08/03/2019
Mùa đông, tất nhiên, năm nào cũng đến nơi này. Nhưng
mùa đông đang đến nơi đây năm này trùng hợp với bộ cuối của cuốn phim tập Trò
chơi Vương quyền (Game of Thrones), được biết
sẽ trình chiếu khắp nơi vào ngày 14 tháng Tư sắp tới. Gần hai năm chờ đợi cho bộ
cuối này, khán giả hâm mộ bộ phim tập này khắp thế giới không dấu được sự nóng
lòng và háo hức để biết từng nhân vật sẽ kết thúc ra sao và ai sẽ lên nắm vương
quyền sau cùng.
Game of Thrones.
“Mùa đông đang đến” có một số ý
nghĩa trong bộ phim tập này. Một, sự cảnh cáo và cảnh giác liên
tục để chuẩn bị hầu đối phó với những hiểm nguy và thách thức đang đến. Hai,
mùa đông cũng hàm ý rằng những ai đã quen và chuẩn bị tốt nhất sẽ có ưu thế đối
phó với nó, mà không ai bằng gia đình họ Stark, hiện thân của mùa đông. Ba, mùa
đông đang đến là sự cảnh báo đối với một kẻ thù có nguy cơ hủy diệt tất cả, the
White Walkers, trong khi thế gian còn lại lắm nghi ngờ và chia rẽ nhau.
Bộ phim tập Game of Thrones tuy hư cấu nhưng có sức
thu hút mãnh liệt với mọi giới. Ngay cả cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cũng
bị lôi cuốn. Sau khi bốn tập của mùa năm (season five) bị cắp và đưa lên mạng để
rồi sau đó hàng triệu người tải xuống xem miễn phí, cơ quan sản xuất bộ phim tập
này HBO đã quyết định từ đó trở đi không làm như thế nữa. Ngoại
lệ duy nhất có lẽ là yêu cầu được xem trước của Barack Obama
vào lúc đó. Obama là người vốn được biết đến với các đức tính điềm tĩnh, nhẫn nại,
và cân nhắc. Có khi quá cân nhắc. Cũng vì mê bộ phim tập này, vào mùa sáu của bộ
phim, Obama cũng nóng lòng như mọi người khác, yêu cầu có thể xem trước hay
không. Các đạo diễn của bộ phim tập này hãnh diện và thích thú khi được biết
Obama cũng mê bộ phim tập này, và hỏi rằng nếu tổng tư lệnh Hoa Kỳ yêu cầu được
xem các tập phim này trước thì quý vị sẽ làm gì? Cho đến cuối năm 2016 lúc còn
tại chức, Obama có lẽ là người duy nhất được HBO cho phép xem trước mùa
sáu trước khi trình chiếu cho công chúng khắp nơi.
Tại sao bộ phim tập này có sức thu hút hàng triệu
người trên khắp thế giới, bất kể văn hóa ngôn ngữ hay địa vị xã hội? Mỗi người
sẽ có câu trả lời riêng cho mình. Riêng tôi, bộ phim này nói lên được rất nhiều
về tác động của bản chất và môi trường nuôi dưỡng của con người, trong đó sự
tranh đấu liên tục giữa đẹp xấu, thiện ác, chính tà, cũng như sự cám dỗ của quyền
lực, tinh thần cải thiện trong mỗi chúng ta, và sự phức tạp về tâm lý con người,
đều được diễn tả lôi cuốn và sắc sảo. Obama thì thích nhân vật Tyrion
Lannister, người lùn nhưng là chiến lược gia với tài nghệ cao thâm.
Tôi cũng thích Tyrion Lannister, nhưng Jon Snow là hiện thân của sự chính trực,
toàn vẹn (integrity) và can trường, mặc dầu có lúc có lỗi lầm chiến lược.
Tại sao tôi lại đi nói về bộ phim này lúc này?
Bởi vì bộ phim này tuy hư cấu nhưng nó đặt câu hỏi
cho mỗi chúng ta: đứng trước mối nguy chung của dân tộc/quốc gia hay nhân loại
trước cái ác, để đối phó với sự tồn vong, chúng ta chọn thái độ nào? Tiếp tục
tranh chấp, tranh giành quyền lực với nhau hay bỏ qua dị biệt để thống nhất
cùng một khối hầu có thể đối phó với kẻ thù chung?
Sự trổi dậy của Trung Quốc thách thức quyền lực của
Hoa Kỳ hiện nay, tuy là điều bình thường trong lịch sử nhân loại, nhưng sẽ đưa
đến tàn khốc nếu không khéo quản lý và giải quyết. Graham Allison nghiên
cứu lịch sử 500 năm qua và kết luận rằng trong 16 trường hợp
tương tự như thế thì có đến 12 trường hợp dẫn đến chiến tranh.
Vậy liệu chiến tranh có xảy ra giữa Trung Quốc và
Hoa Kỳ không? Và hệ quả ra sao? Nếu Trung Quốc thắng, hay hòa, thì nó có ý
nghĩa gì đối với các nước trong vùng, và toàn bộ nhân loại?
Tất cả những giả thuyết, hay nhận định, dù khoa học
và khách quan nhất, cũng chỉ mang tính cách suy đoán, bởi không ai có thể nắm bắt
được tương lai một cách chắc chắn. Nhất là khi kết quả của cuộc tranh đua hiện
nay mất hai ba thập niên nữa mới rõ ràng hơn. Nhưng dựa trên các sự kiện lịch sử
cũng như các chính sách đối nội lẫn đối ngoại của nhà nước Trung Quốc, những
người lạc quan lắm cũng phải dè dặt. Và thận trọng. Từ sự đàn áp đẫm máu đối với
sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn ba thập niên trước, cho đến chủ trương
tập trung cải tạo hàng triệu người Uighur và gốc Thổ tại Tân Cương, và cuộc chạy
đua trí tuệ nhân tạo AI để gia tăng khả năng nhận diện và kiểm soát mọi hành động
của người dân trong lãnh thổ Trung Quốc, và phần nào đó, ngoài lãnh thổ của họ,
nhất là đối với Hoa kiều trên khắp thế giới, làm cho chúng ta tự hỏi động cơ
đích thực của Bắc Kinh là gì? Và đâu là điểm dừng của họ? Nếu bấp chấp mọi
phương tiện để đạt cho được mục tiêu, sẳn sàng sử dụng mọi biện pháp trí trá nhất
để lường gạt đối phương, kể cả sử dụng vũ khí sinh lý học hay hóa học, như đã từng
xảy ra dưới thời Đức Quốc Xã của Hitler, để tất cả phải quy phục mình (điều đã
diễn ra trong lịch sử gần ba ngàn năm qua của Trung Quốc), thì quả thật rất
đáng quan ngại cho quyền và tự do, quyền tự quyết, chủ quyền quốc gia và nói
chung lối sống và văn hóa của nhân loại.
Cách đối phó tốt nhất với mọi hiểm họa, của người Việt
Nam hay mọi dân tộc khác, là phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể có.
Trong chuyến viếng thăm Sydney, Úc châu đầu tháng
này, Niall Ferguson đã cảnh báo người Úc rằng thật là ngu
dại nếu người Úc chọn Trung Quốc trên Hoa Kỳ. Với những tác phẩm
giá trị và trọng lượng, gây nhiều tiếng vang tại Hoa Kỳ và thế giới, giới tinh
hoa, kinh doanh và chính trị Úc chắc chắn sẽ lắng nghe và cân nhắc lời cảnh báo
này Ferguson, mặc dầu người Úc cũng thừa cẩn trọng đối với các quan điểm thiên
Trump của Ferguson. Như đã trình
bày, tuy vẫn còn một số người, kể cả trí thức, không xem Trung Quốc
là mối đe dọa mà là cơ hội để hai bên cùng có lợi, đại đa số giới tinh hoa Úc
cho đến nay không chỉ nhìn Trung Quốc qua lăng kính màu hồng. Qua bao nhiêu dữ
liệu tình báo và bằng chứng rành rành trong những năm qua, họ đều rất cẩn trọng
và đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, kể cả một chính sách đối ngoại, quốc phòng,
liên minh với Hoa Kỳ để chuẩn
bị và giúp đỡ các nước trong vùng Thái Bình Dương “thoát
Trung”, cũng như suy tính lại chiến lược và vai trò của Bộ
Tứ (QUAD, gồm Nhật, Ấn Độ, Hoa Kỳ và Úc) v.v…
Ngoài ra, Úc đã hợp tác chặt chẽ với bốn quốc gia
cùng văn hóa và ngôn ngữ là Anh, Canada, Hoa Kỳ, Tân Tân Lan, còn gọi là Năm Mắt
(Five
Eyes) để thâu thập và chia sẻ thông tin tình báo từ nhiều thập niên
qua. Trước đây khi các phái đoàn Năm Mắt gặp mặt nhau, nó thường mang tính cách
kín đáo. Nhưng gần đây, hình như với dụng ý ‘hãy coi chừng đấy’ đối với Trung
Quốc, các cuộc gặp mặt ở tầng cao
cấp như chiến lược hoặc thấp hơn như chiến thuật cũng không còn
dấu kín nữa. Thái độ có vẻ thách thức này đã làm cho Trung Quốc tức điêng.
Ngoài ra, cũng đang có ý kiến đề nghị rằng thay vì tiếp tục Năm Mắt thì nên gia
tăng thành Bảy
Mắt, trong đó có Nhật và Đức nữa. Nghĩa là cựu thù của Thế Chiến Hai
giờ đây trở thành đồng minh đắc lực để theo dõi, kiểm soát và ngăn chặn mọi
hành động trổi dậy bất chính của Trung Quốc. Nếu thành Bảy Mắt thật thì chắc chắn
sẽ làm cho Trung Quốc điêng đảo hơn nữa, cảm thấy như bị bao vây tứ phía.
Trung Quốc càng nổi điên hơn nữa khi Úc quyết định cấm
hoạt động và ký hợp đồng với tập đoàn Huawei, và còn vận động Anh quốc và các
nước Âu châu cũng làm như thế. Cựu Thủ tướng Úc Malcolm
Turnbull xác định trước cử tọa gồm các chính trị gia gạo cội của
Anh rằng chính ông đã quyết định cấm Huawei hoạt động tại Úc vì lý do an ninh,
dựa trên thông tin tình báo của Úc chứ không phải vì áp lực nào từ Hoa Kỳ.
Turnbull nhấn mạnh rằng mối đe dọa là sự kết hợp giữa khả năng và ý đồ
(capability and intent). Khả năng mất nhiều thời gian để gầy dựng, nhưng ý đồ
thì có thể thay đổi nhanh trong một nhịp tim đập. Hàm ý của Turnbull là rằng nếu
cứ để Trung Quốc tiếp tục xây dựng kỹ nghệ 5G, xây dựng tiềm năng của họ trên
khắp thế giới, cài đặt các thiết bị ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, và cho dầu
họ không có ý định xấu nào hiện nay đi nữa, nhưng khi đã xây dựng được khả năng
rồi và nếu muốn thay đổi ý định, điều xảy ra trong tích tắc, nó là mối đe dọa đến
nền an ninh và chủ quyền quốc gia. Chỉ có những người ngây thơ, nhẹ dạ hay vì
quyền lợi cá nhân và bè phái mới tin rằng Trung Quốc không phải đe dọa vì
không, hoặc chưa có, ý định bá quyền.
Peter
Costello, cựu Tổng trưởng Tài chánh/Ngân khố, cho rằng nếu
phải chọn giữa thịnh vượng kinh tế với an ninh quốc phòng thì tuy là một chọn lựa
khó khăn, an ninh luôn là ưu tiên đối với Úc. Nếu an ninh là ưu tiên, và nếu bắt
phải chọn, giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, hiển nhiên nước Úc biết rõ phải chọn ai rồi.
Ferguson nhấn mạnh rằng thông điệp ông muốn để lại
trong chuyến viếng thăm Úc lần này là “mùa đông đang đến”. Trung Quốc là “the
White Walkers”, hay là triều đại gia đình (Ceisei) Lannister?!?!?! Khi sử dụng
thành ngữ này Ferguson hiển nhiên có hàm ý. Tình hình thế giới có bi quan đến
thế không trong khi một sử gia tiếng tăm như Ferguson lại ví von với bộ phim tập
này, và đi so sánh các đặc
tính cạnh tranh và đối đầu hiện nay giống thời Chiến tranh Lạnh?
Dù gì đi nữa, phòng bệnh hơn chữa bệnh là châm ngôn
chiến lược cần thiết trong lúc này. Đó là phương châm hành động của Úc, một nước
mà có khoảng cách với Trung Quốc gần 7,5 ngàn cây số đường chim bay. Ngay cả một
quốc gia mà đa số người dân có gốc Hoa như Singapore cũng nhìn thấy mối đe dọa
mà Trung Quốc biểu hiện. Vì thế nên Singapore đang nghiên
cứu học hỏi phương pháp và luật pháp đối phó với sự can thiệp của
nước ngoài mà Úc đã thực hiện thành công trong thời gian qua. Tóm lại, nếu có
chút lý trí thì sẽ nhận ra được rằng thà chuẩn bị tối đa cho tình huống xấu nhất
có thể có còn hơn là lạc quan tếu hay hy vọng hão huyền. Nhất là các quốc gia
đang nằm gần địa chính trị dầu sôi lửa bỏng này, đặc biệt là Việt Nam.
Nhưng, thay vì làm luật để ngăn chặn sự can thiệp nước
ngoài, bảo vệ tối đa an ninh, chủ quyền và quyền lợi thiết thực của dân tộc,
nhà nước Việt Nam lại thông qua luật An ninh Mạng năm ngoái để chủ yếu trấn áp
các tiếng nói đối lập; và có ý định, dù bất thành, để thông qua luật Đặc Khu
giúp Trung Quốc có thêm biện pháp và phương tiện để trục lợi và gây nguy hại đến
chủ quyền quốc gia Việt Nam. Thật là đáng tiếc và đáng quan ngại!
(Úc Châu, 08/03/2019)
No comments:
Post a Comment