Thụy My – RFI
Đăng ngày 13-03-2019
Theo Financial
Times, thế giới lưỡng cực đã quay lại với sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung
Quốc ; và công nghệ chứ không phải sức mạnh quân sự đang là cốt lõi của tình trạng
chia rẽ này trên toàn cầu.
Dự án khổng lồ "Một vành đai, Một con đường"
của Trung Quốc được giới thiệu tại Diễn đàn Tài chính Châu Á ở Hồng Kông ngày 08/01/2016.
REUTERS/Bobby Yip/File Photo
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, thế giới chia làm
hai khối « Phương Đông » và « Phương Tây », được định nghĩa là các quốc gia đứng
về phía Matxcơva hay Washington.
Ngày nay, gần 30 năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ,
căng thẳng tăng cao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tái tạo một ranh giới cho sự
chia rẽ về địa chính trị. Các nước ngày càng được đòi hỏi phải tỏ rõ thái độ,
hoặc đứng về phía Washington, hoặc ủng hộ Bắc Kinh.
Từ việc Ý tham gia « Một vành đai, Một con đường »…
Ví dụ mới nhất là thông tin trong tuần qua, rằng Ý sắp
sửa trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 ký bản ghi nhớ về việc tham gia dự
án cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc, được biết với tên gọi « Sáng
kiến Một vành đai, Một con đường » (BRI) hay « Nhất đới, nhất
lộ », « Con đường tơ lụa mới ».
Trong nhiều tiếng đồng hồ, một phát ngôn viên Nhà Trắng
chỉ trích dự án này là « do Trung Quốc tạo nên vì Trung Quốc », cho
rằng sẽ không mang lại lợi lộc gì cho nước Ý. Ngoại trưởng Trung Quốc phản bác,
nhắc nhở người Mỹ rằng Ý là một quốc gia độc lập. Chủ tịch Tập Cận Bình chuẩn bị
thăm nước Ý vào cuối tháng này để ký kết thỏa thuận.
Cuộc đấu khẩu dữ dội về việc Ý tham gia BRI chứng tỏ
sự cạnh tranh Mỹ-Trung nay mang tính toàn cầu. Sức hút kinh tế và chính trị của
Trung Quốc đã vượt ra ngoài « sân sau » là châu Á, vươn vòi đến tận châu Mỹ
la-tinh và Tây Âu, những khu vực mà xưa nay vẫn được coi là nằm trong vòng ảnh
hưởng của Hoa Kỳ.
Trận song đấu Mỹ-Trung càng ngày càng công nhiên.
Quyết định khởi động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc của chính quyền
Donald Trump đã kết thúc kỷ nguyên trong đó cả hai bên có thể nhấn mạnh rằng
thương mại và đầu tư là lãnh vực trung lập, cần được tách rời khỏi cạnh tranh
chiến lược.
…Đến sự bành trướng của Trung Quốc về hải cảng, viễn
thông
Cùng lúc đó, tham vọng lớn lao của dự án « Một
vành đai, một con đường » càng gây thêm lo ngại cho Washington, rằng
Trung Quốc đã bước vào một giai đoạn mới với mục tiêu tiến lên hàng siêu cường.
Nếu « Một vành đai, một con đường » thành công, thì toàn bộ
hai lục địa Á-Âu sẽ trở nên gần gũi hơn với Bắc Kinh, có thể làm phương hại đến
mối quan hệ thiết yếu lâu nay giữa hai bên bờ Đại Tây Dương.
Tại Washington, các dự án đầu tư lớn của Trung Quốc
nay đều được xem xét kỹ lưỡng về tầm ảnh hưởng chiến lược. Việc các công ty
Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào các hải cảng trên thế giới được nhìn qua lăng kính một
địch thủ của Mỹ đang trỗi dậy trên biển. Và sự bành trướng quốc tế của tập đoàn
viễn thông Trung Quốc Hoa Vi (Huawei) đã trở thành một phần của cuộc đấu tranh
rộng lớn hơn để giành thế thượng phong trong công nghệ và hoạt động gián điệp.
Các quan chức Mỹ trong những tháng gần đây không ngớt
thúc giục những đồng minh của mình không nên cho phép Hoa Vi thiết lập mạng lưới
5G, khẳng định rằng đó là mối nguy hiểm không thể chấp nhận được về mặt an
ninh.
Nhiều nước đồng minh của Hoa Kỳ, trong đó có Nhật Bản
và Úc, đã đứng hẳn về phía Mỹ trong vụ Hoa Vi. Nhưng một số nước khác như Anh
thì vẫn đang cân nhắc. Nếu Luân Đôn cho phép Hoa Vi hoạt động tại thị trường của
mình, sẽ gánh lấy rủi ro về an ninh, có thể tác hại đến thỏa thuận quý báu về
trao đổi tin tức tình báo với Mỹ. Nhưng nếu cấm cản Hoa Vi, hy vọng của Anh về
tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư với Trung Quốc sau khi ra khỏi Liên
Hiệp Châu Âu, sẽ trở nên rất mong manh.
Trong thế kẹt giữa cuộc đối đầu Mỹ-Trung
Thật không dễ chịu chút nào khi ở trong thế mắc kẹt
giữa Washington và Bắc Kinh. Sau khi Canada tuân theo đòi hỏi bắt giữ và dẫn độ
bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính của Hoa Vi, phản ứng của
Trung Quốc hết sức dữ dội. Chỉ vài ngày sau, ba công dân Canada bị Bắc Kinh bắt
giam, và nay các nhà quản trị Canada rất ngại sang Trung Quốc.
Tương tự, khi Seoul chấp nhận yêu cầu của Hoa Kỳ về
việc triển khai hệ thống chống tên lửa THAAD, đã bị trả đũa bằng việc khách du
lịch Trung Quốc không còn đến Hàn Quốc, và các cửa hàng thuộc hệ thống Lotte của
Hàn Quốc tại Hoa lục đành phải đóng cửa sau khi kiểm tra « không đạt tiêu chuẩn
an toàn ».
Việc Trung Quốc sẵn sàng gây áp lực trực tiếp lên
các đồng minh có ký hiệp ước với Hoa Kỳ chứng tỏ Bắc Kinh ngày càng tự tin hơn.
Điều này phản ánh một sự cách biệt về năng lực kinh tế. Khi các nước nằm dọc
theo « Một vành đai, Một con đường » đang cân nhắc xem có nên
chấp nhận các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc hay không, thì phía Mỹ hầu như
không đưa ra đề nghị nào để thay thế. Cũng không có một công ty Mỹ nào giới thiệu
giải pháp cạnh tranh với công nghệ 5G của Hoa Vi.
Trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc,
thế mạnh của Hoa Kỳ thường về an ninh hơn là thương mại. Nhiều nước trong đó có
Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc nay buôn bán với Trung Quốc nhiều hơn là với Hoa Kỳ
; tuy nhiên những nước này vẫn trông cậy vào sự bảo vệ về quân sự của Mỹ.
Ưu thế an ninh, thương mại và thế giới lưỡng cực mới
Hoa Kỳ có thể tự làm hại đến ưu thế về an ninh nếu tổng
thống Donald Trump cứ luôn đòi các đồng minh phải chia sẻ gánh nặng chi phí
quân sự. Nhưng hiện nay Trung Quốc chưa có đề nghị bảo đảm an ninh nào cho các
đối tác. Kết quả là một thế giới lưỡng cực khó thể được hình thành trên cơ sở
các liên minh quân sự đối địch như trong thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây,
khi khối Hiệp ước Vacxava đối đầu với khối NATO.
Thay vào đó, công nghệ có thể trở thành cơ sở cho một
sự chia rẽ mới của toàn cầu. Đã từ lâu, Trung Quốc cấm cửa Google và Facebook,
còn nay thì Hoa Kỳ đang vất vả trong việc ngăn chận Hoa Vi. Với mối quan ngại
ngày càng tăng về việc kiểm soát và truyền dữ liệu qua biên giới, áp lực sẽ
tăng lên đối với các nước. Họ phải chọn lựa giữa môi trường công nghệ Mỹ và
Trung Quốc, và có thể nhận ra rằng cả hai đang ngày càng tách biệt.
Tuy nhiên theo Financial Times, một sự
chia rẽ được khởi đầu bằng công nghệ, sẽ không dừng lại ở đây. Ngày nay dữ liệu
và thông tin là cơ sở cho hầu hết các dạng thức kinh doanh và hoạt động quân sự.
Thế giới lưỡng cực Hoa Kỳ-Liên Xô của chiến tranh lạnh
trước đây đã bị thay thế bằng kỷ nguyên toàn cầu hóa. Và nay bản thân quá trình
toàn cầu hóa đang bị đe dọa bởi sự tái xuất hiện của một thế giới lưỡng cực mới
: Hoa Kỳ-Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment