Trọng Nghĩa – RFI
Đăng
ngày 11-04-2018
Trong những ngày qua,
giọng điệu của Mỹ và các nước phương Tây, đối với chế độ Syria càng lúc càng
đanh thép, đặc biệt là của Pháp và Hoa Kỳ; hai vị tổng thống Macron và Trump đã
nhiều lần điện đàm về khả năng tấn công Syria, để trừng phạt chính quyền Damas
về tội vẫn dùng vũ khí hóa học bị nghiêm cấm giết hại thường dân.
Câu
hỏi mà giới quan sát đặt ra là vì sao Phương Tây, và đặc biệt là Pháp nhất thiết
trừng phạt chế độ của tổng thống Bashar al Assad.
Theo
nhận định chung, ngoài các lý do nhân đạo – không thể để người dân Syria vô tội
bị sát hại một cách nhẫn tâm – còn có những nguyên do địa chính trị.
Một
trong những lý do có thể được nêu lên đó là bài học rút ra từ trường hợp Bắc
Triều Tiên, một nước được cho là từ lâu đã lao vào tiến trình chế tạo bom
nguyên tử, thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt mà ngày nay, trên nguyên tắc chỉ có 5
thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc được quyền sở hữu.
Tuy
nhiên, phương Tây và Hoa Kỳ đã chần chờ không can thiệp dứt khoát, để cho ngày
nay, Bắc Triều Tiên có thể được xem là đã sở hữu bom nguyên tử, trở thành một mối
đe dọa khiến cho các nước khác ngần ngại khi nuôi ý định dùng võ lực đối với nước
này.
Trong
trường hợp của Syria, mối nguy không phải là hạt nhân mà là vũ khí hóa học,
nhưng nếu quả thực là chế độ Damas lại dùng đến vũ khí này, thì rõ ràng là họ
đã coi thường cộng đồng quốc tế vì trước đây đã từng cam kết tiêu hủy 100% kho
vũ khí hóa học của mình. Nếu phương Tây tiếp tục không làm gì, thì rõ ràng là tạo
điều kiện cho nước này trở thành một phần tử khó trị
Bên
cạnh nguyên nhân xa đó, còn có một nguyên nhân rất gần, khiến cho phương Tây,
và nhất là nước Pháp nhất thiết trừng phạt chế độ Damas, nếu cuộc điều tra xác
nhận việc họ đã dùng đến vũ khí hóa học ở Đông Ghouta.
Chỉ
mới đây thôi, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã vạch ra lằn ranh đỏ về vũ khí
hóa học mà theo ông, chế độ al Assad không thể vượt qua. Ông từng tuyên bố: «
Khi đặt ra lằn ranh đỏ mà không thể kiểm soát chúng một cách nghiêm khắc, thì
đó là một sự yếu kém. Mà sự yếu kém thì không phải là một lựa chọn của tôi ».
Đối
với chuyên gia François Heisbourg, chủ tịch Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế
IISS tại Luân Đôn, chính vì đã đặt ra lằn ranh đỏ đó mà ông Macron sẽ không thể
lùi bước. Trả lời phỏng vấn của RFI, ông Heisbourg xác định :
Chúng
ta đang ở trong một trường hợp mà tổng thống Pháp phải đối diện với lằn ranh đỏ
do chính ông vẽ ra cách nay khoảng 1 năm.
Và
theo tôi, ông ấy sẽ phải trả giá khá đắt nếu không thực hiện những điều cần phải
làm trong trường hợp như thế này.
Cũng
theo chuyên gia Heisbourg, tổng thống Macron ngày nay không muốn phạm phải sai
lầm của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2013, cũng vạch ra lằn ranh đỏ với
Syria, để rồi lại lùi bước vào giờ chót, khiến cho uy tín của Mỹ tại vùng Trung
Cận Đông bị suy sụp, không ngóc lên trở lại được.
Tổng
thống Obama khi ấy cùng với các đồng minh của Mỹ, cũng đã vạch ra một lằn ranh
đỏ, và phải nhắc lại là lúc ấy cả Nga cũng đồng ý. Nhưng rồi khi bị bắt buộc phải
ra lệnh tấn công, ông Obama đã thay đổi ý kiến, 4 giờ trước lúc các phi cơ Mỹ
và Pháp cất cánh khởi động chiến dịch tấn công.
Uy
tín của chính quyền Obama tại vùng Cận Đông bị suy sụp từ đó trở đi, và vị thế của
nước Mỹ trong vùng không bao giờ khôi phục lại được. Tổng thống Macron, theo
tôi, sẽ không muốn đi theo vết xe đổ của tổng thống Obama tại vùng Trung Đông.
Ý
định đánh Syria để trừng phạt tội dùng vũ khí hóa học giết dân đã có, vấn đề là
phải chờ có thêm những bằng chứng chắc chắn về vai trò thực thụ của chế độ al
Assad. Paris nói riêng, và các thủ đô phương Tây khác có lẽ vẫn không quên bài
học Irak, khi Hoa Kỳ tung ra những cáo buộc nhắm vào Saddam Husein để biện minh
cho quyết định đánh Irak, những cáo buộc mà sau này được biết là không xác thực.
-------------------------
Thụy My – RFI
Đăng
ngày 11-04-2018
Năm năm sau vụ tấn
công hóa học ở Syria, một lần nữa bộ ba Mỹ-Pháp-Anh lại đứng trước cùng một
thách thức. Washington, Paris, và Luân Đôn – dù có lặng lẽ hơn – hứa hẹn sẽ trả
đũa thích đáng vụ tấn công hôm 07/04/2018 ở Douma, thuộc Đông Ghouta làm 48 người
thiệt mạng trong đó có nhiều trẻ em. Đây là thủ phủ cuối cùng của phe nổi dậy ở
gần Damas, bị chế độ Assad và các đồng minh liên tục oanh kích.
Ngày
31/08/2013, dự định tấn công vào Syria đã bị bỏ rơi, sau khi Anh không tham
gia, Barack Obama vào phút chót quyết định ngoảnh mặt làm ngơ, trong khi các
phi cơ Pháp đã sẵn sàng cất cánh. Paris cảm thấy hết sức cay đắng trước thái độ
của chính quyền Mỹ lúc ấy.
Nay
thì một lần nữa « lằn ranh đỏ » về vũ khí hóa học đã bị vượt
qua, ở Douma, cho đến nỗi phản ứng quân sự lần này dường như khó thể tránh khỏi.
Pháp và Mỹ không còn nghi ngờ gì về việc sử dụng chất độc thần kinh, và nguồn gốc
của vụ tấn công. Washington hứa hẹn sẽ có « những quyết định quan trọng
», điện Elysée nêu ra việc « trả đũa ». Hai tổng thống Emmanuel
Macron và Donald Trump đã điện đàm với nhau hai lần từ sau vụ tấn công trên, cả
hai hy vọng « cộng đồng quốc tế có phản ứng cứng rắn ».
Pháp
đã « điểm mặt chỉ tên » Nga. Nathalie Loiseau, bộ trưởng phụ
trách các vấn đề châu Âu đặt câu hỏi : « Trách nhiệm của Nga đến đâu ?
Không có chiếc máy bay nào của Syria có thể cất cánh nếu Nga không được thông
báo ». Thủ tướng Pháp Edouard Philippe khẳng định : « Các đồng
minh của chế độ Assad đặc biệt có trách nhiệm trong vụ thảm sát ».
Theo
nhận định của báo Le Figaro, nếu hai tổng thống Pháp-Mỹ một lần nữa
lại để cho Damas vượt qua « lằn ranh đỏ », thì sẽ bị mất uy
tín nặng nề, và gián tiếp khuyến khích gia tăng vũ khí hóa học trên thế giới, bật
đèn xanh cho bọn tội phạm chiến tranh. Bản thân chế độ Syria cũng đã chuẩn bị
cho việc bị không kích : quân đội được đặt trong tình trạng báo động tại các
sân bay và căn cứ quân sự.
Tờ
báo đặt câu hỏi, liệu tổng thống Mỹ Donald Trump - mà tính bất định vốn là cung
cách lãnh đạo của ông, và tuần trước đã loan báo ý định rút quân khỏi Syria -
có từ bỏ ý định tấn công như ông Obama trước đây, và điều này có ảnh hưởng gì đến
quyết tâm của tổng thống Pháp ?
Khác
với người tiền nhiệm François Hollande vốn trông cậy nhiều vào sự hỗ trợ của
Hoa Kỳ, mà không ngờ rằng Obama lại trở mặt ; Emmanuel Macron đã từng nêu ra khả
năng Pháp hành động một mình. Ông cho biết nước Pháp sẽ buộc tôn trọng «
lằn ranh đỏ », cho dù phải đơn độc tấn công. Vào lúc ông Macron tuyên
bố như vậy hôm 12/3, một số tướng lãnh tỏ ra nghi ngại. Nhưng tổng tham mưu trưởng
quân đội Pháp, tướng François Lecointre khẳng định, trong trường hợp cần thiết,
Paris có thể tự không kích Syria.
Vấn
đề còn lại là những mục tiêu nào sẽ được chọn lựa. Hồi tháng 4/2017, tổng thống
Mỹ Donald Trump – có lẽ muốn sửa chữa những sai lầm của Barack Obama – chỉ cho
bắn hỏa tiễn vào một căn cứ quân sự Syria. Tuy vậy chế độ Damas vẫn tiếp tục
dùng đến vũ khí hóa học.
Nếu
Mỹ, Pháp, Anh ý thức được hậu quả của sự vắng mặt hồi tháng 8/2013 - vừa bị mất
uy tín, vừa khiến cho tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo sinh sôi nảy nở - thì bộ ba này
vẫn lo ngại nguy cơ leo thang chiến tranh. Bởi vì tình hình Syria trên thực địa
đã thay đổi rất nhiều kể từ năm 2013 đến nay.
Năm
2015, sự can thiệp quân sự của Nga và Iran đã giúp Bachar Al Assad đảo ngược tình
hình, nắm được thế thượng phong so với phe nổi dậy. Nga đang khống chế bầu trời
Syria, là trở ngại đáng kể cho các phi cơ Mỹ, Pháp, Anh ; và còn phải kể đến
Iran, Thổ Nhĩ Kỳ.
Trung
Đông quả thực là thùng thuốc súng, nơi các nhân tố đầy quyết tâm và đôi khi
nguy hiểm đối đầu với nhau. Như một nhà ngoại giao đã nhận định : « Tại
Irak, người ta đã oanh kích và đổ quân vào, đây là một thảm họa. Tại Libya, người
ta đã oanh kích nhưng không đưa quân đến, tuy vậy vẫn là một thảm họa. Còn tại
Syria, chúng ta chưa không kích và cũng chưa đổ quân, nhưng vẫn là một thảm họa
».
Các
phi cơ Rafale đã sẵn sàng ở Saint-Dizier
Riêng
về phía Pháp, các kế hoạch hành động chi tiết đã được giới tướng lãnh trình lên
tổng thống Emmanuel Macron.
Các
chuyên gia nhận định, một khi được bật đèn xanh cho không kích, đội hình sẽ xuất
phát từ một sân bay trên đất Pháp - có thể là căn cứ Không quân Saint-Dizier -
chứ không phải từ các căn cứ của Pháp ở Cận Đông như Jordanie hay Các tiểu
vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Những nước này không muốn liên can đến các chiến dịch
cụ thể như vậy đối với láng giềng Syria.
Cũng
tại căn cứ Saint-Dizier mà hồi tháng 8/2013, Không quân Pháp sẵn sàng oanh kích
Syria sau vụ tấn công hóa học. Những phi cơ Rafale, mỗi chiếc mang theo hai hỏa
tiễn hành trình Scalp có tầm bắn hàng trăm cây số, cần được tiếp liệu ba lần
trước khi đến được lãnh thổ Syria.
Hải
quân Pháp cũng có thể tham gia : chiến hạm đa chức năng Aquitaine cách
đây vài ngày đã được nhìn thấy ở phía đông Địa Trung Hải. Đây là một trong những
chiến hạm tối tân nhất của Pháp, được trang bị các hỏa tiễn hành trình trên biển
(MdCN), vốn chưa bao giờ được sử dụng đến. Những hỏa tiễn này có khả năng đánh
phủ đầu nhanh chóng ở khoảng cách trên 1.000 km, và cũng có thể phối hợp với
các hỏa tiễn của Không quân.
Pháp
có thể không cần liên minh, mà đơn độc không kích, hoặc phối hợp với Mỹ. Trong
trường hợp thứ hai vốn có nhiều khả năng xảy ra nhất, Pháp và Mỹ cùng tấn công,
hoặc tấn công riêng rẽ nhưng có kết hợp, vào các mục tiêu đã được phân chia.
Theo
tướng Không quân Pháp Jean-Patrick Gaviard, các trung tâm chỉ huy của đôi bên
phải phối hợp thật chặt chẽ. Nếu trước đây các cuộc không kích hàng ngày ở Irak
và Syria được điều phối từ căn cứ Al Udeid ở Qatar, thì nay được chỉ đạo ở cấp
cao nhất, bằng điện thoại giữa hai tổng thống Emmanuel Macron và Donald Trump.
Trong
giai đoạn quyết định này, việc trao đổi tin tức tình báo và quản lý bay là tối
cần thiết đối với các đồng minh. Không quân Mỹ có thể triển khai các phi cơ
tiêm kích F-22 để bảo vệ các oanh tạc cơ làm nhiệm vụ, cũng như các máy bay gây
nhiễu như trường hợp ở Kosovo trước đây.
Tất
nhiên là việc không kích chứa đầy những rủi ro, khi phi cơ phải tiến gần mục
tiêu trong một môi trường thù địch. Tại Syria, Nga bố trí các hỏa tiễn địa-không
hiện đại, nhất là S-400. Hồi tháng Giêng, một chiếc F-16 của Israel đã bị phòng
không Syria bắn rơi.
Sự
hiện diện quân sự của Nga tại Syria là yếu tố hết sức nhạy cảm. Reuters hôm nay
cho biết, đại sứ Nga tại Liban đã đe dọa bắn rơi tất cả các tên lửa của Mỹ nhắm
vào Syria. Theo một nguồn tin quân sự được Le Figaro trích dẫn,
các mục tiêu không kích được chọn lựa theo tiêu chí nằm cách xa các địa điểm
đóng quân của Nga.
No comments:
Post a Comment