Vietnamnet ngày 15/3/2019 có đăng bài “Người Việt lười biếng nên mới phản đối cấm xe máy” của
tác giả Đ. Bảo.
VÀI NHẬN XÉT
1. Trong suốt bài viết, tác giả không đưa ra những lập
luận của mình để minh chứng nhận định trên, mà lại chỉ dùng ý kiến xã hội:
“Chủ trương cấm xe máy của Hà Nội vào năm 2030 được
nhiều người đồng tình ủng hộ vì “tắc đường ngán ngẩm lắm rồi”. Nhưng cũng rất
nhiều người phản đối vì cho rằng phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu”.
Ý kiến xã hội “ nhiều người đồng tình”, “ nhưng cũng
rất nhiều người phản đối” lại không có số liệu thống kê, mà chỉ là cách nói
chung chung, vô thưởng, vô phạt.
2. Tưởng là vô thưởng, vô phạt, thực ra lại rất có hại
cho xã hội và cho cá nhân. Chẳng hạn trong “ phê và tự phê”, người phê bình hay
dùng “ có nhiều ý kiến…” nhưng trên thực tế thì chỉ có ý kiến của mỗi người phê
bình”. Cách phê bình “có nhiều ý kiến…” là công cụ hữu hiệu triệt hạ “đồng
chí”.
3. Tiếp đến tác giả đưa ra khẳng định: “Lẽ ra phải cấm
từ lâu” . Rồi lại viện dẫn: “Rất nhiều bạn đọc bày tỏ sự ủng hộ việc cấm xe máy
và đưa ra những giải pháp thiết thực.” Mà cũng không đưa ra các số liệu thống
kê xác thực.
4. Nhân định tiếp
theo của tác giả là “ Bỏ xe máy để đi bộ cho khỏe”:
“Về việc nhiều bạn đọc cho rằng cấm xe máy sẽ phải
đi bộ xa, bạn Ngô Anh thẳng thắn: “Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, còn không ngồi
nhìn! Nhật Bản họ cũng đi bộ nhiều, dân mình giờ lười biếng hơn, chịu khó thức
khuya nhậu nhẹt, ăn chơi nhưng lại ngại dậy sớm, đi bộ đi làm”.
Đến đây thì hoàn toàn lộ ra rằng, chính bạn Ngô Anh
nào đó đã đưa ra ý kiến “dân mình giờ lười biếng hơn, chịu khó thức khuya nhậu
nhẹt, ăn chơi nhưng lại ngại dậy sớm, đi bộ đi làm”.
Lấy ý một bạn Ngô Anh nào đó để khẳng định “Người Việt
lười biếng nên mới phản đối cấm xe máy”, là nhận định chủ quan của tác giả Đ. Bảo.
5.Tiếp đến tác giả khẳng định: “Cốt lõi là quy hoạch”.
“Dù ủng hộ hay phản đối thì nhiều bạn đọc đều đưa ra
kiến nghị là cần làm tốt giao thông công cộng đã. Đồng thời, phải có chế tài phạt
nặng để đưa người dân vào quy củ”.
Như vậy, thay vì nội dung chính của bài báo “Cốt lõi
là quy hoạch”, thì tác giả lại biến thành “Người Việt lười biếng nên mới phản đối
cấm xe máy”.
MỤC ĐÍCH BÀI VIẾT
Đưa ra những điều trên để nói về mấy điều sau đây.
1. Không phải cứ ca ngợi một chiều, rồi giấu giếm mà
không dám chỉ ra khuyết điểm của người Việt. Nhưng nhận xét về nhân cách của
người Việt, dù tốt hay xấu, phải có luận cứ thuyết phục.
2. Tự do thể hiện quan điểm cá nhân là điều bình thường.
Nhưng quy nhân cách lười biếng cho người Việt với chủ đích biện minh cho một
chính sách thì không phải đích thực chính kiến trong tâm. Hóa ra, không phải
chính sách sai, mà do người Việt lười biếng. Đây là một nhận định quá hồ đồ về
nhân cách người Viêt. Một kiểu bảo vệ lộ liễu.
3. Người Hà Nội muốn đi bộ cũng khó có vỉa hè mà đi
bộ. Đường Lê Văn Lương – Tố Hữu mới quy hoạch ở thế kỷ 21 mà vỉa hè lại hẹp hơn
phố Phan Đình Phùng do người Pháp quy hoạch cả hơn trăm năm về trước, ở thế kỷ
19.
4. Không giải quyết căn bản vấn đề giao thông công cộng
thì mọi phương thức cấm các phương tiện giao thông cá nhân đều rất ít hiệu quả.
Có một hệ thống tàu điện ngầm như Matxcova hay Tokyo
thì xe máy có tự dần biến mất không? Người Việt sang Matxcova hay Tokyo có lười
biếng đi bộ không? Đây chính là một phần lời giải của bài toán, chứ không phải
cấm đoán.
5. Không thể nói “nhiều ý kiến đồng tình”, “nhiều ý
kiến phản đối” một cách mơ hồ. Cũng không thể thăm dò ý kiến chung chung trên
trang web nào đó thiếu kiểm chứng.
Hãy hỏi ý kiến chính thức toàn bộ công dân Hà Nội.
Lúc đó sẽ biết có bao nhiêu triệu người trong số gần 10 triệu dân Thủ Đô ủng hộ
chính sách cấm xe máy của sở GTVT.
Người dân Hà Nội nói riêng, và người dân Việt Nam
nói chung, chưa một lần được lấy ý kiến chính thức. Chính quyền “vì dân” thì có
gì phải sợ mà không dám nghe theo ý dân?
Hãy thử một lần. Nhân Dân đang khát khao được hỏi ý
kiến.
No comments:
Post a Comment