Monday, March 4, 2019

CÔNG LÝ 'MÌ ĂN LIỀN' (Y Chan - Luật Khoa)




04/03/2019

Bài viết “Công lý vội vã, công lý dễ dàng, công lý ăn sẵn” vừa qua nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Đó là một tín hiệu tốt, cho thấy chúng ta đang dần quen với việc tranh luận, đặc biệt là về những ý kiến trái với quan điểm của mình.

Đối với những ai phản hồi ngắn gọn súc tích nhưng không mang thông tin gì nổi bật (VD: “xàm”) hay chụp cái mũ tiện lợi quen thuộc (VD: “phản động”), và cả những người phản hồi khó trả lời (“không thèm đọc hết” – nhưng vẫn bình luận đánh giá được!), bài viết trước không có ý nghĩa gì đối với các bạn, bài viết này lại càng không.

Với những bạn đọc khác, có vài điểm người viết muốn trao đổi thêm:

1. Bài “Công lý vội vã …” không chỉ hướng đến đa số các bạn, những người từ trước đến nay luôn mặc định án tử hình là chuyện hiển nhiên, là đạo Trời. Người viết dành một phần để trao đổi với cả những người chống lại án tử.

Nếu từng tìm hiểu về việc áp dụng án tử hình trên thế giới, qua các bài viết trên Luật Khoa, bạn sẽ nhận ra không phải quốc gia nào trên thế giới cũng áp dụng án tử hình như Việt Nam. Hay chính xác hơn, theo số liệu cập nhật cho tới thời điểm tháng 7/2018, hai phần ba các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã bãi bỏ việc áp dụng án tử hình cho mọi loại tội phạm.

Điều này có nghĩa là Việt Nam nằm trong danh sách số ít các quốc gia còn lại vẫn áp dụng án tử. Tất nhiên, bạn có thể viện dẫn những “nước lớn” trong danh sách này như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, v.v. để tuyên bố lựa chọn của nhà nước Việt Nam (và của bạn) là bình thường. Nhưng có một điều bạn không thể bác bỏ, đó là luôn có những người, ở Việt Nam và ở nước ngoài, không lựa chọn giống bạn, và họ cũng bình thường như vậy.

Việt Nam nằm trong số 56 nước vẫn áp dụng án tử hình cho các loại tội phạm. Ảnh: shu.ac.uk.

Bài học cơ bản của những người tự do và văn minh là biết chấp nhận những quan điểm trái ngược với mình mà không chụp mũ hay miệt thị họ; biết cách tranh luận để cầu thị (tìm hiểu sự thật), thay vì cầu cho người khác thị mình (bắt tất cả phải chấp nhận ý kiến cá nhân).

Nhà văn người Anh Evelyn Beatrice Hall đã từng viết“Tôi phản đối những gì anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết quyền được nói của anh.” Câu nói này về sau được hầu tất những người yêu mến các giá trị tự do dân chủ dùng làm một trong những kim chỉ nam cho mình.

Việc bất đồng quan điểm, thậm chí phản đối kịch liệt quan điểm của người khác, là một việc hoàn toàn bình thường trong tương tác giữa người với người. Chỉ có nói chuyện với chiếc gương người ta mới không thấy bất đồng. Cách chúng ta tranh luận với quan điểm của người khác cho biết nhiều về bản thân chúng ta hơn là những người mà ta tranh luận.
2. Vậy rốt cục người viết lựa chọn ủng hộ hay phản đối án tử? Người viết tôn trọng lựa chọn của (1) người bị hại và (2) người thân của người bị hại (nếu bản thân họ không thể lên tiếng).

Vào năm 2015 tại Iran, một người bị kết tội dùng a-xít tấn công làm mù hai mắt và biến dạng cơ thể nạn nhân. Theo luật pháp Iran, nạn nhân/ người nhà nạn nhân có quyền được yêu cầu “trả thù” – mình bị hại thế nào thì kẻ thủ ác cũng bị tương ứng. Trong trường hợp này, nạn nhân có quyền làm mù cả hai mắt của kẻ đã hại mình. Tuy nhiên, đến phút chót, nạn nhân quyết định “chỉ” làm mù một mắt của anh ta. Phạm nhân sau đó được gây mê trên bàn mổ và các bác sĩ tiến hành “lấy” một mắt của người này.

Vụ việc gây sốc trên thế giới. Các tổ chức nhân quyền đồng loạt lên án loại hình phạt “man rợ” (barbaric) này.

Đó là lần đầu tiên ở Iran án phạt “trả đũa” được tiến hành. Trước đó, ngay cả trong những vụ án nạn nhân bị tạt a-xít hủy hoại cơ thể, việc “trả đũa” đều được thay thế bằng tiền bồi thường.

Gây chú ý nhất là trường hợp của cô gái 26 tuổi Ameneh Bahrami, người đã bị một kẻ theo đuổi bất thành tạt thẳng can a-xít vào mặt ngay giữa đường phố đông người vào năm 2004. Từ một cô gái trẻ trung xinh đẹp, chỉ còn một năm là tốt nghiệp, Bahrami trở thành phế nhân hoàn toàn. Lẽ ra cô phải là người đầu tiên thực hiện quyền “trả đũa” khi được phép tước bỏ hai mắt của kẻ thủ ác. Nhưng khi vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, dưới áp lực đòi tha thứ, cộng thêm một trái tim lương thiện không thể hại người, cho dù đó là kẻ ác đã hại mình, đến phút cuối Bahrami lựa chọn tha thứ, chỉ bỏ tù kẻ gây tội và yêu cầu bồi thường chi phí điều trị. Công luận quốc tế vỡ òa khen ngợi quyết định nhân văn của cô.

Mười năm sau, Bahrami tự hỏi liệu mình đã lựa chọn đúng? Việc điều trị của cô gặp rất nhiều trở ngại. Chính phủ Iran chỉ lo một phần chi phí. Công luận quốc tế đã không còn nhớ đến cô. Anh trai cô tự sát vì trầm cảm sau biến cố khủng khiếp của em gái. Kẻ thủ ác được ân xá trước thời hạn mà không trả cô một đồng chi phí nào. Cô cảm thấy bị phản bội. Những nạn nhân của các đòn thù a-xít vẫn xuất hiện. Bahrami tự chất vấn, cảm thấy mình có tội, “nếu ngày đó tôi thi hành bản án (trả đũa), có lẽ đã không có những nạn nhân khác”.

Ameneh Bahrami bên cạnh bức ảnh chụp cô trước khi bị tấn công a-xít. Ảnh: Lluis Gene/AFP/Getty Images.

Thế nào là đúng? Thế nào là sai? Khó ai có thể minh định được. Tất cả chỉ là lựa chọn, cùng những hệ quả của lựa chọn đó. Không ai chịu tác động trực tiếp và lâu dài từ những lựa chọn bằng chính nạn nhân/ người nhà nạn nhân. Nếu họ chọn tha thứ, ta mừng cho họ. Nếu họ chọn trả đũa, ta cũng khó có tư cách gì oán trách họ. Lựa chọn thế nào, tha thứ hay trả đũa, án tử hay án tù, nên là quan hệ riêng giữa kẻ thủ ác và (gia đình) nạn nhân, không phải là thứ mà dư luận nên góp phần vào.

3. Thứ liên quan đến chúng ta, những người thuộc câu lạc bộ Dư luận, là trách nhiệm. Trách nhiệm đã để cái ác, cái xấu xảy ra. Và nếu có thứ cảm xúc nào chúng ta cần phải có, đó nên là sự xấu hổ. Xấu hổ chừng nào cái ác, cái xấu, cái sai trái vẫn còn tồn tại.

Bạn có thể cười khẩy, hoặc gạt phăng, vớ vẩn, liên quan gì tới tôi mà phải xấu hổ?!

Cho phép được hỏi, nếu bạn từng tự hào với những thứ vô thưởng vô phạt, hoặc không hề liên quan tới mình, như cái chân trái của Quang Hải, sức trẻ của Ánh Viên, bản lĩnh của Hoàng Xuân Vinh, hay trí tuệ của Ngô Bảo Châu, vậy làm thế nào bạn lại không thấy xấu hổ khi xã hội vẫn còn những tên giết người, hiếp dâm, cướp của, vẫn còn những kẻ gian manh, tham nhũng, độc tài, hại người lương thiện? Cái xã hội mà bạn là một phần sinh động trong đó, nếu tự hào được với những thứ tốt đẹp, vì sao lại không xấu hổ được với những thứ xấu xa?

Và nếu một người không biết xấu hổ, liệu có thể hy vọng gì tới trách nhiệm của người đó để thay đổi xã hội này?

Nhiều người đã từng nghe qua về “Hiệu ứng cánh bướm” (Butterfly effect) với hình ảnh một chú bướm đập cánh ở LA bên này địa cầu (Long An) có thể gây ra bão tại L.A. bên kia trái đất (Los Angeles). Mỗi một việc chúng ta làm, hay trong rất nhiều trường hợp, việc chúng ta không (muốn) làm, đều dẫn đến những kết quả/ hậu quả vượt xa trí tưởng tượng. Chúng ta có phần trong tất cả mọi thứ trên đời, bất kể tốt xấu. Nếu có thể sung sướng nhận lấy phần vui của những chuyện tốt, lý do gì chúng ta có thể từ chối nhận phần trách nhiệm của mình cho những việc xấu?

Ý thức cần phải xấu hổ là một yếu tố cân nhắc mà nếu một ngày nào đó trở thành nạn nhân của kẻ tội phạm, người viết hi vọng mình có đủ dũng khí để không phán tội chết cho những kẻ đó (nếu tội đó đáng chết). Nó không liên quan gì đến tinh thần nhân văn, chỉ đơn giản là một lời nhắc nhở bản thân, rằng mình đã thất bại khi để cái ác đó xảy ra. Giữ lại lời nhắc nhở đó càng lâu càng tốt để bản thân lẫn những người xung quanh luôn nhớ về nó mà làm mọi cách sao cho cái ác không còn lặp lại.

Tất nhiên, nói luôn luôn dễ hơn làm. Rất có thể người viết sẽ không bao giờ làm được.
Nhưng không làm được không đồng nghĩa với không nên làm, và lại càng không có nghĩa là không nên nói ra.

Khi chúng ta không thể tự nhắc nhở, nuôi ý thức xấu hổ về những cái gian cái ác vẫn còn hiển hiện, mọi thứ công lý giành được đều chỉ là kiểu công lý “mì ăn liền”.

Mì ăn liền có ngon không? Ngon. No bụng không? No. Đã vậy còn rẻ nữa.

Vậy có thể ăn lâu dài không?

Tùy mỗi người lựa chọn.





No comments: