Wednesday, March 6, 2019

ĐỐI THOẠI NHÂN QUYỀN LIÊN ÂU - VIỆT NAM LẦN THỨ 8 Ở BRUXELLES (Ỷ Lan - RFA)




Ỷ Lan  -  RFA
03-06-2019

Liên Minh Châu Âu (EU) và Việt Nam vào ngày 4 tháng 3 vừa qua tiến hành vòng đối thoại nhân quyền lần thứ 8 tại Brusells, Bỉ.

Một ngày sau vòng đối thoại, thông tín viên Ỷ Lan của Đài Á Châu Tự Do có cuộc phỏng vấn Bà Maya Kocijancic, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Liên Âu về Chính sách An ninh,
và Ông Umberto Gambini, Chánh Văn phòng Dân biểu Quốc hội Âu Châu Ramon Tremosa

Ỷ Lan Xin Bà Maya Kocijancic vui lòng cho biết những vấn đề chính yếu được trao đổi qua cuộc Đối thoại Nhân quyền Liên Âu – Việt Nam hôm thứ hai mồng 4 tháng ba vừa qua ?
Maya Kocijancic : Đúng là cuộc Đối thoại Nhân quyền thường niên Liên Âu – Việt Nam tổ chức hôm qua tại Brussels. Chúng tôi thảo luận rộng rãi trên những vấn đề liên quan đến tự do ngôn luận, an ninh mạng, án tử hình, môi trường, quyền lao động, hợp tác trong khuôn khổ LHQ.


Ỷ Lan : Phái đoàn Việt Nam phản ứng như thế nào trên những vấn đề này ?
Maya Kocijancic : Tôi muốn nhận xét từ những quan điểm khác nhau. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là thiết lập đối thoại thường xuyên, vì sẽ cho ta cơ hội đề cập các trường hợp tù nhân vì lương thức, đồng thời phát hiện các xu hướng. Chúng tôi quan sát thấy một số xu hướng tích cực tại Việt Nam bên cạnh những phát triển tiêu cực. Trên hướng tích cực, 20 năm qua, cải cách và hiện đại hoá đã giúp Việt Nam tiến bộ trong việc xây dựng xã hội phồn thịnh và năng động cũng như cải thiện các lĩnh vực như giáo dục, dịch vụ y tế, làm tiến hoá mục tiêu xã hội và các quyền  kinh tế.
Trên mặt khác, chúng tôi  nhận thấy một số phát triển tiêu cực về tự do ngôn luận, trên cả hai bình diện trực tuyến và ngoài luồng, tự do hội họp, lập hội, tự do báo chí, và tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Sự phát triển các tự do này rất đáng lo ngại. Ví dụ, một số luật mới thông qua tại Việt Nam làm cản trở việc hành xử các quyền tự do cơ bản. Có những báo cáo cho biết các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền bị hăm doạ, tra tấn, bị kết án rất nặng chỉ vì họ sử dụng quyền tự do ngôn luận. Chúng tôi đã nêu bật các sự kiện này rất rõ ràng. Chúng tôi yêu sách trả tự do cho những nạn nhân này, chúng tôi đòi hỏi việc tiếp cận luật sư bào chữa, hay thân nhân được phép thăm nuôi là tối ư quan trọng. Chúng tôi cho Phái đoàn Việt Nam biết rằng chúng tôi trông chờ họ hành động, giải quyết ngay trên lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi không chỉ đối thoại mà thôi, mà chúng tôi còn yêu sách áp lực cho nhân quyền tại Việt Nam.


Ỷ Lan : Thưa bà, Liên Âu còn những hành động gì khác liên quan với cuộc đối thoại ?
Maya Kocijancic : Trong cuộc gặp gỡ đối thoại, Phái đoàn Việt Nam có dịp tham quan Quốc hội Châu Âu để thấy tận mắt dân chủ sinh hoạt như thế nào tại Châu Âu. Và trước mọi cuộc đối thoại, chúng tôi luôn luôn tổ chức những cuộc tham vấn với xã hội dân sự tại Châu Âu và tại Việt Nam. Đây là phần chủ yếu của cuộc đối thoại nhân quyền.


Ỷ Lan : Xin cám ơn bà Maya Kocijancic.
Sau đó, chúng tôi tìm gặp Ông Umberto Gambini, Chánh Văn phòng Dân biểu Quốc hội Châu Âu Ramon Tremosa, là người đã ký chung thư với 32 Dân biểu đại diện mọi khuynh hướng chính trị kêu gọi Liên Âu thúc đẩy việc thực thi nhân quyền tại Việt Nam. Chúng tôi hỏi ông Gambini đánh giá tình hình nhân quyền Việt Nam hiện nay ra sao ?
Umberto Gambini (UG) : Rất vui được trao đổi với chị, xin gửi lời chào nhân dân và bè bạn tại Việt Nam và Châu Á. Liên Âu đang trong tiến trình thương thảo và kết thúc Hiệp ước Tự do Mậu dịch với Việt Nam. Là người theo Đảng Tự Do, chúng tôi rất quan tâm đến nhân quyền, tự do tôn giáo và sinh hoạt của các xã hội dân sự, và rất lo âu trước diễn biến tình hình nhân quyền hiện tại. Chúng tôi biết rằng, mọi sự còn cách xa sự hoàn hảo, và chưa được thực hiện nhanh chóng như chúng tôi mong ước. Chúng tôi biết rõ là tự do tôn giáo còn thô thiển, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ vẫn tiếp tục bị quản thúc. Chúng tôi biết Luật mới về An ninh Mạng giới hạn nghiêm trọng tự do ngôn luận trực tuyến và ngoài luồng. Chúng tôi cũng biết các lãnh đạo xã hội dân sự bị cầm tù vì quyền biểu đạt của họ. Đây không phải là con đường thoát cho Đông Nam Á. Chúng tôi tin rằng một nước Việt Nam tự do là một Việt Nam vĩ đại. Chế độ và chính quyền Việt Nam không nên sợ hãi mô thức xã hội đa nguyên. Chúng tôi tin rằng có nhiều vấn nạn cần giải quyết.


Ỷ Lan : Ông cho biết Liên Âu đang trên đường kết thúc Hiệp ước Tự do Mậu dịch với Việt Nam, và hiện còn chờ Quốc hội Châu Âu phê chuẩn. Tình hình hiện nay đi đến đâu rồi ?
UG : Như chị biết, nhiệm kỳ các Dân biểu chấm dứt cuối tháng 5 này, sau đó là cuộc bầu cử Quốc hội mới. Vậy là phải chờ Quốc hội mới quyết định phê chuẩn Hiệp ước hay không. Bà Cecilia Malstrom, Ủy viên Thương Mại Liên Âu, rất quan tâm lĩnh vực nhân quyền, đang cố tâm hoàn tất Hiệp ước. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên tin tưởng vào bà. Nhưng tất cả tuỳ thuộc vào sự quyết định của Quốc hội mới. Hiệp ước Tự do Mậu dịch sẽ đưa ra Hội đồng Châu Âu, rồi sau đó trình lên Quốc hội Châu Âu khoá mới. Đương nhiên, mọi sự có thể đổi khác, nhưng đó là gì chúng tôi nghe được từ vị Chủ tịch luân phiên Rumania.


Ỷ Lan : Nhưng theo ông, Liên Âu có sẽ quan tâm tới nhân quyền khi lấy quyết định phê chuẫn Hiệp ước hay không ?
UG : Đương nhiên, đương nhiên. Các Hiệp ước Tự do Mậu dịch hiện đại có một chương duy trì nhân quyền. Chương này có tính cách ràng buộc. Cho nên chắc chắn, là Quốc hội sẽ buộc Ủy Ban Châu Âu trách nhiệm việc Việt Nam tôn trọng và thi hành Hiệp ước. Chị biết không, Hiệp ước có thể bị đình chỉ nếu Việt Nam vi phạm nhân quyền. Hãy lấy Cam Bốt làm ví dụ - mới đây Liên Âu vừa đình chỉ thuế quan ưu đãi vì Cam Bốt vi phạm nghiêm trọng nhân quyền. Do đó Việt Nam rất cần nhìn vào những chi vừa xẩy ra cho nước láng giềng. Đây là điều chúng tôi đang vận động áp dụng tại Quốc hội. Hiệp ước đâu phải là một đống chữ mà thôi, còn cả một hậu quả nghiêm trọng nếu người ký Hiệp ước không tôn trọng lời giao ước.


Ỷ Lan : Xin ông câu hỏi chót, Ông nghĩ sao về cuộc Đối thoại nhân quyền Liên Âu – Việt Nam? Nó có là quá trình lợi ích, hay chỉ là một màn khói cho Việt Nam sử dụng, giả vờ như họ quan tâm tới nhân quyền ?
UG : Chị nghe đây, tôi nghĩ rằng kênh đối thoại nên mở rộng. Như trường hợp Đức Dalai Lama đối thoại với Trung quốc. Dù Trung quốc chẳng phục vụ gì cho Tây Tạng, Ngài vẫn tiếp tục nói chuyện. Theo tôi, chẳng lợi ích gì khi chấm dứt thương thảo. Nó giống như cuộc sống một cặp vợ chồng, dù có thế nào tôi nghĩ rằng cùng nhau trao đổi vẫn hơn.


YL : Xin cám ơn ông Umberto Gambini.

Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á Châu Tự do tại Quốc Hội Châu Âu, Brussels

------------------------------------------

XEM THÊM

06/03/2019 

EU đã chỉ ra sự gia tăng các vụ bắt giữ và kết án cũng như những hạn chế trong quyền tự do đi lại của những nhà bảo vệ nhân quyền kể từ năm 2016. Cùng với việc đề cập tới một số trường hợp cá nhân cụ thể, EU cũng đưa ra tuyên bố về kỳ vọng rằng tất cả các quyền của những người bị giam giữ cần được tôn trọng phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và các điều khoản về nhân quyền quốc tế, đồng thời nhắc lại rằng tất cả những cá nhân bị bắt giam vì đã thực hiện quyền tự do biểu đạt của mình một cách ôn hòa trên mạng hay không qua mạng cần phải được trả tự do.


Đầu tuần này, Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã tổ chức cuộc Đối thoại Nhân quyền thường niên lần thứ 8.

Đối thoại lần này cho phép sự thảo luận cởi mở về một phạm vị rộng các vấn đề nhân quyền có liên quan tới quyền tự do biểu đạt (trực tuyến và ngoại tuyến), an ninh mạng, án tử hình, quyền lao động, môi trường và hợp tác trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc bên cạnh các vấn đề khác. Trước cuộc đối thoại đã diễn ra các cuộc tham vấn với xã hội dân sự tại châu Âu và Việt Nam.

Bên cạnh việc công nhận một cách đẩy đủ những tiến bộ của Việt Nam trong các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa, bao gồm cả vấn đề giảm nghèo và tiếp cận với các dịch vụ y tế và giáo dục, EU nhấn mạnh vào sự cần thiết đạt được tiến bộ quan trọng trong các quyền về chính trị và dân sự.

EU đã chỉ ra sự gia tăng các vụ bắt giữ và kết án cũng như những hạn chế trong quyền tự do đi lại của những nhà bảo vệ nhân quyền kể từ năm 2016. Cùng với việc đề cập tới một số trường hợp cá nhân cụ thể, EU cũng đưa ra tuyên bố về kỳ vọng rằng tất cả các quyền của những người bị giam giữ cần được tôn trọng phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và các điều khoản về nhân quyền quốc tế, đồng thời nhắc lại rằng tất cả những cá nhân bị bắt giam vì đã thực hiện quyền tự do biểu đạt của mình một cách ôn hòa trên mạng hay không qua mạng cần phải được trả tự do.

Sự thúc đẩy nhân quyền tại các diễn đàn quốc tế và sự cần thiết thực hiện một cách có hiệu quả những khuyến nghị của các cơ quan nhân quyền quốc tế cũng đã được nêu lên. Phía EU thể hiện sự sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam nhằm thực thi những khuyến nghị được nêu trong Báo cáo Định kỳ Phổ quát (UPR), đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm tối ưu trong các quá trình rà soát pháp luật. Ngoài ra, EU còn khuyến khích Việt Nam đưa ra lời mời thường trực dành cho các Thủ tục Đặc biệt của LHQ.

Liên minh châu Âu nhắc lại vai trò rất quan trọng của các tổ chức xã hội dân sự trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người cũng như trong việc tăng cường sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Sau cuộc Đối thoại Nhân quyền, chuyến tham quan Nghị viên châu Âu kéo dài một ngày đã được tổ chức.

Đoàn đại biểu EU do Ông David Daly, Trưởng ban Đông Nam Á thuộc Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) dẫn đầu cùng Bà Luisa Ragher, Trưởng ban Nhân quyền thuộc EEAS. Phái đoàn Việt Nam do Ông Đỗ Hùng Việt, Quyền Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng với các vị đại diện đến từ các cơ quan, bộ ngành khác nhau.

Vòng Đối thoại Nhân quyền EU-Vietnam lần thứ 9 dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội.


PHỤ LỤC: Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền LHQ là gì?

Thủ tục đặc biệt nhằm thực hiện việc điều tra những tình huống vi phạm quyền diễn ra ở một quốc gia hoặc trong một khu vực cụ thể, thông qua các Nhóm công tác (working group) hoặc các Báo cáo viên đặc biệt (special rapporteur), hay Chuyên gia độc lập (independent expert).

Trong một số trường hợp, Tổng Thư ký LHQ cũng có thể chỉ định các Đại diện đặc biệt (special representative) để thực hiện nhiệm vụ này. Thủ tục đặc biệt được thực hiện theo hai hình thức:

a) điều tra những vấn đề nghiêm trọng về nhân quyền mà không hạn chế về lãnh thổ, gọi là điều tra theo chủ đề – thematic procedures. Chẳng hạn như Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn, Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo, Nhóm công tác về các vụ bắt giữ tuỳ tiện…;
b) điều tra những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng xảy ra ở một quốc gia, gọi là điều tra theo quốc gia – country-based procedures. Chẳng hạn như Báo cáo viên đặc biệt về Campuchia, Báo cáo viên đặc biệt về CHDCND Triều Tiên…

Các Báo cáo viên này hoặc Nhóm công tác có thẩm quyền:

1) thực hiện các chuyến thăm quốc gia (khi được quốc gia mời);
2) nhận các khiếu nại từ các cá nhân cho rằng mình là nạn nhân của sự vi phạm các quyền con người;
3) hỗ trợ kỹ thuật, thực hiện các nghiên cứu chuyên đề;
4) báo cáo hàng năm đến Hội đồng Nhân quyền LHQ và Đại hội đồng LHQ.

*
LIÊN QUAN





No comments: