Wednesday, March 13, 2019

KHI NÀO TRÍ THỨC VIỆT NAM HẾT DỊ ỨNG VỚI CÁC TỔ CHỨC ĐỐI LẬP? (Việt Hoàng)




14/03/19

Đảng cộng sản Việt Nam dù rất bối rối và đang gặp khủng hoảng một cách trầm trọng, thời cơ dân chủ hóa đất nước rất gần, dù vậy phong trào dân chủ Việt Nam vẫn không đạt được tầm vóc và tiếng nói đáng ra phải có. Vì sao lại như vậy ?

Có nhiều lý do. Lý do quan trọng nhất đó là trí thức Việt Nam vẫn chưa ủng hộ cho dân chủ, cụ thể là chưa tham gia hoặc lên tiếng ủng hộ cho các tổ chức đối lập.

Tất cả vấn đề nghiêm trọng nhất tại Việt Nam hiện nay (ví dụ việc cưỡng chế đất đai của người dân tại Thủ Thiêm, Lộc Hưng, các BOT bẩn…) đều xuất phát từ thể chế chính trị. Muốn thay đổi thì phải có các "giải pháp chính trị" và các giải pháp đó chỉ có thể đến từ các tổ chức chính trị khác ngoài đảng cộng sản. Đảng cộng sản Việt Nam còn độc quyền thì họ sẽ không thay đổi mà muốn họ thay đổi thì phải có sức ép và cạnh tranh từ các tổ chức đối lập.

Phải có cạnh tranh chính trị thì mới có công bằng, minh bạch và lẽ phải. Trí thức Việt Nam chắn chắn hiểu điều đó nhưng tại sao họ không ủng hộ cho các tổ chức chính trị đối lập ?

Lý do đầu tiên mà ai cũng rõ đó là Sợ. Sợ là đương nhiên và đôi lúc cũng phải biết sợ. Vấn đề ở đây là sợ cái gì và sợ khi nào ? Nên sợ cái đúng và lẽ phải, không nên sợ cái sai trái và bất công. Bản thân tôi không bao giờ uống rượu khi lái xe vì tôi sợ vi phạm luật pháp và sợ gây ra tai nạn. Nhưng lên tiếng chống lại sự bảo thủ, lạc hậu và độc tài của cộng sản tôi lại không sợ vì tôi biết việc mình làm là đúng. Trong khi đó với đa số đàn ông Việt Nam thì lái xe nhưng vẫn uống rượu (nhiều ít tùy từng người, từng lúc) nhưng khi đụng đến việc phê phán chính quyền là họ tránh ngay lập tức.

Đáng nói hơn nữa là có những người không sợ. Họ vẫn lên tiếng, thậm chí gay gắt chỉ trích chính quyền và bị chính quyền bỏ tù nhưng sau đó họ vẫn quay lại vuốt ve, tâng bốc chính quyền những điều không hề có và nói những điều không nên nói hoặc năn nỉ những điều mà họ thừa biết là không bao giờ nhận được...

Lý do mà chúng ta thường nghe nhiều trí thức Việt Nam thanh minh cho việc chọn lối hoạt động nhân sĩ là vì họ muốn "độc lập" vì như thế mới là "khách quan". Điều này hoàn toàn ngụy biện. Tôi tin là phần đông trong số họ nếu được vời ra làm quan thì họ sẽ nhận lời ngay lập tức. Từ thời chính phủ Trần Trọng Kim, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Hồ Chí Minh… đều đã thế thì giờ cũng sẽ vậy thôi. Thực tế là đa số họ ngồi chờ, đánh bóng tên tuổi, hy vọng một lúc nào đó, hay một chế độ mới sẽ mời họ ra làm quan chứ không hẳn hoàn toàn "khách quan" như họ nói.

Tâm lý chờ thời, giấc mộng "phò chính thống" của đa số trí thức Việt Nam rất nhỏ mọn và tầm thường vì chỉ nghĩ đến bản thân mình mà sẵn sàng hy sinh danh dự, lương tâm lẫn trí tuệ. Đây là thái độ hèn nhát, trốn tránh trách nhiệm, bất lương cần phải nhận diện và lên án. Nên nhớ rằng trí thức luôn là đại diện cho tiếng nói, tâm hồn và trí tuệ của mỗi dân tộc. Người dân Việt Nam không ngẩng mặt lên được vì trí thức Việt Nam luôn cúi đầu.

Tư duy của trí thức Việt Nam ảnh hưởng rất lớn bởi văn hóa nô lệ của Khổng giáo. Mộng ước của trí thức Việt Nam ngày nay (cũng như tầng lớp sĩ phu ngày xưa) vẫn là có được bằng cấp cao, được chính quyền trọng dụng… Ước mơ này đồng nghĩa với việc được làm công cụ cho chính quyền, cho kẻ cai trị để được "ăn trên ngồi trước" thậm chí là ngồi lên đầu nhân dân. Nhiều người về hưu rồi vẫn giương ra những chức vụ mình từng có, từng giữ như là niềm tự hào vì từng được làm… nô tài cho đảng. Đây là một "di sản" độc hại từ lịch sử, từ văn hóa Nho giáo mà trí thức Việt Nam được thừa hưởng từ Trung Quốc.

Xuất phát từ tâm thế nô lệ đó, trí thức Việt Nam không hề có bất cứ một ước mơ gì cao đẹp ngoài những thứ tầm thường như nói ở trên. Chính vì lẽ đó mà dân tộc Việt Nam cũng không có ước mơ gì lớn lao. Một dân tộc không có ước mơ là một dân tộc không có tương lai và không thể nào vươn lên được. Nếu không mơ về một chân trời tươi sáng và tự do, không tin vào những điều tốt đẹp của tương lai thì làm sao mỗi người, mỗi dân tộc có được động cơ để cống hiến và làm việc ?

Chúng ta đều nghe nói đến "Giấc mơ Mỹ" (American dream). "Giấc mơ Mỹ" đã mang lại một niềm tin mãnh liệt về một tương lai tự do và tươi sáng ở phía trước cho tất cả người Mỹ và những ai muốn tìm đến đây lập nghiệp và sinh sống. Chính nhờ "giấc mơ" này mà nước Mỹ, đất nước của những người di dân, của những người đi tìm "giấc mơ" đã phát triển rực rỡ và bỏ qua tất cả các phần còn lại trên thế giới. Không phải người dân Mỹ nào cũng đạt được giấc mơ của mình nhưng nếu không có giấc mơ đó thì họ không thể nào giàu có và thành công như bây giờ. Tập Cận Bình cũng đang kêu gọi và hứa hẹn về một "giấc mơ Trung Hoa" để động viên và gắn kết người dân Trung Quốc.

"Giấc mơ" của người Việt Nam thật buồn. Gần 100 năm trước, Chế Lan Viên viết :

Chúng con ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con…

100 năm sau, "giấc mơ con" đó vẫn không thay đổi bao nhiêu. Trên trường quốc tế, Việt Nam đứng cuối cùng trong danh sách các quốc gia có đóng góp cho nhân loại. Trong nước, giấc mơ của đa số người Việt chỉ là "mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ", tiếp đến là làm giàu, ăn nhậu và du lịch. Tất nhiên đây chỉ là nói về số đông, cần ghi nhận sự chia sẻ và dấn thân của các nhóm và tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam thời gian qua, những việc làm của họ là vết son và điểm sáng thắp lên hy vọng cho xã hội Việt Nam.

Sự ra đời và có mặt của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) cho đến giờ, ngoài nhiệm vụ tranh đấu dân chủ hóa đất nước thì anh em chúng tôi còn một mong muốn nữa đó là cố gắng khơi nguồn cảm hứng cho một "giấc mơ Việt Nam". Đó là giấc mơ chung cho tất cả 90 triệu người dân Việt Nam mà chúng tôi gửi gắm trong Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, chương 8 : "Chung một giấc mơ Việt Nam" (2). Bản thân Dự án chính trị này cũng là một "giấc mơ" và "giấc mơ giữa ban ngày" đó hoàn toàn có thể trở thành sự thật nếu được đa số người Việt Nam chia sẻ và ủng hộ.

Anh em trong Tập Hợp khác với nhiều trí thức Việt Nam vì chúng tôi đã "chọn phe" đứng về phía người dân Việt Nam, xác định cho mình một vị thế rất rõ ràng đó là đối lập với Đảng cộng sản Việt Nam.

Chúng tôi không chơi trò "đu dây" hay "đi hàng hai" như một số trí thức "bất đồng chính kiến". Nhiều người trong số họ vẫn đang chơi trò "đu dây" như Đảng cộng sản, Đảng đu dây giữa Trung Quốc và Mỹ (Phương Tây) còn trí thức Việt Nam đu dây giữa chính quyền và người dân. Một mặt tỏ ra đứng về phía người dân, mặt kia vẫn muốn van xin, năn nỉ và vuốt ve chính quyền. Trong khi ngay cả bản thân Đảng cộng sản Việt Nam đang ngày càng kiên quyết "thanh lọc đội ngũ" bằng cách khai trừ những đảng viên khác biệt chính kiến mà vụ khai trừ đảng ông Chu Hảo hay nhà nghiên cứu về Biển Đông Trần Đức Anh Sơn là ví dụ.

Đảng cộng sản Việt Nam buộc các đảng viên phải chọn phe, hoặc là phe đảng hoặc là phe dân. Trong giai đoạn 2011-2017 đã có 50.938 đảng viên bị xóa tên và khai trừ khỏi đảng (1). Mới đây ông Nguyễn Phú Trọng cũng tuyên bố rất rõ rằng "Không cho phép ai làm trái cương lĩnh, quan điểm, chủ trương và đường lối của đảng". Đã đến lúc vạch ra một ranh giới rõ ràng : Họ là họ mà ta là ta. Họ làm việc của họ, ta làm việc của ta. Không nên mất thời giờ và quan tâm đến những việc vô ích như viết kiến nghị, xin xỏ, năn nỉ hay vuốt ve chính quyền.

Trí thức Việt Nam phải ủng hộ hoặc tham gia vào việc xây dựng một lực lượng chính trị cho chính mình. Đúng là việc này không dễ nhưng vẫn có thể làm được nếu có quyết tâm và thiện chí. Một cách dễ nhất là nên tìm hiểu kỹ các tổ chức đối lập đã có sẵn và ủng hộ cho tổ chức đó. Tuy nhiên trí thức Việt Nam với tâm thế "nô lệ" nên một mặt, không dám tự mình đứng ra thành lập các chính đảng mới hoặc cũng có thể vì họ nhận ra rằng xây dựng một tổ chức chính trị dân chủ là không hề dễ dàng. Mặt khác, vì văn hóa nhỏ mọn và ích kỷ thừa hưởng từ Khổng giáo khiến họ không muốn ủng hộ cho các tổ chức chính trị sẵn có vì họ cho rằng nếu tham gia vào một tổ chức như vậy thì họ sẽ mất đi vai trò và tiếng nói của mình. Họ thà làm một "bại tướng" nhưng được nhiều người biết đến còn hơn là làm một "sĩ tốt" trong một tổ chức nào đó. Họ làm ngược lại câu nói "thà làm một người lính trong đoàn quân thắng trận còn hơn làm một viên tướng trong đoàn quân bại trận".

Một lý do nữa khiến trí thức Việt Nam không ủng hộ cho các tổ chức đối lập hiện nay có lẽ là vì các tổ chức đối lập không thể ban phát cho họ quyền lợi và danh vọng chăng ? Có người hỏi chúng tôi tại sao không thấy Tập Hợp đặt ra các ban bệ và chức vụ như các tổ chức chống cộng khác ở hải ngoại ? Đúng là có những tổ chức không chỉ hải ngoại mà cả trong nước, chưa có người, chưa có bất cứ một sự chuẩn bị hay phương tiện gì nhưng việc đầu tiên họ làm là đặt ra các chức danh. Ở Mỹ có những tổ chức "hữu danh vô thực" không làm gì nhưng lãnh tụ tự phong cho mình làm "tổng thống Đệ tam Việt Nam Cộng hòa" như ông Đào Minh Quân…

Sở dĩ Tập Hợp không đặt ra các chức danh là vì chúng tôi quan niệm rằng "tham gia vào một tổ chức chính trị là để cống hiến và hy sinh cho một lý tưởng cao đẹp" chứ không phải để mưu cầu danh lợi như nhiều trí thức Việt Nam nghĩ. Sau này nếu tình hình bắt buộc phải đảm nhận một công việc cụ thể nào đó, khi đó chúng tôi sẽ phân công nhau để làm việc và chúng tôi cũng chỉ xem đó là một bổn phận, một nghĩa vụ thay vì là đặc ân. Hơn nữa, một tổ chức đối lập chỉ là con số không cho đến khi được người dân bầu chọn làm đảng cầm quyền. Là con số không thì có gì để bày ra các chức vụ ảo rồi tranh dành nhau và dẫn đến đỗ vỡ.

Cách đây ba năm một nhóm nhỏ thành viên của Tập Hợp tiến hành một cuộc "đảo chính" nội bộ, họ cũng chất vấn như vậy, đại loại là sao không đặt ra các ban bệ, chức danh hay "hành động" này nọ ?… Có người lầm tưởng họ là quan trọng nhưng thực sự là không phải như vậy. Cũng có người có tham vọng cá nhân quá lớn, họ không ý thức được rằng làm chính trị là để cống hiến cho một lý tưởng quảng đại. Muốn thành công cá nhân thì nên kinh doanh. Sau một thời gian những người còn lương tri chấp nhận bỏ cuộc và rút lui lặng lẽ, một số người thì không chịu chấp nhận sự thật, họ cay cú và đổ lỗi thất bại của họ cho người này người kia và rồi chính họ làm khổ họ. Khi tâm trí bất an thì còn làm gì được nữa.

Điều lo lắng thầm kín của những người cho rằng mình sẽ không được trọng dụng trong một tổ chức đối lập chứng tỏ sự thiếu tự tin của họ vào chính bản thân. Lo lắng lớn nhất của Tập Hợp trong tương lai, khi lịch sử sang trang là không có người để làm việc. Một tổ chức chính trị đúng nghĩa chỉ có thể hình thành và phát triển trong lúc khó khăn, khi chưa trở thành đảng cầm quyền. Giả sử Tập Hợp trở thành đảng cầm quyền thì sẽ có hàng trăm hàng, ngàn người mong muốn được tham gia nhưng khi đó khó khăn cho chúng tôi là không biết ai thật lòng, ai cơ hội. Ngày xưa ông Ngô Đình Diệm phải dùng những người quen biết để làm việc vì ông được đưa lên cầm quyền, ông không có tổ chức và đội ngũ nên không biết tin ai, dùng ai. Chính phủ của ông Trần Trọng Kim cũng vậy, dù tất cả các thành viên chính phủ đều là những trí thức hàng đầu Việt Nam lúc đó nhưng họ không phải người cùng một tổ chức, họ chưa từng sinh hoạt với nhau nên họ không hiểu nhau, không biết phải làm gì và làm như thế nào, cuối cùng họ bị một tổ chức khủng bố… có tổ chức cướp mất chính quyền.

Thiếu kiến thức về chính trị, vô lễ với chính trị khiến trí thức Việt Nam không nhận thấy rằng lịch sử đang sang trang. Vai trò lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam đang sắp chấm dứt. Đất nước cần được tổ chức và sắp xếp lại một cách hợp lý và đúng đắn để những người có khả năng được đặt vào đúng vị trí của mình. Đất nước rồi sẽ hồi sinh và vươn lên. Trí thức Việt Nam nên tham gia vào tiến trình dân chủ hóa đất nước một cách chủ động và thật lòng thay vì ngồi đợi và mơ về những thứ phù du và nhảm nhí như công danh, quyền lực...

Việt Hoàng
(14/03/2019)
-------------------


2. Chung một giấc mơ Việt Nam
Nước ta có khả năng trở thành một nước lớn và giàu mạnh nếu động viên được mọi trái tim, mọi khối óc, mọi bàn tay trong sự nghiệp xây dựng tương lai chung. Tuy vậy thực tế đáng buồn là ngày hôm nay chúng ta vẫn còn đang phải đấu tranh cam go để có được điều mà hầu hết các dân tộc đã có : dân chủ.

Cuộc đấu tranh đã dài hơn chúng ta mong muốn vì ngoài những khó khăn đã được nhận diện còn thêm một lý do khác : đây là cuộc đấu tranh hoàn toàn mới trong lịch sử nước ta. Từ trước đến nay chúng ta đã chỉ có những cuộc nội chiến tranh giành quyền lực giữa các thế lực thống trị, hay những cuộc chiến chống ngoại xâm mà mục đích, xét cho cùng, cũng chỉ là để đổi một ách nô lệ ngoại bang lấy một ách nô lệ bản xứ. Chúng ta chưa bao giờ là một dân tộc tự do. Lần này chúng ta chiến đấu để mở ra cả một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thứ hai của lịch sử nước ta, kỷ nguyên của những con người Việt Nam tự do và của một nước Việt Nam dân chủ.

Đó là cuộc chiến đấu để đưa người Việt Nam và đất nước Việt Nam từ bóng đêm của nô lệ và nghèo khổ sang ánh sáng của tự do và phồn vinh. Lần đầu tiên chúng ta có một cuộc chiến đấu thực sự xứng đáng để chiến đấu. Như vậy những con người Việt Nam hôm nay cần ý thức rằng họ đang đứng trước cơ hội để tạo ra biến cố lịch sử lớn nhất và vinh quang nhất, cơ hội mà các thế hệ mai sau sẽ không thể có.

Thử thách trước mặt chúng ta tuy rất lớn, nhưng hy vọng thôi thúc chúng ta còn lớn hơn bởi vì cuộc chiến đấu này không chỉ xứng đáng và vinh quang mà còn tất thắng. Chúng ta được chuyên chở và thúc đẩy bởi cả một làn sóng dân chủ toàn cầu và bởi nguyện ước chung của một dân tộc đã dần dần hồi phục sau những thương tích. Chúng ta đang được tiếp viện của cả một thế hệ mới đã tự khai phóng và quyết tâm làm những con người tự do. Đằng sau những trở ngại là cả một tương lai rực sáng.

Chúng ta nhất định thành công. Dân tộc Việt Nam đã thức tỉnh sau khi đã phải trả giá rất đắt cho hận thù và chia rẽ, cho óc độc quyền lẽ phải, cho sự cuồng tín và tôn thờ bạo lực. Chúng ta đã hiểu bằng máu và nước mắt và đã chấp nhận trong da thịt những giá trị giản dị nhưng mầu nhiệm như tự do, dân chủ, hòa bình, công lý, bao dung, cố gắng. Chúng ta đã nhuần thấm tình dân tộc nghĩa đồng bào trong sự tủi nhục chung vì thua kém. Chúng ta đã nhận ra rằng tất cả mọi người Việt Nam đều ràng buộc với nhau trong một số phận chung. Chúng ta đang có một đồng thuận dân tộc lớn nhất kể từ ngày ông cha mở nước. Đồng thuận ấy sẽ là vũ khí vô địch giúp chúng ta vượt mọi trở ngại.

Bài học lớn nhất của lịch sử thế giới là một dân tộc muốn vươn lên chỉ cần ba yếu tố: một xã hội tự do, những con người cần mẫn và đồng thuận dân tộc. Chúng ta là một dân tộc cần mẫn đã có đồng thuận dân tộc và sắp có tự do. Chúng ta sẽ vươn lên. Chúng ta có quyền lạc quan trong cuộc hành trình về tương lai.

Lạc quan và hãnh diện vì cuộc đấu tranh của ta trong sáng. Nó không nhắm tiêu diệt hay hạ nhục một ai, nó là cuộc đấu tranh để tôn vinh mọi người, tôn vinh quyền làm người và quyền được hưởng hạnh phúc như một dân tộc lớn mà dân tộc ta rất xứng đáng để có.

Chế độ độc tài này sẽ là chế độ độc tài cuối cùng tại Việt Nam. Rũ bỏ được nó chúng ta sẽ vĩnh viễn đi vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tự do, dân chủ, bao dung, đùm bọc, kỷ nguyên vinh quang của những cố gắng chung và của thành công chung.

Chúng ta hãy nắm tay nhau cùng cất cao một lời nguyền :

Nước Việt Nam sẽ là một nước lớn.

Làm người Việt Nam cho tới nay đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong một tương lai gần sẽ phải là một niềm vui, một may mắn và một nguồn hãnh diện.

Thế giới đã biết đến Việt Nam như là nạn nhân của hận thù và chia rẽ, của óc độc quyền lẽ phải thì thế giới sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự hồi sinh từ điêu tàn và đổ nát.

Đó là lý tưởng của thời đại chúng ta. Đó là di sản mà chúng ta sẽ để lại cho các thế hệ mai sau. Đó là giấc mơ Việt Nam mà các chí hữu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cùng theo đuổi và muốn chia sẻ với mọi người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, hôm nay và ngày mai !

(Dự án chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)






No comments: