Wednesday, March 6, 2019

DIỀU ĐỨT DÂY (Hoàng Ngọc Nguyên)




03 Tháng Ba 2019  6:06 CH

Nghệ thuật thương lượng hay văn hóa quản lý của ông thật ra chỉ có thể đắc dụng trong kinh doanh, thế nhưng ông cứ suy nghĩ chính trị cũng là kinh doanh, cho nên nhất quyết áp dụng lối chơi “nghệ thuật” trong thương lượng và quyền uy nói “Tao đuổi mày” với người cộng sự trong hơn hai năm ở Nhà Trắng. Như nhận định của một nhà bình luận, trong kinh doanh, thực ra quyền lợi của doanh nhân là tất cả, “Me First” hay “Trump First”, trong khi trong chính trị thì lợi ích của người dân hay của đất nước – America First – là trên cả. Ông Trump cứ lẫn lộn đồng hóa mình với đất nước là một điều tai hại.

*
Nay thì chúng ta đã biết, cuộc họp “thượng đỉnh” tay đôi giữa Kim-Trâm tại Hà Nội trong hai ngày cuối tháng Hai đã trở thành một bi hài kịch có lẽ của cả thế kỷ, khi chúng ta nhớ lại thái độ hân hoan, hăm hở, như thể “chiến thắng trong tầm tay” của tổng thống Mỹ trên đường đi tới bàn hội nghị, và sự khôn ngoan, tính toán, ngoại giao có dàn dựng của một người lãnh đạo đạo trẻ tuổi như Kim Jong-un, thường được xem là chẳng có mấy kinh nghiệm chính trị quốc tế.

Nay thì hai bên đang đổ thừa nhau. Ông Trump thì nói Bắc Triều Tiên đòi giải hạn (chế tài) hoàn toàn nhưng không chịu giải giới (phi hạt nhân hóa) hoàn toàn. Ông Kim thì bảo ông Trump nói “không đúng”, họ chỉ đòi hủy bỏ 5 chế tài gần đây mà thôi và cam kết sẽ “từ từ” kết thúc những chương trình hạt nhân của mình.

Người biết chuyện tất nhiên phải nói rằng “Haste Makes Waste” – dục tốc bất đạt. Suy cho cùng, ông Trump làm gì hạ thể phải đi gặp ông Kim hai lần, ở nơi do ông Kim chỉ định và nội dung chưa rõ ràng, thỏa thuận không đạt được. Lẽ ra, đúng là ông Trump nay phải nói Mea Culpa – lỗi tại tôi mọi đàng!

Trước khi lên đường, ông Trump còn gặp một nhóm thống đốc tiểu bang của đảng Cộng Hòa, và khoe rằng ông có thể sẽ ký một thỏa ước lịch sử kết thúc hội nghị thượng đỉnh (Cũng trong cuộc gặp các thống đốc, ông còn lợi dụng cơ hội để bịa ra công việc kinh doanh của con gái ông Ivanka Trump đã tạo ra hàng triệu công ăn việc làm cho người Mỹ – dĩ nhiên chẳng ai tin). Đương nhiên người ta thấy trong thái độ của ông thiếu sự chững chạc của người trưởng thành – cho thấy những cố vấn của ông bất lực, hoặc thiếu cái đầu, hoặc không can nổi ông.

Lẽ ra trong trường hợp giữa đôi bên đã có sự đồng ý, thì hoặc hai bên sẽ cùng lúc thông báo chính thức sẽ có ký kết hòa ước, và cuộc gặp gỡ thượng đỉnh chỉ là nhằm chính thức hóa thỏa thuận này một cách long trọng. Hay hai bên đồng ý sẽ giữ im lặng hoàn toàn, bí mật tuyệt đối cho đến phút chót. Nếu có đủ kinh nghiệm, hay được cẩn thận can gián, cảnh báo, ông Trump sẽ không nói gì trước – chờ cho đến phút chót. Vì quá trẻ con, hay tin tưởng ở “art of the deal” của mình, cho nên nay mới có chuyện bẽ mặt.

Thực ra, kết quả hội nghị thượng đỉnh này ông Trump ra về tay không đúng là bất ngờ. Hai ông Trump và Kim gặp nhau tay bắt mặt mừng, tán tụng nhau kịch liệt chưa từng thấy giữa lãnh đạo của hai nước: một nước lớn, một nước nhỏ; một nước giàu, một nước nghèo; một nước tư bản tự do, dân chủ, một nước cộng sản độc tài, sát nhân… Một người già 72, một người trẻ 32 – chưa nói đến sự tương phản về văn hóa. Đặc biệt ông Trump cứ nói rằng ông nghĩ, ông tin sẽ có thỏa hiệp…

Ông Trump còn ca ông Kim là người bạn, một lãnh tụ vĩ đại (great leader), tiềm năng kinh tế của Bắc Triều Tiên là mênh mông, quên rằng chỉ hơn một năm trước một tí, ông đã nói ông Kim là “chó điên”. Và Kim chỉ trong một thời gian ngắn nối ngôi cha đã nổi tiếng vì giết chú, giết anh, xử tử, sát hại, bỏ tù, bắt bớ hàng loạt người vì những lý do chính trị, tôn giáo, chủng tộc và giới tính…

Ông cũng nói ông tin ở ông Kim khi ông Kim nói không hề biết gì về việc một thanh niên người Mỹ (Otto Wambler) qua chơi Bắc Triều Tiên và bị bắt vì bị nghi là nhà truyền giáo, và bị hành hạ, đầu độc; khi được thả ra và cho về Mỹ (ông Trump nói nhờ ông!) sau hai ngày thì chết. Ông Trump nay nói ông tin ông Kim, như ông từng nói ông tin ông Putin! CNN cho rằng phát biểu của ông Trump là vô liêm sỉ. Tính phản bội hàm chứa trong cách ăn nói này. Như trong vụ ông bào chữa cho nhà cầm quyền ở Riyadh (Saudi Arabia) trong vụ sát hại nhà báo Kharhosggi ngay tại Tòa lãnh sự ở Ankara (Turkey).

Trong suy nghĩ giản đơn của ông, ông Kim sẽ choáng ngợp trước sự phồn thịnh của Việt Nam, do đó, sẽ vồ vập cơ hội ông Trump mở ra, là Mỹ sẽ tháo gỡ tất cả những chế tài trên Bắc Triều Tiên và nhờ thế nước có 25 triệu dân này sẽ cất cánh kinh tế, thẳng đường tiến đến thịnh vượng chẳng mấy hồi. Bởi vậy mà ông Trump cũng làm ca sĩ hết lời với ông Chủ tịch kiêm tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cố tình quên bản chất độc tài của chế độ cộng sản tại Hà Nội. Ông cám ơn nhờ thượng đỉnh tổ chức ở Hà Nội cho nên ông Kim đã sáng mắt sáng lòng trước mô hình phát triển kỳ điệu của Việt Nam.

Thực ra, nhiều nhà quan sát cũng mê tín như thế khi chứng kiến cảnh tượng linh đình của hội nghị thượng đỉnh này. Một tổng thống nước lớn như Mỹ mà phải hai lần hạ cố gặp ông Kim (một lần nữa là “tam cố thảo lư” như Lưu Bị đi gặp Khổng Minh) hẳn phải có ý nghĩa gì! Ông Kim đúng là quá lẫy lừng mà cả cha (Kim Jong-il) và ông nội (Kim Nhật Thành) đều không sánh bằng.

Nhưng nghĩ cho cùng, kết quả hội nghị thượng đỉnh này ông Trump ra về tay không chẳng phải là điều bất ngờ. Bởi vì xe lửa đưa ông Kim đến Phố Kỳ Lừa, đã phải chạy ngang qua Trung Quốc gần hai ngày. Ông Trump quên điều đó chăng? Và ông Kim đã gặp ông Tập Cận Bình bao nhiêu lần chuẩn bị, hay lãnh chỉ thị, cho cuộc gặp gỡ ông Trump? Ông Trump đã làm khó dễ ông Tập cả năm nay vì chuyện mậu dịch, kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng khá trầm trọng vì cuộc chiến mậu dịch của ông Trump, nay chính là dịp “tit for tit, tat for tat” (mắt đổi mắt, răng đổi răng).

Mặc dù ông Trump gần đây đổi giọng, khoe sẽ có thượng đỉnh với ông Tập để ký thỏa ước mậu dịch, và nới lỏng những đòi hỏi với Trung Quốc, rồi còn nói không ra hạn kỳ phi hạt nhân hóa với Bắc Triều Tiên, miễn họ gật đầu đại là xong, nhưng hầu như ông Kim, hay Tập Cận Bình, đều thâm, đã có ý chơi khăm ông Trump vố này.

Ông Trump vẫn quen với chuyện thương lượng kinh doanh, cố tình ép tới và trả giá, khi mất thế thì giá nào cũng mua, nhưng ông quên nguyên tắc Tôn Tử sơ đẳng trong chính trị, hay trong chiến tranh: Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Ông Trump chẳng hề biết hay quan tâm mối quan hệ giữa TQ – Bắc Triều Tiên, Tập và Kim. Suy cho cùng, nền kinh tế to lớn của TQ đủ sức cưu mang cho Bắc Triều Tiên. Vai trò bảo trợ này đã có từ hơn 70 năm qua.

Tập và Kim lại đều hiểu tính mạng chính trị của ông Trump đang như chuông treo sợi chỉ mành vì ông đang vướng vào quá nhiều tai tiếng nhơ nhuốc gỡ không ra. Họ là những lãnh tụ suốt đời trong khi ông Trump chỉ còn hai năm ngồi trên lửa. Và lẽ ra những quân sư, cố vấn của ông Trump phải nói không nên gặp ông Kim vào lúc này: không đúng người (ông Trump không có uy và nhân cách), không đúng lúc (ông Trump đang mắc kẹt vào cuộc chiến mậu dịch cùng những chuyện scandals bên trong), không đúng chỗ (Bắc Triều Tiên và TQ chơi trên sân nhà).

Diễn tiến cuộc thương lượng mậu dịch Mỹ-Hoa hiện nay cùng chuyến đi Việt Nam của Tổng thống Donald Trump phó hội Mỹ- Hàn với Chủ tịch Kim Jong-un của Bắc Triều Tiên vào hai ngày cuối tháng Hai là những case studies đặc sắc về “art of the deal” và văn hóa doanh nghiệp “You’re fired” của ông. Nghệ thuật thương lượng hay văn hóa quản lý của ông thật ra chỉ có thể đắc dụng trong kinh doanh, thế nhưng ông cứ suy nghĩ chính trị cũng là kinh doanh, cho nên nhất quyết áp dụng lối chơi “nghệ thuật” trong thương lượng và quyền uy nói “Tao đuổi mày” với người cộng sự trong hơn hai năm ở Nhà Trắng.

Như nhận định của một nhà bình luận, trong kinh doanh, thực ra quyền lợi của doanh nhân là tất cả, “Me First” hay “Trump First”, trong khi trong chính trị thì lợi ích của người dân hay của đất nước – America First – là trên cả. Ông Trump cứ lẫn lộn đồng hóa mình với đất nước là một điều tai hại. Ông cứ nói báo chí là “the worst enemy of the people” trong khi đó thực ra, đó là “the closest ally to the people” và chỉ là “truest and worst enemy of Trump”. Bởi thế, khi ông ban bố “tai họa khẩn trương quốc gia” (national emergency), người ta chẳng thể không nói: chính ông là tai họa quốc gia đó!

Những chuyện diễn ra trong ngày 27 và 28 tháng 2 đúng là trùng hợp ngẫu nhiên – như có ông trời (Thượng Đế) sắp xếp!

Ở Hà Nội, ông Trump gặp ông Kim để đạt một “thỏa thuận lịch sử” là Bắc Triều Tiên đồng ý (miệng) phi hạt nhân (denuclearization) đổi lấy sự hỗ trợ tích cực của Hoa Kỳ cho nước chỉ có khoảng 25 triệu dân này trở thành một “đại cường” dưới sự chăn dắt của một “đại lãnh tụ” (great leader – chữ ông Trump tán tụng ông Kim). Rốt cuộc đây là một vở kịch hài mà có lẽ nhà soạn kịch và đạo diễn đều không khéo, khiến nhiều khán giả ngủ quên, nhiều người bỏ về.

Ở Washington D,C., Hạ Viện Mỹ chuyển qua Thượng Viện quyết định của họ ngày hôm trước bác bỏ lệnh ban hành tình trạng khẩn trương quốc gia để lấy tiền xây tường của ông Trump, với lý do chẳng có lý do gì để cho ông Trump nói là có tình trạng khẩn trương ở biên giới cả. Và điều ông Trump dựng chuyện để dựng tường thì nay hầu như ai ai cũng thừa nhận. Cho nên Thượng Viện cho dù có đa số là Cộng Hòa cũng đang đứng trước vấn đề liêm sỉ! Đương nhiên ông Trump đã đe dọa sẽ phủ quyết quyết định của cả hai viện nếu họ bác bỏ quyết định ban hành tình trạng khẩn trương, nhưng nếu làm thế, ông càng để lộ rõ hơn liêm sỉ của ông.

Trong khi đó, ông luật sư Michael Cohen, từng là luật sư riêng của ông Trump trong 12 năm và nổi tiếng về vụ thay ông Trump chi trả tiền trám miệng cho hai người đẹp của ông Trump, ra khai chứng trước Ủy ban Giám sát Hạ Viện về những tội lỗi của ông chủ cũ của mình, một người mà nay ông mô tả là tay bịp bợm (conman), kỳ thị chủng tộc (racist), và lừa đảo (cheat).

Ông Cohen từng nói ông trung thành với ông Trump đến mức, sẵn sàng “lãnh đạn” cho ông Trump, bởi thế mà ông đã lãnh án tù ba năm vì những chuyện đó – nói dối với những người điều tra và tòa án, cùng đưa ra những hồ sơ khai thuế gian lận. Thế nhưng trong buổi khai chứng này, ông nói rõ “rất hổ thẹn đã từng làm việc cho một người vô liêm sỉ, vô tư cách như thế”, và “Này ông Trump, tôi không còn là người chạy cờ, dàn xếp (fixer) cho ông nữa”.

Trong phiên điều trần này, ông Cohen đã kể ra rất nhiều chuyện và trưng ra nhiều bằng chứng. Ví dụ như cái check 35.000 đô-la mà ông Trump đã hoàn tiền cho ông Cohen vì ông Cohen đã ứng trước để trám miệng hai phụ nữ, check này được ký vào đầu năm 2017. Hay chuyện ông Trump trốn lính để khỏi bị gọi qua Việt Nam. Ông Trump không bị sưng gót chân gì cả mặc dù đó là cái cớ để ông khỏi bị trưng tập. Ông kể lại với ông Cohen: “Ông nghĩ tôi ngu sao. Đời nào tôi đi Việt Nam”, và dặn ông Cohen nếu báo chí có hỏi thì cứ nói ông Trump được hoãn dịch vì lý do thương tật.

Những người Việt đang đấu tranh cho tự do, dân chủ ở VN và từng mong đợi ông Trump có thể ra tay tế độ, đương nhiên nay đã hiểu ông Trump hơn. Ông chẳng quan tâm gì đến tự do, dân chủ ở bất cứ một nước nào. Chưa bao giờ ông có ý kiến về sự suy sụp đạo lý chính trị ở Việt Nam. Phải chăng đó thêm là một lý do mà chính quyền Hà Nội nay tiếp đón ông như một Anh hùng. Cohen cũng nói, ông Trump khi còn là ứng cử viên tổng thống đã biết ông Roger Stone, thủ hạ của ông, đã liên lạc với nhóm Wikileaks để khai thác được emails của bà Hillary Clinton.

Những tiết lộ của ông Cohen còn cho thấy, ông Trump đã liên tục thổi phồng vốn liếng, tài sản của mình ít nhất từ năm 2011-2017 để tăng thanh thế của mình trong danh sách các tỷ phú hàng đầu của Mỹ trên tờ báo Forbes. Ông muốn là một tỷ phú đứng trong 100 hàng đầu ở Mỹ, nhưng cho dù man khai, ông chỉ ở trong thứ hạng từ 350 đến 600. Ông Cohen đã phải sửa con số thật ra số giả mấy lần cho ông Trump. Ông cũng cần thổi phồng lợi tức của mình để đi mượn tiền ở Deutsche Bank nhằm mua lại một đội bóng bầu dục của Mỹ – nhưng không thành.

Mặt khác, trái với điều ông Trump vẫn khẳng định, cho đến năm 2016 ông Trump vẫn còn muốn xây Trump Tower ở Mạc Tư Khoa. Những người bình luận đang cho rằng, chính ba cái chuyện tiền bạc, tài sản, thuế khóa… sẽ là những nhức đầu lớn cho ông Trump trong thời gian tới, vì đảng Dân Chủ đang tính ra nghị quyết đòi ông công khai hồ sơ thuế của ông trong mấy năm qua!

Điều cực kỳ đáng phiền cho ông Trump là đám phóng viên nhà báo quốc tế ở Hà Nội đương nhiên theo dõi được chuyện đang xảy ra tại Hạ Viện Mỹ, cho nên họ chạy theo ông và ông Kim nhưng chẳng chịu hỏi hai người đã đạt được thỏa thuận gì chưa, mà cứ hỏi ông về những phát biểu của ông Cohen. Ông Kim có che giấu nụ cười hay không thì không biết, nhưng ông Trump ngượng và phát cáu – là điều thấy rõ và dễ hiểu. Mặt mũi nào thực sự ông có thể nhìn ông Kim? Nhất là khi người ta hỏi về chuyện tấm check “hush money” của ông. Đồng thời, lại còn chuyện bức tường.

Ông chẳng còn mấy uy tín lãnh đạo ở Mỹ, đó là chuyện không cần nói ra nhưng trên quốc tế ai cũng biết. Tuy là ông vẫn nói ông thương lượng với cả ông Kim và ông Tập trên “thế mạnh”, nhưng chẳng cần tinh mắt lắm người ta cũng thấy gót chân Achilles của ông. Trong cuộc chiến tay ba này, ông là người yếu nhất, đơn giản là vì ông Tập và Kim tuy hai mà một. Và họ cũng hiểu Trump ở tư thế của một người đi tìm thỏa thuận bằng mọi giá với cả Tập và Kim (không phải chỉ là chuyện mơ ước hão huyền một giải Nobel hòa bình), cho nên cái “nghệ thuật thương lượng” của ông Trump chỉ là một sự chấp nhận thua thiệt cho nước Mỹ mà ông đại diện chỉ vì “Trump first”.

Ngày thứ Hai 25-2, một nhóm 58 cựu viên chức cao cấp trong ngành an ninh quốc gia, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Madeleine Albright, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Suzan Rice, cựu giám đốc CIA và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta… đã đưa ra một thư ngỏ, bác bỏ lý lẽ của ông Trump trong việc ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia, bởi lẽ, theo họ, “chẳng có cơ sở nào thực tế” (no factual basis in his statement) trong những điều ông nói về sự đe dọa cho an ninh nước Mỹ tại vùng biên giới. Bức thư được đưa ra một ngày trước khi Hạ Viện bỏ phiếu bác bỏ việc ban hành “Tình trạng Khẩn cấp Quốc gia” của ông Trump ngày 15-2 vừa qua, sau khi ông thối lui về chuyện đóng cửa chính phủ để làm áp lực về chuyện xin tiền cho bức tường.

Đồng thời, theo VOA, trước những chất vấn dồn dập của các thượng nghị sĩ, một vị tướng hàng đầu của Mỹ đặc trách an ninh nội địa hôm thứ Ba 26-2, nói rằng ông không thấy mối đe dọa quân sự nào đến từ biên giới phía nam với Mexico, nhưng ông tập trung vào các mối đe dọa “rất thật” từ Trung Quốc và Nga ở phía bắc. Tướng Không quân Terrence O’Shaughnessy, chỉ huy Bộ Tư lệnh Phương Bắc Hoa Kỳ và Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ, nói với một ủy ban của Thượng viện rằng hàng rào được đề xuất dọc biên giới Mỹ-Mexico có thể tăng cường an ninh chống lại bất kì mối đe dọa quân sự tiềm tàng nào từ phía nam. Nhưng ông nói những tiến bộ về huấn luyện và năng lực của Nga, và ý định của họ đề ra nguy cơ cho Mỹ, mới là mối đe dọa khẩn cấp.

Điều đáng ngậm ngùi nhất trong câu chuyện này, Trump ra về tay không không phải là sự cô đơn của ông Trump. Bao giờ ông cũng nghĩ chỉ có ta mới làm được, và một mình ta cũng đủ rồi, thì nay ông lãnh đủ.

Điều đau buồn nhất cho dân Mỹ, cho nước Mỹ, là bao nhiêu nước vốn là đồng minh cật ruột nhất của Mỹ từ bao đời, từ Âu sang Á, đã im lặng, không có một lời an ủi. Các nước Tây phương đều phớt lờ, làm như không biết cả chuyện ông Trump đi VN găp Kim. Ông chui vào hang cọp, không chọn một nơi đến bình yên hơn thì ông ráng chịu. Các nước Đông Á như Nhật hay Đài Loan hay Nam Triều Tiên cũng không có một lời chia buồn. Phải chăng họ đang thảo lời Ai điếu!





No comments: