Nguyên
Ngọc
07/04/2018
Tôi
bắt chước anh Nguyễn Sự. Anh Sự được mời đi dự ra mắt chương trình hoành tráng
« Ấn tượng Hội An », anh từ chối. Ở cương vị anh và lại ở ngay Hội An, ai cũng
có thể hiểu cử chỉ đó của anh, mặc dầu anh đã về hưu, là một thái độ rõ ràng, dứt
khoát. Nhưng mấy hôm sau anh lặng lẽ mua vé hai vợ chồng cùng đi xem, « để
cho biết họ thật sự làm gì ở đấy, rồi mình có nói gì mới có căn cứ mà nói chớ »,
anh bảo. Cũng là một cách ứng xử của anh. Mấy năm trước, khi còn đương chức,
anh đã từng lên tiếng về cái cồn đất nằm giữa sông Hoài (tức sông Thu Bồn đoạn
chảy qua Hội An) này rồi. Đó là một cái cồn đất gần gũi và quen thuộc đối với
người Hội An, đến nổi nó không có tên, cứ gọi là cồn bắp thì ai cũng biết, xưa
nay chuyên trồng bắp ngô ngon nổi tiếng người ta bảo vì chất đất phù sa chỉ nơi
ấy có, du khách đến Đà Nẵng sáng sáng nghe có người đội nón đạp xe rao đặc giọng
Quảng « Bắp đây ! Bắp đây ! » chính là món đặc sản thấm đẫm
hương vị từ cồn đất này người Hội An lụm cụm đạp xe 30 cây số ra mời dân Đà Nẵng
và khách thập phương đấy. Một cái cồn đất thật đẹp, thật Hội An. Hội An là vậy
đấy, nhỏ nhoi, hiền lành, nhẹ nhàng, tinh tế, từ mấy trăm năm nay, qua
bao triều đại và binh lửa, sự kỳ lạ và anh hùng của Hội An chính là ở chỗ nó vẫn
là như thế, không lay chuyển, không biến chất, cũng hiện đại hóa theo thời đại
như người ta chứ, nhưng hiện đại hóa mà cứ độc đáo cổ xưa, độc đáo Hội An và biết
cách giải quyết mối quan hệ đó một cách nhẹ nhàng, tự nhiên như không suốt lịch
sử dài. Tôi dám nói rằng đó là một thứ bản lĩnh mà chỉ Hội An riêng có, được
rèn luyện qua từng trải lâu dài. Không phải ngẫu nhiên mà Hội An là nơi đầu
tiên ở nước ta đón tiếp các thương gia đến từ phương Tây và đã đón tiếp rất
thành công; không phải ngẫu nhiên mà thời các chúa Nguyễn Hội An đã được tổ chức
cai quản như một đặc khu kinh tế với những tô giới Nhật và Hoa tự quản, sớm hơn
Macau, Hồng Kông đến những vài ba trăm năm; cũng không phải ngẫu nhiên mà trong
thời thuộc Pháp Hội An, chứ không phải Đà nẵng, là trung tâm văn hóa của Quảng
Nam ... Đến với một vùng đất và người như vậy, chạm vào nó, dù anh là chuyên
gia ‘’cha đẻ của ngành nghệ thuật thực cảnh’’ nổi tiếng ở những đâu đâu, là người
được coi cố vấn sử học hoạt ngôn có tiếng, là kiến trúc sư không biết được ai
phong là nhà ‘Hội An học’ … thì anh đều phải hết sức thận trọng, rất khiêm nhường,
lắng nghe mà học, chứ đừng vội đem những thứ mình tưởng văn minh tân thời đến dạy
cho dân u muội ở đây. Hội An rất đẹp, mà đã là người làm nghệ thuật thì tất phải
biết, cái đẹp bao giờ cũng mong manh, càng đẹp càng mong manh. Hội An lại rất
nhỏ, đã quá đẹp lại quá nhỏ, nên càng rất dễ bị tổn thương. Chỉ cần một chút
thô bạo và ngu dốt, là tai họa rồi. Và Hội An là một tổng thể gắn kết và hoàn
chỉnh, có phố cổ lại là một thứ phố cổ đặc biệt trong đó con người hiện đại
đang sống hằng ngày, có sông lớn giàu phù sa bồi thành nhiều cồn đất phì nhiêu,
có nhiều nhánh sông nhỏ lượn quanh các xóm làng cho nên chừng như đi đâu, ngồi
chỗ nào cũng gặp sông nước, có những cánh đánh đồng xanh rờn tha hồ vi vu mà
tôi biết nhiều năm qua Hội An đã quyết liệt giữ đến từng tấc đất chống lại mọi
sức ép nhất thiết không cho đô thị hóa. Mất những cánh đồng đó thì cũng không
còn Hội An. Mất những cồn bắp rất đẹp giữa sông kia thì cũng vậy …
Cái
gọi là chương trình « Ấn tượng Hội An » chiếm đúng một cồn đất như vậy. Càng
nguy hiểm vì đây là cồn đất rất gần phố cổ. Đứng ở cầu Cẩm Nam, tức ngay cuối
chợ Hội An nhìn xuống tưởng chỉ cần với tay ra là có thể chạm vào những khối bê
tông họ đang ngang nhiên hỗn hào dựng trên cồn. Vâng, bê tông và bê tông. Bắt đầu
là một tập đoàn lớn, tên là Gami, đến từ Hà Nội. Cũng như mọi tập đoàn, họ rất
nhạy cảm với đất, nhất là đất Hội An đang thành vàng. Bấy giờ, năm 2005, anh Sự
đang còn đương nhiệm, anh không đồng ý khi họ đòi nâng cốt khu cồn đất này lên
mấy mét, anh cũng quy định rõ trên cồn đất này chỉ được xây dựng nhỏ trong phạm
vi 15% diện tích, còn lại phải giữ nguyên canh tác nông nghiệp. Cũng quy định
chặt chẽ cầu bắc từ phía Cẩm Nam sang cồn phải là cầu gỗ thô sơ, tuyệt đối
không được xây cầu bê tông… Giằng co cho đến năm 2011, rồi 2015 thì có
quyết định đình chỉ và thu hồi đất… Nhưng rồi anh Sự nghỉ hưu. Năm 2016, như
trò ảo thuật, thoắt một cái, như đã phục sẵn ở đâu đó tứ lâu rồi, máy móc ồ ạt
đổ đến, tàu bè chen chúc, cần cẩu cao nghễu mọc lên, thi công khẩn trương,
không phải 15% mà 100%, đồng ngô nổi tiếng quét sạch bong, cốt trước đây nâng
lên một mét đã quyết không cho, nay từ cao trình tự nhiên dưới 13,5 mét vọt lên
16,5 mét, trở thành không phải một đống mà một bức thành bê tông khổng lồ chắn
giữa dòng chảy con sông Thu Bồn vốn nổi tiếng hung dữ về mùa lũ. Dựng lên một
khối bê tông 25.000 mét vuông chắn giữa dòng sông lũ dữ, hậu quả thế nào, ai
cũng có thể biết. Tôi ở Hội An đã lâu, tôi biết chưa mùa lũ nào anh Sự không
lao ra giữa dòng nước dữ cứu dân. Và có lẽ Hội An là nơi duy nhất suốt nhiều chục
năm không có người chết vì lũ. Nhưng còn từ nay về sau với sự thể này ?.... Anh
Sự đã kiên quyết chống lại. Dự án tạm dừng … Nhưng anh Sự nghỉ hưu. Mọi sự lại
đâu vào đó. Có phải tất yếu ? Chẳng lẽ cứ phải chịu là tất yếu ? Cái xấu, cái
ác lẻn đi bằng con đường nào vậy ? Tôi thử tìm hỏi, người ta cười chua chát,
đưa ngón tay chỉ lên trên. Cũng có người không cần che giấu, họ không chỉ lên
trên, họ chỉ ngang.
Ngày
18/3 vừa rồi cái chương trình « Ấn tượng Hội An » qui mô đó đã khai trương rầm
rộ trên cồn đất đã thành cồn bê tông nọ. Tuy, theo tờ bướm giới thiệu của họ, mọi
sự con chưa xong, trong số 14 công trình xây dựng mới chỉ có cái gọi là Khu biểu
diễn nghệ thuật thực cảnh hoàn thành, 13 cái còn lại đang tiếp tục xây. Mà đã
có thể hình dung; thay thế cho cái cồn bắp giản dị và thơ mộng vốn là một phần
nối dài tự nhiên và gắn kết của phố cố Hội An, khiến cho Hội An gần gũi đến độc
đáo với vẻ vừa phố vừa quê, vừa rất hòa nhập với thế giới vừa rất Việt, êm, nhẹ
như không…, nay là một thứ thành phố cổ giả vụng về và lòe loẹt đứng trên một đống
bê tông nghênh ngang chình ình giữa sông. Người đã ít nhiều quen biết Hội An chỉ
cần đi qua trên bờ phía Cẩm Châu hay phía Cẩm Nam thoáng nhìn đã thấy gai mắt.
Và nhói lòng. Cho Hội An.
Tôi
không được giấy mời đi dự khai trương như anh Sự, nhưng bắt chước anh Sự mấy
hôm sau tôi cũng mua vé đi xem. Nhất là sau khi đọc một bài báo ngắn trên Thanh
Niên online chạy cái tít rất hồ hởi: « Ký ức Hội An, vừa công diễn đã đạt
liền hai kỷ lục Việt Nam ». Hai kỷ lục gì vậy ? Bài báo ghi rõ :
« Kỷ lục Sân khấu ngoài trời lớn nhất Việt Nam và Chương trình biểu diễn
nghệ thuật thường nhật có số lượng diễn viên tham gia đông nhất Việt Nam ».
Thanh Niên Online còn khoe thêm : « Ký ức Hội An có kinh phí đầu tư lớn
với ê-kíp sáng tạo hùng hậu bậc nhất Việt Nam (Lẽ ra phải thêm một kỷ
lục nữa chứ !). Toàn bộ thiết bị âm thanh ánh sáng, kỹ thuật kỹ xảo đều
hiện đại và tinh xảo, sân khấu thực cảnh quy mô lớn nhất từ trước tới nay»
(Lại kỷ lục nữa !) Rất to lớn, rất hùng hậu, rất hiện đại, rất tinh xảo, rất
nhiều tiền, đều nhất, đều kỷ lục !
Thú
thật, cảm giác đầu tiền của tôi là : thôi rồi Hội An !
Tôi
cố ngồi xem một tiếng rưỡi đồng hồ. Và kinh ngạc về sự nghèo nàn và thô kệch của
cái gọi là chương trình nghệ thuật thực cảnh ấy. Chẳng lẽ « ê kíp sáng tạo hùng
hậu nhất việt Nam » lại không tìm được gì hơn ngoài cái mô típ cũ rích vọng phu
chờ chồng hóa đá, lại là vọng phu chờ chồng hóa đá ở Hội An, chuyên gia lịch sử
nào cố vấn cho đạo diễn mời từ tận bên Tàu qua vậy ? Rồi người Hội An dồn
lồng đèn lại để tạo ánh sáng cho anh chồng lạc hướng ngoài biển khơi biết lối
mà tìm đường về, chuyện bịa thì cũng được thôi nhưng bịa đến thế thì quá thô kệch,
xa lạ đến nhố nhăng, buồn cười với hình ảnh lồng đèn Hội An. Nên nhớ ở Việt Nam
vọng phu bao giờ cũng ngồi cô đơn trên ngọn núi cao để mòn mõi ngóng ra khơi
xa, đến hóa đá, hình ảnh bi thiết mà cao cả ; đâu có lếch thếch lội lõm bõm dưới
sông cạn chưa đến gối để rồi hóa đá thành người mò cua thảm hại làm vậy ! Họa
chăng chỉ có cái cảnh kỹ xảo rẻ tiền anh chàng chinh phu bay vút từ trên cánh
buồm lớn xuống với người chinh phụ đã hóa đá đứng còng lưng một cách vụng về dưới
sông cạn còn có thể làm lóa mắt mấy bà cụ già ở quê lần đầu ra phố coi xiếc…
Cuộc
diễn lớn được mệnh danh là « Ấn tượng Hội An » với sân khấu thực cảnh được quảng
cáo là rất tân kỳ mới nhập khẩu từ tận bên Tàu về, còn chương trình cụ thể hôm
nay có tên là « Ký ức Hội An ». Mà tìm mãi, chẳng thấy tí Hội An nào. Chắc vị cố
vấn lịch sử uyên bác quá biết Hội An không hề có đám cưới Huyền Trân với Chế
Mân để chưng con voi không lồ ra, và kiểu chợ nổi rộn ráng trăm thứ quả ngon
lành là đặc sản của Cái Răng miền Tây Nam Bộ, chứ Hội An thì nét đẹp vui mỗi
sáng là những gánh rau Trà Quế thơm không đâu thơm bằng các bà các chị
gánh chạy dìu dặt trên các đường quê kia …
Tôi
có hỏi cảm tưởng anh Sự, anh chỉ hạ hai chữ : trọc phú ! Rất có ý nghĩa : văn
hóa trọc phú ồn ào, khoa trương mà trống rỗng. Đặc điểm của văn hóa trọc phú là
hình thức, hợm hĩnh và thô kệch, lấy kỹ xảo che cho sự nghèo nàn, ở đây có khá
đầy đủ những thứ đó. Đều ngược với thị hiếu văn hóa nhỏ nhẹ, tinh tế Hội An.
Cách đây mấy năm, có lần chúng tôi thử ngồi bàn với nhau về đặc trưng của văn
hóa Hội An. Có một ý kiến rất đáng chú ý : người Hội An, do từng trải trong lịch
sử nên là người rất có ý thức về sự chừng mực, người Pháp gọi đấy là sens
de la mesure. Đúng ra sens de la mesure phải dịch là cảm
quan về sự chừng mực (chứ không phải ý thức. Cảm quan là cái sâu hơn lại
tự nhiên hơn ý thức), tức là cái do từng trải, lịch lãm mà có được, tự mình biết,
tự minh cảm thấy như thế mới là phải, như thành bản năng, không diễn đạt được
thành lời, không bài bản nào quy định, không sách nào dạy được, biết đến chừng
nào là đủ, là vừa, là đẹp, ít quá thì chưa « tới », nhiều quá nữa thì thành lố,
thành sến. Hội An rất kỵ cái to, cái lố, cái sến. Cũng là một thứ hiền minh. Đến
xứ hiền minh này, hãy coi chừng !
Tuy
nhiên lại cũng còn một mặt nữa không thể không nói. Thị hiếu thấp, qua hình thức
phô trương, với kỹ thuật tinh xảo, âm thanh gọi là hiện đại chát chúa, cùng các
trò chơi ánh sáng choáng ngợp lừa bịp, cũng rất dễ làm rối loạn thị hiếu công
chúng, triệt tiêu sự suy nghĩ, gây câm điếc, trơ lỳ về thẩm mỹ, hoặc ít nhất
gây thói quen với thẩm mỹ giả tạo, tầm thường, thấp kém, ăn xổi, mà một thành
phố có tiếng văn hóa tinh tế như Hội An rất cần cảnh giác.
«
Ấn tượng Hội An » đang là một tai họa văn hóa cho thành phố này. Và chắc chắn sẽ
không chỉ dừng lại ở văn hóa.
Tôi
báo động.
Nguyên
Ngọc
NGUỒN
: tác giả gửi Diễn Đàn ngày 7.4.2018
--------------------------------
MỜI XEM THÊM
Dân Trí
Thứ
Bảy, 07/04/2018 - 18:59
Chính
thức khai màn vào đêm 18/3 và sau nhiều buổi diễn, chương trình nghệ thuật thực
cảnh “Ký ức Hội An” đã gây ra khá nhiều tranh cãi.
Đây
là show diễn thực cảnh sở hữu nhiều kỷ lục nhất Việt Nam hiện nay được Tổ chức
Kỷ lục Việt Nam (VietKings) công nhận là “Sân khấu ngoài trời lớn nhất Việt
Nam” và “Chương trình biểu diễn nghệ thuật thường nhật có số lượng diễn viên
tham gia đông nhất”.
No comments:
Post a Comment