Tuesday, April 10, 2018

ĐỪNG NHẮM MẮT “CUỒNG” HAY “CHỐNG” MÀ NÊN THEO DÕI VÀ VẬN DỤNG (FB Trần Trung Đạo)





Nếu chọn lựa giữa xung đột quân sự và xung đột thương mại, xung đột thương mại là mặt trận hữu hiệu nhất để đẩy nền kinh tế Trung Cộng vào suy thoái trầm trọng. 

Những gì xảy ra sau khủng hoảng kinh tế tại Trung Cộng tùy thuộc vào mức độ đối kháng giữa các mối mâu thuẫn trong nội bộ Trung Cộng. 

Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Boao, 10/04/2018.

Trong bài diễn văn 40 phút đọc tại Boao Forum for Asia Annual Conference ngày hôm nay 10 tháng 4, 2018, Tập Cận Bình tỏ ra hòa hoãn và cam kết mở rộng thị trường Trung Cộng cho hàng hóa nước ngoài. Tập tránh nhắc đến khả năng chiến tranh thương mại với Mỹ hay các biện pháp trả đũa mức tăng thuế nhập cảng do tổng thống Trump vừa đưa ra. 

Có thể Tập sẽ phản ứng giới hạn để khỏi mất mặt, nhưng đồng thời bên trong sẽ tiến hành đàm phán.

Chiến tranh thương mại có thể sẽ không xảy ra vì Tập khôn ngoan tìm cách giải quyết trước khi xung đột bùng nổ trên phạm vi toàn cầu và đạt tới mức độ không thể cứu vãn. 

Tập Cận Bình hòa hoãn vì y cần tập trung theo đuổi kế hoạch “Bốn toàn diện” (xây dựng xã hội, cải cách sâu sắc, quản lý kinh tế, kỹ luật đảng) để hoàn thành “Giấc mơ Trung Hoa” đưa Trung Cộng lên hàng cường quốc số một thế giới nhân dịp đánh dấu 100 năm xây dựng chế độ cộng sản tại Trung Quốc. 

Toàn cầu hóa là con dao hai lưỡi. Một mặt giúp cho Trung Cộng giàu có nhưng cùng lúc cũng tạo cho nền kinh tế Trung Cộng trở nên phụ thuộc vào kinh tế các nước khác.

Toàn cầu hóa giúp cho Trung Cộng trở thành một cường quốc kinh tế trong một thời gian ngắn. Phải nói là quá ngắn. Trung Cộng chỉ cần 20 năm từ 1980 tới năm 2000 để gia tăng mức GDP mà các nước tư bản trước đây cần hàng trăm năm. 

Nhưng toàn cầu hóa cũng đã tạo nên một giai cấp trung lưu khổng lồ tại Trung Cộng. Giai cấp trung lưu thường là nguồn thúc đẩy của cách mạnh dân chủ vì đó là giai cấp có học thức, có phương tiện và có nhiều nhu cầu vật chất cũng như tinh thần cần được thỏa mãn. 

Theo Pew Research Center, thành phần trung lưu gia tăng nhanh chóng theo tốc độ phát triển kinh tế Trung Cộng. Năm 2002, thành phần trung lưu chỉ chiếm 4 phần trăm dân số tại Trung Cộng nhưng đã tăng lên đến 31 phần trăm năm 2012 và hiện nay khoảng 600 triệu người Trung Quốc được xếp vào thành phần những người có mức lương đủ để thỏa mãn các nhu cầu căn bản hàng ngày.

Mặc dù bị ngăn chận thông tin, thành phần trung lưu có phương tiện để tiếp xúc với thế giới thông qua thương mại, du lịch, du học và thấy sự khác biệt giữa Trung Cộng và phần lớn nhân loại ngoài Trung Cộng. Họ im lặng và chấp nhận chế độ vì chế độ giúp cho họ có cuộc sống đầy đủ, nhưng thái độ đó có thể sẽ thay đổi khi những quyền lợi của họ mất đi.

Giống như lý thuyết tổng bằng không trong thị trường chứng khoán, qua đó một người lời phải có một người lỗ, giàu có của Trung Cộng bao nhiêu là thiệt hại của nước khác bấy nhiêu, nhất là Mỹ.

Sự chênh lệch trong cán cân xuất nhập cảng nghiêng về Trung Cộng, hàng rào quan thuế có lợi cho hàng hóa Trung Cộng, nhiều kỹ nghệ một thời hưng thịnh đã bị hàng hóa rẻ tiền của Trung Cộng xóa bỏ hẳn. 

Chính sách xâm thực của Trung Cộng không chỉ ảnh hưởng các quốc gia tiên tiến mà cũng tiêu diệt tận gốc rễ nền kinh tế của các nước đang hay chưa phát triển. Sau Mỹ, kỹ nghệ tơ sợi, may mặc tại Congo, Nigeria và các nước Châu Phi bị hàng hóa rẻ tiền Trung Cộng giết chết. 

Đó là lý do chính cho sự trỗi dậy của các chính trị gia dân túy với chủ trương bảo thủ kinh tế. 

Tại Mỹ. Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, lý luận dân túy lại một lần nữa được mổ xẻ trong sinh hoạt chính trị Mỹ vì cả Bernie Sanders (tả) lẫn Donald Trump (hữu) đều tranh cử mang ít nhiều màu sắc chính trị dân túy. 

Trong bài thứ 42 của loạt 100 bài, người viết có bàn lý do tổng thống Trump thắng: “Người dân Mỹ bầu Donald Trump chỉ vì họ nghĩ họ là nạn nhân của chính sách toàn cầu hóa, hệ thống quan liêu thư lại, chi dùng liên bang. Họ dứt khoát muốn có một khuôn mặt ngoài cơ chế, người ngoài cuộc quyết tâm phục hồi các quyền lợi, bù đắp những thiệt thòi, củng cố vị trí đang yếu kém của nước Mỹ.”
 
Cuộc chiến thương mại nếu diễn ra sẽ ảnh hưởng mạnh đến chính sách của Mỹ và Trung Cộng trên Biển Đông. 

Người Việt quan tâm đến tương lai Việt Nam, do đó, không nên chỉ “nhắm mắt binh” hay “nhắm mắt chống” mà có lẽ nên theo dõi các biến chuyển kinh tế chính trị thế giới, chính sách đối ngoại của các cường quốc để vận dụng vào công cuộc đấu tranh cho dân chủ Việt Nam. 


*
*
Thực hư trong Trận chiến Mỹ - Hoa (KTG Nguyễn Xuân Nghĩa):
https://youtu.be/hwF4-iDSl3AQuản lý









No comments: