Saturday, March 9, 2019

TỪ ĐÔNG DU ĐẾN MẶT THẬT HỒ CHÍ MINH (Nguyễn Văn Trần)




Nguyễn Văn Trần
Posted on March 8, 2019 

Trong thập niên 20 của thế kỷ trước, Quảng Châu là trung tâm cách mạng Trung Quốc do Trung Quốc Quốc Dân Đảng lãnh đạo, một mặt đánh dẹp phong kiến để thống nhất Trung Quốc, mặt khác, chống sự xâm lược của đế quốc để khôi phục nền độc lập dân
tộc.

Từ những năm 20
Trong cuộc cách mạng nầy, Trung Quốc Quốc Dân Đảng chủ trương bắt tay với Nga-Xô và Cộng sản Tầu.

Quảng Châu trong những năm từ 1924 đến 1927, không chỉ là trung tâm của cách mạng của Trung Quốc mà còn là thánh địa của những nước thuộc địa Á châu muốn vùng lên đòi độc lập dân tộc. Trường võ bị Hoàng Phố, dưới sự chỉ huy của Tưởng Trung Chánh, vừa dạy võ bị, vừa dạy văn hóa, khoa học, đã thu hút đông đảo thanh niên các nước Đông Nam Á trong đó thanh niên Việt Nam chiếm một số khá lớn. Về sau những người nầy trở thành những nhà lãnh đạo các đảng phái cách mạng Việt Nam không theo cộng sản (hiện ở Hoa Kỳ còn vài người tuổi trên 90).

Cuộc cách mạng ở Trung Quốc phát triển ảnh hưởng mạnh đến cách mạng Việt Nam. Chí sĩ Phạm Hồng Thái ám sát toàn quyền Đông Dương Merlin đã làm nức lòng những người Việt Nam yêu nước và làm rạng rỡ ngọn cờ cách mạng của Việt Nam Quốc Dân Đảng do cụ Phan Bội Châu lãnh đạo. Hành động can trường của chí sĩ Phạm Hồng Thái ở Sa Diện hoàn toàn không quan hệ gì với Hồ Chí Minh vì lúc bấy giờ, 19 tháng 6 năm 1924, Hồ Chí Minh hãy còn ở Mạc-Tư -Khoa. Cuối năm 1924, Hồ Chí Minh mới tới Quảng Châu và ở lại tại đó đến năm 1927.

Phạm Hồng Thái (T). Báo L’Avenir du Tokin ngày 23 juin, 1924, đăng lại vụ Phạm Hồng Thái mưu sát toàn quyền Merlin tại Khách sạn Victoria tại tô giới Sa Diện ở Quảng Châu của South China Morning Post ngày 21 tháng 6, 1924.

Thi hài của nhà chí sĩ được dân chúng Quảng Châu vớt lên đem chôn cất tại Nhị Vọng Cương, đầu quay về hướng Tây-Nam là hướng tổ quốc Việt Nam. Từ đó, thanh niên Việt Nam ùn ùn kéo sang Quảng Châu viếng mộ liệt sĩ. Và cũng từ đó, trường Hoàng Phố mở cửa rộng rãi đón nhận thêm nhiều thanh niên Việt Nam vào học.

Hồ Chí Minh, khi đến Quảng Châu, nghe chuyện Chí sĩ Phạm Hồng Thái ám sát Toàn quyền Merlin, bèn tìm cách liên lạc với tổ chức bí mật của Phạm Hồng Thái là “Tam Tam Xã” và qua năm sau (1925) đề nghị đổi tên thành Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, tức là tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay.

Tập Huyết Thư

Người Nghệ An, cùng quê với Hồ Chí Minh, năm 1900, cụ Phan Bội Châu đỗ thủ khoa kỳ thi Hương. Thay vì đi làm quan, cụ Phan liền lợi dụng uy tín vừa thi đậu thủ khoa đứng lên vận động cho nền độc lập dân tộc. Năm 1903, cụ viết tập Huyết Thư bí mật phổ biến trong nước kêu gọi thành lập những tổ chức chống lại thực dân Pháp.

Năm sau cụ Phan gặp nhà ái quốc Tăng Bạt Hổ, thảo luận về đường lối cách mạng Việt Nam và đi đến quyết định tổ chức một căn cứ bí mật để tuyển mộ và giúp đỡ thanh niên Việt Nam gởi sang Nhật du học. Phong trào Đông Du bắt đầu. Và trong ba năm, Phong trào Đông Du đã có khoảng 200 thanh niên Việt Nam sang Nhật học.

Mùa Xuân năm 1905, cụ Phan cùng với Tăng Bạt Hổ sang Nhật. Cụ cũng vừa hoàn thành quyển sách thứ hai là “Việt Nam Vong quốc Sử”. Tại Nhật, cụ có dịp hội kiến với nhà cách mạng Trung Quốc Quốc Dân Đảng là Tôn Trung Sơn nhưng vẫn chưa có cam kết cho một thỏa hiệp nào. Cụ cũng có những cuộc tiếp xúc rộng rãi với chánh giới và nhân sĩ Nhật. Cụ đặt hy vọng lớn ở sự giúp đỡ của Nhật cho Cách mạng Việt Nam.

Nhưng đến tháng 4 năm 1906, cụ cùng với Hoàng thân Cường Để và cụ Phan Chu Trinh qua Nhật thì mới thất vọng vì Nhật không muốn thật tình ủng hộ cách mạng Việt Nam.

Cụ Phan Chu Trinh trở về Việt Nam và bắt đầu vận động Phong trào Duy Tân. Ở lại Nhật, qua năm sau, cụ thấy thất vọng thêm khi Nhật ký kết với Pháp và chấp nhận đòi hỏi của Pháp là ngăn cấm những hoạt động cách mạng của sinh viên Việt Nam tại Nhựt và trục xuất họ về Việt Nam.

Nhóm thanh niên nầy, kẻ đi Trung Quốc, người đi Xiêm La (Thái Lan). Cụ Phan đi Xiêm La. Cụ Cường Để đi Hương Cảng (Hongkong).

Khi cách mạng Trung Quốc thành công, cụ Phan và Cụ Cường Để đến Quảng Châu để khôi phục công cuộc vận động cách mạng Việt Nam. Năm 1912, cụ Phan thành lập Việt Nam Quang Phục Hội theo đuổi mục đích là xây dựng cho Việt Nam sau khi giành được độc lập một thể chế Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1913, Viên Thế Khải đánh phá cách mạng Tân Hợi. Long Tế Quang chiếm được Quảng Châu, bắt cụ Phan Bội Châu và các đồng chí của cụ, chuẩn bị giao cho Pháp để đổi lấy món tiền lớn. Nhưng Viên Thế Khải bị cách mạng Trung Quốc phản công và thất bại. Tôn Trung Sơn trở lại Quảng Châu và nhờ vậy cụ Phan cùng các đồng chí khác của mình được thả ra. Cụ tiếp tục vận động cách mạng dân tộc Việt Nam. Đến đầu năm 1924, cụ cải tổ Việt nam Quang Phục Hội thành Việt Nam Quốc Dân Đảng, đặt tổng chi bộ tại Quảng Châu, với thành phần nồng cốt là Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thượng Thuật, Đặng Sư Mạc …

Hồ Chí Minh và Phan Bội Châu

Thân phụ của Hồ Chí Minh, cụ Nguyễn Sinh Sắc, có quen biết qua lại với cụ Phan Bội Châu, nên Hồ Chí Minh được cụ Phan rất quí mến. Do đó, cụ Phan đã có lần khuyên Hồ Chí Minh gia nhập tổ chức của cụ nhưng Hồ Chí Minh từ chối. Nay Hồ Chí Minh đến Quảng Châu, vì thấy chưa thuận tiện ra mặt công khai hoạt động cộng sản nên núp dưới chiêu bài vận động cách mạng việt nam theo đường lối “độc lập dân tộc”, được cụ Phan để ý. Và Hồ Chí Minh từ đây cũng thường tìm cơ hội lui tới với cụ Phan Bội Châu. Cụ Phan cũng đem đường lối và tôn chỉ của Việt Nam Quốc Dân Đảng nói cho Hồ Chí Minh nghe. Nhưng Hồ Chí Minh đã chọn con đường Quốc tế Đệ III nên không hưởng ứng theo Cụ Phan Bội Châu mà chỉ “vâng dạ” cho vừa lòng Cụ Phan mà thôi.

Bỗng một hôm, bất hạnh lớn xảy tới cho cụ Phan: ngày 25 tháng 6 năm 1925, cụ Phan Bội Châu bị cảnh sát Pháp bắt ở Thượng Hải, ngay tại tô giới Pháp. Xin nhắc lại, cũng trong lúc nầy, Hồ Chí Minh tuyên bố tổ chức bí mật của chí sĩ Phạm Hồng Thái là “Tâm Tâm Xã” trở thành Việt nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội để tiếp tục khai thác cho phong trào cộng sản đang có ảnh hưởng từ sự hy sanh can trường của chí sĩ Phạm Hồng Thái, tác động mạnh lên lòng yêu nước của giới thanh niên Việt Nam. 

http://khxhnvnghean.gov.vn/images/news/phanboichau.jpg
Phan Bội Châu (1867-1940). Ảnh chụp khi ở Trung Hoa. Nguồn:
Khoa học xã hội và nhân văn Nghệ An 

Theo học giả Hoàng Văn Chí thì cụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt do Hồ Chí Minh đã bán cụ cho Pháp để lấy một số tiền là một 150.000 đồng (tiền Đông Dương bấy giờ). Tin tức nầy trước tiên do các đệ tử và đồng chí của cụ Phan thu lượm được, sau đó thì trong phong trào cách mạng Việt Nam ở Trung Quốc, ai ai cũng biết. (Vài cụ ngày nay con sống ở Hoa Kỳ, đã tham gia phong trào vận động cách mạng ở Quảng Châu, biết tin nầy).

Sự việc này, người ta nói với nhau rằng, đã có vài cán bộ cộng sản ở Hà Nội giải thích rằng: “Cụ Phan đã già rồi, không còn thích hợp với cách mạng nữa, số tiền bán được dùng để nuôi dưỡng cách mạng Việt Nam (cộng sản)”.

Sau này, sự việc cụ Phan bị Pháp bắt ở tô giới được biết rõ thêm. Ông Lâm Đức Thụ, tên thật là Nguyễn Công Viễn, người đại diện cho cụ Phan ở Hương Cảng, đã hợp tác với Hồ Chí Minh bán đứng cụ Phan Bội Châu cho Tây để lấy tiền và cùng nhau chia số tiền ấy.

Hồ Chí Minh lấy tiền tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (tức là Đảng Cộng sản Hà Nội ngày nay). Còn Viễn lấy tiền tiêu xài trong các hộp đêm ở Hongkong.
Thật ra, Hồ Chí Minh cần phải loại Cụ Phan Bội Châu để có thể độc quyền yêu nước vì Cụ Phan là hiện thân của cách mạng ái quốc Việt Nam. Cụ còn là tấm gương chói sáng của tinh thần dũng cảm, lòng ái quốc và tiết tháo của sĩ phu không bao giờ chịu thỏa hiệp với giặc Pháp.

Và từ đó Hồ Chí Minh và Lâm Đức Thụ tiếp tục hợp tác với nhau chặt chẽ trong suốt nhiều năm nữa để bán tiếp các đồng chí của cụ Phan cho Pháp và những thanh niên Việt Nam không cộng sản tham gia chống thực dân Pháp ra khỏi Việt nam du học hoặc trốn mật thám Pháp.

Lúc bấy giờ thanh niên Việt Nam qua Quảng Châu theo học trường võ bị Hoàng Phố rất đông. Nhưng ai chịu gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (của Hồ Chí Minh) thì khi học xong sẽ được bảo vệ bí mật trở về nước an toàn. Còn những ai trung thành theo cụ Phan, tức theo cách mạng dân tộc thật sự, thì khi về đến biên giới Hoa-Việt, đều bị mật thám Tây bắt ngay. Vì trước đó, họ bị Hồ Chí Minh thông báo cho Lâm Đức Thụ ở Hương Cảng biết rõ lý lịch để Thụ đem nộp cho Lãnh sự Pháp ở Hương Cảng. Sau khi họ bị bắt thì Hồ Chí Minh và Lâm Đức Thụ được mật thám Tây thưởng tiền. Do đó mà Tổng chi bộ Việt nam Quốc Dân Đảng ở Quảng Châu dần dần mất liên lạc với quốc nội. Số thanh niên còn lại học xong đều không ai dám về nước. Họ đành ở lại Trung Quốc và theo đoàn quân cách mạng Dân quốc của Trung quốc. Cách mạng dân tộc độc lập của Việt Nam dần dần nhường chỗ cho cách mạng cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Từ nay, Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết những người kháng chiến về với đảng cộng sản và bắt đầu thanh lọc khỏi hàng ngũ những người ái quốc không cộng sản với tội “Việt gian”. Máu nạn nhân của Hồ Chí Minh loan rộng theo sự lớn mạnh của đảng cộng sản. Con đường giải phóng dân tộc của Việt Nam quá đắt giá so với các quốc gia cùng cảnh ngộ, thế nhưng Việt Nam hôm nay vẫn chưa có được thật sự độc lập, tự do và hạnh phúc.

Lui về trước, Hồ Chí Minh cũng đã bán Cụ Trương Bội Công, một lãnh tụ của đảng Phục Quốc, cho cảnh sát Quốc Dân đảng. Do hành động này mà Phạm văn Đồng và Hoàng văn Hoan bị tố cáo là cộng sản và tổ chức cách mạng của Cụ Hồ Học Lãm hoạt động dọc biên giới Hoa-Việt, vì bị Đồng và Hoan xâm nhập, sau đó tan rã.

Tướng Trương Phát Khuê, chỉ huy vùng IV Trung quốc, có chính sách riêng về Việt Nam. Tháng 10-1942, ở Liễu châu, ông kết hợp tất cả các tổ chức, các đảng phái Việt Nam lưu vong ở Trung Quốc thành một mặt trận đồng minh địa phương dưới tên gọi “Liên đảng cách mạng Việt Nam” để giúp Trung Quốc tiến vào Đông Dương dễ dàng. Ông đề cử Cụ Nguyễn Hải Thần, một nhà cách mạng Việt Nam lưu vong từ lâu ở Trung Quốc, quên cả tiếng Việt, làm Chủ tịch Mặt trận mới thành lập này. Hằng tháng, ông cấp cho Cụ Nguyễn Hải Thần 100.000 đồng (tiền Trung Quốc) chi phí hoạt động.

Chỉ sau một thời gian ngắn, Tướng Trương Phát Khuê nhận thấy Cụ Nguyễn Hải Thần không đủ khả năng đảm trách công tác nên ông nghĩ phải cần đến Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh chẳng những nhận lời không chút do dự, mà còn đề nghị tổ chức lại cho Quốc Dân đảng một hệ thống tình báo tại Bắc Việt. Trong thời gian bị Quốc Dân đảng bỏ tù vì bị phát hiện là cộng sản, Hồ Chí Minh dịch học thuyết “Tam Dân chủ nghĩa” ra tiếng Việt để tâng công với cai tù. Được cảm tình của Quốc Dân đảng, tháng giêng 1943, Hồ Chí Minh ra tù và bắt đầu nắm lấy “Liên đảng cách mạng Việt Nam” của Tướng Trương Phát Khuê. Hồ kết nạp tất cả các tổ chức kể cả Việt Minh. Một thỏa ước được ký kết tại Liễu châu. Việt Nam sẽ được giải phóng nhờ sự giúp đỡ của Trung Quốc. Liên đảng do các tổ chức quốc gia lãnh đạo, nhưng trên thực tế, Hồ Chí Minh lại là người nắm tiền. Hồ phát thảo một kế hoạch hợp tác trong tương lai giữa cách mạng võ trang Việt Nam và lực lượng võ trang Trung Quốc. Đến đây, Hồ Chí Minh đã thành công biến mặt trận quốc gia thành công cụ riêng phục vụ đường lối Đệ Tam của ông và ông, từ tên tù, trở thành một đồng minh của Quốc Dân đảng.
Địa vị vừa vững, Hồ Chí Minh liền tố cáo với Quốc Dân đảng Trung Quốc cụ Nghiêm Kế Tổ, một lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân đảng, là “người hợp tác với đế quốc Anh-Pháp”.

Mùa xuân 1945, Hồ Chí Minh âm thầm qua Côn Minh nơi Hoa Kỳ đặt căn cứ ở Á châu để tìm cách tiếp xúc chính thức với Hoa Kỳ. Hồ Chí Minh sử dụng lại ngón nghề ruột là đề nghị phục vụ cho Cơ quan tình báo Hoa Kỳ (OSS), tiền thân của CIA. Nhưng Hoa Kỳ không thể vừa bỏ rơi lực lượng Âu châu ở Á châu, lại vừa muốn tìm sự hợp tác của họ ở Âu châu, nên phải thừa nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương.

Thật lòng rất muốn theo Hoa Kỳ, trong Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, Hồ Chí Minh đã mượn lời của Tổng thống Jefferson. Hồ Chí Minh cũng đã lập Hội Ái Hữu Việt-Mỹ, và hơn nữa, đã mở đại yến khoản đãi Tướng mỹ Gallagher.

Việt Minh bị lưỡng đầu thọ địch: Pháp ở trong Nam, Tầu ở ngoài Bắc. Ngày 9/9/1945, quân của Tướng Lư Hán vào Hà Nội. Bất thần, Hồ Chí Minh đến viếng vị cố vấn chính trị của Lư Hán. Khi gặp ông này, Hồ Chí Minh vui vẻ cất tiếng hát lại bài hát ca ngợi Quốc Dân đảng: “Tôi tin tưởng Tam Dân chủ nghĩa. Chính trị của Trung Quốc là chính trị của Việt Nam. Tôi mong đợi những lời dạy bảo và những mệnh lệnh của Trung Quốc. Và tôi hiến dâng mạng sống của tôi để bảo đảm an ninh cho quân đội Trung Quốc ở Việt Nam”.

Hồ Chí Minh tiêu diệt những người Đệ Tứ Việt Nam vì chọn đứng về phía cầm quyền
Stalin. Ông lấy sự xung đột của Liên-Xô với cánh Đệ Tứ làm thành vấn đề của chính ông. Ông căm thù những người ái quốc lương thiện Việt Nam như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Nguyễn An Ninh, Hồ Văn Ngà, Nguyễn Văn Sâm, … giống y như Stalin căm thù những người tro-kit ở Nga. Tại Bruxelles, năm 1927, Hồ Chí Minh nói với Lucien Laurat, một người mác-xít không theo Stalin: “Tôi luôn luôn đứng về phe cầm quyền. Vì phe cầm quyền mới có thể ủng hộ tô.i.

Hồ Chí Minh trong suốt đời luôn chọn thân phận tay sai cho các thế lực mạnh, thế lực cầm quyền, để được trở thành kẻ nắm chủ quyền nước mình.

Hồ Chí Minh, mặt khác, lợi dụng khoảng trống chính trị của tháng 8/45 ra tay thanh toán tất cả những người cùng tranh đấu chống thực dân dành độc lập mà không theo Đệ Tam để độc quyền lãnh đạo Mặt trận Việt Minh và kháng chiến.

Trở lại Cụ Phan Bội Châu. Bị bắt, cụ Phan Bội Châu bị Pháp kết án tử hình, làm cho người Việt Nam yêu nước vô cùng căm phẫn. Toàn quốc rầm rộ tổ chức biểu tình phản đối bản án của thực dân Pháp.

Cuối cùng, thực dân pháp phải chấp nhận bải bỏ bản án tử hình và quản thúc cụ Phan tại Huế.

Cụ Phan mất ngày 20 tháng 12 năm 1940.

Thế mà “tư tưởng” và “tấm gương” của Hồ Chí Minh được đảng cộng sản Hà Nội ngày nay không những bắt buộc đảng viên học tập và mà còn ra sức tuyên truyền, đưa cả vào sách giáo khoa giáo dục để nhồi sọ thanh thiếu niên “đạo đức Hồ Chí Minh”. Thật là điều tai hại cho đất nước!

© 2008 – 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể.lệ.trích.đăng.lại.bài.từ.DCVOnline.net


Nguồn: Bài đăng lần đâu trên DCVOnline ngày 4 tháng 6, 2008. DCVOnline biên tập và minh họa. Chú của tác giả.

Tài liệu tham khảo:
·         Tưởng Vĩnh Kính (do Thượng Huyền dịch): “Hồ Chí Minh tại Trung Quốc” ,Văn Nghệ, USA, 1999.
·         Hoàng Văn Chí: “Từ thực dân đến cộng sản”, NXB Chân trời mới, Bản dịch của Mạc Định.
·         Bài của Thái Quang Trung, L’Express, số 1492, 2/1980, Paris.





No comments: