Friday, April 6, 2018

[chiến tranh mậu dịch] NÂNG CAO, ĐÁNH KHẺ (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
April 6, 2018

Cuộc chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung coi bộ tăng nhiệt độ. Liên tiếp ba ngày, hai bên công bố những món hàng sẽ bị đánh thêm thuế nhập cảng theo lối “ăn miếng trả miếng.” Ngày Thứ Năm, Bắc Kinh lại chính thức kiện Mỹ trước Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) về việc tăng thuế nhập thép và nhôm – mặc dù hành động đó không gây ảnh hưởng nào đáng kể đối với họ. Cuộc tấn công ngoại giao tiếp tục khi đại sứ Trung Cộng ở Bruxelles và Ngoại Trưởng Vương Nghị kêu gọi Cộng Đồng Châu Âu và nước Nga cùng chống chính sách bảo hộ mậu dịch của chính phủ Donald Trump.

Ngày Thứ Sáu, Tổng Thống Trump dọa sẽ đánh thuế trên $100 tỷ đô la hàng nhập cảng từ nước Tàu, vượt trên con số $50 tỷ mới đưa ra hôm đầu tuần. Bắc Kinh bèn dọa có thể đánh thuế trên các món dịch vụ Trung Quốc mua của Mỹ. Trong việc trao đổi hàng hóa, Mỹ thâm thủng gần $400 tỷ đô la, nhưng trên mặt dịch vụ, Mỹ thặng dư $38 tỷ trong năm 2016, tăng hơn gấp đôi con số thặng dư $16.5 tỷ năm 2011.

Nhưng hiện nay nhiệt độ chỉ tăng lên trong những lời tuyên bố tạo dư luận căng thẳng. Còn trong thực tế chưa chính phủ nước nào áp dụng những món thuế mà họ đe dọa sẽ áp đặt. Hai nước sẽ có khoảng hai tháng để thương thuyết, tìm cách giảm nhiệt độ. Cuộc thương thuyết sẽ vô cùng rắc rối, vì rất khó nếu muốn biết món thuế nào sẽ ảnh hưởng tới các xí nghiệp và người tiêu thụ ở nước nào!

Phân tích những ảnh hưởng đó khó khăn vì dây chuyền sản xuất và cung cấp, tiếp liệu giữa các nước hiện đang trải rộng khắp nơi trên thế giới, đưa qua trao lại, tạo một mạng lưới ràng buộc lẫn nhau.

Thí dụ, hiện nay các nhà máy bên Trung Quốc đang chế tạo một số bộ phận cánh máy bay 737 của hãng Boeing. Những bộ phận đó sẽ được ráp vào các 737, thế hệ mới, tại Renton, tiểu bang Washington. Trong khi đó hãng xe hơi Mỹ General Motors đang ráp những chiếc xe Buick loại SUV trong nhà máy ở tỉnh Sơn Đông. Một số các xe này đem bán qua Mỹ, sẽ bị coi như hàng nhập cảng từ bên Tàu, đánh thuế nặng cho hả giận!

Nhiều trường hợp rắc rối hơn nữa. Năm ngoái, Trung Quốc nhập cảng plastics của Mỹ, tổng cộng $3.2 tỷ đô la. Những chất plastics đem về được biến chế thành vật liệu xây cất, thành các bộ phận xe hơi, làm mắt kiếng, và hàng ngàn món đồ khác. Rất nhiều món vừa kể lại được bán qua Mỹ để sử dụng, chế tạo tiếp, hoặc để tiêu thụ. Các nhà thầu ở Mỹ dùng một số vật liệu xây cất mua từ bên Tàu, mà nhà máy ở bên Tàu chế các vật liệu này lại sử dụng hơi đốt “ethane” sản xuất từ Texas. Với mối quan hệ chằng chịt như thế, khi nước này đánh thuế hàng của nước kia, thì cũng đánh thuế trên món hàng khác của chính mình!

Nếu Trung Cộng tăng thuế nhập cảng trên plastics mua của Mỹ thì các vật liệu chế dùng plastics đó sẽ lên giá, khi bán lại qua Mỹ. Khi đem bán qua Mỹ, lại có thể bị đánh thuế một lần nữa! Cứ như thế, sau mấy lần đánh thuế, giá hàng sẽ đắt hơn, sẽ bán khó hơn! Cuối cùng thì cả các xí nghiệp lẫn người tiêu thụ của hai nước đều bị thiệt hại, chưa kể các công nhân bị mất việc! Đó là lý do ai cũng thấy chiến tranh thương mại chỉ tác hại. Thương thuyết với nhau để tránh, vẫn tốt hơn!

Các nhà thương thuyết hai bên sẽ thấy công việc của họ có vẻ dễ dàng, vì ngay khi hai chính phủ tuyên bố đánh thuế nhập trên hàng hóa nhập từ “đối phương,” họ đã áp dụng quy tắc “nâng cao, đánh khẽ.”

Trong cách lập danh sách đánh thuế như trên, chính phủ Mỹ cố ý tránh không gây thiệt hại quá hiển nhiên cho người tiêu thụ khiến cho ai cũng thấy. Người tiêu thụ cũng chính là các cử tri sẽ đi bỏ phiếu cuối năm nay. Trong số 1,300 món hàng bị đánh thuế mà Tòa Bạch Ốc công bố, những thứ thông dụng nhất như quần áo “made in China” đã được “tha!” Nnhiều món khác thì dù tăng thuế cũng không ảnh hưởng đến dân chúng bao nhiêu. Thí dụ, những “máy tự khiển” (robots) hoặc hóa chất chỉ dùng trong kỹ nghệ, các dụng cụ y khoa, những máy chế biến thực phẩm, máy đập đá dùng trong việc xây cất.

Tuy danh sách dài trên 1,300 món hàng made in China, nhưng chúng chỉ có giá trị bằng 2.5% tổng số hàng Mỹ nhập cảng mỗi năm. Mà hàng nhập cảng chỉ bằng 15% Tổng Sản Lượng Kinh Tế Mỹ (GDP). Như vậy thì các món mua từ bên Tàu trị giá chưa bằng một nửa của một phần trăm GDP Mỹ (chính xác là 0.00375%). Nếu giá bán tăng thêm 25% thì cũng không ảnh hưởng lớn trên cả nền kinh tế.

Chính quyền cả hai nước đều dụng ý “nâng cao đánh khẽ.” Nâng cây gậy lên thật cao, không phải để đe dọa bên kia, mà để cho dân chúng trong nước thấy lãnh đạo của mình “cứng rắn.” Ông Donald Trump cần “tranh cử” hơn ông Tập Cận Bình cho nên nâng gậy cao hơn và hò hét lớn tiếng hơn! Trong rất nhiều trường hợp, cây gậy không cốt đánh đau mà lời hò hét mới quan trọng.

Thí dụ, chính phủ Trump dọa đánh thuế trên “bộ phận máy bay” nhập từ nước Tầu; nghe cảm thấy đòn này rất nặng. Nhưng các xí nghiệp Trung Quốc vốn không hề cạnh tranh với kỹ nghệ máy bay ở Mỹ, ngoài những nhà máy do chính Boeing lập ra ở bên đó để bán máy bay dễ hơn. Thành ra, nói nghe thấy lớn nhưng bên trong không có gì!

Đáp lại, Bắc Kinh cũng“nâng cao đánh khẽ.” Họ nói sẽ đánh thuế nặng trên xe hơi và xe SUV của Mỹ, những món chiếm một phần ba trị giá hàng Mỹ xuất cảng qua Tàu. Nhưng lời đe dọa này không khiến các hãng xe ở Detroit lo lắng. Vì General Motors, Fiat Chrysler và Ford đang chế tạo “xe Mỹ” của họ ở bên Tàu từ lâu rồi. Lý do cũng vì muốn tránh thuế nhập cảng. Những hãng xe hơi ăn đòn nặng trong vụ này là Daimler và BMW! Các công ty Đức đó lập nhà máy sản xuất ở miền Đông Nam nước Mỹ, rồi xuất cảng xe hơi làm ở Mỹ qua nước Tàu. Họ sẽ chịu những món thuế cao hơn!

Khi nghe nói Trung Cộng sẽ tăng thuế nhập cảng máy bay mua từ Mỹ, có thể nghĩ đó là một đòn rất nặng cho hãng Boeing. Nhưng không chắc. Bắc Kinh nói sẽ đánh thuế nhập trên những máy bay nặng từ 15 tấn đến 45 tấn (15,000 tới 45,000 kilograms). Con số tối đa, 45 tấn được ấn định còn nhẹ hơn máy bay 737 MAX 8 của Boeing – nó nặng tới 45,070 kilograms! Nhờ nặng thêm 70 ký, 737 MAX thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc.

Bảng liệt kê những sản phẩm bị đánh thuế được đưa ra với mục đích dùng làm khí cụ thương thảo trong mấy tháng tới. Sẽ không có chuyện đem thi hành, đánh thuế thật, ít nhất cho đến Tháng Mười Một năm nay, khi dân Mỹ đi bỏ phiếu. Chính phủ Trump không dại gì để cho các nhà nông xuất cảng đậu nành hoặc thịt heo bị chới với nếu Trung Cộng đánh thuế nhập cảng. Trung Quốc là nước nhập cảng nhiều đậu nành nhất, mua tới 60 phần trăm số đậu nành của cả thế giới, phần lớn để nuôi thú. Mỗi năm nước Tàu mua 14 tỷ Mỹ kim đậu nành của Mỹ. Trong năm 2016, đậu nành chiếm 12% tổng số hàng Mỹ xuất cảng qua nước Tàu. Nếu đậu nành Mỹ bị đánh thuế 25%, các nhà nhập cảng bên Tàu sẽ đi mua từ các nước châu Mỹ La Tinh như Brazil và Argentina. Trong vài chục năm qua nhiều nông trại Mỹ đã bỏ không trồng bắp, để trồng đậu nành, chỉ vì Trung Quốc cần mua nhiều quá! Nay, nếu bán không được đậu nành họ lại quay qua trồng thứ khác. May mắn là, theo luật ở Mỹ, các nhà nông đều được chính phủ “bảo vệ” bằng “giá bao cấp!”

Dù các cuộc thương thuyết kéo dài bao lâu và kết quả thế nào, Tổng Thống Donald Trump vẫn có thể tự khen, và tuýt cho các người ủng hộ ông biết, là ông đã giữ lời hứa khi tranh cử: Đánh Trung Quốc! Để bảo vệ công việc làm cho người lao động Mỹ!

Ông Trump có hy vọng sẽ thành công trong cuộc đấu trí với Bắc Kinh. Vì Trung Cộng có rất nhiều cánh cửa có thể sẵn sàng mở thêm ra, chứng tỏ nhượng bộ Mỹ mà không tốn kém cho chính họ bao nhiêu. Thí dụ, các con chíp điện tử. Hiện nay các xí nghiệp Trung Quốc mua mỗi năm $200 tỷ tiền microchip. Phần lớn mua từ Nam Hàn, Nhật Bản và Đài Loan. Tập Cận Bình chỉ cần ra lệnh, các công ty quốc doanh Tàu có thể đặt mua $100 tỷ microchip từ nước Mỹ! Riêng một khoản đó có thể giúp cán cân mậu dịch Mỹ bớt khiếm hụt một phần tư rồi!

Không riêng gì Tập Cận Bình, Donald Trump cũng có thể sẽ nhân nhượng theo lối nâng cao đánh khẽ. Vì cuối cùng, những nhà kinh doanh vốn là hậu thuẫn lớn nhất của ông Trump và của đảng Cộng Hòa, họ sẽ nhỏ nhẹ khuyên bảo Tòa Bạch Ốc và Quốc Hội Mỹ hãy cố gắng đừng đánh mạnh quá. Gây chiến tranh thì cả hai bên đều bị tàn phá, dù chỉ là chiến tranh mậu dịch! Trước khi dân Mỹ đi bỏ phiếu vào Tháng Mười Một, cuộc chiến có thể xuống thang, trong hành động cũng như trong ngôn ngữ! (Ngô Nhân Dụng)










No comments: