Tuesday, March 12, 2019

BẢN TIN NGÀY 12/3/2019 (báo Tiếng Dân)





12/03/2019

Tin Biển Đông

Báo Dân Trí dẫn lời ông John Bolton, Cố vấn an ninh Nhà Trắng: Mỹ sẽ ngăn Trung Quốc “lập tỉnh mới” trên Biển Đông. Trong cuộc phỏng vấn với đài Fox News hôm 10/3/2019, ông Bolton cho biết: “Họ đang chiếm giữ các đá, bãi cạn và đảo, đồng thời xây dựng các căn cứ quân sự trên đó (Biển Đông). Đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Đó là lý do chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc diễn tập tự do hàng hải”.

Báo Người Việt bàn về tuyên bố gần đây của Hà Nội: Tiến triển trong thương lượng “Bộ Quy tắc ứng xử” ở Biển Đông. Bài viết lưu ý: Hồi tháng 8/2018, các ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc họp ở Singapore, cũng có “những lời loan báo hồ hởi là các bên đã thỏa thuận được một bộ khung duy nhất để dựa trên đó đàm phán vào chi tiết cho bộ COC”, nhưng đến nay tình hình Biển Đông vẫn chưa có gì khả quan hơn, vẫn tiềm ẩn rủi ro chiến tranh và Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa khu vực này.

Mời đọc thêm: Cố vấn an ninh Mỹ: Không để Trung Quốc biến Biển Đông thành tỉnh mới (RFI). – Ông Bolton: Mỹ sẽ ngăn Trung Quốc ‘lập tỉnh mới’ ở Biển Đông (PLTP). – Dự án Biển Đông 01: 5 năm, tiết kiệm hơn 40 triệu USD (LĐ). – Tổng thống Duterte lo Philippines sẽ tổn thất lớn nếu đối đầu Trung Quốc (DT).

Vụ án Kim Jong-nam: Siti Aisyah được trả tự do, Đoàn Thị Hương vẫn bị giam

Tin vui trong vụ án giết ông Kim Jong-nam, anh trai của lãnh tụ Bắc Hàn: Một trong hai nghi can trực tiếp tham gia ám sát là cô Siti Aisyah, người Indonesia, đã được trả tự do hôm 11/3 vừa qua, sau hai năm bị giam. Nhưng tin buồn là, nghi phạm người Việt Nam, cô Đoàn Thị Hương vẫn tiếp tục bị giam. VOA đưa tin: Vụ Kim Jong-nam: Nghi phạm Indonesia được thả, Đoàn Thị Hương ở lại.

Đoàn Thị Hương (giữa) bị áp giải tới phiên tòa sáng 11/3. Ảnh: MOHD RASFAN / AFP

Về lý do cô Aisyah được thả, báo Thanh Niên đưa tin: Vụ xử Đoàn Thị Hương: Hé lộ nguyên nhân công dân Indonesia được thả. Chính phủ Indonesia cho biết, họ đã kiên trì vận động ngoại giao cấp cao cho công dân của họ là Siti Aisyah. Ông Yasonna Laoly, Bộ trưởng Luật pháp và Dân quyền Indonesia đã gửi thư cho ông Tommy Thomas, Tổng chưởng lý Malaysia, đề nghị phóng thích cô Aisyah. Bức thư của ông Laoly đã mang lại kết quả có hậu: Cô Aisyah đã được trả tự do ngay tại phiên tòa ngày 11/3 vừa qua.

LS Trần Vũ Hải đặt câu hỏi: “Nhà nước Indonesia đã cố gắng hết mình để công dân của họ được tự do. Còn nhà nước Việt nam? Nếu Đoàn Thị Hương tiếp tục bị tạm giam (như đã hơn hai năm qua), liệu chúng ta còn tiếp tục tự hào về thân phận của một người quốc tịch Việt?


Cuộc chiến giữa nước mắm truyền thống với nước mắm Masan

Báo Dân Trí có bài phỏng vấn TS Trần Thị Dung, chuyên gia nước mắm Việt: Không thể đứng yên để “quy trình” phá hỏng nước mắm truyền thống được. TS Dung cho biết: “Khi người ta viết về quy trình, nguời ta chỉ đưa mỗi định nghĩa về sản phẩm là đã phục vụ mục tiêu đánh đồng nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp”.

Thứ “quy trình” này sẽ “sinh ra nhiều ràng buộc bằng hành chính, mệnh lệnh và khiến cho các yếu tố sản xuất nước mắm độc đáo, khu biệt, gia truyền có một không hai và tạo điểm đặc biệt… bị đánh bật ra khỏi tiêu chuẩn chất lượng, loại bỏ chúng khỏi đời sống”. Nước mắm là “nghề cha ông để lại, là di sản của nghề biển, văn minh nông nghiệp mà không nước nào có được”, giờ đang bị bức tử bởi những lãnh đạo khát tiền.

RFA đặt câu hỏi: Ai có thể giúp giữ được nước mắm truyền thống? Kỹ sư Lê Anh phân tích về tương lai đầy rủi ro của nước mắm truyền thống VN sau sự cố truyền thông arsen năm 2016: “Rất nhiều các hộ dân hoặc các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống hoặc là bị giải thể, hoặc là phải bán nước mắm dạng thô cho hãng nước mắm công nghiệp bởi sự cạnh tranh khốc liệt lấn át về thị phần”. Nước mắm truyền thống vẫn đang thua trong cuộc chiến truyền thông với nước mắm công nghiệp.

Trước đó, chiến dịch truyền thông tố cáo nước mắm truyền thống nhiễm arsen hồi năm 2016, gây ảnh hưởng rất xấu, đẩy các hộ dân và doanh nghiệp làm nước mắm truyền thống đến bờ vực. Trang Đầu Tư Tài Chính VN bàn thêm về phía sau bê bối nước mắm nhiễm arsen: “Hội bảo vệ người tiêu dùng bị oan”. Bài báo cho biết: “Tổ chức phải chịu trách nhiệm cho việc thông tin sai sự thật về nước mắm này là Vinastas”.

TS Trần Thị Dung kể: “Nhóm làm khảo sát arsen trong nước mắm là nhóm tiêu chuẩn chứ không phải nhóm bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng vì đứng chung với nhau trong Vinastas nên nhóm bảo vệ người tiêu dùng bị oan. Họ không làm chuyện này”.

Bài thứ hai trong loạt bài trên trang Diễn Đàn Doanh Nghiệp về số phận long đong của nước mắm truyền thống: Phải tự “cứu” mình! PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, “dù có hay không có tiêu chuẩn quốc gia về nước mắm thì các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống vẫn phải tự cứu mình bởi quá trình hội nhập, đặc biệt với hàng loạt các FTA sẽ ngày càng nâng cao áp lực cạnh tranh cũng như tiêu chuẩn thị trường”.


“Lỗi hệ thống”

Trong phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 11/3/2019, Tổng Kiểm toán Nhà nước phản biện thông tin Bộ trưởng Tài chính đưa ra, báo Thanh Tra đưa tin. Theo đó, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc phản bác thông tin “10 vụ doanh nghiệp kiện quyết định truy thu thuế dựa trên kết luận của KTNN thì cơ quan thuế thua cả 10” của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Ông Phớc lập luận: “Các bằng chứng của kiểm toán không phải từ doanh nghiệp nên nói kết luận kiểm toán sai khiến doanh nghiệp kiện là hoàn toàn không đúng”. Trước đó, Bộ trưởng Dũng cho rằng, “từ năm 2013 – 2018, đã phát sinh 14 vụ kiện của doanh nghiệp theo kết luận của KTNN. Trong đó, xử 10 vụ thì cơ quan thuế thua cả 10”.

Bên cạnh đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước trần tình về vụ việc Unilever và Sabeco, theo báo Sài Gòn Giải Phóng. Đối với Unilever, ông Hồ Đức Phớc cho biết: “Ba bên xác nhận lại là 575 tỉ đồng, doanh nghiệp chấp nhận phải nộp 316 tỉ đồng và phần còn lại thì không cung cấp được bằng chứng”.

Trường hợp Sabeco, ông Phớc nói: “Khi vào kiểm toán (thời điểm đó chưa bán cho Thái Lan) thì Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện khoản chưa chia 2.700 tỷ đồng nên kiểm toán yêu cầu phải chia khoản này”.

Báo Sài Gòn Giải Phóng đặt câu hỏi: Kiểm toán Nhà nước cũng có thể bị kiện ra toà? Bài báo cho biết: “Cần sửa đổi lại Điều 7 Luật Kiểm toán hiện hành theo hướng bổ sung quyền kiến nghị, khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến việc sử dụng, quản lý tài chính công, tài sản công”. Đây chính là căn cứ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể kiện KTNN nếu cơ quan này làm sai.


“Củi” dầu khí

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Hai cựu lãnh đạo Vietsovpetro chuẩn bị hầu tòa. Theo đó, TAND TP Hà Nội chuẩn bị mở phiên tòa xử sơ thẩm vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” tại Liên doanh Việt – Nga (VSP) vào các ngày 21 và 22/3/2019. Đây là một trong các vụ án thuộc giai đoạn hai của vụ Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank “chi lãi ngoài hợp đồng để chăm sóc khách hàng”.

Hai bị cáo là ông Từ Thành Nghĩa, cựu Tổng GĐ VSP và ông Võ Quang Huy, cựu kế toán trưởng VSP, hai người này đã “quyết định việc gửi tiền của VSP vào OceanBank” trong giai đoạn 2013 và 2014 để trục lợi.

Báo Dân Việt bàn về phiên xử cựu lãnh đạo Vietsovpetro: Người bị tuyên án tử lại ra tòa. Đó là ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng GĐ OceanBank được triệu tập với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trước đó, ông Sơn từng bị tuyên án tử hình trong vụ xử Hà Văn Thắm và đồng phạm năm 2017 về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.


Các vụ “ăn” đất

Vụ ông Trần Mẫn, ở huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu tố cáo Công ty Đông Á, chủ đầu tư dự án KCN Đá Bạc Châu Đức, bắt giữ người trái phép và tự ý san ủi vườn tiêu của ông này khi chưa được bàn giao mặt bằng, báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Vì sao người tố cáo không đồng ý kết quả xác minh của Công an huyện Châu Đức?

Theo đó, phía công an cho rằng, Công ty Đông Á không có dấu hiệu của tội hủy hoại tài sản và giam giữ người trái pháp luật. Ông Mẫn kể, khi biết vườn tiêu bị phá, ông vội về ngăn cản nhưng không được, “do hết cách ông mới dùng xăng đổ lên người dọa tự thiêu thì công nhân mới dừng lại. Ông Mẫn không hù dọa đòi đốt xe mà đó chỉ là hành động vu khống”. Công an lại không hề xét đến lời chứng của người nhà ông.

Công an thị xã Điện Bàn, Quảng Nam vừa khởi tố nguyên Chủ tịch phường “ăn” đất nghĩa trang, theo báo Người Đưa Tin. Các ông Thân Cầu, cựu Chủ tịch UBND phường Điện Nam Đông, ông Đỗ Búp, cựu Trưởng ban Quản trang Điện Nam Đông và Ngô Hải Bình, thành viên ban quản trang đều bị khởi tố về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong thời gian giữ chức Chủ tịch UBND phường Điện Nam Đông, từ tháng 9/2005 đến tháng 7/2015, ông Cầu đã “ký giấy xác nhận có đất nghĩa trang không đúng đối tượng, không đúng diện tích cho 40 trường hợp với diện tích hơn 4.500m2”. Những cán bộ đó đã bán đất nghĩa trang trái phép, thu lợi hơn 1,9 tỉ đồng.

Chuyện ở Phú Quốc: Cán bộ công an môi giới đất, bị tố lừa đảo, đánh người tại trụ sở, theo trang Doanh Nghiệp VN. Ông Phạm Quý Hùng ở Hà Nội, tố cáo ông Phạm Quốc Hưng, công an thị trấn Dương Đông, Phú Quốc “đã tham gia lừa đảo chiếm đoạt của ông Hùng 2 tỉ đồng. Không những thế, ông Phạm Quốc Hưng còn lợi dụng mình là CA đã tổ chức bắt giữ và đánh đập ông Hùng ngay tại trụ sở CA thị trấn Dương Đông”.



Vụ bê bối thi viên chức

Ngày 11/3/2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu điều tra vụ Giám đốc Sở Nội vụ “gửi gắm” người thân thi viên chức, VietNamNet đưa tin. Trước đó, ông Trần Minh Điệp, Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Trà Bồng “tố cáo GĐ Sở Nội vụ ông Đoàn Dụng có hành vi trù dập ông”, vì ông Điệp từ chối giúp thí sinh mà ông Dụng “gửi gắm” trong kỳ thi tuyển giáo viên năm 2017-2018.

Ông Điệp kể, đã nhận nhiều tin nhắn từ ông Dụng, “với nội dung gửi gắm người thân có tên H. thi tuyển giáo viên bậc Tiểu học của huyện này”, nhưng thí sinh này đã trượt. Sau đó, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi phát hiện nhiều sai phạm trong kỳ thi này và ông Điệp bị kỷ luật. Ông Điệp khẳng định chỉ ra đề thi và “không can thiệp gì vào quá trình thi tuyển. Thế nhưng, ông lại bị kỷ luật nặng nhất đến mức phải chuyển công tác”.


Vụ cô giáo “vào nhà nghỉ với học sinh”

Facebooker Nguyễn Sin phỏng vấn cô giáo Phạm Thị Vũ Hạ, cho biết: Trước đây cô thường xuyên bị chồng này đánh đập dã man và hai người đang trong quá trình ly hôn. Người chồng bắt cô viết cam kết, trong đó có các điều khoản như, không được quyền nuôi con, nhưng phải chu cấp hàng tháng cho con.

Những điều khoản được cho là người chồng bắt ép cô Hạ cam kết thực hiện. Nguồn: Nguyễn Sin

Sau khi ly hôn, cô Hạ phải chấm dứt hết các mối quan hệ khác và phải im lặng, không được tiết lộ thông tin về câu chuyện giữa hai người. Đến khi khi toà tuyên cô giáo được quyền nuôi con, thì vụ bê bối “vào nhà nghỉ với học sinh” xảy ra.

Nguồn: Nguyễn Sin

Mời nghe clip cô Hạ trả lời phỏng vấn: https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/03/Co-giao.mp4?_=1

Vụ cô giáo bị tố vào khách sạn với học sinh lớp 10: Nam sinh khẳng định trong sạch, chờ công an điều tra, trang Đời Sống và Pháp Luật đưa tin. Mẹ của nam sinh bị nghi ngờ vào khách sạn với cô Hạ cho biết: “Cháu nói không có và nói cứ để công an điều tra làm rõ vụ việc, con trong sạch nên chẳng sợ gì”.

Bên cạnh đó, một lớp trưởng bị vạ oan trong vụ cô giáo vào nhà nghỉ với nam sinh lớp 10, theo báo Người Đưa Tin. Bài báo cho biết: Nam sinh lớp 10 bị nghi có quan hệ với cô Hạ là Nguyễn Tuấn A. Tuy nhiên, “cư dân mạng đã vào Facebook cô H. và thấy hình ảnh một học sinh chụp hình chung với cô này và tự ý lấy hình ảnh đó đi bêu rếu trên nhiều trang mạng xã hội”, nam sinh bị hiểu nhầm đó là Trần Công Mẫn.

Mẹ nam sinh Mẫn cho biết: “Tôi đi chợ, hay đi đâu đều bị mọi người chỉ trích và dùng những lời lẽ không hay về tôi và cháu Mẫn. Từ mấy hôm nay, em đã bỏ ăn và còn có ý định bỏ học và đi thật xa để trốn tránh mọi người”.


Giáo dục VN: Nhiều chuyện thị phi

VTC có bài: Hàng loạt những vụ thầy giáo dâm ô học sinh chấn động dư luận. Bài viết điểm mặt một số vụ giáo viên lạm dụng tình dục học sinh bị phát hiện từ tháng 6/2018 đến nay mà báo chí đưa tin, gồm: Vụ “thầy” Dương Trọng Minh xâm hại ít nhất 14 nữ sinh tiểu học ở Bắc Giang, “thầy” Đinh Bằng My lạm dụng hàng loạt nam sinh ở Phú Thọ, “thầy” Nguyễn Quang Chung hãm hiếp 3 học sinh ở Quảng Nam, “thầy” Nguyễn Đình Lê dâm ô 7 nữ sinh ở Hà Nội, “thầy” T.C.D lạm dụng 12 nữ sinh suốt 2 năm ở TP HCM.

Cơ quan ANĐT Bộ Công an đề nghị truy tố vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Nhóm bị can gồm các ông Nguyễn Quang Vinh, cựu trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, Đỗ Mạnh Tuấn, cựu phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy và Nguyễn Khắc Tuấn, cựu chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, đều bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Trang An Ninh Tiền Tệ đặt câu hỏi về vụ gian lận thi cử ở Hoà Bình: Các bị can phối hợp sửa điểm thi như thế nào? Theo đó, trong các buổi tối từ 30/6 đến 3/7/2018, Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn “sử dụng chìa khóa do Vinh đưa để đột nhập vào phòng cất bài thi và thực hiện việc chỉnh sửa đáp án trên phiếu trả lời trắc nghiệm của các thí sinh theo danh sách đã tập hợp sẵn”. Hai người này dùng dao rọc giấy rạch theo mép niêm phong túi đựng bài thi, lấy phiếu thi trắc nghiệm tẩy đáp án sai và tô lại đáp án đúng.

Bài thứ hai trong loạt bài trên báo Giáo Dục Việt Nam về “liên minh ma quỷ” trong bếp ăn ở các trường học VN: Phù phép thực phẩm bẩn. Bài viết bàn về “tình trạng một suất ăn của học sinh phải gánh trên đấy nào hiệu trưởng, nào bếp, nào công ty thực phẩm. Vì thế các công ty phải cắt giảm lượng thực phẩm và cung cấp thực phẩm bẩn, giá rẻ. Chuyện học sinh bị ngộ độc cũng phần nào dễ hiểu”.


Lâm tặc hoành hành

Để rừng đầu nguồn bị tàn phá, nhiều cán bộ kiểm lâm Thừa Thiên – Huế bị kỷ luật, VTC đưa tin. Ngày 11/3/2019, Ban quản lý Rừng phòng hộ Hương Thủy đã quyết định “cách chức và điều chuyển công tác 1 Đội phó Đội Bảo vệ rừng chuyên trách khe 57… điều chuyển công tác 1 Đội trưởng Đội Bảo vệ rừng chuyên trách khe 57 và kỷ luật 4 nhân viên của đơn vị công tác tại Trạm phối hợp La Ma” trong thời gian xảy ra vụ phá rừng đầu nguồn Tả Trạch.


Môi trường bị tàn phá, ô nhiễm

Vụ sâu biển ăn sạch hàng chục ha ngao giống ở Ninh Bình, VnExpress có bài: Sâu lạ ăn ngao ở Ninh Bình là “giun biển”. Bài viết dẫn lời ông Đỗ Công Thung, từ Viện Tài nguyên và Môi trường Biển, cảnh báo: “Đây là một loài giun, xuất hiện có thể do ô nhiễm môi trường biển. Loài giun này phát triển giống như một chỉ thị thể hiện môi trường đang xấu đi”.

Theo đó, “trong tự nhiên ít loài nào có thể ăn được con ngao, bởi ngao có vỏ cứng và sống dưới lớp cát mềm” nên hiện tượng sâu biển “tấn công” hàng chục ha ngao giống, mấy ngày qua ở Ninh Bình, được xem là “chưa từng có tiền lệ”.

BBC viết: Hà Nội ô nhiễm bụi mịn hàng đầu thế giới. Báo cáo chất lượng không khí năm 2018 của Tổ chức Thông tin về Chất lượng không khí toàn cầu IQAir AirVisual khẳng định, “Hà Nội đứng thứ 12 trong 62 thành phố ô nhiễm nhất thế giới”. Một người tên Colin viết trên trang Nonstop Newcomer: “Tôi yêu rất nhiều điều ở Hà Nội, như những hồ nước tuyệt đẹp, các quán cà phê, mức sống rẻ. Nhưng không khí ô nhiễm là nguyên nhân chính khiến tôi không muốn sống ở đây lâu”.


***






No comments: