19/03/2019
Vụ án xét xử nhóm Liên
Minh Dân Tộc Việt Nam gồm các ông Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ, Nguyễn Quốc
Hoàn, Phan Trung (Thích Nhật Huệ) và Từ Công Nghĩa bị truy tố chung với tội
danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật hình sự
năm 1999.
Nhóm Liên minh Dân
Tộc
Bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân TP.HCM đã tuyên
phạt họ như sau :
– Ông Lưu Văn Vịnh: 15 năm tù.
– Ông Nguyễn Quốc Hoàn : 13 năm tù.
– Ông Nguyễn Văn Đức Độ : 11 năm tù.
– Ông Từ Công Nghĩa : 10 năm tù.
– Ông Phan Trung : 08 năm tù.
– Ông Nguyễn Quốc Hoàn : 13 năm tù.
– Ông Nguyễn Văn Đức Độ : 11 năm tù.
– Ông Từ Công Nghĩa : 10 năm tù.
– Ông Phan Trung : 08 năm tù.
Cả năm ông đều có đơn kháng cáo kêu oan. Thẩm quyền
xét xử phúc thẩm thuộc về Tòa án Cấp cao tại TP.HCM.
Tòa án Cấp cao tại TP.HCM thông báo xét xử hình sự
phúc thẩm lần đầu vào ngày 21/01/2019. Tuy nhiên, đến ngày xử thì tòa án thông
báo tạm hoãn vì lý do LS chỉ định bào chữa cho ông Phan Trung xin hoãn vì chưa
kịp nghiên cứu hồ số vụ án.
Hai tháng sau, ngày 18/03/2019, vụ án được đưa ra
xét xử trong hoàn cảnh cảnh sát và an ninh mặc thường phục bố trí dày đặc bên
ngoài và bên trong khuôn viên tòa án, kể cả trong khán phòng xét xử và phòng
theo dõi vụ án qua màn hình TV.
Thoạt đầu, thân nhân của ông Lưu Văn Vịnh và Nguyễn
Quốc Hoàn bị đưa vào một phòng theo dõi xét xử vụ án qua màn hình TV ở tầng trệt.
Thân nhân các ông Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa thì lại được đưa vào ngồi
trong khán phòng xét xử tại lầu 3. Nhưng chỉ độ mươi phút, thì họ bị lực lượng
bảo vệ yêu cầu dời xuống phòng theo dõi vụ án qua màn hình TV ở tầng trệt. Lát
sau, thân nhân (vợ) ông Lưu Văn Vịnh là bà Lê Thị Thập kiên quyết yêu cầu lên
khán phòng xét xử chồng bà để theo dõi trực tiếp phiên tòa. Giữ thái độ kiên
quyết và cả to tiếng, cuối cùng lực lượng bảo vệ nhượng bộ. Cho nên, bà Thập là
thân nhân duy nhất được ngồi dự khán trực tiếp từ trong khán phòng xét xử.
Trong thông báo chính thức, giờ xét xử được ấn định
vào lúc 7h30’, trong thực tế, phiên tòa khai mạc vào lúc 9h00’.
Mở đầu phiên tòa với thủ tục kiểm tra nhân thân theo
thứ tự : 1. Ông Lưu Văn Vịnh, 2. Nguyễn Quốc Hoàn, 3. Nguyễn Văn Đức Độ, 4.
Phan Trung và 5. Từ Công Nghĩa. Thì đều tất cả đều cương quyết từ chối trả lời
về danh tính cha mẹ, phủ nhận hoặc khai không nhớ về các tiền án, tiền sự …
Riêng ông Từ Công Nghĩa đã không trả lời câu hỏi nào
mà nhiều lần lớn tiếng chất vất chủ tọa phiên tòa “Tôi hỏi ông : Tại sao đuổi
cha mẹ tôi ra phòng xử ?”.
LS Đặng Đình Mạnh yêu cầu tòa án giải thích về việc
không cho các thân nhân bị cáo tham dự phiên tòa trong khán phòng xét xử.
LS Nguyễn Văn Miếng yêu cầu tòa án làm rõ việc luật
sư bào chữa cho ông Phan Trung. Bởi lẽ, bên cạnh LS Miếng do ông Phan Trung mời,
thì vẫn có LS Bình bào chữa theo sự chỉ định của tòa án. Tòa hỏi và ông Phan
Trung xác nhận tiếp tục nhờ cả hai luật sư bào chữa cho ông.
Cả năm bị cáo đều xác định giữ nguyên yêu cầu kháng
cáo kêu oan, khẳng định mình không phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền
nhân dân” theo điều 79 Bộ luật hình sự 1999.
Trong phần xét hỏi, sau vài câu hỏi mang tính gợi ý
xác nhận hành vi phạm tội đều bị các bị cáo phủ nhận, khiến chủ tọa phiên tòa
phải chọn giải pháp an toàn là hỏi cho có rồi kết thúc chóng vánh để chuyển qua
phần tranh luận.
Trong phần tranh luận, đại diện viện kiểm sát tranh
luận hời hợt, tránh né nhiều điểm mấu chốt mà luật sư đã đặt ra và yêu cầu kiểm
sát viên trả lời. Nhưng chủ tọa đã “cứu” viện kiểm sát khi định bỏ qua vòng tranh
luận thứ hai. Nhưng luật sư đã yêu cầu tòa án tiếp tục phần tranh luận. Chủ tọa
miễn cưỡng chấp nhận nhưng lưu ý “luật sư không nên tranh luận quá dài”. Sau
khi để luật sư tranh luận thì chủ tọa lại “cứu” kiểm sát viên bằng cách tuyên bố
kết thúc phần tranh luận để các bị cáo nói lời sau cùng trước khi vào nghị án.
Trong lời nói cuối cùng :
– Ông Lưu Văn Vịnh: Tôi không có tội. Chính cộng
sản mới có tội, rồi sẽ có lúc các người sẽ phải trả lời về tội lỗi của các
người trước nhân dân.
– Ông Nguyễn Quốc Hoàn : Tôi không có tội.
– Ông Nguyễn Văn Đức Độ : Tôi là nạn nhân của sự lưu manh của cơ quan điều tra.
– Ông Từ Công Nghĩa : Yêu cầu chính quyền cộng sản trả tự do cho chúng tôi. Chúng tôi vô tội.
– Ông Phan Trung : …
Chỉ khoảng mười phút, hội đồng xét xử trở ra tuyên bản
án dài hàng chục trang giấy.
Đến gần cuối bản án, sau khi nghe phần nhận định rằng
không có cơ sở chấp nhận đơn kháng cáo kêu oan, thì đột ngột, không hẹn mà đồng
loạt các ông Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ đều vung đôi tay
đang bị còng thét lớn “Đả đảo phiên tòa”, “Đả đảo phiên tòa bất công”. Nhưng
chính Từ Công Nghĩa mới là người mở màn thét vang lời phản đối chế độ “Đả đảo Cộng
sản” ! Các tiếng thét “Đả đảo phiên tòa”, “Đả đảo phiên tòa bất công”, “Đả đảo
Cộng sản” làm náo động phiên tòa, át cả tiếng chủ tọa phiên tòa đang tuyên đọc
bản án. Cảnh sát mặc sắc phục đứng chen giữa các tù nhân choáng váng, nháo nhác
…
Thẩm phán chủ tòa bối rối, ngưng giây lát rồi vội đọc
tiếp phần tuyên về hình phạt, nhưng không còn ai nghe được lời gì khác ngoài những
tiếng “đả đảo” vẫn vang vọng không dứt như muốn làm rung chuyển cả khán phòng
xét xử rộng lớn.
Trong khung cảnh nháo nhác đó. Thẩm phán chủ tọa
phiên tòa phải vội cắt ngắn lời tuyên đọc bản án, ông không tuyên gì về phần xử
lý vật chứng mà theo bản án sơ thẩm, thì phần này được liệt kê gồm ba trang giấy.
Trong khi hội đồng xét xử đang thu dọn hồ sơ trên
bàn, thì cảnh sát dẫn giải kèm chặt, sốc nách các bị cáo vội vã đi ngang đấy, ở
khoảng cách chỉ độ 2m, Từ Công Nghĩa vung đôi tay bị còng hướng về hội đồng xét
xử mắng “Đồ chó !”.
Chúng tôi không rõ có được bao nhiêu tù nhân chính
trị đã chỉ tay mắng thẳng mặt chính quyền, tòa án … nhưng sự cứng rắn, kiên cường
của những tù nhân và cùng với sự phản ứng của họ khiến chúng tôi, những người
chứng kiến phiên tòa ngày 18/03/2019 phải sửng sốt.
Không dám lạm bàn về con đường, lý tưởng họ đã chọn
đúng hay sai, nhưng chúng tôi ngưỡng mộ về sự kiêu hùng của họ.
Lịch sử đã bao lần sang trang, nhưng trang sử ngày
18/03/2019 đã phải dừng lại để ghi nhận sự kiện bi hùng, bất khuất về phiên tòa
xét xử những người vị quốc. Họ vốn sinh trưởng bình thường như hàng triệu con
dân nước Việt, nhưng họ đã chọn cách sống phi thường khi xả thân cho giống nòi,
cho quê hương xứ sở thì chẳng tượng đài nào đủ cao, đủ rộng, đủ to để xứng với
sự hy sinh vô bờ của họ.
Sống trong thời kỳ “đồ đểu”, thời kỳ mà “quay mặt
vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa”[1] … Thì cuối cùng, chúng tôi đã biết mình cần
phải ngả nón, nghiêng mình trước ai.
Luật
sư Đăng Mạnh
(FB Manh Dang)
—————–
[1] Trích từ “Bài thơ tháng tám” của Bùi Minh Quốc
* Nguồn ảnh minh họa từ internet.
No comments:
Post a Comment