Tuesday, March 12, 2019

BẾ TẮC THƯƠNG MẠI MỸ : LỖI Ở DONALD TRUMP? (Minh Anh - RFI)




Minh Anh – RFI
Đăng ngày 12-03-2019

Mục bình luận về kinh tế của báo Le Monde ngày 12/03/2019 có bài « Bế tắc thương mại Mỹ » của Stéphane Lauer, nêu rõ những sai lầm của tổng thống Mỹ khi tiến hành chiến tranh thương mại với phần còn lại của thế giới, nhưng thâm hụt cán cân mậu dịch của Hoa Kỳ vẫn gia tăng.

Theo tác giả, kinh tế không phải là một môn khoa học chính xác. Có những điểm được cho là đúng vào ngày hôm nay lại không thể đứng vững sau vài thập niên. Nền kinh tế không hoạt động một cách máy móc. Các học thuyết kinh tế không phải luôn luôn đúng trong mọi hoàn cảnh.

Cách nay một năm, tổng thống Mỹ tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại trên phạm vi toàn cầu nhằm làm giảm thâm hụt cán cân thương mại của Hoa Kỳ. Một năm sau, nhập siêu của Mỹ (không kể dịch vụ) lên tới 891 tỷ đô la, tăng 10%, mức kỷ lục. Thực ra, để làm hài lòng thành phần cử tri ủng hộ ông, tổng thống Mỹ đã phát động chiến tranh thương mại nhưng ông lại nhầm mục tiêu.

Báo Le Monde cho rằng, thâm hụt cán cân thương mại không phải do Trung Quốc cạnh tranh không lành mạnh, không phải do Mêhicô áp dụng chính sách phá giá, không phải do châu Âu không muốn mua hàng của Mỹ… Việc Hoa Kỳ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu chủ yếu là do các mất cân đối kinh tế vĩ mô, trước tiên là vì mức tiết kiệm không đủ. Do chính quyền Trump không giải quyết các mất cân đối này, chính sách kinh tế hiện nay chỉ làm cho vấn đề trầm trọng hơn.

Những sai lầm của Donald Trump

Tác giả Stéphane Lauer nêu ra các sai lầm của chính quyền Trump. Để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, Washington đã tiến hành giảm thuế ồ ạt, kết hợp với việc tăng chi ngân sách mạnh. Biện pháp này đã kích thích tiêu thụ trong nước một cách giả tạo.

Trong khi đó, để làm tăng nhu cầu, lẽ ra, chính quyền phải kích thích sản xuất bởi vì nền kinh tế Mỹ đạt một mức độ chuyên môn hóa nhất định và đang trong tình trạng gần như toàn dụng nhân lực. Hậu quả là trong 15 năm vừa qua, nhập khẩu chỉ chiếm có 24% trong tổng chi tiêu thụ. Đến năm 2018, tỉ lệ này lên đến 27%.

Một sai lầm khác là Mỹ tiến hành tăng chi ngân sách để kích thích nền kinh tế quốc gia trong lúc kinh tế toàn thế giới đang bị chậm lại. Quyết định này gây tác động ngược lại, làm tăng giá trị đồng đô la, qua đó, làm giảm sức cạnh tranh trong xuất khẩu và thúc đẩy nhập khẩu.

Các biện pháp tăng thuế, bảo hộ mậu dịch cũng không có sức thuyết phục. Ví dụ, việc tăng mức thuế đối với thép nhập khẩu chỉ làm lợi cho các ngành sản xuất thép, nhưng không giúp tạo thêm việc làm. Ngược lại, việc tăng thuế nhập khẩu đã gây thiệt hại cho nhiều tập đoàn, như Ford 750 triệu đô la, Whirlpool 300 triệu… Nói tóm lại, chính những người tiêu dùng Mỹ phải hứng chịu hậu quả của việc tăng thuế nhập khẩu.

Le Monde kết luận, do không hiểu biết các nguyên tắc kinh tế cơ bản, Donald Trump ngoan cố leo thang căng thẳng thương mại, không giúp giải quyết được những vấn đề của nước Mỹ, làm cho hệ thống trao đổi thương mại toàn cầu chao đảo. Cách nay một năm, Donald Trump tuyên bố Mỹ dễ dàng giành chiến thắng trong các cuộc chiến. Một năm sau, nguy cơ tất cả mọi người đều thua thiệt lại càng hiện rõ.

*
Châu Âu : Châu lục già cỗi, tăng trưởng kiệt quệ

Liên quan đến châu Âu, nhật báo kinh tế Les Echos có bài nhận định « Châu Âu, châu lục của sức tăng trưởng kiệt quệ ».

Mở đầu bài viết, cây bút xã luận của nhật báo, ông Jean-Marc Vittori buồn bã ví « Châu Âu giờ giống như một chiếc xe ô tô cũ kỹ mà động cơ đã bị hụt hơi ngay khi người ta vừa tăng tốc ». Tăng trưởng của châu Âu trong những gần đây liên tục sụt giảm. Năm 2017 được cho là có mức tăng cao nhất trong 10 năm qua với tỷ lệ 2,5%. Năm nay, OCDE - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự báo tăng trưởng châu Âu chỉ ở mức có 1%.

Lỗi ở đâu ? Tại vì Trung Quốc tăng trưởng trì trệ ? Tại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gây khó khăn cho nền kinh tế châu Âu ? Vậy tại sao Trung Quốc khó khăn như thế vẫn có được sức tăng trưởng ở mức 6-6,5% ? Hoa Kỳ vẫn được 3% ? Tác giả cho rằng đó chẳng qua chỉ là những lời biện hộ. Nguyên nhân chính chẳng nằm ở đâu xa hết mà ngay chính trong lòng lục địa với hai vấn đề cơ bản.

Vấn đề thứ nhất là thị trường việc làm. Liên Hiệp Châu Âu có tỷ lệ thất nghiệp cao ngất ngưởng 6,5% và thậm chí là 7,8% trong khối đồng tiền chung châu Âu. Tốc độ tăng lương ở mức 2,5% là một tín hiệu cho thấy châu lục này gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động hơn ở bất kỳ nơi khác.

Doanh nghiệp châu Âu không chỉ vất vả trong việc tìm kiếm các nhân tài mà cả trong việc đào tạo tay nghề và tái cơ cấu việc làm. Điều này còn phản ảnh rõ một thực tế khác : Dân số châu lục ngày càng già đi. Số người trên 65 tuổi chiếm đến 19% dân số, so với tỷ lệ 15% tại Mỹ và 11% tại Trung Quốc.

Vấn đề thứ hai liên quan đến sản xuất. Sau thời kỳ hoàng kim từ thế kỷ XIX cho đến khoảng những năm 1990-2000, châu Âu dường như đã lỡ bước trong bước ngoặt công nghệ trong từng lĩnh vực một. Ví dụ điển hình nhất chính là ngành công nghệ viễn thông, với thế hệ điện thoại di động đời thứ 4 và thứ 5. Và trong một chừng mực nào đó là ngành sản xuất xe ô tô điện, dù rằng Renault đã chính thức tham gia thị trường từ năm 2006.

Tác giả chỉ trích thái độ chần chừ không quyết đoán của các lãnh đạo châu Âu và không có một tầm nhìn dài hạn. Trong khi Trung Quốc với chương trình Made In China 2025 áp đặt các doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ và thiết lập các thứ tự ưu tiên. Hoa Kỳ tìm cách thu hút nhân tài trên thế giới với mô hình đầu tư chấp nhận rủi ro, nhưng cũng không ngần ngại thẳng tay trừng phạt và thậm chí cấm cửa các doanh nghiệp nước ngoài nếu thấy cần thiết. Dù vậy, tác giả cũng còn chút hy vọng mùa xuân lại trở về với châu lục, mong rằng năm 2019 sẽ ít tồi tệ hơn như là dự kiến.

*
Con đường Tơ Lụa Mới : Ý đánh lẻ, châu Âu lo lắng

Cũng tại châu Âu, báo Le Monde trở lại thông báo của thứ trưởng Thương Mại Ý quyết định tham gia dự án « Con đường Tơ lụa mới » của Trung Quốc. Tờ báo nhận thấy « các đồng minh của Ý lo ngại về việc Ý xích lại gần với Trung Quốc ».

Dù rằng chính phủ Ý có lên tiếng trấn an các đồng minh châu Âu là sẽ có những « cẩn trọng cần thiết » nhưng ý định này của Roma vẫn khiến các đồng minh truyền thống, nhất là Hoa Kỳ quan ngại. Đây không chỉ đơn giản là chuyện một đất nước có nền kinh tế suy yếu đang đi tìm cách mời gọi đầu tư từ một cường quốc tiềm tàng.

Theo Le Monde việc có được một thỏa thuận với Ý, một thành viên sáng lập Liên Hiệp Châu Âu, và còn là thành viên khối G7 - khối các quốc gia có nền công nghiệp phát triển, rõ ràng Bắc Kinh đã có được một thành công ngoại giao quan trọng có tính biểu tượng cao. Bởi vì, « nếu điều này được thực hiện, đây sẽ là một tin xấu cho sự gắn kết của Liên Hiệp Châu Âu », theo như phân tích của chuyên gia về Trung Quốc, ông François Godement.

Trên thực tế, Ý là điểm đến đầu tư thứ ba của Trung Quốc từ nhiều năm qua, sau Anh và Đức. Vẫn theo ông Godement, nước Ý là một trong những quốc gia châu Âu lớn mà Trung Quốc xâm nhập vào nhiều nhất, « bởi vì tại đây có rất nhiều người nhập cư Trung Quốc, nhưng cũng bởi vì Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều trong các lĩnh vực chủ chốt của Ý, nhất là trong ngành viễn thông ».

Hoa Kỳ ngay lập tức đã công khai bày tỏ quan ngại về vụ việc này khi khẳng định rằng một thỏa thuận như thế có nguy cơ gây nguy hiểm cho toàn bộ hệ thống liên minh giữa Roma và các đồng minh phương Tây. Về phần mình, nhiều nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu cũng chỉ trích tính chất mập mờ của dự án « Con đường Tơ lụa mới » và cho rằng một cách hiển nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ được chọn để thực hiện các dự án đầu tư thường do Trung Quốc cấp vốn.

*
Algeri : Bouteflika chấp nhận « buông chèo »

Một số báo Pháp hôm nay dành trang nhất cho tình hình thời sự Algeri. Tổng thống Algeri ngày 11/03 thông báo rút khỏi cuộc đua tranh cử tổng thống. Một quyết định báo hiệu chấm dứt 20 năm trị vì của người hùng Bouteflika.

Le Figaro chạy tít lớn : « Algeri sang trang Bouteflika ». Libération có vẻ phấn khởi : « Algeri : Chiến thắng đầu tiên ». Les Echos trên mục Quốc tế thông báo : « Algeri : Abdelaziz Bouteflika lùi bước ». Xã luận của Le Figaro nói đến « Khát vọng sống » của người dân Algeri. Trước tầm mức của cuộc biểu tình ôn hòa của người dân trong nhiều tuần qua, những người đứng đầu chế độ cũng đã hiểu ra rằng lời kêu gọi thay đổi mạnh hơn bao giờ hết.

Bởi vì, người dân không chỉ muốn chấm dứt triều đại Bouteflika mà cả một hệ thống đang trị vì. Một « hội nghị quốc dân » sẽ được triệu tập để tiến hành cải cách. Một dự thảo Hiến Pháp mới sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý.

Tuy nhiên, Le Figaro cũng tỏ ra cảnh giác tự hỏi : « Tràng pháo hoa thông báo dân chủ đó liệu có đủ để hạ nhiệt khủng hoảng hay chưa ? Hay đó chỉ là một sự ảo tưởng chợt lóe lên trên bầu trời thủ đô Alger, để rồi sau đó bị nhấn chìm trong đám sương mù chính trị ? Người ta chỉ có thể tận hưởng trọn vẹn niềm vui khi nào con đường chuyển tiếp dân chủ ôn hòa đã được vạch ra. Do vậy, những người biểu tình vẫn tỏ ra cảnh giác nhằm tránh cho việc các lãnh đạo chính phủ có những thủ đoạn gian lận Hiến Pháp. »

*
Tai nạn hàng không Ethiopia : Boeing rơi vào khủng hoảng

Một chủ đề khác cũng được một số báo Pháp đưa lên trang nhất là vụ tai nạn hàng không hãng Ethiopia. Les Echos trên nền ảnh chiếc Boeing 737 MAX 8, đề tựa « Khủng hoảng lớn tại Boeing sau tai nạn ở Ethiopia ». Trang nhất phụ trang kinh tế Le Figaro nhận định : « Tai nạn 737 của hãng Ethiopia Airlines : Boeing trong tâm bão ».

Theo các báo, đây là vụ nổ máy bay thứ hai loại Boeing 737 MAX 8. Tai nạn xảy ra đã làm giá cổ phiếu của Boeing tụt giảm mạnh và làm dấy lên nhiều nghi ngờ về loại máy bay đường dài này, vốn được bán ra nhiều nhất trên thế giới. Các báo Pháp nhắc lại, tai nạn thứ nhất xảy ra hồi tháng 10/2018, một chiếc máy bay loại này của hãng Lion Air đã nổ tung trên vùng biển Java, Indonesia. Sự cố giống nhau giữa hai vụ tai nạn khiến người ta nghi ngờ hệ thống bình ổn của thiết bị.

Hiện tại trên thế giới có 350 chiếc máy bay loại này đang hoạt động. Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc cũng như nhiều nước khác ngay lập tức đã quyết định tạm ngưng các chuyến bay của Boeing 737 MAX 8 mà không cần đợi ý kiến của FAA - Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ.








No comments: