20/03/2019
Source: SBS Radio (Vietnamese Program)
Không, “Mối tình Kim Trọng” không phải viết về
chàng thư sinh “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” [1] trong truyện Kiều, dù đôi lúc người
viết có mượn ý của cụ Tiên Điền để nói về… chuyện khác.
Ngoài giá trị triết lý và
vẻ đẹp ngôn ngữ, kiệt tác Đoạn Trường Tân Thanh của thi hào Nguyễn Du còn có
nét đặc biệt hiếm thấy trong bất cứ tác phẩm văn chương nào khác. Trong truyện
Kiều người ta có thể trích dẫn những câu thích hợp để mô tả bất cứ tình huống
hoặc tâm sự nhân vật nào ở bất cứ hoàn cảnh hoặc thời đại nào. Chả thế mà nhiều
câu, nhiều đoạn trong truyện thơ dài 3254 câu này được “lẩy” từ bàn nhậu cho đến
chính trường.
Nhớ hồi đó, ông Hồ (chí
Minh) đã từng “lẩy Kiều” khi đón các đồng chí Phi "râu xồm" (Fidel
Castro) và Kim “ông nội” (Kim Il Sung – Kim Nhật Thành). Ông Trọng (Nguyễn Phú
Trọng) bây giờ cũng từng “cóp Kiều” trong bài diễn văn nhậm chức Chủ tịch Quốc
hội [2].
Rồi các Tổng thống và Phó
Tổng thống Mỹ như: Biu (Bill Clinton), Zô (Joe Biden), Ba (Barack Obama) cũng
được các quân sư “gà bài” bằng những câu Kiều đầy ẩn ý khi đến Việt Nam [3].
Nhưng chuyện tình Kim -
Trọng trong bài này là hai người cùng giới, hơi so le về tuổi tác và kích cỡ,
nhưng cùng có 5 phút nổi tiếng trên sân khấu chính trị thế giới sau Hội nghị
thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội hồi cuối tháng 2/2019 vừa qua.
Nguyên người quanh quất đâu xa
Họ Kim, tên Trọng vốn nhà trâm anh
Vâng, một người họ Kim
(40 tuổi, cao 1.75m, nặng 130k) và một người tên Trọng (75 tuổi, cao 1.62m, nặng
72k). Họ là những người nắm giữ quyền lực tột đỉnh ở nơi "chẳng quanh quất
đâu xa" - một ở Đông Bắc Á, một ở Đông Nam Á - và cả hai cùng thuộc…
nhà nòi cộng sản.
Nguyên người quanh
quất đâu xa
Họ Kim, tên Trọng vốn
nhà... tam vô. (Photo: vnexpress)
Nguyên người quanh quất
đâu xa Họ Kim, tên Trọng… chính ta nhà nòi.
Tuy cuộc Hội nghị Mỹ -
Triều được cả mạng lưới thông tin toàn cầu chú ý đã trôi qua vài tuần nay nhưng
dư âm của nó vẫn còn râm ran trên các phố-rùm (forum) về những chuyện bên lề của
cuộc tình Kim – Trọng, cũng lâm ly không kém truyện Kiều.
Người ơi gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
Mai mối cho cuộc tình môn
đăng hộ đối này là hai đàng… thứ dữ: Bình ngọc (Chủ tịch TQ Tập Cận Bình), Trâm
vàng (Tổng thống Mỹ Donald Trump). Ở đời, mấy ai có phúc được cả hai ông mai
quyền lực bao trùm thế giới tác hợp như vậy. Dĩ nhiên, mấy ông trùm đại cường
quốc không quởn cất công làm chuyện chùa trong việc se tơ này. Họ có lý do
riêng.
Nhưng, chữ “nhưng” oái
oăm luôn cản mũi kỳ đà!
Hội nghị thất bại, Trâm bỏ
về sớm, hủy luôn bữa ăn trưa do chủ nhà khoản đãi và không cả một cú bắt tay
good-bye với Kim. Và Bình, dù không ra mặt ở Hà Nội, cũng ngồi ở Bắc Kinh gãi đầu
tính kế khác. Cái kho vũ khí nguyên tử ở Bắc Hàn chẳng lẽ không dọa được ai?
Đòn cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Bắc Hàn sẽ có tác dụng đến đâu? Còn cuộc
thương chiến giữa Washington và Bắc Kinh nữa? Ôi, ngàn chuyện phải
tính, sá gì mối tình cỏn con của hai tiểu vương đỏ của hai nước đàn em đói
nghèo mạt hạng [4].
Còn lại “bác” Trọng và
“chú” Kim tự… tìm đường cứu nước.
Dù chủ nhà cố gắng vớt
vát hậu sự sau sự sụp đổ của Hội nghị bằng những yến tiệc linh đình, thăm viếng
trọng thể, đàn hát xênh xang, tiễn đưa thắm thiết… nhưng Kim vẫn không giấu được
nỗi buồn của sự thất bại khi “chàng” quyết định về nước sớm hơn thời gian dự định,
vì:
Vui là vui gượng kẻo mà
Ai tri âm đó mặn mà với ai
Khúc đâu Hán
– Mỹ chiến trường / Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau [5]
Hình chụp hôm 1/3/2019 ở Hà Nội: Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un (ngồi) chơi đàn bầu
và Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng (đứng) vỗ tay. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN).
Khúc đâu Hán – Mỹ chiến
trường Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau Hình chụp hôm 1/3/2019 ở Hà Nội:
Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un (thứ ba bên phải) chơi đàn bầu, Chủ tịch Nguyễn
Phú Trọng (giữa) vỗ tay.
Kim đến Hà Nội với mong
muốn thoát khỏi chiếc vòng kim cô kinh tế của Mỹ nhưng chẳng ngờ bị Trâm lật ngữa
lá bài gian lận trong cuộc thương thuyết vì giấu diếm các địa điểm chế tạo vũ
khí hạt nhân. Thật oan cho Kim! “Chàng” có muốn thế đâu. Chẳng qua “ông mai”
Bình ở Bắc Kinh bảo vậy mà. Chú mày chỉ có bom hạt nhân để “hù” thiên hạ, lộ ra
hết thì còn ai sợ nữa!
Bác Trọng cũng lòng dạ rối
bời vì hụt mất cơ hội ngàn năm một thưở để đánh bóng Việt Nam là “Trung tâm hòa
giải xung đột quốc tế” như các cơ quan truyền thông lề đảng… nổ thấu trời. Cơ hội
đó, có lẽ trong thời gian còn lại của đời người, hẳn Trọng sẽ không còn dịp
khác.
Bây giờ rõ mặt đôi ta
Biết đâu lần nữa chẳng là chiêm bao
Trong khi Trâm đáp chiếc
Air Force One về nước chở khẳm hàng chục tỷ đô-la tiền bán máy bay dân sự và
khí tài quân sự Mỹ cho Việt Nam, Kim lại không mang được chút cháo gì trên đoàn
tàu sắt được hộ vệ tận răng về Bình Nhưỡng sau cả chục ngày xa nhà. Chú Kim cứng
đầu có thể đổ quạu mà không thèm “học tập mô thức phát triển của Việt Nam” theo
lời khuyên của “ông mai” Trâm.
Bác Trọng có lẽ hơi lo xa
vì có chiêm bao thì chú Kim cũng không mơ chuyện ấy đâu. Trâm chỉ nói khơi khơi
vậy để làm vui lòng chủ nhà thôi, chứ cả thế giới này thiếu gì nơi khác để học,
cớ chi lại chui đầu vào một nước không sản xuất nổi chiếc đinh ốc ra hồn!
Nhưng Trọng còn mối lo
khác, ngay sát cạnh sườn. Rủi Kim giận quá hóa cuồng mà quay sang “thằng anh”
Mun (Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-In) của nó thì nguy. Nếu Kim yêu cầu Mun dời
hai nhà máy Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên đến Bắc Hàn như là một điều kiện
để “bắt tay thống nhất” thì kinh tế Việt Nam lâm nguy lập tức [6]. Dù gì, tình
“máu loãng còn hơn nước lã” giữa hai miền Nam – Bắc Hàn chắc chắn có
sức nặng hơn tình “vừa là đồng chí vừa là… đồng mưu” với Việt Nam.
Vả lại, làm sao Kim dám
tin Trọng khi Việt Nam ký kết thỏa ước tăng cường quan hệ quốc phòng
với Hoa Kỳ để chống lại “quốc gia bảo hộ” cho mình (còn ai vào đây?) [7]. Rồi
còn chiếc ngai vàng cha truyền con nối ba đời của dòng họ Kim nữa? Liệu Trung
Quốc có bỏ Việt Nam để giữ Triều Tiên hay sẽ hy sinh Triều Tiên để mua đứt Việt
Nam nhằm chống lại đối thủ số một của mình là Hoa Kỳ. Kim không điếc đến mức
không nghe Trọng đang rù rì “ngoại tình” với Trâm. Bắc Kinh cũng chẳng mù đến mức
không thấy Hà Nội đang trải thảm đỏ đến tận Washington.
Nghĩ mình phương diện
quốc gia / Quan trên trông xuống người ta trông vào… Đường đường là Chủ tịch
nước mà bác Trọng ra tận lề đường để đón chú Kim, người chẳng thèm bước ra khỏi
xe mà chỉ hạ kiếng xuống và đưa tay ra bắt. (Photo: AFP)
Mối tình Kim – Trọng chắc
sẽ tiếp diễn, dù không còn mặn nồng như trước khi Kim đặt chân đến ga quốc tế Đồng
Đăng và Trọng lánh mặt sang Campuchia. Có lẽ mọi việc sẽ còn tùy thuộc vào của
hồi môn (Việt Nam qua mặt lệnh cấm vận của Mỹ, bán lén dầu khí cho Bắc Hàn) và
món ăn đặc sản trong tiệc cưới Việt – Triều (chứ không gồm mấy món trứng Cút,
xôi Xéo, bún Mắng, cháo Chửi và bánh Trôi Nước như bọn phản động đồn nhảm).
Nhưng thời gian không đứng
về phía Trọng, trong khi Kim vẫn còn xuân xanh. Chàng Kim có thể chờ cơ hội để
liếc mắt đưa duyên với một anh Mỹ, chị Tàu khác mà không phải chung tình với Trọng
đến hương phai phấn nhạt. Chẳng qua là trong các cuộc tình chính trị, các tay
chơi đều mai phục chữ “Thời”.
Nghĩ mình phương diện quốc
gia Quan trên trông xuống người ta trông vào… Đường đường là Chủ tịch nước mà
bác Trọng ra tận lề đường để đón chú Kim, người chẳng thèm bước ra khỏi xe mà
chỉ hạ kiếng xuống và đưa tay ra bắt.
Người viết trót đã mở bài
bằng một mối tình đầy gian truân bão tố trong truyện Kiều dưới thời phong kiến
của cụ Tiên Điền Nguyễn Du. Dù sao, chàng Kim Trọng cuối cùng đã tái hồi với
nàng Thúy Kiều sau 15 năm “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”.
Nhưng mối tình của chú Kim và bác Trọng ngày nay phải chờ đến hơn 60 năm sau mới
bắt đầu, từ khi “bác của bác” là Hồ Chí Minh gặp “ông nội của chú” là Kim Nhật
Thành [8]. Ấy thế mà mấy nhà báo vỉa hè độc miệng lại phán rằng mối tình này sẽ
không kéo dài nổi vài con trăng nữa, vì làm sao họ bền duyên giai ngẫu cho
được khi mà “người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”.
Vậy, thay lời kết bài,
người viết xin lẩy một câu Kiều cho phải phép để tiễn đưa mối tình Kim – Trọng
trong thời xã hội chủ nghĩa:
Thôi rồi, Bình vỡ Trâm rơi!
Mối tình Kim – Trọng xin dời kiếp sau.
Lưu
Dân, 18 March 2019
*************
Chú thích:
[1] Những chữ in nghiêng trong
bài là nguyên văn trong truyện Kiều.
[2] Tổng bí thư đảng
CSVN Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng lẩy Kiều khi nhậm chức Chủ tịch Quốc hội
khóa XII: Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn / Khuôn xanh nào biết
vuông tròn mà hay.
[3] Khi thăm Việt Nam năm
2000, Tổng thống Bill Clinton đã đọc hai câu Kiều: Sen tàn cúc lại nở
hoa / Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân. Khi thăm Việt Nam năm
2015, Phó Tổng thống Joe Biden đã đọc: Trời còn để có hôm nay / Tan
sương đầu ngõ vén mây giữa trời. Khi thăm Việt Nam năm 2016,
Tổng thống Barack Obama cũng đọc: Rằng trăm năm cũng từ đây / Của tin
còn một chút này làm ghi.
[4] Theo Tự điển Mở
Wikipaedia, Việt Nam xếp thứ 115 trong số 153 nước được khảo sát trong Good
Country Index 2018 (Thứ hạng đất nước đáng sống 2018) về các tiêu chuẩn môi trường,
giáo dục, y tế, kinh tế và công nghiệp. Trong khi đó, Bắc Hàn không được liệt
kê trong danh sách này vì… lọt sổ.
[5] Nguyên văn trong truyện
Kiều là “Khúc đâu Hán - Sở chiến trường / Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng
chen nhau”, viết về điển tích cuộc tranh hùng giữa vua nhà Hán là Lưu Bang
và Tây Sở vương Hạng Vũ ở bên Tàu. Đây là khúc mà Kiều lần đầu đánh đàn cho Kim
Trọng nghe ở vườn Thúy. Người viết “mạn phép” đổi một chữ thành “Khúc đâu Hán –
Mỹ chiến trường” cho hợp với tình cảnh chú Kim gảy đàn bầu cho bác Trọng nghe ở
Hà Nội trong bối cảnh người Hán và người Mỹ đang gầm gừ nhau trong cuộc chiến mậu
dịch. “Tiếng sắt” (vũ khí) và “tiếng vàng” (tiền bạc) nghe ra thật là… chuẩn
không cần chỉnh.
[6] Các nhà máy Samsung ở
Việt Nam có doanh số khoảng 60 tỷ USD, đóng góp khoảng 25% GDP và 30% tổng giá
trị xuất cảng của VN, nộp ngân sách nhà nước 240 triệu USD, tạo ra khoảng
180,000 việc làm cho lực lượng lao động địa phương. Kim Jong Un tin sẽ thuyết
phục được Nam Hàn dời Samsung (và các công ty Nam Hàn khác như Hyundai, LG…) về
Bắc Hàn khi điều kiện chính trị giữa hai miền thuận lợi hơn.
[7] Tại cuộc họp báo ở Hà
Nội vào chiều ngày 28/2, Tổng thống Donald Trump nói: “Có đến 93% hàng hóa
nhập từ Trung Quốc vào Triều Tiên. Trung Quốc có ảnh hưởng lớn và Trung Quốc là
một nước đã hỗ trợ nhiều cho Triều Tiên. Nga cũng vậy.”
[8] Hai ông Hồ Chí Minh
và Kim Nhật Thành gặp nhau 3 lần. Lần đầu vào tháng 7.1957 tại Bình Nhưỡng. Hai
lần sau, tháng 12.1958 và tháng 11.1964, tại Hà Nội.
No comments:
Post a Comment