Sunday, March 10, 2019

HẬU TRƯỜNG VỤ BẮT TRƯƠNG DUY NHẤT VÀ HỆ LUỴ KHÔNG ĐÁNG CÓ (Phạm Lê Vương Các)





Trương Duy Nhất bị cảnh sát Thái Lan bắt tại Bangkok và đến giờ này hoàn toàn “mất tích”. Dư luận đều hướng mắt về trại giam B14 của Bộ Công an, được cho là nơi đang giam giữ ông Nhất.

Chuyện ông Nhất bị bắt đem về lại Việt Nam coi như ông chịu số kiếp đen đủi khi “trốn tới nơi mà vẫn không thoát”. Nhưng không chỉ mình ông, sự việc đã để lại hệ lụy nghiêm trọng đối với những người liên quan từng gặp gỡ, hỗ trợ cho ông tại Thái Lan, cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự.

Khi ông Nhất bị bắt đã nảy sinh ra tình trạng nghi ngờ lẫn nhau giữa những người liên quan, dẫn đến việc tố nhau công khai trên mạng xã hội. Người này tố người kia là tay “buôn người”, nhận tiền hỗ trợ từ ông Nhất nhưng sau đó đi bán đứng người ta. Người kia liền đáp trả lại bằng cách tố lại người này, người nọ là “đặc tình” của chính quyền VN.

Trong quá tình tố nhau, các bên xì ra những thông tin đầy ác ý, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của những người liên quan đang lánh nạn tại Thái Lan trước sự tầm nã của chính quyền Việt Nam.

Từ các thông tin này cơ quan chức năng VN có thể xâu chuỗi lại các sự việc, mà nhận diện được nhóm người trước đây đã hậu thuẫn cho ông Nhất và Vũ “nhôm” trong việc đấu đá nội bộ tại Đà Nẵng, và cả việc những ai đã tham gia hỗ trợ cho ông Nhất đào thoát sau đó. Điều này càng thúc đẩy chính quyền Việt Nam “mở rộng chuyên án”, dưới sự hỗ trợ của chính quyền Thái Lan để quyết tâm “bắt trọn gói”.

Và điều gì đến cũng đã đến, những người đăng đàn tố người khác rất tích cực thì… chẳng bị sao cả, còn người bị tố đang lánh nạn tại Thái Lan lại trở thành nạn nhân sau ông Nhất.

Bạch Hồng Quyền (trái) và Cao Lâm, một đã bị cảnh sát Thái bắt, một đang bị CS Thái truy lùng. Ảnh trên mạng

Người đầu tiên là ông Cao Lâm, một người hoàn toàn xa lạ với báo chí và giới đấu tranh, bị tố là “đặc tình” của VN, nhưng đã bị cảnh sát Thái bắt cách đây vài hôm và nhiều khả năng bị trục xuất về lại Việt Nam sau 16 năm sống lưu vong tại Thái Lan.

Người thứ hai là ông Bạch Hồng Quyền, một người đã được Cao ủy tị nạn LHQ cấp quy chế tị nạn chính trị, bị tố đi “bán đứng” ông Nhất, giờ lại đang bị Cảnh sát Thái Lan truy lùng gắt gao, buộc phải phát đi lời kêu cứu trước nguy cơ mình bị bắt và trục xuất về lại Việt Nam.

Hệ lụy này có lẽ đã không xảy ra nếu các bên liên quan đến ông Nhất bình tâm suy xét, cân nhắc thận trọng khi đưa ra các thông tin trước công chúng, đặc biệt là thông tin về những người liên quan đang lánh nạn tại Thái Lan.

Đáng tiếc là khi ông Nhất bị bắt họ lại làm điều ngược lại, đi gieo rắc sự nghi kỵ về nhau, chẳng cần biết đến an nguy cho người khác. Tường thuật vụ việc thì nửa úp nửa mở, như truyện trinh thám nhiều kỳ, tập trung đâm chọt bôi xấu về nhau là chính, mà họ quên mất một thực tế rằng, trong thời điểm đó ông Nhất cần được bảo vệ bởi các luật lệ và các áp lực chính trị chứ không phải bằng câu chuyện của một thám tử.

Nguyên nhân bại lộ hành tung?

Quay trở lại việc vì sao ông Nhất bị bại lộ hành tung khi đến Thái Lan chưa tới một tuần, trong khi ông chỉ tiếp xúc với một nhóm nhỏ 4-5 người, dẫn đến việc người này nghi ngờ người kia. Liệu có hay không việc một trong số những người này đã “chỉ điểm” dẫn đến việc ông Nhất bị bắt như sự tố giác?

Tôi sẽ lý giải việc chính quyền Thái Lan có thể phát hiện ra nơi của ông Nhất bằng cách loại bỏ tất cả sự nghi ngờ có “chỉ điểm” từ những người liên quan, bằng một quy trình quản lý nhà nước rất đơn giản, mà Việt Nam cũng đang áp dụng sau đây:

Tại Việt Nam có một một thủ tục được gọi là đăng ký lưu trú cho tất cả người nước ngoài (và cả người VN) tại tất cả các nhà nghỉ và khách sạn. Trước đây các cơ sở kinh doanh lưu trú chỉ đăng ký lưu trú cho khách bằng phương pháp thủ công là lưu lại danh tính của khách vào sổ theo dõi của khách sạn. Sau đó các cơ sở kinh doanh lưu trú sẽ gửi danh sách này cho công an quản lý địa bàn theo định kỳ. Nhưng nay công nghệ thông tin được nhà nước áp dụng vào việc quản lý lưu trú, nên các cơ sở kinh doanh lưu trú sẽ phải đăng ký lưu trú cho khách trên hệ thống mạng internet. Hệ thống này do công an các tỉnh/TP quản lý trong địa phận của mình, và Bộ Công an quản lý thống nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Như vậy, cho dù có hàng triệu người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, hay hàng triệu người trong nước đi chuyển nơi ở qua các cơ sở kinh doanh lưu trú, khi chính quyền cần muốn biết một ai đó đang ở đâu, chỉ cần một thao tác đơn giản gõ tìm tên người đó lên hệ thống quản lý lưu trú là biết chính xác người đó đang lưu trú tại nhà nghỉ hay khách sạn nào.

Đây là cách thức quản lý nhà nước phổ biến mà mọi quốc gia đều áp dụng. Bề ngoài thì chính quyền không quan tâm, không quản lý nơi ở của bất kỳ ai, nhưng khi cần tìm thì họ dễ dàng biết được.

Tôi lưu ý đến vấn đề này vì nó phù hợp với thông tin ông Nhất đã sử dụng hộ chiếu thật của mình trong việc thuê khách sạn tại Bangkok. Điều này là một sai lầm, đã phạm vào một nguyên tắc cơ bản trong quá trình đào tẩu là tiết lộ danh tính mang tính chủ quan của ông Nhất và những người hỗ trợ. Vì nếu chiếu theo quy trình quản lý lưu trú đối với khách nước ngoài nêu trên, ta thấy chính quyền Thái Lan có thể biết chính xác nơi ở của ông Nhất một cách dễ dàng và nhanh chóng, chỉ bằng vài cú gõ trên hệ thống quản lý lưu trú. Và câu chuyện sau đó chỉ là cử lực lượng trinh sát đi nhận diện và lên phương án bắt giữ.

Hay một cách thức cổ điển được chính quyền sử dụng khi lùng bắt người là cử lực lượng trinh sát đón sẵn tại những địa điểm mà đối tượng có thể đi qua, chẳng hạn như bến xe, trạm dừng chân của nhà xe, nhà ga, bến tàu v.v..chính quyền có đủ nguồn lực để làm việc này trong suốt một thời gian dài nếu họ có quyết tâm bắt bằng được đối tượng.

Thái Lan dù rộng lớn nhưng việc chọn địa điểm canh me, đón sẵn ông Nhất là khá dễ dàng, vì trường hợp của ông, ai cũng phán đoán ra được, chắc chắn ông sẽ phải đi qua địa điểm là cánh cổng bé xíu của Văn phòng Cao ủy tị nạn LHQ, nằm bên một bờ sông thoáng đãng tại thủ đô Bangkok. Việc ông Nhất bị lọt vào cặp mắt cú vọ của trinh sát khi đi tới địa điểm này và sau đó bị theo đuôi về tới khách sạn là hoàn toàn khả thi.

Qua đó cho thấy chính quyền có thể tự thân lùng bắt người đang bỏ trốn bằng nhiều cách thức khác, ngay cả khi không có lực lượng nội gián chỉ điểm. Vì vậy chủ đề trong câu chuyện này không phải là việc đi tố “đặc tình” để rồi phải đâm chọt nhau một cách lung tung, mà câu chuyện chính của nó là những nhà hoạt động VN đang lánh nạn tại Thái Lan đối mặt với nguy cơ bị bắt và trục xuất về lại Việt Nam.

Cần ý thức rõ vụ bắt cóc ông Nhất, bắt giam ông Cao Lâm, cũng như việc săn lùng Bạch Hồng Quyền không phải do một số cảnh sát Thái Lan “biến chất” thực hiện, mà nó là chủ trương của chính quyền Thái Lan, ít nhất nó là quyết định từ người đứng đầu lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, bắt người theo yêu cầu từ phía VN.

Quy chế tị nạn chính trị của Cao ủy tị nạn LHQ là không đủ đảm bảo sự an toàn cho những người đang lánh nạn tại Thái Lan trước một chính quyền quân phiệt đang hiện hữu tại đây. Như trường hợp của nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền, nếu bị cảnh sát Thái Lan bắt được, lấy lý do Quyền nhập cảnh trái phép, vi phạm luật di trú của nước này, chính quyền Thái có thể trục xuất Quyền về lại Việt Nam.

Do đó, điều cần thiết vào lúc này phải có áp lực chính trị đủ mạnh lên chính quyền Thái Lan thì mới mong thay đổi được tình trạng trục xuất người tị nạn. Cơ sở pháp lý buộc chính quyền Thái Lan cần phải tuân thủ là, cưỡng bức hồi hương những người tị nạn là trái với luật pháp quốc tế, và việc nhập cảnh trái phép không được xem là một cơ sở pháp lý để tước đoạt đi quyền tị nạn của người đang trốn chạy.

***
Thông tin thêm về Bạch Hồng Quyền, người đang phát đi lời kêu cứu từ Thái Lan:
Bạch Hồng Quyền, là một phóng viên tự do hoạt động năng nổ trên những điểm nóng thời sự, luôn sát cánh cùng phong trào đấu tranh trong suốt một thời gian dài.

Vào năm 2016, Quyền đến Hà Tĩnh làm phóng sự hỗ trợ cho các cộng đồng địa phương đưa tin về tội ác môi trường của Formosa, nhưng bị công an địa phương bao vây chặn bắt, rồi hai bên xảy ra xô xát. Vụ việc dẫn đến cả ngàn người dân địa phương bức xúc kéo đến bao vây trụ sở UBND huyện Lộc Hà vào sáng ngày hôm sau đòi xử lý các viên công an đã nổ súng vào tối hôm trước. Chính quyền coi đây là hành vi kích động gây rối, bạo loạn lật đổ, rồi quy trách nhiệm vụ này lên hai người, đó là Bạch Hồng Quyền và nhà hoạt động Hoàng Bình. Hoàng Bình sau đó bị bắt và kết án 14 năm tù, còn Quyền may mắn nhanh chân tẩu thoát, và bị truy nã trên toàn quốc.

Quyền cùng vợ và 3 con nhỏ đang lưu lạc, trốn chạy khỏi sự săn đuổi trên đất Thái Lan. Hồ sơ định cư của Quyền và gia đình đang được phía Canada xem xét…

Nếu Quyền bị bắt rồi bị trục xuất về Việt Nam án tù cho Quyền chắc sẽ từ hai con số trở lên.







No comments: