Tuesday, April 3, 2018

BẢN TIN TỐI 3-4-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
VOA đưa tin: PetroVietnam: ‘căng thẳng Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến hoạt động dầu khí’. Theo đó, PetroVietnam đã viết trên trang web của tập đoàn này rằng: “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bước vào thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 với những dự báo đầy khó khăn, thách thức đối với hoạt động dầu khí”.

Trong thông báo này, PetroVietnam thừa nhận: “Tình hình biển Đông dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí cũng như ảnh hưởng đến việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các lô còn mở của Tập đoàn”.

Cụm tàu sân bay tấn công số 9 Hoa Kỳ tiến vào Biển Đông, theo báo Giáo Dục Việt Nam. Tờ ETtoday ở Đài Loan xác nhận: “Sau khi kết thúc chuyến thăm Singapore hôm qua, hôm nay 3/4 cụm tàu sân bay tấn công số 9 Hoa Kỳ (CSG 9) đã tiến vào Biển Đông”. Trong cụm tàu này có hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, được hộ tống bởi 3 khu trục hạm là USS Halsey, USS Sampson, USS Preble và tuần dương hạm USS Bunker Hill.


Chuyện chính trường Kiên Giang – căn cứ của “đồng chí X”
Thanh tra Chính phủ bắt đầu thanh tra đất đai, khoáng sản, môi trường tại Kiên Giang, theo báo Lao Động. Sáng nay, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang xác nhận rằng đoàn công tác TTCP chính thức “tiến hành công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo kế hoạch được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ triển khai” vào chiều 2/4/2018.

Bài viết lưu ý: “Theo định hướng của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, đoàn công tác làm rõ các sai phạm, thiếu sót trong quản lý sử dụng đất, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường. Đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường nước”, điển hình là vấn đề chất lượng nước của sông Dương Đông tại huyện đảo Phú Quốc.


Vụ Mobifone mua AVG
ThS Đỗ Gioan Hảo, giảng viên Đại học Tài chính – marketing, nhận định với báo Tuổi Trẻ về chuyện nhóm cổ đông AVG trả lại tiền Mobifone: Không thể tính lãi suất không kỳ hạn. Theo ông Hảo, “không thể tính theo lãi suất không kỳ hạn vì đây là hoạt động đầu tư”, mà phải “tính theo lãi suất năm… Một khi đã xác định là đầu tư thì không thể lấy lãi suất tiền gửi thanh toán với lãi suất thấp để áp vào”.

Chuyên gia Bùi Quang Tín thì cho rằng chuyện “hai bên tự thỏa thuận thống nhất AVG sẽ trả lại số tiền trên cho Mobifone cùng với khoản lãi được tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của một ngân hàng do Mobifone chỉ định là không hợp lý”.

Cách tính lãi suất để chấm dứt hợp đồng trong thương vụ Mobifone – AVG thực chất không có lợi cho vốn nhà nước, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế. Ảnh: TT


Cái của nợ đường sắt Cát Linh – Hà Đông
VOV đặt câu hỏi: Đường sắt Cát Linh-Hà Đông khi nào vận hành chính thức? Ngày 2/4/2018 vừa qua, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: “Năm 2021 là thời gian kết thúc bảo hành của toàn dự án mà phía Trung Quốc thực hiện chứ không phải lùi thời gian vận hành đến năm 2021 như một số thông tin trước đó”.

Tuy nhiên, một đại diện Bản quản lý dự án vẫn lưu ý: “Năng lực quản lý điều hành của Tổng thầu EPC còn hạn chế (có thể do cách thức triển khai và cơ chế thực hiện ở mỗi nước khác nhaụ), mặt khác do đặc thù của dự án vừa thiết kế, vừa thi công nên việc thi công đôi khi không liên tục do phải chờ hồ sơ thiết kế, gây mất thời gian”.

Báo Lao Động đặt câu hỏi: 78.000 triệu USD ở đâu ra? Bài viết phân tích: “Với huyết mạch đường bộ, đến giờ mới có 800km cao tốc, đến 2020 sẽ đầu tư thêm 654km. Còn thiếu đến 6.500km cao tốc thì mới ‘cơ bản là nước có hệ thống đường bộ tương đương các nước khu vực’. Với suất đầu tư bình quân khoảng 12 triệu USD/km cao tốc, 6.500km tương đương 78.000 triệu USD. Và câu hỏi không thể không đặt ra là ‘tiền đâu’?


Cố ý làm trái
Báo Pháp Luật Việt Nam đặt câu hỏi: UBND tỉnh Quảng Nam có bao che sai phạm tại Cty CP Cấp thoát nước Quảng Nam? Bài viết bàn về các biểu hiện “thông thầu” giữa chủ đầu tư là Công ty Cấp thoát nước Quảng Nam với nhà thầu “sân sau” trong quá trình “thực hiện gói thầu: Cung cấp thiết bị và xây lắp Trạm bơm nước thô, tuyến ống nước thô, Nhà máy xử lý nước của 2 hợp phần Điện Nam – Điện Ngọc và Tam Hiệp”.

Theo PV báo Pháp Luật Việt Nam, mặc dù đã nhận được nội dung phản ánh, “nhiều ngày qua, UBND tỉnh Quảng Nam cùng các cơ quan chức năng tỉnh này vẫn làm ngơ, không làm rõ vụ việc”.

Trang VietNamNet đưa tin vụ chi tiếp khách hơn 11,2 tỉ: Gia hạn khắc phục thêm 3 tháng. Trong giai đoạn 2013 – 2016, các quan chức Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh Gia Lai đã chi sai hơn 11,2 tỉ đồng, lấy lý do “tiền tiếp khác”. Lãnh đạo tỉnh Gia Lai vừa cho phép những người này có thêm 3 tháng để “khắc phục” hậu quả vụ việc.


Cây khủng bị nghi của tướng công an
Báo Tiền Phong bàn về lỗ kim kinh dị. “Lỗ kim” đó chính là khiếm khuyết trong chuyện bảo vệ rừng, để rất nhiều trường hợp cây cổ thụ “lọt” qua nhiều vòng kiểm tra của kiểm lâm và CSGT, “đại ngàn Tây Nguyên ngày càng bị tàn phá dữ dội, càng vắng bóng cổ thụ, dù Thủ tướng đã nhiều lần vào tận nơi chỉ đạo phải triệt để đóng cửa rừng”.

Bài viết nhận định: “Không chỉ riêng lĩnh vực cầu đường, giao thông, chưa bao giờ dân chúng phải chứng kiến nhiều lỗ kim kinh dị đến thế! Quá nhiều vụ phạm pháp nghiêm trọng ngang nhiên phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật, cho thấy nhiều nơi pháp luật đã lui bước trước những quyền lực vô hình”.

Báo Giao Thông đặt câu hỏi: Ai là chủ của cây khủng như “quái thú” bỏ lại bên đường tránh? Bài báo cho biết: Đã có người tự xưng là chủ của các cây khủng bị bỏ lại bên đường tránh Huế, “nhưng hồ sơ giấy tờ người này đưa ra làm việc với Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên-Huế chỉ toàn bản photocopy, không hợp lệ”.

VTC có bài: Cây ‘quái thú’ bị bỏ lại ven đường ở Huế: Người được thuê tưới nước nói gì? ông Phạm Văn Mực, người được thuê tưới nước mỗi ngày cho 3 gốc cây cổ thụ bị bỏ lại ở Huế, cho biết: “Lái xe thuê tôi tưới cây để sau khi xong việc chở đi cây không bị chết. Lái xe nói sau khi xong việc sẽ vào thanh toán tiền điện nước và công cho tôi, tuy nhiên từ hôm đó tới nay không thấy ai liên hệ lại với tôi”.

Trang Chất Lượng Việt Nam đưa tin: Lộ diện nguồn gốc 3 cây ‘quái thú’ vận chuyển qua nhiều tỉnh thành trên Quốc lộ 1. Ông Y Sy H’Đơk, Chi cục Trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, nói: “Lực lượng kiểm lâm đã xác định vị trí cây gỗ là ở xã Tam Giang, huyện Krông Năng. Hiện đang giao cho anh em đi xác minh hiện trường”.


Quan chức cậy quyền
Trang Infonet đưa tin: Đà Nẵng: Kiểm điểm cán bộ Thanh tra nhân dân phường dọa đánh công dân. Ông Phạm Quang Huy, cán bộ Ban Thanh tra nhân dân phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng bị một người dân chụp ảnh “đọc báo trong giờ làm việc. Thấy vậy, ông Huy lớn tiếng quát tháo, xưng hô ‘mi’ – ‘tau’ với công dân, bắt bẻ công dân tại sao chụp ảnh không xin phép và có hành vi dọa đánh công dân”.


Mạng xã hội vs báo đảng
Bộ trưởng TT&TT yêu cầu: Xử nghiêm các hành vi vi phạm trên mạng xã hội, theo VietNamNet. Ông Trương Minh Tuấn đề nghị “tăng cường xử lý nội dung thông tin vi phạm trên 2 mạng xã hội Facebook và Youtube… Phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp phát tán thông tin không đúng sự thật trên Internet”.

Cách đây gần 3 tuần, chính ông Bộ trưởng 4T đã bị các “đồng chí” của mình bịt miệng. Ông không bằng lòng với kết luận của Thanh tra Chính phủ về thương vụ Mobifone – AVG, nên vận động các báo “lề đảng” đăng văn bản phản biện của Bộ 4T.

Các báo đăng văn bản này chưa được nửa ngày thì phải gỡ xuống, chỉ có các trang lề dân, thường bị chụp mũ là “phát tán thông tin không đúng sự thật”, chịu đăng văn bản phản biện để bảo vệ “quyền được nói” của ông. Giờ ông Tuấn không những quên hết chừng ấy việc, mà vẫn muốn xâm phạm “quyền được nói” của người dân.


Vụ án OceanBank
Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn tiếp tục gặp nhau tại phiên phúc thẩm đại án OceanBank dự kiến bắt đầu từ ngày 18/4/2018, theo báo Thanh Niên. Bên cạnh các bị cáo Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, phiên tòa phúc thẩm này còn có bị cáo Phạm Công Danh, “kháng cáo xin xem xét lại toàn bộ hành vi phạm tội”, bị cáo Hứa Thị Phấn, “kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm”.


Vụ án Navibank
Cả 10 bị cáo cựu cán bộ lãnh đạo của Navibank cùng kháng cáo, theo báo Công An Nhân Dân. Trong 9 bị cáo kháng cáo kêu oan có ông Lê Quang Trí, cựu Tổng Giám đốc Navibank. Chỉ có bị cáo Nguyễn Ngọc Oanh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Thậm chí cả “nguyên đơn dân sự là Ngân hàng Quốc Dân (tên gọi mới của Navibank) cũng có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung liên quan đến Navibank”.

Trong đơn kháng cáo, ngân hàng Quốc Dân cho rằng trong quá trình xét xử, “HĐXX cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Về nội dung vụ án, ngân hàng không đồng ý với tất cả vấn đề tòa tuyên đối với ngân hàng này”.


Nỗi buồn của nền nông nghiệp
VOV có bài: Nông sản Việt – Thứ được hét giá, thứ nằm chờ giải cứu. Bài viết bàn về hiện tượng: Trong khi các loại nông sản nội địa liên tục cần được “giải cứu”, thì mỗi năm Việt Nam vẫn nhập hàng ngàn tấn rau, củ từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các thương lái Trung Quốc liên tục thao túng giá nông sản ở Việt Nam: “Trái với một số mặt hàng nông sản bị rớt giá thảm, nhiều mặt hàng của Việt Nam lại đang tăng giá đột biến. Nguyên nhân của tình trạng này là do thương lái Trung Quốc ồ ạt sang Việt Nam thu mua”.

Thương lái thu mua khiến giá một số nông sản tăng, nông dân ồ ạt trồng các loại nông sản này, đến lúc thương lái ngừng mua thì nông sản rớt giá và người dân phải “giải cứu”. Nền nông nghiệp bị ám ảnh bởi vòng lẩn quân “tăng giá” – “rớt giá” – “giải cứu”.


Gánh nặng thuế môi trường và tình hình ô nhiễm môi trường
Báo Người Lao Động có bài: Môi trường có sạch hơn đâu mà tăng thuế mãi! Về chuyện Bộ Tài chính khẳng định có 60 ý kiến từ các bộ, ngành đồng ý với đề xuất tăng thuế môi trường lên giá xăng, bài viết nhận định: “60 ý kiến rõ ràng là quá ít so với 95 triệu dân, là số đông tiêu thụ xăng dầu và qua đó đóng thuế cho nhà nước. Họ là đối tượng chịu thuế, lẽ ra là ‘trung tâm’ cần phải hỏi, nhưng lại chẳng có vai trò gì trong cuộc trưng cầu dân ý này”.
Thực chất, thuế “bảo vệ” môi trường “hiệu quả đến đâu mà tăng thu mãi trong khi báo cáo về môi trường thì năm sau luôn ô nhiễm trầm trọng hơn năm trước?”

Chuyện ở quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng: Hơn 8km sông Cu Đê chuyển màu đỏ gạch, người dân lo lắng, theo báo Người Lao Động. Bài viết lưu ý: “Đây là lần thứ 2 trong năm 2018”, nguồn nước sông Cu Đê bị đục ngầu và “chuyển sang màu đỏ gạch gây hiện tượng cá chết rải rác dọc hai bên bờ sông”.

Người dân địa phương nghi ngờ rằng “nguồn nước thải của các nhà máy của KCN Hoà Khánh xả ra hệ thống cống rồi chảy ra sông Cu Đê khiến nguồn nước đục ngầu, gây ô nhiễm kéo dài như hiện nay”.

Nguồn nước sông Cu Đê bị đục ngầu và đổi màu đã kéo dài khoảng 4 ngày nay. Ảnh: NLĐ

Cá lại chết trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, theo báo Thanh Niên. Theo kết quả giám sát, đo đạc trên kênh Nhiêu Lộc từ ngày 1/4 đến 2/4/2018 của Sở TN-MT TP HCM, “cá ngoi lên mặt nước và chết rải rác, khoảng từ vài chục đến vài trăm kg, tập trung chủ yếu ở đoạn từ cầu số 1 đến cầu Lê Văn Sỹ”.



Cháy nổ ở VN: Hỏa hoạn hay nhân tai?
Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Vì sao Hà Nội chưa mua trực thăng chữa cháy? Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội trả lời: “Trong điều kiện kinh tế – xã hội và hạ tầng hiện nay, việc đầu tư trực thăng phục vụ công tác chữa cháy là quá sức với Việt Nam. Bởi khi mua trực thăng chúng ta phải tính đến hàng loạt dịch vụ đi theo như sân bãi, kho bảo quản, hệ thống không lưu”.

Chính quyền Việt Nam hiện tại không đủ sức đầu tư cho hệ thống trực thăng chữa cháy, nhưng lại có dư tiền để đầu tư cho các dự án ngàn tỉ “đắp chiếu”. Còn chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, trong tình cảnh phải liên tiếp tìm cách chống trả các hành động khiêu khích, khủng bố của quân CS Bắc Việt, vẫn có thể huy động trực thăng chữa cháy vì sự an toàn của người dân.

Báo Zing đưa tin: Dân chung cư 35 tầng ở Hà Nội căng băng rôn kêu cứu vì sợ cháy. Bài báo cho biết: Mấy ngày qua, nhiều cư dân ở tòa nhà Sông Đà, quận Hà Đông, TP Hà Nội liên tục biểu tình. “Họ tố hệ thống báo cháy và cứu hỏa của tòa nhà không hoạt động, đồng thời yêu cầu siêu thị điện máy MediaMart di dời 2 máy phát điện ở tầng một”.

Người dân căng băng rôn kêu cứu suốt nhiều ngày. Ảnh: Zing


Người Trung Quốc ở Việt Nam
Báo Người Lao Động đưa tin: Người phụ nữ Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam đã xuất cảnh. Theo đó, “người phụ nữ Trung Quốc hướng dẫn chui tại Bảo tàng Đà Nẵng, thuyết minh nội dung Việt Nam xưa vốn thuộc Trung Quốc, đã xuất cảnh khỏi Việt Nam”.

Những nhà đấu tranh biểu tình ôn hòa vì các vùng lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng thì bị sách nhiễu, hành hạ, thậm chí bị tra tấn, tù đày. Còn người Trung Quốc vào Việt Nam thuyết minh rằng Việt Nam xưa vốn thuộc Trung Quốc thì được các quan chức CSVN để yên cho xuất cảnh về nước.


Giáo dục Việt Nam
Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi về chuyện 41 ứng viên GS, PGS bị loại: các hội đồng có ‘vô can’? Một chuyên gia giáo dục nhận định: “Với những trường hợp mà hồ sơ thiếu hợp đồng giảng dạy, thanh lý hợp đồng, thậm chí thiếu cả hai giấy tờ này thì ai nhìn cũng biết nên không thể nói hội đồng không có trách nhiệm”.

Cho nên: “Tốt nhất là trước khi bỏ phiếu – khâu vốn có thể nảy sinh cảm tính – hội đồng ngành cần rà kỹ tiêu chuẩn ‘cứng’ của ứng viên, tránh sai sót. Còn các cơ sở đào tạo xác nhận không đúng, bộ không thể xuê xoa mà phải chấn chỉnh nghiêm khắc”.


***

Tin thế giới

Chuyện nước Mỹ
Báo Sài Gòn Giải Phóng có bài: Siết chặt nhập cư. Chỉ trong tuần cuối của tháng 3, chính quyền Trump đã có những bước siết chặt nhập cư như:

Tổng thống không gia hạn giấy phép lao động và bảo vệ cho khoảng 840 người Liberia sống và làm việc tại Mỹ trong ít nhất 16 năm qua. Bộ Thương mại Mỹ bổ sung thêm một câu hỏi về quốc tịch vào cuộc Tổng điều tra dân số năm 2020; Cơ quan nhập cư và hải quan Mỹ tuyên bố sẽ không còn miễn trừ tạm giữ người nhập cư bất hợp pháp khi mang thai...”

Mặc dù sinh ra trong gia đình nhập cư, nhưng ông Trump lại là người chống dân nhập cư. Mẹ của ông ta, bà Mary Anne Trump đến Mỹ khi 18 tuổi. Cả ông bà nội của ông Trump là ông Frederick Trump và bà Elizabeth Christ Trump đều đến Mỹ từ Đức, tức là trong người ông có 75% dòng máu của dân nhập cư. Hai trong số ba bà vợ (66%) của ông Trump đều là dân nhập cư.







***










No comments: