Thursday, June 13, 2019

BẢN TIN NGÀY 13-6-2019 (Báo Tiếng Dân)




13/06/2019

Tin Biển Đông

Tàu Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên Biển Đông, theo VnExpress. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana vừa thông báo: “Một vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và tàu Philippines (FB Gimver 1) đã được các ngư dân Philippines báo cáo xảy ra gần bãi Cỏ Rong trên Biển Đông vào tối 9/6. Vụ va chạm khiến tàu Philippines bị chìm”.

Bộ trưởng Lorenzana nói: “Chúng tôi lên án hành động của tàu cá Trung Quốc vì rời hiện trường ngay lập tức, bỏ rơi 22 thuyền viên Philippines… Đây không phải hành động của những người có trách nhiệm và thiện chí”.

Tàu sân bay Mỹ – Nhật tập trận ở biển Đông, báo Người Lao Động đưa tin. Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận, cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 10/6 và kết thúc vào ngày 12/6 (giờ địa phương). Mỹ triển khai tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan và một số tàu chiến khác, trong khi Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản gửi tàu sân bay trực thăng JS Izumo cùng 2 khu trục hạm JS Murasame và JS Akebone.

Theo bài viết, mục đích của cuộc tập trận này là để “chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc”. Nội dung diễn tập bao gồm huấn luyện chiến đấu chung ở lãnh hải và không phận của biển Đông.

Đức thận trọng với đề nghị đưa tàu hải quân đến Biển Đông, theo VOA. Một nguồn tin từ Berlin cho biết, trong các tháng gần đây, các quan chức chính phủ Đức chưa thể thống nhất về kế hoạch điều tàu tham gia các hoạt động vì tự do hàng hải do Hoa Kỳ dẫn đầu ở Biển Đông: “Các quan chức bộ ngoại giao liên bang bị chia rẽ”.

Bài viết lưu ý, tuần trước, chính phủ Đức “đã bác bỏ tin tức nói về kế hoạch đưa tàu Hải quân Đức qua eo biển Đài Loan, song khả năng Đức sẽ có mặt ở Biển Đông không phải là một bí mật đối với 6 nguồn tin ngoại giao và quân sự đã nói chuyện với Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng”.


“Củi” ở Vinashin
Trong phiên xử chiều 12/6, cựu chủ tịch Vinashin Nguyễn Ngọc Sự lĩnh án 13 năm tù, Zing đưa tin. TAND TP Hà Nội đã tuyên án vụ xử Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Chủ tịch Vinashing lãnh án 13 năm tù; cựu Kế toán trưởng Trần Đức Chính 17 năm; cựu TGĐ Trương Văn Tuyến 7 năm, cựu Phó TGĐ Phạm Thanh Sơn 6 năm.

Các cựu lãnh đạo Vinashin tại phiên xử. Ảnh: BVPL

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, “quá trình điều tra và xét xử, Nguyễn Ngọc Sự và Trương Văn Tuyến đã hoàn trả toàn bộ số tiền chiếm đoạt. Do đó, về dân sự, tòa buộc Phạm Thanh Sơn và Trần Đức Chính tiếp tục khắc phục khoản tiền chiếm hưởng”.

                                 https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/06/do-hoa-1-1.jpg

Báo Thanh Niên có bài: Các cựu lãnh đạo Vinashin phải bồi hoàn 105 tỉ đồng cho Hà Văn Thắm. Bài báo cho biết, với việc gửi hơn 103.859 tỉ đồng và gần 182 triệu Mỹ kim trong giai đoạn 2010 – 2014, bị cáo Trần Đức Chính đã được OceanBank chi hơn 105 tỉ đồng tiền lãi ngoài.

Ông Chính khai đã chia cho các bị cáo Nguyễn Ngọc Sự hơn 50 tỉ đồng, Trương Văn Tuyến 15 tỉ đồng, Phạm Thanh Sơn hơn 7,5 tỉ đồng, bản thân ông giữ lại 10 tỉ đồng. Các bị cáo còn sử dụng hơn 22 tỉ đồng tiền lãi ngoài nói trên để chi hội họp, công tác.

Vinashin còn “kẹt” 1.700 tỷ đồng tại Oceanbank, theo trang Đầu Tư Chứng Khoán. Bài báo phân tích đường đi của dòng tiền trong vụ việc: “Số tiền 4.190 tỷ đồng Chính phủ hỗ trợ, các bị cáo đã gửi vào Oceanbank đợt 1 số tiền 1.050 tỷ đồng, đợt 2 là 2.075 tỷ đồng. Các số liệu này, Cơ quan điều tra đã xác minh tại Vinashin khi bị cáo Sự chưa bị bắt. Hiện, tại Oceanbank, Vinashin vẫn còn đọng lại khoảng 1.700 tỷ đồng chưa được giải quyết”.


“Củi” ở dự án Ethanol Phú Thọ

Bộ Công an khởi tố Chủ tịch Công ty PVC-IC Đỗ Văn Quang, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Ông Đỗ Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty PVC-IC, thuộc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) bị khởi tố, tội vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại dự án ethanol Phú Thọ. Thời điểm sai phạm, ông Quang còn là trưởng ban Kinh tế – kế hoạch của PVC.

Đỗ Văn Quang, cựu lãnh đạo PVC. Ảnh: TX Phú Thọ

Công an cũng đã tiến hành khám xét nơi làm việc của ông Quang tại trụ sở công ty PVC-IC ở TP Vũng Tàu. Ngoài ông Quang, còn có hai bị can khác cũng bị khởi tố là ông Phạm Xuân Diệu, cựu chủ tịch PVC và Nguyễn Ngọc Dũng, cựu Phó TGĐ PVC.

Báo Lao Động bàn về tình hình dự án Ethanol Phú Thọ: Loạt lãnh đạo vướng lao lý, 3.000 tỉ có nguy cơ mất trắng. Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ là 1 trong 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương, với tổng vốn đầu tư là gần 2.500 tỉ đồng. Dự án được khởi công từ quý III năm 2009, nhưng đã phải tạm dừng thi công từ tháng 11/2011 do không đạt được thống nhất của các bên tham gia về chi phí phát sinh.

Thời gian qua, Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) đã chỉ đạo Tổng công ty Dầu VN (PVOil) và các đơn vị có liên quan tìm kiếm nhà đầu tư nhưng việc này giờ rất khó khả thi. “Do vậy, hướng sắp tới được đề xuất xem xét, thực hiện phương án: Dừng triển khai dự án, phá sản Công ty”, chấp nhận mất trắng hàng ngàn tỉ.


Vụ làm xăng giả và “nhóm lợi ích” ở Sóc Trăng

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Có hay không việc lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đi nước ngoài do Trịnh Sướng đài thọ?Chiều 12/6, Văn phòng UBND tỉnh Sóc Trăng ra thông báo, đính chính thông tin một số lãnh đạo tỉnh được đại gia Trịnh Sướng mời đi tham quan du lịch tại nước ngoài, cho rằng thông tin này là không chính xác.

Trước đó một ngày, chính Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Văn Hiểu xác nhận, đại gia Trịnh Sướng từng tài trợ cho cán bộ Sóc Trăng đi nước ngoài. Chẳng lẽ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng lại không nắm rõ thông tin về các lần cán bộ dưới quyền mình đi nước ngoài, để chính cơ quan này lại phải đính chính? Hay có người đang sợ từ vụ Trịnh Sướng lại dẫn đến sự sụp đổ của một đường dây lợi ích nhóm nên phải đổi trắng thay đen, dù biết rằng chẳng ai tin?

Trò hề, chỉ trẻ con mới tin: Phó Chủ tịch Sóc Trăng nhận khuyết điểm vụ phát ngôn “lãnh đạo đi Nhật”, báo Giao Thông đưa tin. Sau khi “lỡ lời” về vụ ông Huỳnh Văn Sum, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng đi nước ngoài với kinh phí do “đại gia” xăng giả tài trợ, ông Tôn Quang Hoàng, Người phát ngôn UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Sau khi xảy ra việc phát ngôn nêu trên, anh Hiểu đã có nhận khuyết điểm với Tỉnh ủy và UBND tỉnh”.

Ông Hoàng nói thêm, vụ Sum “đi nước ngoài từ ngày 29/3-3/4/2019 là có đơn xin phép đi tham quan du lịch tại Nhật Bản, kinh phí do ông Sum tự túc, hồ sơ được thực hiện đúng theo quy định”. Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc, xem hồ sơ sổ sách ở Sóc Trăng đã bị “cooked book” tới đâu rồi?

VOV đặt câu hỏi về vụ Trịnh Sướng làm xăng giả: Quản lý nhà nước “có vấn đề” ở khâu nào?  Về thông tin doanh nghiệp của ông Trịnh Sướng và các đồng phạm được “bảo kê” nên sai phạm chậm bị phát hiện, ĐBQH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, “cơ quan nhà nước kiểm tra theo định kỳ và kiểm tra đột xuất mà không phát hiện sai phạm có nghĩa là thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi. Không thể nói cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm”. Phải nói là họ đã “làm tròn trách nhiệm” sau khi cầm tiền “bôi trơn” của các thế lực tư bản đỏ rồi!


Sai phạm ở Quỹ Bảo trợ trẻ em

Báo Giao Thông đặt câu hỏi: Nguyên Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em câu kết với cấp dưới chiếm đoạt tiền tỉ? Ông Nguyễn Trường Sơn, GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình xác nhận, đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng tại Quỹ Bảo trợ trẻ em thuộc sở này: “Sở đã báo cáo những sai phạm nói trên với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và đang chờ văn bản chỉ đạo từ UBND tỉnh Quảng Bình để chuyển giao toàn bộ hồ sơ điều tra ban đầu cho Công an”.

Sở này đã phát hiện ông Lê Quang Sỹ, GĐ Quỹ Bảo trợ trẻ em, bà Trần Thị Thuỷ, Kế toán và bà Hoàng Thị Hường, Thủ quỹ, “có dấu hiệu làm giả hồ sơ, chứng từ, thanh toán khống nhằm chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng” từ nguồn ngân sách chi thường xuyên và tiền Quỹ hỗ trợ trẻ em. Ông Sỹ đã nghỉ hưu từ nửa cuối năm 2018.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình đã chuyển Công an vụ sếp và kế toán Quỹ Bảo trợ trẻ em “ăn bẩn” 1 tỷ đồng, trang Bảo Vệ Pháp Luật đưa tin. Cơ quan này đã báo cáo vụ việc với Tỉnh ủy và UBND tỉnh “để có ý kiến chỉ đạo, chuyển giao hồ sơ cho Cơ quan điều tra điều tra theo thẩm quyền”.


Phí chia tay

VnExpress đưa tin: Đại biểu Quốc hội đề xuất công dân đóng ‘phí chia tay’ khi xuất cảnh. Đây là đề xuất của ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng, cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch. Nghị Hưng nói, “một số nước đã áp dụng chính sách visa và phí xuất, nhập cảnh để điều chỉnh lĩnh vực này. Đơn cử, năm ngoái Quốc hội Nhật Bản ban hành đạo luật quy định mỗi công dân ra nước ngoài thì phải đóng một loại phí”.

Như cái loại thuế, phí trước đây, lãnh đạo CSVN viện lý do thu “phí chia tay” để giống Nhật và các nước khác. Các quan chức CSVN muốn bắt chước các nước nhiều chuyện, nhưng có thể thấy, họ chỉ muốn học theo các nước bất cứ điều gì có lợi cho họ, như tăng giá xăng, điện, thuế, phí… Còn những chuyện có lợi cho dân thì không thấy họ học theo nước ngoài.


Lâu đài của quan xã
Trang Đời Sống VN có bài: Ngỡ ngàng dinh thự nguy nga của Phó chủ tịch xã giữa làng quê nghèo. Ngôi biệt thự nguy nga, kiến trúc theo kiểu châu Âu, của ông quan xã Hoàng Trọng Phận, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Ngôi biệt thự nguy nga giống như lâu đài, của quan xã, xuất hiện giữa làng quê nghèo. Ảnh: ĐSVN

Bài báo cho biết: “Bao quanh biệt thự là những bức tường được xây chắc chắn nhưng không kém phần tinh tế với những đường kẻ sắc sảo… quan trọng nhất chính là ngôi biệt thự sang trọng với lối kiến trúc mang đậm phong cách Châu Âu với mái vòm cong quen thuộc”.

Một người dân địa phương nói: “Cả thôn này có mỗi nhà ông Phận to đẹp và hoành tráng nhất. Nhà được xây cách đây được 2, 3 năm nay. Ông Phận là Phó chủ tịch xã, vợ làm giáo viên trường cấp 2 nhưng họ rất giàu có”. Chỉ ở mức quan xã mà đã thế này, thì quan huyện, tỉnh rồi trung ương còn “chấm mút” của dân đến mức nào?


Cán bộ ấu dâm

Công an TP Thái Bình vừa tạm giữ hình sự Bí thư đoàn phường về hành vi dâm ô bé gái sinh năm 2008, báo Lao Động đưa tin. Chiều 12/6, Trung tá Cao Giang Nam, Phó trưởng Công an TP Thái Bình xác nhận, đã tạm giữ hình sự đối tượng P.A.D để điều tra về hành vi “dâm ô trẻ em”. Nạn nhân là bé gái sinh năm 2008, trú cùng phường với thủ phạm.

Bài viết lưu ý: “Đối tượng P.A.D hiện là Bí thư Đoàn phường Đề Thám”. Ông Nguyễn Minh Hồng, Bí thư Tỉnh đoàn Thái Bình cho biết, đã nhận được báo cáo của Thành đoàn TP Thái Bình, cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ và “Đây là điều vô cùng đáng tiếc”.


Xử phúc thẩm BS Hoàng Công Lương

Sáng 12/6, TAND tỉnh Hòa Bình đã bắt đầu phiên tòa phúc thẩm vụ chạy thận làm chết người ở BV Đa khoa tỉnh này. Trong phần thủ tục, luật sư đề nghị triệu tập đại diện Bộ Y tế đến phiên toà xử vụ chạy thận chết người, trang An Ninh Tiền Tệ đưa tin. Trước đó, BS Hoàng Công Lương đã có đơn từ chối 9 luật sư đã bào chữa, chỉ mời 1 luật sư là ông Hoàng Văn Hướng.

LS Hướng đề nghị HĐXX triệu tập đại diện Bộ Y tế để làm rõ Công văn số 41. Chủ tọa cho biết, tòa đã mời đại diện Bộ này lên tòa vào ngày 13/6. “Một số luật sư khác thì đề nghị tòa cho phép sao chụp Công văn số 41 mà Bộ Y tế gửi cho tòa. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng Công văn này đóng dấu mật nên không được công khai”.

Tình tiết mới trong vụ này: Bị cáo Hoàng Công Lương không kêu oan, mong được hưởng án treo, theo VOV. Trong phần xét hỏi chiều 12/6, bị cáo Hoàng Công Lương cho biết, “đã nghiên cứu và hiểu rõ hơn về tội Vô ý làm chết người. Bị cáo giữ lại đơn kháng cáo cuối cùng tuy nhiên xin rút lại phần xem xét tội danh”. Thay vì “kêu oan”, BS Lương chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và mong được hưởng án treo.

Trước đó, từ lúc vụ cơ quan chức năng vào cuộc đến khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, BS Hoàng Công Lương một mực cho rằng mình bị oan, vợ BS Lương cũng đã kêu oan cho chồng qua mạng xã hội. Nhiều bác sĩ cũng đồng tình và cho rằng, nếu BS Lương bị xử có tội thì sẽ tạo nên tiền lệ xấu cho ngành y sau này. Tuy nhiên, hiện có lẽ BS Lương đã không còn hy vọng gì vào nền tư pháp VN nữa và chỉ muốn có kết thúc cho xong chuyện.

Báo Giao Thông đặt câu hỏi: Hoàng Công Lương nhận tội và đi tù, người bệnh thì sao? Bài viết bình luận: “Kết quả vụ án chạy thận khiến 8 người chết tại Hòa Bình như ngày hôm nay đã được dự đoán từ trước, song thực sự tôi vẫn cảm thấy rất buồn và không thuyết phục. Việc xét xử chưa đúng người đúng tội. Tội danh được áp cho Lương thay đổi liên tục và tất cả đều không thuyết phục khi đều cố tình trút tội vào anh. Trong khi ở hoàn cảnh ấy, với bất kể bác sĩ nào xác suất phạm tội cũng y hệt”.



“Cát tặc”, “đất tặc” hoành hành

Chuyện ở Thừa Thiên Huế: Ăn trộm khoáng sản, chủ tịch xã cùng cấp dưới bị phạt hơn 20 triệu đồng, theo trang Tài Nguyên và Môi Trường. Ngày 12/6, UBND thị xã Hương Trà xác nhận, vừa xử phạt hành chính đối với ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến và ông Nguyễn Văn Hoành, cán bộ Tư pháp – Hộ tịch xã. Người dân lãnh 12 tháng tù vì trộm 4 trái mít, trong khi quan xã ăn trộm khoáng sản chỉ bị phạt tiền!

Theo đó, thời gian gần đây, nhiều người dân phản ánh khu vực Suối Máu nằm giáp ranh giữa 2 xã Hồng Tiến và xã Bình Điền xảy ra tình trạng “cát tặc” ngang nhiên “cho xe và máy xúc vào khai thác rút ruột tài nguyên khoáng sản trước sự chứng kiến của nhiều người mà không bị cơ quan chức năng xử lý”. Những chiếc xe này đã chở cát tập trung về nhà của các cán bộ và người nhà cán bộ xã Hồng Tiến nói trên.

Trang Nhân Đạo và Đời Sống đặt câu hỏi về sai phạm ở Quảng Bình: Ai giúp cho nạn đất lậu hoành hành? Một “trùm” buôn đất lậu ở xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch ngang nhiên nói: “Tui ở đây đào đất bán 10 năm rồi, không có hóa đơn chứng từ chi cả. Anh đặt mấy có nấy, 50.000m3 đang là ít, tui mới vừa cấp 150.000m3 đất cho công trình kênh mương cấp thoát nước nuôi trồng thủy sản cho công ty Minh Quảng ở Nghệ An vừa thi công xong”.

“Đất tặc” lộng hành như vậy, nhưng  Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch Nguyễn Văn Tác vẫn nói, ông không hề biết việc này. Khi được nghe kể lại câu nói của “trùm đất tặc” nói trên, ông Tác lý giải: “Làm gì có, đất người ta xin chuyển đổi thôi”.

Trong khi đó, một người dân cho biết: “Bà con kêu ca nát đường làng, đào hàng loạt quả đồi hạ thấp độ cao âm gần cả chục mét, lăng tẩm của tổ tiên ông bà chực chờ sạt lở… vì sợ bị trả thù nên dân không dám phát biểu trước các cuộc họp xã”.


***







No comments: