Monday, April 2, 2018

BẢN TIN TỐI 2-4-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Báo VnExpress đưa tin: 12 oanh tạc cơ Trung Quốc bay diễn tập trên Biển Đông. Không quân Trung Quốc xác nhận với Hoàn Cầu thời báo: “Một phi đội 12 chiếc oanh tạc cơ chiến lược H-6K của nước này đã xuất phát từ vùng Thiểm Tây đến một địa điểm không được tiết lộ trên Biển Đông để huấn luyện và diễn tập chiến đấu tầm xa”.

Một chiếc H-6K tham gia diễn tập trên Biển Đông. Nguồn: Global Times/VNE

Báo Giáo Dục Việt Nam có bài: “Biển Đông sẽ là vũ đài chính của máy bay ném bom Trung Quốc”. Theo tin từ Hoàn Cầu thời báo ngày 1/4/2018, Không quân Trung Quốc công bố một đoạn video quảng bá máy bay ném bom H-6K: “Cảnh quay trong đoạn video dài 3 phút 12 giây cho thấy Bắc Kinh đã tăng khả năng tác chiến và sẽ củng cố hiện diện quân sự của họ cả trên biển lẫn trên không”.

Với giọng “cướp biển”, chuyên gia quân sự Tống Trung Bình nhận định: “Biển Đông sẽ trở thành vũ đài chính của H-6K. Không quân Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến ành tuần tra trên biển như đã thể hiện trong video”.


Quan hệ Việt – Trung
Trong khi Trung Quốc tiếp tục điều máy bay ném bom đến Biển Đông, ở trên bờ: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, theo báo Tuổi Trẻ. Ông Trọng “khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác tốt đẹp với Trung Quốc; nhấn mạnh trong thời gian tới, hai bên cần tăng cường hữu nghị”.

Bất chấp các cuộc tập trận mà Trung Quốc liên tục tiến hành trên các vùng lãnh hải bị xâm phạm của Việt Nam, ông Trọng vẫn thể hiện “bản lĩnh chính trị” của một lãnh đạo CS: Ông xem đảng của ông quan trọng hơn chủ quyền quốc gia. Ông Trọng cho rằng Trung Quốc và Việt Nam đã “kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp tình hình, cùng nhau nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông”.  


Giá xăng và lộ trình “tận thu”
Báo Dân Trí đặt câu hỏi về đề xuất tăng kịch trần thuế môi trường xăng dầu: Bộ ngành đồng ý, người dân thì sao?Trong khi quan chức Bộ Tài chính một mực khẳng định “đa số ý kiến ủng hộ” đề xuất áp thuế môi trường lên giá xăng, PV báo Dân Trí cho biết:  
“Hầu hết những phản hồi của độc giả gửi về cho Dân trí tại thời điểm này đều phản đối đề xuất tăng thuế môi trường với mặt hàng xăng dầu lên ‘kịch trần’ của Bộ Tài chính. Nhiều độc giả đặt câu hỏi về mục đích của việc tăng thuế, về vấn đề thu – chi thuế bảo vệ môi trường từ trước đến nay”.

Báo Một Thế Giới có bài: Tăng phí bảo vệ môi trường với xăng dầu: Nên hỏi cả người dân. Ông Lưu Bích Hồ, cựu Viện trưởng viện Chiến lược phát triển cho biết: “Cần hết sức thận trọng, nếu có tăng thì phải thấp hơn 4.000 đồng/lít xăng và cần có giải trình rõ ràng là phí đó sẽ được dùng như thế nào”.

Ông Hồ lưu ý: “Hiện nay hàng của Thái Lan và nhiều nước đã tràn vào Việt Nam với thuế suất 0% cho nên việc cạnh tranh đã rất khó khăn. Nếu bây giờ lại tăng thêm thuế như thế này nữa thì hàng hóa Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh”.

Bộ Tài chính nhận định ý kiến giảm thuế đối với xăng theo tiêu chuẩn Euro 4: Khó thực hiện, theo Thời Báo Tài Chính Việt Nam. Quan chức bộ này tiếp tục nói vòng vo: “Mức độ ô nhiễm môi trường còn phụ thuộc vào công nghệ và thời gian sử dụng công nghệ của xe. Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường thì ngoài công cụ thuế, phí (thuế BVMT, phí BVMT đối với khí thải) cần phải sử dụng các công cụ khác”. Họ không dám nói rằng trong tình hình ngân sách hiện nay, thuế chỉ có thể tiếp tục tăng.

Trang VietNamNet có bài: Đồng tình tăng thuế kịch khung: Xăng tăng giá thêm 1.000 đồng/lít? Theo đó, trong buổi báo cáo giải trình về đề xuất tăng thuế môi trường đối với giá xăng, Bộ Tài chính khẳng định: Trong 60 ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành, “các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết và nội dung của dự thảo Nghị quyết (40/60 ý kiến nhất trí hoàn toàn)”. Còn người dân nghĩ thế nào thì Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác không quan tâm.

Biểu đồ thể hiện diễn tiến của mức thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa. Trong năm 2018, quan chức CSVN dự định thu hơn 57 ngàn tỉ. Nguồn: VNN

Trang Sở Hữu Trí Tuệ đưa tin: Từ 1/4 giá ethanol dùng để pha xăng E5 tăng thêm 420 đồng/lít. Bà Trần Thị Tuyết, Phó tổng giám đốc Công ty cồn Tùng Lâm xác nhận rằng từ ngày 1/4/2018, giá ethanol, nguyên liệu pha chế xăng E5, tăng thêm 420 đồng/lít, “chạm ngưỡng 15.000 đồng/lít”. Từ năm 2017 đến nay, “công ty sản xuất ethanol duy nhất tại Việt Nam đã tăng mặt hàng này 5 lần liên tiếp”.


Áp  lực của nền kinh tế
Báo Giáo Dục Việt Nam dẫn lời TS Nguyễn Minh Phong cảnh báo về áp lực của nền kinh tế. TS Phong lưu ý: “Năm 2018, kinh tế Việt Nam đối mặt với không ít khó khăn và thách thức như diễn biến khó lường của thị trường và thiên tai, biến đổi khí hậu, tình hình khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp”.

Khó khăn điển hình vẫn là vấn đề ngân sách và nợ công: “Dư địa chính sách hạn hẹp (nhất là trong bối cảnh nợ công vẫn tăng về giá trị tuyệt đối), nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế và yêu cầu đẩy nhanh tái cơ cấu trên nhiều lĩnh vực”.


“Lỗi hệ thống”
Trang VietNamNet đưa tin: Hàng trăm cán bộ mất chức do chi tiêu ngân sách sai. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm nay, Bộ Nội vụ đã báo cáo kết quả “xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý điều hành ngân sách năm 2014, 2015, 2016” theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ngày 26/3/2018.

Trong số 1.016 người đã bị xử lý, có 47 người bị buộc thôi việc, có 71 người bị cách chức, 7 người bị giáng chức, “12 người bị tù giam, 11 người bị chuyển sang cơ quan điều tra, 11 người bị khai trừ Đảng. Số còn lại được xử lý theo hình thức cảnh cáo, khiển trách”.

Báo Người Lao Động bàn về chuyện lạ: 5 bị can vẫn làm việc bình thường tại cơ quan. Ông Lê Minh Sáng, Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình đô thị Mỹ Tho, Tiền Giang xác nhận rằng có 5 cán bộ đã bị khởi tố “hiện vẫn làm việc bình thường ở công ty này và hưởng đầy đủ lương”.

Ông Sáng giải thích: “Sở dĩ 5 bị can nói trên dù bị khởi tố điều tra nhưng do cơ quan CSĐT chỉ yêu cầu đình chỉ chức vụ, không yêu cầu đình chỉ công tác nên công ty vẫn bố trí việc cho 5 bị can này và họ vẫn được hưởng 100% lương”.


Vụ cây “khủng” của ông tướng công an
Báo Công An Nhân Dân đưa tin: Chủ của 3 cây cổ thụ “khủng” bị CSGT bắt giữ vẫn chưa lộ diện. Chiều nay, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên- Huế xác nhận: “Đơn vị đã cắt cử lực lượng phối hợp quan chức năng điều tra để xác định nguồn gốc, làm rõ chủ của số cây này nhằm xử lý đúng theo quy định”. với cơ
Bị phạt 82 triệu đồng, chủ phương tiện bỏ lại 3 cây cổ thụ “khủng”, theo VOV. Sau khi CSGT Thừa Thiên – Huế tiến hành xử phạt 82 triệu đồng đối với 3 xe chở cây cổ thụ bị nghi của tướng công an Nguyễn Hữu Dánh, chủ phương tiện đã bỏ lại các cây này ở “đường tránh Huế, đoạn qua phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy”.

Trang VietNamNet có bài: Cây như ‘quái thú’ vi vu trên quốc lộ 1A: CSGT không thấy. Về chuyện CSGT nhiều tỉnh miền Trung không phát hiện cây “khủng” được chở qua quốc lộ 1A, Trung tá Hồ Văn Báu, Trạm trưởng Trạm CSGT Hải Lăng chỉ đưa ra lý do: “Có thể, những người chở cây nắm được thời gian đổi ca trực nên họ đã lợi dụng việc này”.

Phải chăng các quan chức CSGT không dám nói tiếp rằng có sự tác động từ nội bộ ngành để 3 cây cổ thụ rất lớn trở nên “vô hình” trong mắt CSGT của nhiều tỉnh miền Trung? Bài viết lưu ý: Chính người dân huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đã phát hiện xe “chở theo 1 cây gỗ khủng có dấu hiệu vi phạm luật giao thông”.


Tiếp tục chuyện cháy nổ
Báo Lao Động đưa tin vụ cháy tại chung cư New Horizon City (Hà Nội): Dân phải lấy xô dập lửa! Chưng cư này đã từng bị phạt 80 triệu đồng vì sai phạm trong PCCC và “ngày 1/4 mới đây, chung cư này đã xảy ra cháy thật. Điều đáng nói là đám cháy chỉ bị dập tắt bằng xô chậu trong khi cả 14 bình chữa cháy đều… câm nín”.

Hàng loạt chung cư Hà Nội ‘nổi sóng’ căng băng rôn sau vụ cháy Carina, theo báo Tiền Phong. Bài báo cho biết: Người dân tại một loạt chung cư ở thủ đô như chung cư TNR Goldsilk Complex, chung Hei Tower, chung cư Văn Phú Victoria, chung cư Golden West, chung cư Tràng An Complex,… đã căng băng rôn, biểu ngữ với nhiều hình thức để phản đối thái độ thiếu trách nhiệm của các chủ đầu tư trong chuyện PCCC.

Hàng loạt chung cư Hà Nội “nổi sóng” căng băng rôn sau vụ cháy Carina. Nguồn: TP

Báo Đời Sống và Pháp Luật có bài: Thảm họa chung cư Carina Plaza: ‘Ông chủ’ 557 lạnh lùng ‘đá’ trách nhiệm. Một cư dân chung cư Carina bình luận: “Nếu là chủ đầu tư có trách nhiệm, doanh nghiệp phải nhanh chóng có những biện pháp hỗ trợ… chứ không thể mặc các cư dân sống chết mặc bay, phải vượt qua cái đói bằng những suất cơm từ thiện, phải lo lắng chỗ nghỉ ngơi lưu trú sau khi vụ cháy xảy ra”.

Báo Dân Việt bàn về hiện tượng mất an toàn PCCC chung cư: Người dân và cơ quan quản lý cùng “kêu”. Theo đó, sau vụ cháy chung cư Carina, sai phạm trong PCCC tại các chung cư cao tầng ở Sài Gòn “dần lộ rõ. Có những bất cập kéo dài nhiều năm không được khắc phục triệt để khiến người dân ‘kêu cứu’ và ngay cả cơ quan quản lý nhà nước cũng ‘kêu khó’.”


Cá tiếp tục chết
Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị xác định nguyên nhân ban đầu cá biển chết trôi dạt vào bờ, theo Thông Tấn Xã Việt Nam. Về hiện tượng cá biển tiếp tục chết và trôi dạt vào vùng biển từ xã Triệu An đến xã Triệu Vân, thuộc huyện Triệu Phong, sở này đổ lỗi cho… ngư dân và sức ép của nước:

“Nguyên nhân ban đầu là do ngư dân làm nghề lưới rùng ở vùng biển gần bờ khai thác được sản lượng lớn cá, dưới sức ép của cá và nước nên lưới bị rách, đồng thời một số cá bị sức ép nên bị chết và trôi dạt vào ven bờ”.

Ô nhiễm môi trường
Báo Nông Nghiệp Việt Nam có bài: Dân chết mòn vì sự ô nhiễm môi trường khủng khiếp của trại heo Triệu Hải. Theo đó, hàng trăm hộ dân ở xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng, đã phải chịu đựng tình cảnh ô nhiễm do trại heo Triệu Hải gây ra trong nhiều năm. Trại heo này khiến “nước ăn bị ô nhiễm, nước thải tràn ra ruộng. Tình trạng ô nhiễm khiến cho lúa chết, cá chết… còn người thì bị mắc các chứng bệnh hô hấp, da liễu”.

Một người dân chia sẻ: “Từ năm 2013 trại heo đã xả nước thải xuống ruộng với dòng nước đen ngòm hôi thối khiến cây trồng bị chết. Gia đình tôi giờ không trồng cấy gì được nữa”.


Lâm tặc phá rừng
Báo Dân Việt đặt câu hỏi: Tàn sát rừng ở Quảng Nam: Ai bảo kê cho lâm tặc? Ông Huỳnh Tấn Sâm, cựu Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My, Quảng Nam cho rằng: “Rừng liên tục bị phá là có sự tiếp tay, nhất là tay trong, tay ngoài. Lâm tặc vào rừng cũng phải bằng đường rừng, đường núi chứ có phải nhảy từ trên trời xuống đâu mà các anh tuần tra lại không phát hiện”.

Ông Sâm nói thêm: “Muốn bảo vệ được lá phổi của rừng, ngoài mạnh tay với lâm tặc, cần phải mạnh tay hơn nữa với các đơn vị, ban quản lý rừng, chính quyền xã. Xử thật nặng để răn đe những người khác”.


Hiện tượng “lạm phát” học hàm
Trang Infonet đặt câu hỏi: Vì sao Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến không được công nhận giáo sư đợt này? Theo đó, trong danh sách 94 ứng viên GS,PGS cần xét lại đã được Thanh tra Bộ GD&ĐT hoàn thành ngày 31/3/2018, “có nhiều ứng viên không đủ điều kiện công nhận giáo sư và phó giáo sư (GS, PGS) năm nay”, bao gồm bà Tiến.

Báo Hải Quan đặt câu hỏi: Phó Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nói gì về trường hợp Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến? Ông Bùi Văn Ga, Phó Chủ tịch HĐCDGSNN cho biết: “Trong quá trình rà soát hồ sơ, lỗi chủ yếu là thiếu chứng cứ về giờ giảng. Khi thực hiện thanh tra các dữ liệu có phát hiện nhiều hồ sơ thiếu chứng cứ”.

Bên cạnh đó, chuyện thanh tra hồ sơ của các ứng viên GS, PGS cần xét lại đã hoàn thành. Tuy nhiên, HĐCDGSNN “vẫn phải chờ Thanh tra của Bộ GD&ĐT tổng kết, chuyển nội dung kết luận thanh tra sau đó mới báo cáo cụ thể”.

Báo Pháp Luật TP HCM bàn về lý do nhiều quan chức ‘rớt’ khỏi danh sách GS, PGS. Bài báo cho biết: Bên cạnh trường hợp Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, “ứng viên PGS Trương Xuân Cừ – Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc và nhiều quan chức khác như cục trưởng, giám đốc… không có tên trong danh sách cuối cùng này”. Nguyên nhân chủ yếu là “hồ sơ không chuẩn xác, thiếu các minh chứng cần thiết, không đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn công nhận GS, PGS”.

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi về chuyện Bộ trưởng Y tế ‘nằm ngoài’ tiêu chuẩn GS: GS.TS Phạm Huy Dũng nói gì? Ông Dũng không những cho rằng bà Tiến xứng đáng làm GS, mà còn… đổ lỗi cho dư luận:
“Nếu tạo dư luận cho một mục đích không lành mạnh lại là một vấn đề. Nếu người quản lý thiếu sáng suốt, không phân biệt dư luận được tạo ra với mục đích không lành mạnh để rồi hành xử theo dư luận ấy, sớm muộn hành động ấy sẽ chuyển hoá thành một tai nạn cho xã hội”.  

Trong khi đó, GS.TS Phạm Tất Dong nhận định: Cần kỷ luật người khai gian hồ sơ phong Giáo sư, Phó Giáo sư. Ông Dong nói thêm: “Nếu như kết quả rà soát cho thấy ở Hội đồng ngành nào có quá nhiều người không đạt tiêu chuẩn thì cần xem trách nhiệm của Hội đồng đó đến đâu. Tại sao lại để ‘lọt’ nhiều hồ sơ đến vậy?”.


Giáo dục Việt Nam
Báo Giáo Dục Việt Nam bàn về bốn vấn đề liên quan đến quốc sách và thực trạng. Bài viết lưu ý về vấn đề xây dựng và quản lý đội ngũ nhà giáo: “Lĩnh vực quan trọng nhất trong giáo dục là cơ cấu tổ chức, chất lượng đội ngũ giáo viên lại không do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý”. Các vấn đề còn lại là: “Cơ cấu tổ chức”“chủ trương và thực hiện”“tiếng nói của ngành Giáo dục” đều có rủi ro.

Cô giáo Phan Tuyết viết: Phúc khảo biến trượt thành thủ khoa thì phải xem xét kỉ luật ban giám khảo. Bài viết nhận định: “Có lẽ cũng vì không bị làm sao mà ngày càng phổ biến chuyện chấm phúc khảo từ trượt đã thành đỗ. Thế nên muốn chấm dứt tình trạng tiêu cực trên, cần có quy định kỉ luật thật nặng ban giám khảo nào chấm sai”.

Báo Lao Động đặt câu hỏi về vụ cô giáo “quyền lực” không giảng bài nhận sai: Cứ vi phạm, nhận lỗi là… xong? Theo đó, “hiện có rất nhiều sinh viên sư phạm giỏi, nhưng vì vướng biên chế nên không có cơ hội đứng trên bục giảng. Trong khi đó, nhiều GV yếu kém, vi phạm triền miên” đang lợi dụng sự “khoan dung” của dư luận.


Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Reuters đưa tin: Thượng nghị sĩ Warren ở Bắc Kinh, nói Hoa Kỳ đánh thức Trung Quốc về tình trạng ngược đãi về nhân quyền. Trong chuyến thăm Trung Quốc và các nước châu Á mới đây, Thượng Nghị sĩ Warren cho biết, bà nói với các quan chức rằng, người Mỹ không thể ủng hộ một hệ thống kinh tế hợp nhất với TQ, nếu Bắc Kinh “không tôn trọng các quyền cơ bản của con người”.

Trong khi dừng chân ở Nam Hàn và Nhật, bà Warren nói rằng, các đồng minh của Mỹ ở châu Á đang gặp khó khăn, vì không thể hiểu chính sách đối ngoại “hỗn loạn” của ông ta và rằng tình trạng hỗn loạn trong chính phủ Mỹ hiện nay, ngăn cản khả năng Mỹ đưa ra được một chính sách rõ ràng về các vấn đề quan trọng ở châu Á, cũng như chương trình hạt nhân của Bắc Hàn.


Tin nước Nga
Trang Soha có bài: Nhiệm kỳ mới của Putin, Thủ tướng Medvedev có phải ra đi? Bộ đôi Putin – Medvedev cùng thay phiên nhau nắm quyền điều hành nước Nga suốt 18 năm qua, có lẽ đã đến hồi kết thúc. “Trong bài trả lời phỏng vấn, ông Medvedev không đưa ra bất cứ chương trình làm việc hay sáng kiến dài hạn nào cho nhiệm kỳ tới. Mặc dù, trước đó Tổng thống Putin nhiều lần đưa ra kế hoạch phát triển đất nước trong gian đoạn mới và người dân Nga cũng tiếp nhận ít nhiều thông tin về kế hoạch này“.





***







No comments: