Thursday, March 7, 2019

MARK ZUCKERBERG : KHÔNG ĐẶT MÁY CHỦ Ở NHỮNG NƯỚC VI PHẠM NHÂN QUYỀN, CHẤP NHẬN BỊ CHẶN (Phạm Minh Trung - Luật Khoa)




07/03/2019

“Chúng tôi không xây dựng trung tâm dữ liệu ở những quốc gia có truyền thống vi phạm nhân quyền như quyền riêng tư và quyền tự do biểu đạt”, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg tuyên bố trong một thông báo đầy bất ngờ ngày 7/3.

“Nếu chúng tôi xây dựng trung tâm dữ liệu và lưu dữ liệu nhạy cảm ở những nước này, thay vì chỉ lưu dữ liệu không nhạy cảm trong bộ nhớ đệm [nguyên văn: caching non-sensitive data], các chính phủ sẽ dễ dàng lấy dữ liệu của người dùng hơn”, ông Zuckerberg nói.

Chính sách này sẽ được áp dụng cho không chỉ mạng xã hội Facebook mà còn các dịch vụ khác của Facebook như Messenger, Instagram, bên cạnh một dịch vụ vẫn được mã hoá khắt khe lâu nay là WhatsApp.

Động thái này có thể xóa tan những ngờ vực của cộng đồng mạng Việt Nam về việc Facebook có tuân thủ Luật An ninh mạng và lưu dữ liệu người dùng ở Việt Nam hay không.

“Mọi người muốn dữ liệu của họ được lưu trữ an toàn ở những nơi họ tin tưởng. Nhìn về tương lai của Internet và vấn đề quyền riêng tư, tôi tin rằng một trong những quyết định quan trọng nhất chúng tôi đã đưa ra là việc chúng tôi sẽ xây trung tâm dữ liệu và lưu trữ dữ liệu nhạy cảm của người dùng ở đâu”, ông Zuckerberg giải thích.

Điều khiến cộng đồng mạng Việt Nam ngờ vực lâu nay là liệu Facebook có chấp nhận bị chặn ở Việt Nam hay không, bởi điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ có thể mất đi thị trường và doanh thu ở đây.

Mark Zuckerberg khẳng định “chúng tôi sẵn sàng đánh đổi” các thị trường này để “giữ vững nguyên tắc” tôn trọng quyền riêng tư của người dùng, bất kể “dịch vụ của chúng tôi sẽ bị chặn ở một số nước hoặc chúng tôi sẽ không thể tiếp cận được một số nước khác trong thời gian trước mắt”.

Tuyên bố này đồng nghĩa với việc Facebook có thể có máy chủ đóng vai trò là bộ nhớ đệm ở Việt Nam để lưu dữ liệu không nhạy cảm của người dùng. Đây là kỹ thuật nhằm tăng tốc độ xử lý dữ liệu của Facebook.

Theo VTC, vào thời điểm tháng 12/2017, Facebook đã có khoảng 300 máy chủ đặt tại Việt Nam để “quản lý thông tin”. Dẫn lời một chuyên gia công nghệ, VTC cho biết đây là loại máy chủ “hầu như quốc gia nào cũng có”, nhằm quản lý mọi thao tác hàng ngày của người sử dụng như lịch sử truy cập. Loại máy chủ quan trọng hơn là “máy chủ quản lý dữ liệu cá nhân” thì chỉ có một vài quốc gia trên thế giới có và không có ở Việt Nam. Đây là loại máy chủ có tính bảo mật rất cao, VTC cho biết.

Trong phiên điều trần tại Uỷ ban Tình báo của Thượng viện Mỹ ngày 5/9/2018, bà Sheryl Sandberg, Phó Chủ tịch Facebook, khẳng định “chúng tôi không có máy chủ ở Việt Nam và trừ những ngoại lệ rất ít ỏi khi có những mối đe dọa nghiêm trọng xảy ra, chúng tôi không bao giờ cung cấp thông tin cho chính phủ Việt Nam, bao gồm cả thông tin về chính trị”.

Thông báo đầy bất ngờ của Mark Zuckerberg ngày hôm nay có tiêu đề “Một tầm nhìn tập trung vào quyền riêng tư cho kết nối xã hội”. Trong đó, vị chủ tịch của hãng công nghệ khổng lồ đưa ra một định hướng mới cho sự phát triển Facebook. Ông nhấn mạnh tới việc tạo ra những không gian riêng tư hơn cho người dùng, nơi người ngoài không thể tiếp cận. Zuckerberg ví đây như những phòng khách tại gia của người dùng, thay vì như tình trạng hiện nay là nói trên Facebook cũng như nói giữa quảng trường thành phố.

Bên cạnh đó, Facebook cũng sẽ mã hoá dữ liệu đầu cuối, khiến cho ngay cả Facebook cũng không đọc được dữ liệu của người dùng. Đây là tính năng bảo mật được nhiều người kỳ vọng, bởi Facebook có lịch sử nhiều năm qua “đọc” và khai thác dữ liệu riêng tư của người dùng và bán nó cho các nhà quảng cáo. Đây là mô hình kinh doanh Facebook theo đuổi xưa nay và cũng vì vậy mà họ liên tục dính các bê bối lớn liên quan đến dữ liệu người dùng.

Với việc thay đổi chính sách về quyền riêng tư, Facebook sẽ phải thay đổi cả cách họ kiếm tiền. Điều này khiến cho nhiều người vẫn ngờ vực rằng liệu Facebook có thực sự thay đổi để tôn trọng dữ liệu riêng tư của người dùng hay không.

------------------------------------
BBC Tiếng Việt
8/3/2019

Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook, cho biết có thể sẽ phát triển Facebook theo hướng nhắn tin riêng tư, bảo mật thay cho nền tảng mở hiện tại.

Trong một bài viết blog gần đây, Zuckerberg đã vạch ra hoạch định biến Facebook thành một "nền tảng tập trung vào quyền riêng tư".
Facebook đang chịu nhiều sự chỉ trích sau hàng loạt các bê bối bảo mật cá nhân.
Năm ngoái, dữ liệu của khoảng 50 triệu người dùng Facebook đã bị thu thập và chuyển cho một hãng tư vấn chính trị.
Các nhà phê bình thì cho rằng những đề xuất mới của Zuckerberg là cách Facebook có lẽ thoái thác trách nhiệm của mình, theo phóng viên công nghệ Bắc Mỹ của BBC, Dave Lee.
Nếu những gì xảy ra trên Facebook trở nên riêng tư và mang tính tạm thời hơn, thì sẽ khó để khiến công ty mạng xã hội này phải chịu trách nhiệm về những thông tin và hành vi sai trái lan truyền trên trang web của nó.

Zuckerberg nói gì?
"Facebook và Instagram đã giúp mọi người kết nối với bạn bè, cộng đồng và người cùng sở thích trong một không gian điện tử rộng lớn như quảng trường một thị trấn," nhà sáng lập tỷ phú của Facebook cho biết.
"Nhưng mọi người ngày càng muốn kết nối riêng tư hơn trong một không gian điện tử của một căn phòng khách."
Zuckerberg nói anh muốn phát triển mạng xã hội thành một trang tập trung vào quyền riêng tư, giảm tính chất lâu dài và bảo mật dữ liệu an toàn.
Vì mục tiêu bảo mật, anh cho biết Facebook sẽ không "lưu trữ dữ liệu nhạy cảm ở các quốc gia có hồ sơ yếu kém về nhân quyền như quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận".
"Việc gìn giữ nguyên tắc này có thể có nghĩa là các dịch vụ của chúng tôi sẽ bị chặn ở một số quốc gia hoặc chúng tôi có thể sẽ không sớm xuất hiện ở một số quốc gia khác. Đó là một sự đánh đổi mà chúng tôi sẵn sàng thực hiện," anh nói.
Zuckerberg nói thêm rằng tin nhắn mã hóa cũng sẽ tạo ra phạm vi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các công cụ về thanh toán trực tuyến và thương mại điện tử.
Ông chủ Facebook không đưa ra một mốc thời gian cụ thể cho kế hoạch này, nhưng cho biết những thay đổi sẽ diễn ra "trong vài năm tới".
"Tôi tin rằng chúng ta nên làm việc hướng tới một thế giới nơi mọi người có thể nói chuyện riêng tư và sống tự do khi biết rằng thông tin của họ sẽ chỉ được nhìn thấy bởi những người họ muốn nhìn thấy và sẽ không bao giờ tồn tại mãi mãi."
"Nếu chúng ta có thể giúp đưa thế giới đi theo hướng này, tôi tự hào về sự thay đổi mà chúng ta đã tạo ra," Zuckerberg viết.
Phân tích của Zoe Kleinman
Phóng viên công nghệ của BBC
Những gì chúng ta đang thấy có khả năng là một hướng đi rất mới cho Facebook.
Bạn có thể lập luận rằng cuối cùng thì họ cũng đã lắng nghe những gì người dùng muốn, thay vì tự đưa ra ý tưởng riêng và sau đó phản ứng với các phản hồi sau đó.
Hoặc bạn có thể trở nên nghi ngờ lo ngại hơn mối đe dọa từ các chính phủ trên thế giới tìm cách kiểm soát sự thâm nhập của mạng xã hội.
Và biện pháp không-tiếp cận-dữ liệu này (chúng tôi sẽ không lưu trữ nó, chúng tôi thậm chí sẽ không thể để xem nó) có thể giúp Facebook thoát khỏi sự truy vấn về cách nó khai thác thông tin người dùng.
Việc chuyển các phương thức liên lạc sang các nhóm nhỏ hơn, khiến các cuộc trò chuyện đó trở nên riêng tư ngay cả với chính Facebook và việc các dữ liệu sẽ không được lưu trữ lâu dài chắc chắn là để giải quyết tai tiếng bảo mật cá nhân kém cỏi của gã khổng lồ công nghệ trong thời gian gần đây.
Như chính Mark Zuckerberg thừa nhận: "Thành thật mà nói chúng tôi hiện không có uy tín cao trong việc xây dựng các dịch vụ bảo vệ quyền riêng tư".
Chuyện gì xảy ra với Facebook?
Facebook đã bị chỉ trích gay gắt vì thiếu tính bảo mật riêng tư của người dùng và sự lan truyền của nội dung phản cảm và "tin tức giả".
Giá trị cổ phiếu của Facebook đã mất gần 80 tỷ USD chỉ trong vài ngày vào tháng 3 năm ngoái về vụ bê bối Cambridge Analytica.
Công ty tư vấn chính trị có trụ sở tại Anh này bị cáo buộc lạm dụng dữ liệu của hàng triệu thành viên Facebook Hoa Kỳ.
Cambridge Analytica phủ nhận sử dụng dữ liệu này để hỗ trợ cho chiến dịch bầu cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2016 và tuyên bố họ đã xóa dữ liệu theo chính sách của Facebook.
Tuy nhiên, giám đốc điều hành của công ty đã sớm bị đình chỉ vì những cáo buộc sau đó.
Bất chấp vụ bê bối, Facebook cho biết số người dùng của họ vẫn tiếp tục tăng. Theo Facebook, số người đăng nhập vào trang web của họ ít nhất một lần một tháng đã tăng 9% trong năm ngoái lên 2,32 tỷ người.
Số người dùng ở Mỹ - thị trường lớn thứ hai của nó - đã giảm 15 triệu kể từ năm 2017, theo công ty nghiên cứu thị trường Edison Research.

*
*
Tin liên quan
·        

·        

·        

·        

·        

·        

·        

·        

·        

·        

·        

·        








No comments: