Mai V. Phạm
08/03/2019
Trong tiềm thức của rất nhiều người Việt, “xã hội chủ
nghĩa” hoặc “chủ nghĩa xã hội” (socialism) thường đi đôi với chế độ cộng sản. Sự
căm ghét của hàng triệu người Việt đối với chủ nghĩa xã hội là hệ quả đến từ
ách cai trị hung bạo của Đảng Cộng sản, trốn dưới danh nghĩa “Cộng hòa Xã Hội
Chủ Nghĩa Việt Nam”.
Xét về mặt lý thuyết, chủ nghĩa xã hội là giai đoạn
trước khi tiến lên chủ nghĩa cộng sản (communism). Chủ nghĩa xã hội là một hệ
thống kinh tế và chính trị, trong đó các nhà máy, công ty, bệnh viện, sản phẩm,
dịch vụ … thuộc sở hữu toàn dân và chính quyền giới hạn quyền tư hữu. Khắc nghiệt
hơn là chủ nghĩa cộng sản, trong đó nhà nước can thiệp nặng nề vào mọi khía cạnh
của xã hội, bãi bỏ quyền tư hữu và độc quyền mọi quyết định kinh tế.
Trong thực tế, các nước tự nhận theo mô hình “xã hội
chủ nghĩa” như Velezuela, Việt Nam … thực chất không phải theo
thể chế chính trị hoặc mô hình kinh tế chủ nghĩa xã hội, nhưng là độc tài cộng
sản. Điểm chung để nhận ra bản chất độc tài của các nước này thể hiện ở Hiến
pháp, quy định sự lãnh đạo độc nhất của đảng cầm quyền – Đảng Cộng sản.
Chẳng hạn, Điều 4 Hiến pháp Việt Nam quy định: không
một lực lượng nào có quyền lãnh đạo đất nước ngoài đảng Cộng sản. Quy định 90-QĐ/TW ban hành ngày 4/8/2017: chỉ những người
do đảng Cộng sản tuyển chọn mới được phép lãnh đạo Việt Nam. Tóm lại,
Venezuala, Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn… núp dưới cái tên “chủ nghĩa xã hội”
hoặc “cộng hòa dân chủ” để vận hành bộ máy độc tài toàn trị.
Chủ Nghĩa Xã Hội dưới mắt đảng Cộng hòa và đảng
Dân Chủ ở Mỹ
Kể từ sau Thế chiến Thứ II, các chiến dịch tranh cử
của một số thành viên đảng Cộng hòa (Republican) thường có một điểm chung: gieo
rắc nỗi sợ để thuyết phục cử tri bỏ phiếu. Ví dụ, năm 1945, khi Tổng thống
Harry Truman thuộc đảng Dân chủ đề xuất chương trình bảo hiểm y tế, Hiệp hội Y
khoa Hoa Kỳ có khuynh hướng bảo thủ đã lên án, gọi các nhân viên Nhà Trắng là “những môn đồ của đảng [Cộng sản] Moscow“.
Thời nay, Tổng thống Trump mặc cho di dân chiếc áo
ác quỷ và dùng lá bài “chủ nghĩa xã hội” để tấn công đảng Dân chủ. Thực tế,
Trump không phải người đầu tiên sử dụng lá bài “chủ nghĩa xã hội” để lên án đối
lập nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri. Đảng Cộng hòa vốn có một lịch sử lâu
dài, đánh đồng các chính sách của đảng Dân chủ với lá bài “chủ nghĩa xã hội”.
Sử gia Kevin Kruse, Đại học Princeton, chỉ ra rằng,
đảng Cộng hòa đã tận dụng lá bài “chủ nghĩa xã hội” để lên án và bôi nhọ các
chương trình y tế của đảng Dân chủ từ thập niên 50. Ví dụ, Bộ trưởng Bộ Y tế thời
Tổng thống Dwight Eisenhower, đã lên án một kế hoạch cung cấp vắc-xin bại liệt
miễn phí cho trẻ em của đảng Dân chủ như là một “cửa sau” dẫn tới dịch vụ y tế miễn phí của “chủ nghĩa
xã hội”.
Năm 1960, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa
Barry Goldwater đã viết một lá thư gửi Thượng Nghị sĩ Lyndon B. Johnson,
kêu gọi ông đừng tham gia phe của ứng cử viên Tổng thống John F. Kennedy bởi nó
có dáng dấp của “chủ nghĩa xã hội”.
Năm 1961, Ronald Reagan được phe bảo thủ mời làm người
phát ngôn chống lại chương trình Medicare của đảng Dân chủ. Trong một bài phát
biểu trên radio, Ronald Reagan nói, Medicare sẽ đưa nước Mỹ đến “độc tài
chủ nghĩa xã hội”. Thực tế là Medicare là chương trình bảo hiểm sức khỏe liên
bang dành cho người từ 65 tuổi trở lên, hiện rất phổ biến và được đông đảo người
Mỹ ủng hộ, sau khi Tổng thống Lyndon B. Johnson ký thông qua ngày 30/7/1965.
Năm 1963, khi Đạo luật Dân Quyền (Civil Rights Act –
nghiêm cấm kỳ thị dựa trên chủng tộc, màu da, hay quê quán) chưa được thông
qua, thì phe bảo thủ đảng Cộng hòa đã chỉ trích nó là “một dự luật của những người chủ nghĩa xã hội”.
Năm 2008, Thượng Nghị sĩ John
McCain cũng tấn công chính sách thuế của ứng viên Tổng thống
Barack Obama, gọi nó là sản phẩm của “chủ nghĩa xã hội”.
Có thể dễ dàng nhận ra chiêu bài quen thuộc của đảng
Cộng hòa trong suốt hơn 70 năm qua: gán “chủ nghĩa xã hội” lên nhiều chính sách
của đảng Dân chủ. Hiện tại, đảng Cộng hòa và Trump tăng cường vu cáo các chương
trình của đảng Dân chủ là sản phẩm của “chủ nghĩa xã hội”.
Trump và đồng đảng muốn cử tri tin rằng những gì đảng
Dân chủ đang thực hiện là nhằm xây dựng “chủ nghĩa xã hội”, giống như
Venezuela. Thực tế, những chính sách của đảng Dân chủ mà đảng Cộng hòa quy chụp
“chủ nghĩa xã hội” chính là: đại học miễn phí, y tế miễn phí và bảo vệ môi trường.
Theo các bản thăm dò gần đây tại Mỹ, các cử tri trẻ
tuổi có thái độ tích cực với “chủ nghĩa xã hội”. Đối với họ, “chủ nghĩa xã hội”
đồng nghĩa với dịch vụ y tế và giáo dục miễn phí, cũng như một nền kinh tế mà
các tỷ phú phải đóng thuế theo tỷ lệ tương ứng với thu nhập của họ.
Như phân tích ở trên, đảng Cộng hòa luôn sử dụng
chiêu bài “chủ nghĩa xã hội” để bôi nhọ và tấn công các chính sách an sinh của
đảng Dân chủ. Cụ thể là chương trình chăm sóc sức khỏe cho mọi công dân
(Medicare-For-All) và bảo vệ môi trường (Green New Deal). Theo các bản thăm dò gần đây, phần lớn người Mỹ ủng hộ
chương trình “Medicare-For-All” với tỉ lệ khá cao.
Chương trình bảo hiểm sức khỏe liên bang Medicare của
đảng Dân chủ cũng từng bị đảng Cộng hòa chống đối và dán mác “chủ nghĩa xã hội”.
Hiện nay, Medicare được ủng hộ rộng rãi và trợ giúp sức khỏe cho hàng triệu người
Mỹ mỗi năm.
Đảng Cộng hòa: “the
party of fear” – chính Đảng của nỗi sợ
Quan sát kết quả từ máy quét MRI lên não bộ của những
sinh viên, các nhà nghiên cứu của trường ĐH University College London đã phát
hiện ra những người tự xưng là bảo thủ (conservative) có hạch nhân (amygdala) lớn
hơn những người tự nhận là tự do phóng khoáng (liberal). Hạch nhân – amygdala nằm
sâu trong não, thường hoạt động trong trạng thái sợ hãi và lo lắng. Nói cách
khác, các nhà nghiên cứu kết luận rằng những người theo
khuynh hướng bảo thủ thường để nỗi sợ kiểm soát thái độ và hành động hơn những
người theo khuynh hướng tự do phóng khoáng.
Không phải chỉ một nghiên cứu của University College
London, mà còn nhiều nghiên cứu khác cho ra kết quả tương tự. Có
lẽ vì thế mà mấy mươi năm qua, đảng Cộng hòa luôn thích dùng chiêu “gieo rắc nỗi
sợ” để kiếm phiếu. Ông kẹ “chủ nghĩa xã hội” đã quá quen thuộc với hàng chục
triệu người Mỹ, bởi nó đã được đảng Cộng hòa sử dụng trong 70 năm qua để lên án
các chương trình cấp tiến của đảng Dân chủ.
Trả lời về chiêu bài “chủ nghĩa xã hội” của đảng Cộng
hòa, ông Les Tesdell, một nông dân ở tiểu bang Iowa nói: “Tất
cả là nhảm nhí, vớ vẩn. Đảng Cộng hòa thích quăng từ ‘chủ nghĩa xã hội’. Họ
trói buộc những người phe Dân chủ vào chế độ xã hội chủ nghĩa và gắn liền
nó với độc tài. Nhưng thực tế không phải như vậy. Điều mà các thành viên đảng
Dân chủ tuyên bố là chúng ta cần quan tâm đến mọi người”.
Hai câu hỏi dành cho những ai nghe theo đảng Cộng
hòa, tin rằng đảng Dân chủ sẽ xây dựng “chủ nghĩa xã hội”:
– Dựa vào bằng chứng nào chứng minh đảng Dân chủ muốn
xây dựng “chủ nghĩa xã hội”?
– Bằng cách nào các chương trình kinh tế của đảng Dân
chủ, bao gồm đại học miễn phí, y tế miễn phí và bảo vệ môi trường, sẽ biến Hoa
Kỳ thành “chủ nghĩa xã hội”?
Thay Lời Kết
Để xác định mức độ độc tài hay dân chủ của một quốc
gia cần dựa vào nhiều yếu tố: tôn trọng nhân quyền, thượng tôn pháp luật, minh
bạch chính phủ, tự do kinh tế, và bầu cử tự do. Yếu tố quyết định mức độ dân chủ
của một quốc gia chính là lực lượng lãnh đạo – các chính trị gia của đảng cầm
quyền và đối lập phải biết đặt lợi ích của tổ quốc lên trên lợi ích đảng phái.
Một quốc gia cho phép đa đảng và theo chế độ chủ
nghĩa xã hội như Venezuela hoặc chế độ dân chủ tổng thống như Nga, vẫn là độc
tài, bởi mọi quyền lực đều nằm trọn trong tay Maduro và Putin. Miệng nói dân chủ,
nhưng mọi hành động lại tập trung vào đàn áp đối lập và chà đạp nhân quyền thì
mãi mãi vẫn là độc tài.
Có thể dễ dàng nhận ra, việc Trump lên án chủ nghĩa
xã hội cũng là “chiến lược” hù dọa trong hơn 70 năm qua của đảng Cộng hòa. Nếu
thực tâm hiểu bản chất của “chủ nghĩa xã hội”, Trump đã không ca ngợi “Việt Nam đang phát triển” và chọn Việt Nam là mô hình
phát triển cho Bắc Hàn. Và
nếu thực lòng căm ghét chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, Trump đã không
trơ trẽn giơ cao lá cờ đỏ sao vàng – biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản, khi đến
Việt Nam gặp gỡ Kim Jong-un. Từ sau Chiến tranh Lạnh, không một tổng thống
Mỹ nào lại cười hớn hở, giơ cao ngọn cờ cộng sản như Donald Trump đã làm. Phải
chăng, trong suy nghĩ của Trump, “chủ nghĩa xã hội” thì xấu, nhưng “chủ nghĩa cộng
sản” thì tốt đẹp?
“Chiến lược” ông kẹ “chủ nghĩa xã hội” sẽ còn được đảng
Cộng hòa tiếp tục sử dụng để tấn công đối lập và hù dọa cử tri nhằm kiếm phiếu.
Nó có thể sẽ không bao giờ biến mất cũng giống như Trái đất quay quanh Mặt trời.
Điều quan trọng là đừng để nỗi sợ khống chế khả năng suy nghĩ độc lập. Hãy vượt
qua nỗi sợ và sự căm thù để công tâm tiếp nhận và kiểm chứng thông tin. Cử tri
có khả năng và hiểu biết, chính là sức mạnh kéo dài tuổi thọ của nền dân chủ.
No comments:
Post a Comment