không thể để dự đoán của Dulles trở thành sự thật.”

Con dê tế thần

Nhiều diễn giả cho rằng sự thối rữa về ý thức hệ đã mọc rễ từ thời Hồ Diệu Bang, Tổng bí thư đảng cộng sản trước Triệu Tử Dương, từ năm 1982 đến 1987, khi chính sách cải cách của Đặng Định bắt đầu mở cửa cho ngoại thương và đầu tư, doanh nghiệp tư nhân và các yếu tố của thị trường tự do phát triển. Cùng với những cải cách này, Trung Quốc đã chứng kiến sự xâm nhập của ​​một luồng tư tưởng thân phương Tây trong giới nhà báo, nhà văn, học giả, sinh viên, tầng lớp doanh nhân tư nhân mới nổi và ngay cả công chúng nói chung. Phe bảo thủ đã dựa vào họ Đặng để loại bỏ Hồ Diệu Bang khỏi ghế quyến lực đã đổ lỗi cho họ Hồ đã không ngăn chận được khuynh hướng này. Họ đã hy vọng rằng Triểu Tử Dương sẽ khá hơn. Nhưng rồi họ cũng buộc tội Triệu Tử Dương đã không chú ý đủ đến kỷ luật ý thức hệ, và làm đảng mất khả năng kiểm soát dư luận.

Cựu lãnh đạo đảng Cộng sản Zhao Ziyang (Triệu Tử Dương) trong khu vườn của nhà ông ở trung tâm Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 6 năm 1998.Ảnh: Reuters File Photo

Các diễn giả tại cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị năm 1989 tin rằng hầu hết những người tham gia biểu tình đều sai lầm nhưng không phải là thù địch của chế độ. Một người nói, họ đã bị một số rất nhỏ những kẻ xấu thao túng. Song Ping (Tống Bình), một chuyên viên hoạch định kinh tế và là thành viên Bộ Chính trị, thậm chí còn cho rằng Triệu Tử Dương và các đồng minh trong phe đổi mới đã ấp ủ một âm mưu bất chính để chia rẽ đảng, lật đổ họ Đặng và dân chủ hóa Trung Quốc. Một số diễn giả khác ủng hộ quan điểm này mà không đưa ra bằng chứng.

Các diễn giả cũng đã lên tiếng chống lại kẻ ngoại thù mà họ cáo buộc đã thông đồng để làm cuộc khủng hoảng trầm trọng thêm. Theo họ Tống,

“Trong phong trào sinh viên, Hoa Kỳ đã nhúng tay vào, bằng nhiều cách. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ loan truyền tin đồn và xúi giục mỗi ngày, cố gắng làm cho Trung Quốc hỗn loạn.”
Tống Bình.  Nguồn:Alchetron

Phó chủ tịch Wang Zhen (Vương Chấn) bày tỏ quan điểm chung  của nhiều người, sự can thiệp của Washington chỉ là hành động mới nhất trong âm mưu kéo dài hàng chục năm nhằm lật đổ chủ nghĩa cộng sản.

“Sau Cách mạng Tháng Mười, 14 đế quốc đã can thiệp quân sự vào chế độ Xô Viết mới thành hình, và Hitler tấn công vào năm 1941. Sau Thế chiến II, đế quốc Mỹ ủng hộ Tưởng Giới Thạch trong Nội chiến Trung Quốc và sau đó xâm chiếm Đại Hàn và Việt Nam. Nay, họ muốn đạt được mục tiêu của mình một cách dễ dàng, bằng cách dùng “diễn biến hòa bình”. . . mua chuộc người bằng tiền, lật đổ văn hóa và ý thức hệ, gửi điệp viên, đánh cắp thông tin tình báo, tung tin đồn, kích thích hỗn loạn, hỗ trợ các thế lực thù địch nội bộ của chúng ta, họ dùng đủ mọi cách trừ việc trực tiếp xâm lăng.”
Vương Chấn.  Nguồn: Wikipedia

Bằng cách bôi nhọ những người đối lập trong nước và phóng đại vai trò của các lực lượng nước ngoài, phe bảo thủ thắng thế đã tiết lộ sự mù quáng của họ đối với các vấn đề thực sự ảnh hưởng đến chế độ của họ. Yếu tố chính là sự chán ghét do sự kiểm soát chính trị tàn bạo của đảng cộng sản tạo ra trong khối sinh viên sinh, trí thức và tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy. Nhưng họ lại đổ lỗi cho sự đổi mới. Phe bảo thủ trong Đảng hiện đang thắng thế vẫn lo ngại về các chính sách của họ Đặng, như Triệu Tử Dương đã thuật lại trong hồi ký viết trong bí mật và phát hành sau khi ông đã chết, “Tù nhân Nhà nước”. Ông đã đấu tranh với phe bảo thủ trong suốt nhiệm kỳ Thủ tướng (từ 1980 đến 1987), khi ông giữ vai trò là nhân vật chính thực hiện tầm nhìn của Đặng Tiểu Bình, và Đặng thường bị buộc phải thỏa hiệp giảm tham vọng của mình để xoa dịu phe bảo thủ.

Nhóm bảo thủ đã lên án Triệu Tử Dương tại cuộc họp của Bộ Chính trị thường làm như vậy bằng cách tấn công các chính sách thực sự là của Đặng Tiểu Bình. Ví dụ, Vương Chấn cảnh cáo rằng các cải cách kinh tế đang đưa Trung Quốc hội tụ với phương Tây, nhưng ông giả vờ cho rằng những ý tưởng cải cách này là của Triệu Tử Dương chứ không phải của họ Đặng. (Ông ấy và những người khác gọi Triệu Tử Dương là là đồng chí vì Triệu Tử Dương vẫn còn là một đảng viên.) Vương Chấn nói,

“Chúng ta cần phải thừa nhận rằng cải cách và mở cửa mà đồng chí Tiểu Bình đã nói khác về bản chất với những cải cách và mở cửa mà đồng chí Triệu Tử Dương đã nói đến. Đồng chí Tiểu Bình, cải cách và mở cửa nhằm bảo vệ chủ quyền dân tộc và tôn trọng sắc tộc, giữ vững con đường xã hội chủ nghĩa, duy trì sự kết hợp giữa kinh tế kế hoạch và điều tiết thị trường, tiếp tục bảo vệ tinh thần đấu tranh quết liệt và điều tiết đầu tư trực tiếp vào các ngành công nghiệp và nông nghiệp cơ bản. Đồng chí Triệu Tử Dương cải cách và mở cửa là để đi theo con đường tư bản, tăng tiêu thụ, tạo ra chất thải và tham nhũng. Đồng chí chắc chắn không phải là người thực hiện chính sách cải cách và mở cửa của đồng chí Tiểu Bình, mà là kẻ xuyên tạc và phá hủy nó.”
Vương Chấn

Các diễn giả cũng buộc tội Họ Triệu vì đã không hỗ trợ đầy đủ cho Giải phóng Quân Nhân dân, dù họ biết vấn đề quân sự đã hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Đặng Tiểu Bình. Thống chế Nie Rongzhen (Niếp Vinh Trăn) bảo vệ sự tập trung quyền lực trong quân đội đối để giữ sự ổn định của nhà nước bằng những biện luận quả quyết:

“Trong những năm gần đây, với sự nới lỏng của tình hình quốc tế và dưới tác động của khuynh hướng tư tưởng tự do tiểu tư sản, nhận thức của chúng ta về sự cần thiết của chế độ độc tài [nghĩa là, lực lượng vũ trang là một sự bảo đảm cho sự ổn định cho chế độ] suy yếu đi, công tác tư tưởng chính trị trở nên lỏng lẻo, và một số đồng chí lầm tưởng rằng quân đội không quan trọng và đả kích nhân viên quân đội. Có một số xung đột giữa các đơn vị quân đội và chính quyền địa phương ở những nơi họ đóng quân. Đồng thời, một số đồng chí của chúng ta trong quân đội đã không thoải mái trong công tác và muốn được giải ngũ, về nhà, nơi họ nghĩ rằng họ sẽ có triển vọng tốt hơn. Tất cả những điều này vô cùng sai lầm. Tôi nghĩ rằng đến nay suy nghĩ của những đồng chí này đã rõ ràng, nhờ vào bài học đẫm máu mà chúng ta vừa có: không thể hạ nòng súng xuống!”
Niếp Vinh Trăn

Mặc dù những bất đồng về chính sách giữa các nhân vật lãnh đạo đảng đã mở đường cho cuộc khủng hoảng Thiên An Môn, cuộc đàn áp vũ trang đã không vạch ra được một con đường rõ ràng trước mặt. Thật vậy, các bài phát biểu tại phiên họp mở rộng của Bộ Chính trị đã chỉ là những khẩu hiệu sáo rỗng,  với lời hiệu triệu “Củng cố tinh thần đảng và quét sạch chủ nghĩa bè phái” để “thống nhất quần chúng, làm sống lại tinh thần dân tộc và thúc dục lòng yêu nước.”  

Vì sự thiếu thốn của tư duy chính sách chân chính, sự đồng thuận [trong đảng] hình thành trước sự kiện Thiên An Môn đã rất mong manh ngay từ đầu.

Các bài phát biểu của Bộ Chính trị đã mâu thuẫn với việc ban lãnh đạo đảng thiếu các giải pháp để có thể giải quyết các vấn đề của Trung Quốc.

Vài ngày sau cuộc họp của Bộ Chính trị, đảng cộng sản Trung Quốc mơ cuộc họp với 175 người của Ban Chấp hành Trung ương, cùng với các thành viên thay thế, thành viên của Ủy ban Cố vấn Trung ương, và các quan sát viên cao cấp, cho Hội nghị Trung ương khóa 13 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 13. Ngườu kế nhiệm Triệu Tử Duong trong vị trí Tổng bí thư là Jiang Zemin (Giang Trạch Dân) đã đọc một bài phát biểu, trong đó ông cố gắng xóa mờ sự khác biệt giữa Đặng và những người bảo thủ. Ông tuyên bố rằng Đặng chưa bao giờ muốn nới lỏng kỷ luật tư tưởng:

“Từ năm 1979 đến 1989, đồng chí Tiểu Bình đã nhiều lần khẳng định cần phải mở rộng giáo dục và đấu tranh để ủng hộ vững chắc Bốn nguyên tắc cơ bản và chống lại tự do hóa tiểu tư sản. Nhưng những quan điểm quan trọng này của đồng chí Tiểu Bình đã không được thực hiện triệt để.”
Giang Trạch Dân

Giang Trạch Dân cam kết sẽ thống nhất đảng và xin lĩnh hội những cố vấn của nhóm “cách mạng lão thành.”

Dù đã nghe lời hứa của Giang Trạch Dân, cựu thành viên Bộ Chính trị Bo Yibo (Bạc Nhất Ba) lo lắng rằng giới lãnh đạo mới sẽ tiếp tục gặp phải sự phản đối.

“Chúng tôi không thể để sự chia rẽ nội bộ xảy một lần nũa. Theo quan điểm của tôi, lịch sử sẽ không cho phép chúng ta trải qua [một cuộc thanh trừng lãnh đạo] một lần nữa.”
Bạc Nhất Ba

Sau năm 1989, những người bảo thủ vẫn thăng hoa ba năm sau đó, cho đến khi Đặng , đã già, thực hiện “chuyến đi Nam” gây chú ý năm 1992. Bằng cách đến thăm các “đặc khu kinh tế” (nơi chính phủ cho phép các doanh nghiệp có đầu tư ngoại quốc, hay định hướng xuất khẩu hoạt động) và đưa ra các tuyên bố như “bất cứ ai chống lại cải cách đều phải rời từ chức”, Đặng Tiểu Bình buộc Giang Trạch Dân và các dồng chí phải tiếp tục tự do hóa kinh tế.

Đây là hành động chính trị cuối cùng của Đặng Tiểu Bình. Nó đã giúp Trung Quốc phát triểnkinh tế nhanh chóng nhưng vẫn không làm gì để hồi sinh sự tự do hóa chính trị tại đây.

Niềm tin cốt lõi

Sau khi lên nắm quyền lực sau cuộc khủng hoảng Thiên An Môn, Giang Trạch Dân ngồi hơn chục năm ở vai trò Tổng bí thư, từ năm 1989 đến 2002. Nhưng giống như Triệu Tử Dương, ông cũng chưa bao giờ có thể giành được quyền hoàn toàn kiểm soát đảng. Thật vậy, không ai trong số những người kế vị Triệu Tử Dương có thể làm như vậy cho đến khi Tập Cận Bình xuât hiện. Thất bại của Triệu Tử Dương được mổ xẻ tại phiên họp mở rộng của Bộ Chính trị, một cách nào đó, đã tiết lộ lý do tại sao hệ thống Trung Quốc có khuynh hướng về chế dộ một người cai trị [không khác gì thời phong kiến], bất chấp gía phải trả và rủi ro của chế độ tập trung quyền lực.

Những lời của Chủ tịch Yang Shangkun (Dương Thượng Côn) đặc biệt thú vị vì ông là cánh tay mặt và đại diện cá nhân đáng tin cậy nhất của Đặng Tiểu Bình, và trong khả năng đó, ông đã tham gia với tư cách là người quan sát và hòa giải trong một loạt các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị trong cuộc khủng hoảng Thiên An Môn. Ông cũng từng là sứ giả của Đặng Tiểu Bình trong quân đội trong cuộc đàn áp. Dương Thượng Côn lên án Triệu Tử Dương đã không thể tự mình trở thành người lãnh đạo mà sau này được gọi là lãnh đạo “hạch tâm” (hexin, 核心) – vì đã không xây dựng được sự đồng thuận hợp tác giữa tất cả các nhân vật lãnh đạo cao cấp và những người khác đã nghỉ hưu, mặc dù nhiều người trong số đó, về cơ bản không đồng ý với ông ta. Dương Thượng Côn phàn nàn là Triệu Tử Dương,

“không chấp nhận những ý kiến ​​của người khác, và ông ta cũng không tự phê bình nghiêm túc. Ngược lại, ông giữ những đảng viên khác ở vòng ngoài và tự mình làm mọi việc, điều này đã đẩy công việc của Ban Thường vụ vào tình trạng chỉ có sự phân công lao động thực dụng chứ không phải là sự lãnh đạo tập thể. Đây là một vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức tối cao, nguyên tắc lãnh đạo tập thể, của đảng.”
Dương Thượng Côn

Thiết lập sự lãnh đạo tập thể hiệu quả nghĩa là gì? Bành Chân, cựu chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Quốc gia, giải thích lãnh đạo tập thể như một lý tưởng:

“Trong đảng,. . . chúng ta nên và phải thực thi dân chủ hoàn chỉnh, chân thực, dân chủ cao cấp. Trong các cuộc thảo luận về vấn đề, mọi ý kiến ​​đều có thể được nêu lên, bất cứ ai đúng nên được tuân theo, mọi người đều bình đẳng trước sự thật. Cấm triệt để việc chỉ báo cáo tin tốt và không báo tin xấu, từ chối lắng nghe những ý kiến ​​khác nhau. Nếu một cuộc thảo luận không dẫn đến sự đồng ý hoàn toàn, chúng ta phải làm gì? Thiểu số phải theo đa số. Chỉ bằng cách này mới có thể được duy trì được Bốn Nguyên tắc cơ bản, toàn thể đảng thống nhất, nhân dân thống nhất.”
Bành Chân

Những kẻ gièm pha Triệu Tử Dương than phiến thay vì thuyết phục họ thie họ Triệu qua sang tìn sự ủng hộ của Đặng Tiểu Bình.

Wan Li (Vạn Lý), Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội Nhân dân. Zhao, các nhà phê bình của ông đã đồng ý, trong một phiên họp vào tháng 12 năm 1988, đã than phiền Triệu Tử Dương không đếm xỉa đến những phê bình chỉ trích.

“Tệ hơn nữa đồng chí ấy chạy đi báo cáo với đồng chí Tiểu Bình về những gì [những người chỉ trích] đã nói, và sau đó. . . khoe khoang là đồng chí Tiểu Bình ủng hộ đồng chí ấy. Có phải điều này như thể dùng đồng chí Tiểu Bình để đàn áp dân chủ hay không?”
Vạn Lý

Không thể giữ quân bình

Những hình ảnh sống động miêu ta đời số ở đỉnh cao quyền lực đầy rẫy chủ nghĩa bè phái và phản bội đâm sau lưng nhau đã chứng minh tình trạng tiến thoái lưỡng nan do học thuyết lãnh đạo của đảng tạo ra. Nhân vật lãnh đạo phải giải quyết vấn đề một cách dứt khoát đồng thời chấp nhận, và ngay cả yêu cầu có lời chỉ trích và bất đồng chính kiến ​​của một loạt các đảng viên lão thành và đối thủ, vì sự phức tạp của các vấn đề Trung Quốc, hẳn phải có những ý kiến khác nhau về những việc cần làm. Mao Trạch Đông đã không làm như vậy (ông đã thanh trừng một loạt các đối thủ), và Đặng cũng không làm thế; ông tranh luận với những người đồng quyền lực thường xuyên buộc ông phải kiềm chế các ý tưởng cải cách của mình. Đặng nghĩ ra ý tưởng về một nhà lãnh đạo cốt lõi sau cuộc khủng hoảng Thiên An Môn để gói gọn nhu cầu này, phản ảnh sự lo lắng của ông ta và các nhân vật lãnh đạo cao cấp khác, lo lắng rằng vấn đề không thể cùng nhau làm việc sẽ làm tê liệt nhóm lãnh đạp để có thể đi đến quyết định, như đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng gần đây.

Mặc dù nhân vận lãnh đạo hậu Thiên An Môn đầu tiên, Giang Trạch Dân, tự gắn cái nhãn lãnh đạo cốt lõi cho mình, nhưng ông không thiết lập được sự thống trị thực sự đối với hệ thống, và người kế nhiệm ông, Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào), thậm chí cũng không nhận nhãn hiệu này. Nhưng Tập Cận Bình đã biến mình thành một lãnh đạo cốt lõi thực sự và tự trao cho mình nhãn hiệu này vào năm 2016, sau bốn năm tại vị. Tập Cận Bình đã đạt được vị trí đó bằng cách thanh trừng tất cả những ai có thể là đối thủ, cơ cấu tay chân trung thành với Tập vào Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, tạo ra một bầu không khí sợ hãi trong đảng và quân đội bằng một chiến dịch chống tham nhũng nhắm vào đối thủ của ông ta, và nhanh chóng tiêu diệt bất kỳ ai có dấu hiệu bất đồng từ luật sư, những người ủng hộ nữ quyền, đến những người vận động môi trường và thường dân. Giống như thiên nhiên ghê tởm một khoảng chân không, hệ thống chính trị Trung Quốc ghét cay ghét đắng nền dân chủ chân chính và ép giới lãnh đạo Trung Quốc hướng tới chế độ độc tài.

Hình : Tại một hội thảo ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, tháng 6 năm 2018. Ảnh: China Stringer Network / Reuters

Tuy nhiên, lãnh đạo tập trung đã không giải quyết được mâu thuẫn không thay đồi giữa đổi mới và quyền lực đã gây ra cuộc khủng hoảng Thiên An Môn 30 năm trước. Trung Quốc càng theo đuổi sự giàu có và quyền lực bằng sự hiện đại hóa trong nước và tham gia vào nền kinh tế toàn cầu, thì nhiều sinh viên, trí thức và tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy càng không muốn tuân theo một  ý thức hệ của những năm 1950, và giới tinh hoa bảo thủ trong đảng càng phản ứng với sự thay đổi xã hội bằng cách kêu gọi siết chặt kỷ luật trong đảng và sự quy thuận trong xã hội hơn nữa. Sự căng thẳng đó chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn nữa khi Tập Cận Bình tăng thu nhập, mở rộng giáo dục đại học, di dân  đến các thành phố và khuyến khích tiêu dùng. Trung Quốc hiện có một tầng lớp trung lưu thịnh vượng, đông đảo, im lặng vì phải cẩn thận một cách thực tế nhưng khao khát tự do hơn. Tập Cận Bình đã trả lời bằng cách cách tăng cường sự kìm kẹp của nhà nước trên mạng Internet và các nguồn truyền thông khác, tăng cường tuyên truyền, hạn chế tự do học thuật, mở rộng kiểm soát, đàn áp, đối xử bạo ngược với các dân tộc thiểu số ở miền tây Trung Quốc, và bắt giữ luật sư,  những người vận động nữ quyền và những người hoạt động khác dám thúc đây một chế độ pháp trị.

Nguyên soái Niếp Vinh Trăn đã đúng khi nói trong phiên họp của Bộ Chính trị hậu Thiên An Môn rằng,

“Cuộc bạo loạn phản cách mạng đã được bình định, nhưng khuynh hướng tự do hóa tiểu tư sản còn lâu mới bị tiêu diệt. Cuộc chiến chiếm lĩnh mặt trận ý thức hệ sẽ vẫn là một cuộc chiến nhiều cay đắng. Chúng ta phải quyết tâm chiến đấu một trận chiến kéo dài; Chúng ta phải chuẩn bị cho nhiều thế hệ để chiến đấu trong nhiều thập kỷ!”
Niếp Vinh Trăn

Đảng cộng sản Trung Quốc đã thực sự chuẩn bị, và trận chiến nổ ra vào ngày hôm nay, trong khi Tập Cận Bình dựa vào sức mạnh nắm trọn trong tay để ngăn chặn sự chia rẽ trong đảng và phe đối lập trong xã hội. Cho đến nay, Tập Cận Bình dường như đã thành công: sự phát triển kinh tế vẫn tiếp tục, và ngày nay một phong trào bất đồng chính kiến quy mô như sự kiện Thiên An Môn dường như khó có thể tưởng tượng sẽ xẩy ra được.

Nhưng hệ thống lãnh đạo của Tập Cận Bình cũng tạo ra những nguy hiểm riêng của nó. Trong đảng, hiện đang có nhiều lời cằn nhằn âm ỉ về nhu cầu trung thành với một ý thức hệ trống không, với lệnh cấm không được thảo luận về chính sách. Bên ngoài xã hội, cường độ kiểm soát tạo thành lực lượng tâm lý kháng cự có thể bùng nổ với sức mạnh đáng kể nếu chế độ chùn bước, trong hiệu suất hoặc ý chí nắm vững quyền lực.

Hơn thế nữa, Tập Cận Bình đã  đặt mình vào một vị trí quyền lực không thể tấn công được, không có đối thủ và không giới hạn thời gian cai trị –  năm 2018, Xi đã đẩy mạnh việc xóa bỏ giới hạn trong nhiệm kỳ Chủ tịch nước – đã tạo điều kiện gây khủng hoảng cho sự kế nhiệm trong tương lai. Khi có câu hỏi về sự kế thừa, vì nó phải có, ở dạng này hay dạng khác, theo hiến pháp Trung Quốc, bất cứ ai đang giữ chức Phó Chủ tịch sẽ kế vị Tập Cận Bình làm Chủ tịch nước. Nhưng hoàn toàn không có gì ghi lại trên văn bản, và cũng không có quy tắc hay thông lệ không chính thức nào, nói rằng ai sẽ kế vị Tập Cận Bình trong vị trí Tổng bí thư của đảng hoặc là Chủ tịch của Quân ủy Trung ương, những vị trí nhiều quyền lực hơn so với Chủ tịch nước. Không có bằng chứng nào cho thấy Tập đã chỉ định người kế vị, như Mao đã làm, và điều này có thể là do kinh nghiệm thời Mao, cho thấy người kế nhiệm được chỉ định có thể trở thành một đối thủ đang đợi trong cánh gà sân khấu chính trị. Mặt khác, việc không công bố  người thừa kế cũng có vấn đề không kém nếu muốn thấy sự chuyển đổi quyền lực suôn sẻ.

Nếu Đặng đứng về phía Triệu Tử Duong 30 năm trước và chọn một phản ứng ít bạo lực hơn đối với cuộc biểu tình ở Thiên An Môn, Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay rất có thể vẫn nắm giữ quyền lực trong tay, bởi vì không có gì Triệu Tử Dương tuyên bố trong cuộc khủng hoảng, hoặc trong một số ấn phẩm phản ảnh quan điểm của ông trong thời gian bị quản thúc tại gia, cho thấy rằng ông muốn Trung Quốc trở thành một chế độ đa đảng cạnh tranh ở chính trường. Triệu Tử Dương tuyên bố rằng đảng cầm quyền có thể tin tưởng người dân và do đó có thể cho phép báo chí đưa tin sự thật (hoặc ít nhất là như vậy), có thể tiến hành đối thoại với các sinh viên và các lực lượng đội lập khác, có thể nới lỏng những ràng buộc đối với các tổ chức xã hội dân sự, có thể làm cho tòa án độc lập hơn, và có thể trao thêm quyền lực cho một cơ quan lập pháp dân cử. Ông nghĩ rằng những thay đổi đó sẽ làm cho đảng trở nên hợp pháp nhiều hơn,chứ không giảm đi và sẽ làm cho chế độ độc đảng ổn định hơn. Nhưng Trung Quốc đã đi một con đường khác.

Ngày nay, trên bề mặt Trung Quốc có một chế độ mạnh hơn so với bất kỳ thời đại nào kể từ triều đại Mao Trạch Đông, nhưng nó cũng dễ vỡ hơn.

© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

*
Nguồn: Inside the Secret Meeting That Changed China | The New Tiananmen Paper | Tiananmen at 30 s – How 1989 Shapes China Today | Andrew J. Nathan | Foreign Affairs | May 30, 2019.








No comments: