Thursday, June 13, 2019

AI TẤN CÔNG TÀU CHỞ DẦU Ở VÙNG VỊNH ? (The Economist)




Phan Nguyên dịch

Abe Shinzo hy vọng lúc này là thời điểm phù hợp để tiến hành ngoại giao. Chuyến thăm của ông tới Tehran trong tuần này, chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Nhật kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, là nhằm giảm căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Sau cuộc gặp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, ông Abe cảnh báo khu vực này có thể “vô tình” bị trượt vào xung đột. Và sau đó, chỉ một vài dặm ngoài khơi bờ biển phía nam Iran, người ta đã chứng kiến một ví dụ minh họa cho việc điều đó có thể xảy như thế nào.

Vào ngày 13 tháng Sáu, hai tàu chở dầu ở Vịnh Oman đã phát các tín hiệu cấp cứu sau khi chúng bị hư hại do các vụ nổ lớn. Tàu Front Altair, gắn cờ Quần đảo Marshall và thuộc sở hữu của Frontline, một công ty vận tải Na Uy, đang vận chuyển naphtha, một sản phẩm dầu mỏ, từ Abu Dhabi; và tàu Kokuka Sangrage, được đăng ký tại Panama và được điều hành bởi công ty Kokuka Sangyo của Nhật, đang vận chuyển mặt hàng methanol.

Cả hai đang hướng đến các cảng châu Á. Hình ảnh từ các hãng tin Iran cho thấy một ngọn lửa đang bùng cháy ở phía mạn phải tàu Front Altair. Luồng khói đen trên đầu đủ dày để có thể nhìn thấy được trong các bức ảnh vệ tinh. Một phần năm nguồn cung hàng hóa trên thế giới đi qua eo biển Hormuz, một điểm nghẽn quan trọng trong vận tải biển quốc tế.

Đây là lần thứ hai chỉ trong hơn một tháng qua các tàu chở dầu bị hư hại ở vùng Vịnh. Vào ngày 12 tháng 5, bốn chiếc tàu neo đậu ngoài khơi Fujairah, một cảng của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đã bị nổ với nhiều lỗ thủng trên thân tàu. Một cuộc điều tra sơ bộ cho thấy chúng đã bị phá hoại bởi mìn limpet (một loại mìn hải quân gắn bằng nam châm – ND). Vụ nổ mới nhất gây ra thiệt hại lớn hơn nhiều, buộc thủy thủ đoàn phải sơ tán khỏi cả hai tàu. Sẽ mất nhiều tuần để điều tra những gì đã xảy ra giữa các báo cáo cho rằng ngư lôi đã được sử dụng trong các sự cố này. Nhưng vụ nổ dường như không phải là ngẫu nhiên. Chủ tịch của hãng Kokuka Sangyo cho biết tàu Kokuka Courageous đã bị “tấn công” hai lần trong vòng ba tiếng.

Cũng không có khả năng hai đợt nổ, cách nhau vài tuần và trong cùng một khu vực, chỉ là sự trùng hợp. Mặc dù một nhóm điều tra do UAE đứng đầu chưa đổ lỗi cho ai trong vụ phá hoại tháng trước, nhưng họ cho rằng một “chủ thể nhà nước” mà họ không nêu tên đã thực hiện vụ tấn công đó. Mỹ đã đổ lỗi cho Iran về cả hai cuộc tấn công. Iran, một đối thủ khu vực của UAE và Saudi Arabia, cả hai đều là đồng minh của Mỹ, từ chối nhận trách nhiệm và cho rằng các vụ nổ mới nhất được dàn dựng bởi các đối thủ của Iran. “Nghi ngờ không phải là từ mô tả những gì đã xảy ra”, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Muhammad Javad Zarif đã tweet như vậy vào ngày 13 tháng 6.

Iran trong quá khứ đã đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz nếu bị tấn công. Một số người sẽ xem các cuộc tấn công nhằm vào các tàu trong khu vực như một lời cảnh báo của Iran rằng họ sẵn sàng thực hiện lời đe dọa của mình. Messrs Zarif và Rouhani có thể hiểu rằng tấn công vào tuyến đường vận tải biển khu vực sẽ là chơi với lửa. Nhưng họ không phải là người ra mọi quyết định ở Iran. Họ bị mắc kẹt trong một trận chiến nội bộ giữa những giáo sĩ cầm quyền, những người không tin tưởng phương Tây, và lực lượng Vệ binh Cách mạng, những người đang hỗ trợ các lực lượng địa phương ở Syria và Yemen chiến đấu chống lại các lực lượng do UAE và Saudi Arabia hậu thuẫn. Iran có một lịch sử tiến hành chiến tranh phi chính quy cho phép họ duy trì một khả năng chống tiếp cận đáng kể. Hồi những năm 1980, Iran đã tiến hành cái gọi là cuộc chiến tàu chở dầu với Iraq. Cuộc xung đột đã tàn phá ngành vận tải biển quốc tế.

Căng thẳng trong khu vực đã gia tăng kể từ mùa xuân năm ngoái, khi Donald Trump rút khỏi một thỏa thuận ký năm 2015 vốn nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Iran để đổi lấy việc hạn chế chương trình hạt nhân của nước này. Ông Trump đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt và bổ sung các biện pháp mới, cơ bản đã phong tỏa Iran khỏi nền kinh tế toàn cầu. Sau một năm tuân thủ thỏa thuận, một nỗ lực để giành được thiện cảm của châu Âu, Iran hồi tháng trước cho biết họ sẽ bắt đầu làm giàu uranium vượt quá giới hạn quy định. Ông Rouhani cảnh báo rằng ông sẽ bãi bỏ các điều khoản khác của thỏa thuận trừ khi các bên ký kết khác – gồm Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu – giúp nước ông vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ, điều khó có thể xảy ra. Những người chỉ trích cách tiếp cận của ông Trump từ lâu đã cảnh báo rằng tình trạng kinh tế khó khăn sẽ khiến Iran phải hành động đáp trả.

Đối với các quốc gia Ả Rập tại vùng Vịnh, những vụ nổ mới nhất này góp phần vào với một môi trường ngày một bất ổn. Hồi tháng Năm, chỉ hai ngày sau sự cố ở Fujairah, hai vụ nổ ở trung tâm Saudi Arabia, cách biên giới với Yemen 700km về phía bắc, đã làm hỏng một đường ống dẫn dầu chuyển dầu thô đi khắp vương quốc. Vào ngày 12 tháng 6, một tên lửa đã tấn công sân bay quốc tế ở Abha, một thành phố của Saudi Arabia cách biên giới với Yemen 200km, làm 26 người bị thương. Cả hai cuộc tấn công đều được thực hiện bởi người Houthi, một lực lượng dân quân dòng Shia kiểm soát những khu vực rộng lớn của Yemen và đang chiến đấu chống lại một liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu ở đó. Một hội đồng chuyên gia của Liên Hợp Quốc kết luận rằng Iran đã cung cấp vũ khí cho lực lượng Houthi, bao gồm cả máy bay không người lái và tên lửa, mặc dù nhóm này không phải lúc nào cũng hành động theo lệnh của Iran.

Nhưng Saudi Arabia và các đồng minh đã cố gắng không leo thang trực tiếp một cuộc xung đột vốn sẽ tàn phá ngành xuất khẩu dầu mỏ cũng như nền kinh tế của họ. UAE đã đặc biệt kiềm chế trong các tuyên bố công khai về vụ phá hoại hồi tháng trước (mặc dù khi nói chuyện riêng các quan chức của họ không có chút nghi ngờ nào về sự dính líu của Iran). Nếu cần phải có phản ứng, họ muốn nó đến từ Mỹ. John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia diều hâu của Mỹ, từ lâu đã ủng hộ sự thay đổi chế độ ở Iran và thậm chí là hành động quân sự chống lại nước này. Nhưng tổng thống Trump, như mọi khi, lại không nhất quán như vậy, lúc thì đe dọa bốc lửa, lúc thì đề nghị đối thoại. Trump được cho là đã gửi cho Abe một thông điệp để chuyển đến nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Ali Khamenei (người từ chối trả lời). “Chúng tôi không hề tin rằng Hoa Kỳ đang tìm kiếm các cuộc đàm phán thực sự với Iran; bởi vì các cuộc đàm phán chân thành sẽ không bao giờ đến từ một người như Trump,” Ayatollah Khamenei nói.

Ông Trump đã tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Tháng trước, ông đã điều một nhóm tàu sân bay tấn công đến khu vực. Những tàu này vẫn chưa đi qua eo biển Hormuz, một nỗ lực để tránh căng thẳng leo thang. Chúng có thể sẽ tăng cường tuần tra; một tàu khu trục Mỹ đã cứu được một số thủy thủ từ các tàu chở dầu bị tấn công (Iran nói họ cũng đã cứu được một số người khác). Lầu Năm Góc đang triển khai thêm 1.500 binh sĩ tới các căn cứ ở Qatar, Bahrain và Iraq, và ông Trump đang sử dụng các quyền hạn khẩn cấp để lách sự phản đối của quốc hội và bán vũ khí cho Saudi Arabia và UAE.

Tất cả các bên khẳng định họ không muốn chiến tranh. Nhưng ngay cả khi họ chân thành, ý định tốt chỉ đi được đến đó. Các quốc gia vùng Vịnh (với sự bảo hộ của Mỹ) không thể chấp nhận các mối đe dọa đối với vận tải biển. Ông Abe đã đúng khi thúc đẩy ngoại giao giữa Mỹ và Iran. Nhưng chuyến thăm của ông, và những sự kiện làm lu mờ nó, nhấn mạnh thực tế rằng ngoại giao sẽ khó khăn đến nhường nào.


-----------------------------

XEM THÊM

Jeffrey D. Sachs  -  Project Syndicate  
Nghiêm Hồng Sơn dịch
07/08/2015

Bản hiệp ước nhằm kiềm chế các hoạt động hạt nhân của Iran đạt được ở Vienna đã khiến những kẻ hiếu chiến nổi khùng. Các công dân trên toàn thế giới nên ủng hộ nỗ lực dũng cảm của Tổng thống Mỹ Barack Obama để vượt qua những kẻ hiếu chiến, tâm phục trước việc các bên ký kết không chỉ có Hoa Kỳ mà còn gồm tất cả năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cộng thêm Đức.

Nhiều người trong số những kẻ hiếu chiến đến từ các cơ quan chính phủ của chính quyền Obama. Hầu hết người Mỹ khó nhận ra hoặc hiểu được thực trạng an ninh lâu dài của đất nước họ, nơi mà các chính trị gia được bầu dường như đang lãnh đạo nhưng thực chất là do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Lầu Năm Góc dẫn dắt – một nhà nước thiên về các giải pháp quân sự chứ không phải là ngoại giao cho những thách thức về chính sách đối ngoại.

Từ năm 1947, khi CIA được thành lập, Mỹ đã liên tục thực hiện chính sách nửa bí mật nửa công khai để lật đổ các chính phủ nước ngoài. Trên thực tế, CIA được thiết kế để tránh sự giám sát dân chủ thực sự và cho các vị tổng thống cơ hội “chối bỏ trách nhiệm.” CIA đã lật đổ hàng chục chính phủ ở khắp nơi trên thế giới mà không phải chịu trách nhiệm kể cả ở những nơi đó hay ở nước Mỹ.

Gần đây tôi đã nghiên cứu một thời kỳ hoạt động của CIA trong cuốn sách của tôi có nhan đề To Move the World: JFK’s Quest for Peace (Để chuyển dịch thế giới: Hành trình tìm kiếm hòa bình của Tổng thống Kenedy). Ít lâu sau khi nhậm chức tổng thống năm 1961, Kennedy đã được CIA “thông báo” về kế hoạch của họ nhằm lật đổ chính quyền Fidel Castro. Kennedy cảm thấy bị kẹt: ông nên phê chuẩn kế hoạch xâm lược Cuba của CIA hay phủ quyết nó? Là người mới đến với trò chơi khiếp đảm này, Kennedy đã cố gắng chơi bài nước đôi: cho thực thi kế hoạch nhưng không có sự hỗ trợ của không quân Mỹ.

Cuộc xâm lược dưới sự lãnh đạo của CIA và do một nhóm người Cuba lưu vong tiến hành ở Vịnh Con Lợn là một thất bại quân sự và thảm họa về chính sách đối ngoại, một trong những yếu tố dẫn đến sự kiện khủng hoảng tên lửa ở Cuba vào năm sau. Trong cuộc khủng hoảng tên lửa, hầu hết các quan chức an ninh cấp cao tham mưu cho Tổng thống muốn dùng quân sự để chống lại Liên Xô, một kế hoạch có thể đã kết thúc bằng chiến tranh hạt nhân hủy diệt. Kennedy đã bác bỏ kế hoạch của những kẻ hiếu chiến và chiếm ưu thế trong cuộc khủng hoảng thông qua con đường ngoại giao.

Đến năm 1963, Kennedy không còn tin tưởng vào lời khuyên của quân đội và CIA. Thật vậy, ông đã coi nhiều người được coi là cố vấn của mình là một mối đe dọa cho hòa bình thế giới. Năm đó, ông đã liên tục và khéo léo sử dụng giải pháp ngoại giao để đạt được một bước đột phá trong thỏa thuận hạt nhân với Liên Xô: Hiệp ước cấm thử hạt nhân hạn chế.

Người dân Mỹ đã ủng hộ Tổng thống Kennedy một cách mạnh mẽ và đúng đắn để chống lại những kẻ hiếu chiến. Nhưng chỉ ba tháng sau khi hiệp ước được ký, Kennedy bị ám sát.

Nhìn qua lăng kính lịch sử, công việc chính của các tổng thống Mỹ là đủ chín chắn và khôn ngoan để đối đầu với cỗ máy chiến tranh thường trực này. Kennedy đã cố gắng làm điều đó; nhưng người kế nhiệm ông là Lyndon Johnson thì không và Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến Việt Nam. Jimmy Carter đã cố; Reagan thì không (tổ chức CIA của ông đã gây ra chết chóc và lộn xộn ở Trung Mỹ suốt những năm 1980). Clinton hầu như đã cố gắng (ngoại trừ ở Balkans); George W. Bush thì không và đã gây ra các cuộc chiến và bất ổn mới.

Xét về tổng thể, Obama đã cố gắng kiềm chế những kẻ hiếu chiến, nhưng cũng lại thường xuyên nhượng bộ chúng – bằng cách không chỉ lệ thuộc vào các máy bay không người lái được trang bị vũ khí mà còn tiến hành cuộc chiến tranh bí mật ở Syria, Libya, Yemen, Somalia, và những nơi khác. Obama cũng không thực sự kết thúc được cuộc chiến của Mỹ tại Iraq và Afghanistan; ông thay thế quân đội trên mặt đất bằng các máy bay không người lái, các cuộc không kích, và các nhà thầu “tư nhân.”

Iran chắc chắn là điểm sáng nhất, là một mốc lịch sử đòi hỏi phải được ủng hộ tối đa. Khó khăn chính trị của Obama khi đạt thỏa thuận hòa bình với Iran tương tự như Kenedy khi thiết lập hòa bình với Liên Xô năm 1963. Mỹ đã nghi ngờ Iran kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 và cuộc khủng hoảng con tin sau đó, khi các sinh viên Iran bắt giữ 52 người Mỹ tại Đại sứ quán Mỹ trong 444 ngày. Nhưng mối nghi ngờ của họ cũng phản ánh những động thái sô vanh hiếu chiến và thiếu tầm nhìn về quan hệ Mỹ-Iran.

Rất ít người Mỹ biết rằng CIA đã lật đổ một chính phủ dân chủ ở Iran vào năm 1953. Người Iran đã cả gan bầu lên một vị thủ tướng tiến bộ, thế tục, và tin rằng dầu mỏ của nước này thuộc về người dân chứ không phải của Anh hay Mỹ. Cũng có rất ít người Mỹ nhớ rằng sau cuộc đảo chính, CIA đã cài đặt một nhà nước cảnh sát trị tàn bạo dưới thời Shah (tức vua Iran – NBT).

Tương tự, sau Cách mạng Iran năm 1979, Mỹ đã trang bị vũ khí cho Iraq của Saddam Hussein để gây chiến với Iran, khiến hàng trăm ngàn người Iran thiệt mạng trong những năm 1980. Và những lệnh cấm vận quốc tế do Mỹ dẫn đầu, áp dụng từ những năm 1990 trở đi, là nhằm làm Iran nghèo kiệt, mất ổn định, và cuối cùng là lật đổ chế độ Hồi giáo.

Hôm nay, những kẻ hiếu chiến đang cố gắng nhấn chìm Hiệp ước Vienna. Ả Rập Xê-út đang cạnh tranh gay gắt với Iran để giành uy quyền tối cao trong khu vực, nơi cuộc cạnh tranh địa chính trị hội tụ với sự ganh đua giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shia. Israel, cường quốc hạt nhân duy nhất ở Trung Đông, muốn giữ thế độc quyền chiến lược của mình. Dường như những kẻ hiếu chiến ở Hoa Kỳ coi bất kỳ nhà nước Hồi giáo nào cũng đáng để lật đổ.

Obama đã đúng khi cho rằng lợi ích thực sự của Mỹ và của cả thế giới là đạt được hòa bình chứ không phải là tiếp tục chiến tranh với Iran. Mỹ không phải một bên tham gia vào cuộc cạnh tranh giữa hai dòng Hồi giáo Shia và Sunni; nếu có chăng nữa thì Mỹ chủ yếu cũng chỉ chống lại quân khủng bố Hồi giáo Sunni được Ả Rập Xê-út tài trợ; chứ không phải chống lại quân khủng bố Hồi giáo Shia được Iran hậu thuẫn. Obama cũng đúng khi cho rằng dù lập luận của Israel là gì đi chăng nữa thì thỏa thuận này cũng sẽ làm giảm khả năng Iran trở thành một nhà nước hạt nhân.

Cách tốt nhất để đảm bảo kết quả đó là việc bình thường hóa quan hệ với Iran, giúp kinh tế nước này phục hồi, và hỗ trợ họ hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Iran là một nền văn hóa lớn và có lịch sử lâu đời. Việc Iran mở cửa chào đón thế giới như một địa điểm kinh doanh, du lịch, nghệ thuật, và thể dục thể thao sẽ làm tăng sự ổn định và sự thịnh vượng cho toàn cầu.

Hiệp ước mới sẽ rạch ròi ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân trong ít nhất một thập niên – và sau đó giữ nước này bị ràng buộc bởi Hiệp ước không phổ biến hạt nhân. Đã đến lúc Mỹ và Iran nên xích lại gần nhau hơn và xây dựng một cơ chế an ninh mới ở Trung Đông và thế giới theo hướng giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Để đạt được những đòi hỏi đó thì trên hết phải thay thế chiến tranh (trong đó có cả các cuộc chiến tranh bí mật của CIA) bằng thương mại và các hình thức giao thiệp hòa bình khác.

----------

Jeffrey D. Sachs là Giáo sư về Phát triển Bền vững, Chính sách và Quản lý Y tế, và là Giám đốc Viện Địa Cầu tại Đại học Columbia. Ông cũng đồng thời là Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Ông là tác giả các cuốn sách The End of Poverty, Common Wealth, và gần đây nhất là The Age of Sustainable Development.

Nguồn: Jeffrey D. Sachs, “Saying No to the Warmongers,” Project Syndicate, 17/07/2015.

*
*


LIÊN QUAN

VOA Tiếng Việt     14/06/2019
.
VOA Tiếng Việt     13/06/2019


-------------------------

Có thể bạn quan tâm:








No comments: