Nhiễm độc kim loại là một vòng quay chết chóc. Biên
độ ảnh hưởng của nó rất lớn, rất khó đề phòng. Và hậu quả của nhiễm độc kim loại
cũng rất đau đớn, rất dai dẳng.
Cho một ví dụ nhỏ là thứ rau muống tưới bằng nhớt thải
chắc chắn nhiễm độc kim loại. Nếu ăn rau này, người ăn sẽ bị nhiễm độc kim loại
bởi cơ thể không thể đào thải. Heo ăn rau muống nhiễm độc kim loại cũng sẽ nhiễm
độc kim loại và người ăn thịt heo cũng sẽ tiếp tục nhiễm độc.
Đại đa số người Việt thích ăn ngon nhưng tuyệt đại
đa số người Việt không có kỹ năng và điều kiện để xác định thức ngon có an toàn
hay không. Và người Việt đang bị phơi nhiễm kim loại theo cách mà họ không thấy
bằng mắt thường như vòng quay chết chóc mà tôi nói ở trên.
Ví dụ độc chất Cadimi- là kim loại có độc tính cao đối
với động vật, thủy sinh và con người. Khi người bị nhiễm độc Cadimi, tuỳ theo mức
độ nhiễm sẽ bị ung thư phổi, thủng vách ngăn mũi, ảnh hưởng tới nội tiết, máu,
tim mạch, làm xương trở nên giòn.v.v.. Ở nồng độ cao, Cadimi gây đau thận, thiếu
máu và phá hủy tủy xương.
Cadimi có sẵn trong thiên nhiên như đất, đá, đá núi
lửa, trong các mỏ khai thác quặng mỏ than, mỏ quặng.v.v. Nhưng Cadimi- cũng có
nhiều trong các loại Pin, que hàn, từ sản xuất công nghiệp như các ngành sản xuất
kim loại không có sắt, cũng như sự đốt cháy nhiên liệu hóa thạch thải ra và việc
sản xuất sắt và thép đã phát thải, có cả trong phân bón.v.v..
Vấn đề là các quan chức, đại gia dẫu có uống nước cất,
ăn thịt nhập thì Cadimi không buông tha anh vì nó có khả năng lắng đọng ở bầu
khí quyển. Theo mưa, và theo các luồng không khí, độc chất này chia đều cho tất
cả.
Vấn đề lớn hơn là người Việt Nam không phải chỉ đang
phơi nhiễm độc chất này mà còn rất nhiều độc chất khác. Rất khó phát hiện và
cũng rất tốn kém để phát hiện nên các độc chất chỉ thực sự “bùng nổ” khi nó đủ
tích tụ. Những bệnh tật nêu trên chỉ là điểm gần cuối của quá trình. Điểm cuối
cùng chính là các hậu quả về thoái hóa giống như quái thai, chết lưu và đi truyền
nhiều đời.
Nói về quái thai thì không thể không nhắc tới
dioxin. Dioxin có trong chất diệt cỏ, sót lại từ thời chiến tranh nay đã phát
hiện ra việc gây quái thai tạo thế hệ thứ tư, thứ năm chứ không chỉ thứ hai, thứ
ba. Dioxin cũng có trong khói thải của việc đốt rác hiện nay.
Đây chỉ là những ví dụ rất cơ bản về việc phơi nhiễm
độc chất!
Và ô nhiễm là một trong các cách tạo ra phơi nhiễm độc
chất âm thầm, hiệu quả và khó đề phòng nhất nếu đối chiếu với thực trạng xã hội
hiện nay. Số người chết vì ung thư tại đất nước mình cao gần 2,2 lần so với số
người chết vì chiến tranh tại Syria (315 so với 144) mới là “một lát cắt rất mỏng”
của sự thật.
Đừng bao giờ mang suy nghĩ nếu một cánh rừng ở Tây
Nguyên bị phá trụi thì liên quan gì đến bạn khi bạn đang ở Thủ đô. Càng đừng
bao giờ suy nghĩ việc đem san lấp tro xỉ ở các nhiệt điện ở các công trình xây
dựng, đường giao thông cách xa nơi bạn ở thì sẽ không ảnh hưởng đến bạn. Bởi
các độc chất sẽ theo vòng quay chết chóc ấy đi rất xa và bạn thì không nằm
trong nhóm thiểu số có đủ trình độ, điều kiện kỹ thuật và tài chính để biết
mình đang hít thở, uống và ăn những thứ có độc chất hay không.
Và đáng buồn, đáng giận là vòng quay chết chóc ấy
thay vì được cảnh báo nghiêm túc để hạn chế tối đa nó; thì lại được nhân rộng bằng
những lời tuyên bố phủ nhận ô nhiễm.
Chửi những kẻ phủ nhận ô nhiễm tại một quốc gia ô
nhiễm là thừa. Bởi xưa nay chưa có ai phủ nhận thành công cái chết cả!
Chú
thích: Bài viết có sử dụng một số dữ liệu nghiên cứu của
PGS.TS. Trần Hồng Côn, Khoa Hoá học, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN.
No comments:
Post a Comment