Quách
Hạo Nhiên
Viet
Studies 21/03/2019
“Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai về xứ bạc thong dong cuộc đời”
(Ca dao Nam bộ)
*
Nghịch lý chồng
nghịch lý
Dù nhiều người đã nói rồi
nhưng thiết nghĩ cũng cần phải nhắc lại cái nghịch lý đã, đang và sẽ còn diễn
ra ở vùng đất cực Nam này của Tổ quốc, đó là: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)
tuy được xem là cái “xương sống” cho nền kinh tế nông nghiệp của cả nước nhưng
lại là khu vực ít được Nhà nước quan tâm, đầu tư nhất so với các vùng miền khác
về tất cả mọi phương diện. Tất cả những chuyện này không phải tìm đâu xa mà đã
được thừa nhận ngay trong các văn bản báo cáo của nhiều cơ quan chức năng, các
nhà nghiên cứu mỗi khi diễn ra cuộc hội nghị, hội thảo nào đó.
Hay như mới đây, TS Nguyễn
Ngọc Chu trong khi nêu quan điểm của mình về vấn đề đầu tư, xây dựng hạ tầng giao
thông vận tải nhất là các dự án đường sắt trên cả nước đã cho thấy rõ hơn cái
nghịch lý về vấn đề này ở khu vực miền Tây Nam bộ bằng những con số rất cụ thể:
“Miền Tây Nam Bộ là vùng đất trù phú bậc nhất của quốc
gia, có tiềm năng to lớn về con người và thiên nhiên, có diện tích 40 548 km2
và dân số 18,5 triệu người. Tăng trưởng GDP của Miền Tây Nam bộ cao hơn bình
quân cả nước. Vậy mà hiện nay miền Tây Nam bộ không có tuyến đường sắt nào. 74
năm cầm quyền rồi mà người Việt Nam cũng không chịu làm thêm 1mét đường sắt ở
Miền Tây Nam bộ. Trong khi đó, Miền Tây Bắc và Đông Bắc đã có tuyến đường sắt
Lao Cai – Hà Nội, Thái Nguyên – Hà Nội, Hải Phòng – Hà Nội, Lạng Sơn – Hà Nội
và đang xây dựng tuyến Quảng Ninh – Hà Nội. Về đường bộ cao tốc, đã có tuyến
Lao Cai – Hà Nội, Thái Nguyên – Hà Nội. Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội, Bắc
Giang – Hà Nội, và đang xây dựng tuyến Lạng Sơn – Bắc Giang.
Như vậy, nhìn tổng quát GTVT Miền Tây Bắc và Đông Bắc
vẫn cần tiếp tục đầu tư, nhưng chưa phải cấp thiết bậc nhất. Cấp thiết bậc nhất
là tuyến HCM – Hà Nội và Miền Tây Nam bộ. Cho nên, không phải ưu tiên cho Tây Bắc,
Đông Bắc mà phải khẩn cấp đầu tư phát triển giao thông vận tải cho Miền Tây Nam
bộ, cả đường sắt lẫn đường bộ cao tốc.” [1]
Những nghịch lý trên rõ
ràng ai cũng biết nhưng có một nghịch lý còn lớn hơn nữa đã làm cho ĐBSCL ngày
một tụt hậu và kiệt quệ hơn mà không phải ai cũng đủ chân thành và dũng khí để
nói ra. Trước khi gọi tên cái nghịch lý này là gì xin được nhắc lại hai sự kiện
nhỏ dưới đây:
Năm 2009, ĐBSCL có diễn
ra một cuộc thi Thơ do Hội liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Cần Thơ tổ
chức. Năm ấy, Ban giám khảo cuộc thi đã chọn bài thơ “Trăng nghẹn”của
tác giả Hoài Tường Phong để trao giải nhất. Nhưng sau đó, dưới sức ép của “những
người có trách nhiệm”, BTC cuộc thi sau đó đã quyết định “bẽ kèo” vào phút
90+1. Nghĩa là rút lại không trao giải nhất cho bài thơ với lý do tác giả Hoài
Tường Phong đã “phản ánh” một sự thật về cái nghịch lý của vùng đất và con người
nơi đây bằng mấy câu thơ mộc mạc, chân chất đến trần trụi:
“Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa”
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa”
Đó là chuyện xảy ra cách
nay đúng 10 năm, còn gần đây nhất, liên quan đến sự kiện báo Tuổi trẻ Online bị
đình bản 3 tháng người ta lại tìm thấy ở đó một trong những nguyên nhân chính
là do Báo Tuổi trẻ Online trước đó đã cả gan và vượt rào đăng bài viết “Sao
trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?” ngày 26/5/2017.
Bài viết này bị các nhà chức trách rằng có nội dung mang tính kỳ thị vùng miền
dễ “gây mất đoàn kết dân tộc”. [2]
Hai câu chuyện, hai sự kiện
tuy nhỏ nhưng lại chất chứa trong đó một sự thật rất xót xa. Hay nói khác đi
đây chính là cái nghịch lý chồng nghịch lý mà người dân vùng ĐBSCL hiện nay
đang phải oằn lưng gánh chịu. Cái nghịch lý về sự dối trá, nói mà không làm,
nói một đằng làm một nẻo nhưng lúc nào cũng “cả vú lấp miệng em”, không dám thừa
nhận của “những người có trách nhiệm” trong bộ máy lãnh đạo quốc gia mỗi khi
nghĩ về ĐBSCL.
“Hội nghị Diên Hồng”
hay là chuyện “cha chung không ai khóc”
Sau khi được chỉ định làm
Thủ tướng Chính phủ (ngày 07/04/2016) thay cho người tiền nhiệm Nguyễn Tấn
Dũng, ông Nguyễn Xuân Phúc ngay lập tức bắt tay vào việc với một khí thế hừng hực
thường thấy của những kẻ mới ngồi vào “ngôi vua”. Để nhanh chóng thích nghi và
ghi dấu ấn trước quốc dân đồng bào ông cũng cho bày binh bố trận khắp nơi. Cái
khẩu hiệu “Chính phủ kiến tạo và phục vụ” ngay lập tức được giới
truyền thông tung hô hết ga. Không dừng lại ở đó, mỗi khi đến địa phương nào đó
làm việc ông cũng không bao giờ quên gửi một “thông điệp” với một công thức rất
đặc trưng và có một không ai: “X, Y, Z...+ phải là đầu tàu/thủ phủ/đi đầu...của
cả vùng/cả nước”.
Tuy vậy, cũng phải mất một
năm sau người đứng đầu Chính phủ mới bắt đầu triển khai nhiệm vụ “kiến
tạo và phục vụ” người dân vùng ĐBSCL bằng một bản Nghị quyết (số
120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về “Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích
ứng với biến đổi khí hậu”) và một Hội nghị chính thức diễn ra trong
hai ngày 26, 27/09/2017 tại thành phố Cần Thơ.
Và để chuẩn bị cho phiên
điều hành chính thức của mình, trước đó ông Thủ tướng cùng đoàn tùy tùng đã có
chuyến “tiền trạm” đi mây về gió bằng trực thăng để thị sát vùng ĐBSCL từ Cần
Thơ đến Cà Mau. Còn nhớ, lúc nhìn thấy hình ảnh ngài Thủ tướng trên tay là tấm
bản đồ còn ánh mắt thì nhìn đâm chiêu qua cửa sổ máy bay được các cơ quan báo
chí đăng tải, một người bạn của tôi lúc ấy đã nhắn tin nói rằng: “nhìn
ông Thủ tưởng ngồi trên trực thăng tao xúc động và thương ổng quá!. Ông ấy tận
tụy thế kia mà sao những đứa tham mưu lại không trang bị cho ổng một cái ống
nhòm để ổng nhìn cho rõ, cho hợp cảnh và chụp hình cho đẹp hơn. Khoảng cách từ
trực thăng với đất liền xa như thế mà chỉ nhìn bằng mắt thường thì liệu có thấy
được gì không? Thêm nữa, không biết ông ấy có phân biệt và nhìn ra được những
vùng đất với cái tỉ lệ ghi trên tấm bản đồ không khi mà nó vốn khác xa so với
trên thực địa”?
Nhưng thôi đó là những
chuyện bên lề. Vì như một thông lệ hiển nhiên và tất yếu về vô số các cuộc hội
nghị, hội thảo lớn nhỏ từ trung ương đến địa phương ở xứ sở này (có lẽ trừ hội
nghị thượng đỉnh Trump – Kim vừa mới diễn ra ở Hà Nội là thất bại vì Trump bỏ về
sớm và không ký kèo gì với Kim), hội nghị năm 2017 cũng diễn
ra rất thành công và tốt đẹp. Mà không thành công sao được khi mà cái hội nghị ấy
được các cơ quan báo đài lúc bấy giờ gọi là “Hội nghị Diên Hồng cho
ĐBSCL” với gần 500 đại biểu trong và ngoài nước đến tham dự rất
khí thế và hoành tráng. Tuy vậy, chỉ có điều là sau một năm tổng kết và nhìn lại
thì hỡi ơi, theo tường thuật của báo Tuổi trẻ ngày 21/11/2018 tất cả các nội
dung trong bản Nghị quyết đều “vẫn chỉ nằm trên giấy” [3]. Hóa
ra sau một năm tổ chức “Hội Nghị Diên Hồng”, các chuyên gia,
các nhà quản lý trong cuộc hội thảo (lại hội thảo) với tên gọi "Một
năm thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi
khí hậu" (do Trường đại học Cần Thơ phối hợp Thời Báo
Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 14/12/2018) mới té ngửa ra rằng suốt một
năm qua vì không có ban điều hành để điều phối chung nên 13 tỉnh ĐBSCL chẳng biết
phải làm gì? [4]. Hóa ra, tất cả lại là do“lắm sãi không ai đóng cửa chùa”,
“cha chung không ai khóc”, ĐBSCL vì thế, từ chỗ là đứa con rơi, cha mẹ
không thừa nhận đến khi được nhận lại rồi thì tình yêu thương giờ đây chẳng qua
cũng chỉ là mấy lời vỗ về rất chiếu lệ và giả trá!
“Đi Bình Dương bán
nước tương”
Những năm gần đây, người
dân vùng ĐBSCL trong câu nói cửa miệng khi bàn về chuyện làm ăn thường bảo nhau
rằng chắc chuyến này “đi Bình dương bán nước tương” quá. Câu
nói với vần điệu nhịp nhàng mới nghe có vẻ vui tai và buồn cười này nhưng lại
phản ánh một sự thật xót xa và đau lòng: một bộ phận người dân ĐBSCL hiện nay
đang thật sự đang rất kiệt quệ cả về vật chất lẫn tinh thần. Đi “Bình
Dương bán nước tương” thực ra là rời bỏ làng quê, ruộng đồng, vườn tược
để lao vào cuộc mưu sinh ở các khu đô thị, khu công nghiệp với đồng lương còm cỏi
và tạm bợ nhưng đầy may rủi và bất trắc. Và với nhiều người, dù biết là may rủi
nhưng đó lại là sự chọn lựa và lối thoát duy nhất. Bởi dù sao “đi Bình
Dương bán nước tương” vẫn thiết thực và “dễ thở” hơn là phải bám trụ lại
quê nhà trong cái vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói khi “được giá mất mùa” lúc
“được mùa mất giá”,...
Ngay sau Tết nguyên đán
năm nay, chúng ta đã tận mắt chứng kiến một cuộc đại di cư của người dân ĐBSCL
đi “Bình Dương bán nước tương” mà báo chí đã phản ánh qua sự
kiện kẹt xe rất khủng khiếp, chưa từng có trong lịch sử trên quốc lộ 1A – tuyến
đường và cửa ngỏ duy nhất kết nối vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền
Đông Nam bộ. Thật sự không biết khi chứng kiến những hình ảnh về sự vất vả cũng
sự nhẫn nhịn, chịu đựng của người vùng ĐBSCL như thế, ông Nguyễn Xuân Phúc và
“Chính phủ kiến tạo và phục vụ” của ông có suy nghĩ hay động lòng chút nào
không? Bởi còn gì tệ hại và xót xa hơn khi những cư dân của một vùng đất trù
phú và giàu có nhất nước giờ đây đã phải tay bồng tay bế, tay xách nách mang,
đèo nhau trên chiếc xe gắn máy, giành nhau từng centimet trên một con đường duy
nhất để đi tìm miếng bỏ vào mồm? Nghị quyết để làm gì nếu nó mãi mãi vẫn chỉ là
những con chữ vô hồn và các cuộc hội nghị, hội thảo thì kinh phí tổ chức cũng lấy
từ tiền đóng thuế của những người dân lam lũ và ít học nơi đây?
Thay lời kết
Trong câu chuyện bên lề “Hội
nghị Diên Hồng cho vùng ĐBSCL năm 2017, người của bạn tôi sau đó
còn nói với tôi rằng: “ông Dũng là người miền Tây mà hai nhiệm kỳ Thủ
tướng vẫn không đếm xỉa ngó ngàng gì vùng ĐBSCL thì cũng thôi cũng không nên
quá kỳ vọng làm gì với cái Nghị quyết này của ông Phúc. Nói ra thì bảo là kỳ thị,
phân biệt vùng miền, gây chia rẻ khối đại đoàn kết dân tộc nhưng hãy thử nghĩ lại
xem có phải cái tư duy và sự kỳ thị, phân biệt vùng miền ấy vốn đã ăn sâu vào
máu của chính những người lãnh đạo cao nhất của đất nước này suốt 40 năm qua
không? Chỉ khi nào những người lãnh đạo cao nhất ở đất nước này biết thành tâm
sám hối và cúi đầu xin lỗi về sự chậm trễ và kỳ thị của họ với người dân nơi
đây thì ĐBSCL mới có hi vọng cất cánh, mới không còn bị coi là “vùng trũng” về
giáo dục và văn hóa. Và nếu vẫn giữ cách nghĩ cùng cách làm như hiện nay thì ĐBSCL
sẽ tàn lụi trước khi khí hậu kịp biến đổi hay bị nhấn chìm vì nước biển dâng!”
----------
Nguồn tham khảo:
Cần Thơ, 21/03/2019
QHN
No comments:
Post a Comment