Sunday, March 3, 2019

COCAIN : NGUỒN SỐNG CỦA QUAN CHỨC & NỀN KINH TẾ VENEZUELA (RFI)




Đăng ngày 03-03-2019

Cả giới tướng lĩnh quân đội lẫn quan chức cao cấp của chính phủ Venezuela dường như đều tham gia “bảo kê” cho hoạt động phi pháp của các băng đảng trên lãnh thổ nước này. Venezuela là một mắt xích chủ đạo trong mạng lưới vận chuyển cocain quốc tế. Hoạt động buôn lậu siêu lời này đang đè nặng lên đất nước trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay.

RFI ngày 14/02/2019 đăng tải bài "Trọng lượng của cocain trong cuộc khủng hoảng Venezuela hiện nay”, phỏng vấn nhà nghiên cứu David Weinberger, thuộc Viện Cao Học về An Ninh và Tư Pháp (Institut des Hautes Etudes de la Sécurité et de la Justice, INHESJ). Sau đây là phần tóm lược các nhận định của nhà nghiên cứu David Weinberger.

Venezuela : Trạm trung chuyển cocain từ Nam Mỹ ra thế giới
David Weinberger phân tích hai yếu tố. Thứ nhất, Venezuela có vị trí địa lý lý tưởng, nằm ở phía bắc của Nam Mỹ, gần với thị trường Bắc Mỹ rộng lớn, đồng thời hướng cả đến thị trường châu Âu thông qua con đường trực tiếp từ một số nước như Pháp và Tây Ban Nha, hoặc gián tiếp qua ngả Tây Phi. Yếu tố thứ hai là Venezuela có đường biên giới dài với Colombia, nhà sản xuất cocain lớn nhất thế giới và đang đạt kỷ lục lịch sử về sản lượng, khoảng 1.410 tấn vào năm 2016.

Cocain được vận chuyển theo hai bước. Bước thứ nhất liên quan đến khối lượng cocain được chuyển từ Colombia sang Venezuela. Các bang Colombia nằm ở biên giới sản xuất cocain và chuyển số hàng này sang Venezuela bằng đường bộ hoặc các đường thủy, còn được gọi là “những đường cao tốc” trong rừng Amazon rộng lớn. Có rất ít phi vụ vận chuyển bằng máy bay, vì các chuyến bay cất cánh từ Colombia đều bị kiểm soát rất nghiêm ngặt. Ở bước thứ hai, một khi đã tới Venezuela, cocain được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài chủ yếu bằng đường hàng không và tầu thủy.

Hiện không có số liệu chính thức về khối lượng cocain trung chuyển ở Venezuela, nhưng theo lời khai năm 2008 của một ông trùm ma túy, mỗi tuần băng đảng này vận chuyển khoảng 30 tấn cocain, như vậy là gần 360 tấn mỗi năm. Con số này tương đương với khoảng 1/4 sản lượng của Colombia vào thời kỳ đó.

Cocain: Nguồn thu ngoại tệ của Venezuela
Theo nhà nghiên cứu Pháp, vận chuyển cocain mang về khoảng 500 triệu đô la mỗi năm cho nền kinh tế Venezuela. Với những khó khăn do khủng hoảng kinh tế và đồng bolivar mất giá, ngoại tệ có được từ buôn bán ma túy bất hợp pháp là nguồn thu vô cùng quan trọng cho Venezuela.

Giống như nhiều nước Nam Mỹ nằm gần các vùng sản xuất cocain (Colombia, Pêru, Bolivia), mạng lưới phân phối loại ma túy này được hình thành từ những năm 1990 và Venezuela không phải là trường hợp ngoại lệ. Hai viên tướng của Venezuela bị bắt vào năm 1993 vì liên quan đến mạng lưới vận chuyển ma túy.

Sau đó, việc vận chuyển cocain qua ngả Venezuela tăng lên đáng kể sau khi xảy ra khủng hoảng ngoại giao giữa Caracas và Washington. Năm 2005, tổng thống Hugo Chavez quyết định trục xuất Lực lượng chống ma túy của Mỹ (DEA) hoạt động ở thủ đô Caracas, vì cáo buộc Hoa Kỳ giật dây một âm mưu đảo chính vào năm 2002. Sự kiện này đã chấm dứt mọi hợp tác chống buôn bán ma túy ở Venezuela.

Ngoài ra, hoạt động chống buôn bán ma túy của Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu dựa vào hệ thống radar theo dõi ở vùng núi Andes. Nhưng sau năm 2005, chính quyền Caracas đã ngừng cung cấp thông tin radar về lãnh thổ Venezuela và điều này đã tạo ra một "vùng đen", nơi các loại máy bay, bất kể lớn nhỏ, có thể vận chuyển cocain sang nơi khác mà không bị nhận dạng.

Nguồn gốc của tình trạng buôn bán ma túy ở Venezuela
Nhà nghiên cứu David Weinberger nhấn mạnh đến việc Venezuela và Colombia gắn bó với nhau về mặt lịch sử vì trước đây, cả hai nước nằm trong vùng Đại Colombia thuộc Tây Ban Nha. Hai nước vẫn giữ mối liên hệ về ngôn ngữ, văn hóa và chính trị.

Ngoài đối phó với nạn buôn bán cocain, Colombia còn phải đối đầu với các cuộc nội chiến ngay từ thập niên 1990 với nhiều lực lượng nổi dậy FARC (Lực lượng vũ trang Cách mạng Colombia), ELN (Quân đội Giải phóng Quốc gia) và lực lượng bán quân sự. Những lực lượng nổi dậy này sử dụng vùng biên giới với Venezuela làm một trong những hậu phương để cung cấp lương thực, huấn luyện và tẩu thoát khi phía chính quyền Colombia tổ chức những cuộc tấn công gay gắt.

Từ thập niên 1990, các tổ chức FARC và ELN đã thiết lập các mối quan hệ kinh tế có liên quan đến buôn bán ma túy. Và từ khoảng những năm 2000, các nhóm này đã bắt tay với nhiều nhân vật quan trọng trong mạng lưới vận chuyển cocain ở Venezuela.

Tướng lĩnh cao cấp Venezuela tham gia vận chuyển cocain
Ngay từ thập niên 1990, nhiều tướng lĩnh của Venezuela đã tham gia vận chuyển cocain và bị kết án. Vì thế mà xuất hiện từ “băng đảng Mặt Trời - Los Soles”, vì các tướng không đeo “sao” trên quân phục mà là hình “mặt trời”.

Một ông trùm ma túy, Walid Makled Garcia, bị bắt năm 2008, khai rằng tất cả các mối quan hệ của y đều là cấp tướng. Người này đã trả tiền cho khoảng 40 viên tướng ở Venezuela và hình thành một mạng lưới hoạt động từ rất lâu.

Những viên tướng kiểm soát biên giới trở thành nhân tố trung tâm trong việc bảo vệ các đoàn xe chở cocain. Họ nhận tiền để hộ tống những đoàn xe đó và ngày càng theo hướng đảm bảo hàng được chuyển đến nơi tiêu thụ cuối cùng. Walid Makled Garcia khai đã chi 50.000 đô la mỗi tuần cho các viên tướng trên để có thể tiếp liệu cho đoàn xe và bảo vệ cocain.

Theo Hoa Kỳ, rất nhiều người trong số tướng lĩnh trên đóng vai trò chủ đạo trong hành trình vận chuyển ma túy và nhiều người trong số đó đã bị Tư Pháp Mỹ kết án. Người ta cho rằng một số tướng lĩnh có ảnh hưởng nhất tại Venezuela hoàn toàn nắm rõ về tình trạng buôn bán ma túy ở trong nước.

Từ bộ trưởng đến vợ tổng thống Maduro cũng nhúng chàm
Tại Venezuela, nạn tham nhũng bùng nổ, đồng tiền mất giá trị, nguồn thu từ dầu mỏ rơi vào tay những người chủ chốt trong bộ máy nhà nước, lợi nhuận từ cocain vừa nằm trong tay giới tướng lĩnh và quân đội, vừa rơi vào tay nhiều quan chức có thế lực trong các bộ ngành, như nhiều đời bộ trưởng Nội Vụ, hoặc trong các bộ Y Tế, Giao Thông…

Hoa Kỳ đã kết án một cựu bộ trưởng Nội Vụ, Tư Pháp và Hòa Bình Venezuela (2008-2012), ông Tareck El Aissami (cựu phó tổng thống Venezuela và hiện là bộ trưởng Công Nghiệp và Sản Xuất Quốc Gia), trong vụ vận chuyển 1,3 tấn cocain trên một chuyến bay Caracas-Paris năm 2013. Một vụ khác liên quan đến tướng Diosdado Cabello, chủ tịch Quốc Hội, người được coi là sếp của các thủ lĩnh.

Tất cả thông tin trên được thu thập từ các cuộc điều tra của Mỹ. Hoa Kỳ cũng kết án nhiều vụ buôn bán ma túy. Nhưng rất khó lần lên được đến thượng tầng ở Venezuela, dù một vài nhân vật thân cận của của tổng thống Nicolas Maduro đã bị Tư pháp Mỹ kết án. Điển hình là vụ một vài người cháu và vợ ông Maduro bị cáo buộc liên quan đến một vụ xuất khẩu 800 kg cocain. Dĩ nhiên, những người này vẫn tại chức, vì không có bằng chứng cụ thể nào kết tội thượng tầng Nhà Nước Venezuela cũng nhúng tay vào buôn bán cocain.

Các chuyên gia Colombia cho rằng cấp độ vận chuyển cocain sẽ gia tăng ở Venezuela vì các nhóm nổi dậy vũ trang Colombia đã giải thể sau khi kí thỏa thuận hòa bình với chính phủ. Vấn đề đặt ra, theo nhà nghiên cứu người Pháp, là vai trò của tướng lĩnh quân đội, những người nắm rõ tình hình buôn bán cocain trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Venezuela. Liệu họ sẽ tiếp tục ủng hộ tổng thống Maduro để bảo vệ vận chuyển cocain, hoạt động thương mại chủ lực của họ ?

Đằng sau tầm quan trọng về mặt kinh tế của ngành dầu hỏa, rất nhiều khả năng cocain là nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai của Venezuela. Và điều này sẽ là một yếu tố rất quan trọng trong cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra hiện nay ở Venezuela.







No comments: