Saturday, April 7, 2018

BẢN TIN SÁNG 7-4-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Báo Giáo Dục Việt Nam có bài: Trung Quốc tập trận bất hợp pháp ở Hoàng Sa và thông điệp đến quan hệ Việt – Mỹ. Bài báo cho biết, cuộc tập trận kéo dài từ ngày 5/4 đến 11/4/2018, của Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông, được tổ chức gần đảo Hải Nam, trong bối cảnh có nhiều lời đồn rằng, ông Tập Cận Bình sẽ đến thị sát các đơn vị của Hạm đội Nam Hải “để cho bên ngoài biết quyết tâm của Trung Quốc” trong chuyện theo đuổi “yêu sách” ở Biển Đông.

Một số nhà phân tích quân sự nhận định: Bắc Kinh tăng cường triển khai hải quân xuống Biển Đông tập trận “để phản ứng với các hoạt động hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa Mỹ với Việt Nam và Philippines”.

VOA đưa tin: Việt Nam tăng cường lực lượng ‘ngư dân tự vệ’ để đối phó với Trung Quốc. Các chuyên gia Biển Đông cho biết, Việt Nam “đang khuyến khích ngư dân sử dụng tàu đánh cá tốt hơn và nên tuyển dụng những người được đào tạo trong quân đội ra biển đánh bắt, phòng khi có va chạm với Trung Quốc“.

Báo Tài Nguyên và Môi Trường bàn về lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa: Tri ân những hùng binh mở cõi. Lễ này được tổ chức ngày 21/2 Âm lịch, tại Đình làng An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi, nhằm “tưởng nhớ, tri ân các dân binh trong Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải dưới triều nhà Nguyễn đã có công dong thuyền ra đo đạc thủy trình và cắm mốc xác lập chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Sau lễ tế ở đình làng An Vĩnh là nghi thức thả thuyền tế ra biển. Ảnh: Báo TN&MT


Nhân quyền ở Việt Nam
Liên đoàn Thẩm phán Đức có Thông cáo Báo chí phản đối bản án dành cho các nhà hoạt động dân quyền Việt Nam. Chủ tịch Liên đoàn Thẩm phán Đức, ông Jens Gnisa, nói:
Không có gì có thể biện minh cho bản án này. Tất cả những người bị kết án đều là những người chỉ dấn thân cho các giá trị căn bản như quyền tự do, chế độ pháp quyền và dân chủ. Những quyền này được Việt Nam tự nguyện cam kết tôn trọng, nên người thực hiện chúng không thể bị truy tố về mặt hình sự”.

Theo thông cáo, vụ xử này đã vi phạm nặng nề quyền về tố tụng, khi sáu nhà hoạt động nhân quyền bị mang ra xử chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Ông Gnisa nói: “Toàn bộ vụ án kể cả việc tạm giam trên hai (02) năm trời làm cho người ta thất vọng. Chế độ Việt Nam đã đứng trên luật pháp hiện hành để bóp chết tiếng nói của những người chỉ trích họ. Tất cả kinh nghiệm lịch sử cho thấy, khát vọng tự do của con người sẽ vượt qua được mọi trở lực”.

Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam phản đối bản án khắt khe, tàn bạo dối với Luật sư Nguyễn Văn Đài và các thành viên Hội Anh Em Dân chủ, theo trang Quê Mẹ. Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch ủy ban, tuyên bố:

“Việt Nam không thể nào tự do đàn áp công dân họ mà chẳng sợ bị trừng phạt. Cộng đồng thế giới cần nói rõ không thể nào giao thương như thường lệ với Việt Nam bao lâu nhân quyền chưa cải tiến, khởi sự bằng việc trả tự do cho Luật sư Nguyễn Văn Đài và các người cộng sự”.

Phản động đây rồi, tại hang ổ trường đại học Kiểm sát Hà Nội:Quyền tuyển và “đuổi đầy tớ” của dân. Bài viết dẫn lại các quan điểm của ông Hồ về vấn nạn tham nhũng, về quyền của dân phế truất lãnh đạo – “công bộc” của dân. Ông Hồ luôn đưa ra lời hay, ý đẹp nhưng đó chỉ là những lời tuyên truyền sáo rỗng, không thực tế, nên học trò của ông không thực hiện được, vì nếu thực hiện, chế độ này đã sụp đổ từ lâu, Việt Nam đã không còn cộng sản.
Video clip về cuốn sách nổi tiếng của ông Gene Sharp, giáo sư môn khoa học chính trị ở trường ĐH Massachusetts: “Làm sao để khởi động một cuộc cách mạng bất bạo động”.


Rủi ro an ninh mạng ở Việt Nam
RFA đặt câu hỏi: Có gì khác khi Lực lượng tác chiến không gian mạng về Bộ Quốc phòng? Bài báo phân tích: “Sở dĩ có chồng chéo này là trước đây Việt Nam từng thành lập nhiều bộ phận an ninh mạng công khai lẫn bí mật”. Chính phủ Việt Nam đã công khai một số đơn vị “tác chiến không gian mạng” như Cục An ninh Mạng thuộc Bộ Công an, Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng, Lực Lượng 47 do Bộ Quốc phòng thành lập.

Chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu nhận định: “Mục tiêu họ đưa ra rất là rõ là họ chuẩn bị tác chiến với những kẻ chống lại đảng và nhà nước, thì nó mang tính chất chính  trị của nội bộ của nước Việt Nam”.

Việt Nam mất gần 543 triệu USD vì bị tấn công mạng trong năm 2017, theo RFA. Số liệu này do PGS Mathews Nkhoma, Trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam công bố trong hội thảo “An ninh mạng: Ai làm chủ?” tổ chức ngày 6/4/2018. Ông Nkhoma lưu ý: “Công nghệ và kết nối mạng phát triển nhanh khiến Châu Á, đặc biệt là Việt Nam rất dễ bị tấn công mạng”.


Vụ bắt tướng công an Phan Văn Vĩnh
Vụ bắt Trung tướng công an Phan Văn Vĩnh, báo chí trong nước đưa tin không nhất quán. Sau 15h chiều ngày 6/4, một số báo trong nước, trong đó có Zing (đã sửa lại cái tựa), Tuổi Trẻ… đưa tin khởi tố, rồi chưa đầy 3 tiếng sau, các báo đưa tin ông Vĩnh bị bắt.

Về thời gian tạm giam, có báo đưa tin tạm giam ông Vĩnh 3 tháng như Tiền Phong (sau đó đã sửa lại), có báo đưa tin 4 tháng. Cho tới khi có bản tin chính thức của Bộ Công an đăng trên website, những tờ báo dựa vào tin này để đăng, nên không phải sử đổi nữa.

Sau này, với những tin bắt bớ các tướng công an hoặc những người nằm trong các đường dây lợi ích nhóm, báo chí trong nước không nên đưa tin, mà hãy để cho Bộ Công an đưa. Do báo chí VN không được điều tra độc lập, mà tất cả đều phải dựa vào nguồn tin của công an, nên chờ tin từ website của Bộ Công an đăng cho chắc ăn, không phải sửa đổi, cũng không phải mất thời gian viết tin riêng.

VOA đưa tin: Cựu Trung Tướng Công an Phan Văn Vĩnh bị bắt. Bài viết lưu ý: Đầu năm 2018, đã có tin đồn rằng “Trung tướng Phan Văn Vĩnh đã bị bắt, tuy nhiên Bộ Công an hôm 12/1 cực lực bác bỏ tin này. Báo Pháp luật lúc đó trích lời Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an, khẳng định chuyện ông Vĩnh bị khởi tố là ‘không chính xác’.”

Sáng nay, VOV đăng vội bài viết có lời nhận định của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: “Không vì bắt cựu tướng Công an mà làm giảm uy tín của ngành”. Ông Thước cho rằng, vụ bắt tướng Hóa và tướng Vĩnh “sẽ làm cho ngành Công an mạnh lên. Không vì bắt người trong ngành mà làm giảm sút uy tín của ngành”.

Về bản chất, dạng bài như vậy được đăng vội với mục đích tuyên truyền, hy vọng trấn an dân chúng, trong tình hình ngày càng có nhiều lời đồn cho rằng vụ bắt tướng Hóa và tướng Vĩnh, cùng với lộ trình tái cơ cấu bộ máy công an, cho thấy những mâu thuẫn ngày càng gia tăng trong nội bộ ngành công an và cả chính trường Việt Nam.  


Vụ án Ngân hàng Đông Á và Vũ “nhôm”


Báo Kiến Thức bàn về sai phạm “khủng” tại Ngân hàng Đông Á: 8 năm không ai phát hiện. Bài báo cho biết, ông Trần Phương Bình và các nhân viên dưới quyền đã cố tình “rút ruột” Ngân hàng Đông Á từ năm 2007, “nhưng tất cả các sai phạm này đều không được phát hiện. Việc DAB âm quỹ, hụt tiền và vàng chỉ được phát hiện vào năm 2015 khi Thanh tra Ngân hàng Nhà nước vào cuộc”.


Hết tiền nuôi các tổ chức báo cô
Sau thông tin tái cơ cấu Bộ Công an là tái cơ cấu hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội. Trưa 6/4, báo chí trong nước đồng loạt giật tít: Đề xuất hợp nhất 5 đoàn thể chính trị – xã hội vào Mặt trận Tổ quốc. Các phương án nêu ra, trong đó có phương án sáp nhập năm tổ chức Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn lao động, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đến tối, vài tờ báo đã đổi tựa và cắt bỏ các phương án nêu trong bài. Xin được tóm tắt các phương án như sau: Phương án 1- Giữ nguyên các đoàn thể, nhưng tự chủ về tài chánh. 2- Nhất thể hóa chức danh Chủ tịch MTTQ và các tổ chức nói trên, thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho các đơn vị này. 3- Chuyển 5 tổ chức đó vào các ban của MTTQ; 4- Hợp nhất Ban Dân vận và MTTQ Việt Nam.

Ngân khố trống rỗng, tài nguyên cạn kiệt, chẳng còn gì để đào lên bán. Chỉ còn mấy cái mỏ dầu ngoài Biển Đông, hợp tác với nước ngoài khai thác mà dầu thì xuống giá, lại còn bị “bạn vàng” đe dọa, đuổi các các công ty nước ngoài, không cho khai thác.

Tiền ở đâu ra để nuôi thêm 6 tổ chức báo cô kia, mỗi năm tốn hơn ngàn tỉ mà chẳng làm nên trò trống gì, chưa kể tất cả các tổ chức quần chúng, hàng năm tiêu tốn khoảng 45.670 tỉ – 52.700 tỉ đồng ngân sách nhà nước. Tương lai mù mịt, nếu không dẹp chúng đi, sắp tới lấy tiền đâu ra mà nuôi các tổ chức này?

Báo Chính Phủ đưa tin: Bộ Tài chính sẽ giảm mạnh các đơn vị thuế, hải quan, kho bạc. Trong buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng ngày 6/4/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng “đồng tình với hàng loạt vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp và cho biết Bộ sẽ cắt giảm mạnh các đơn vị thuộc ngành thuế, kho bạc, hải quan, như bỏ một nửa trong số 713 chi cục thuế hiện hành”.

Trong tình hình ngân sách lâm nguy, các quan chức CSVN đành chấp nhận giải pháp tinh giản biên chế, cắt giảm nhân sự. Trước đó, Bộ Chính trị đã đồng ý lộ trình tái cơ cấu bộ máy công an, theo hướng loại bỏ cấp tổng cục. Cũng vì ngân sách đang cạn kiệt, nên Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai kêu gọi: Ngành Hải quan phải thu vượt chỉ tiêu 293 nghìn tỷ đồng.

Bà Mai phát biểu như vậy tại hội nghị giao ban giữa quý I và quý II của ngành Hải quan tổ chức ngày 6/4/2018. Theo bà Mai, tiến độ thu ngân sách nhà nước hiện nay vẫn “không cao, vì vậy các đơn vị hải quan phải nhìn nhận rõ mức thu này để có những nỗ lực trong công tác thu NSNN ngay từ những ngày đầu”.


Dự án bô xít Tây Nguyên: 10 năm sau
Trang Môi trường & Đô thị có bài: CT bauxite Tây Nguyên: Cảnh báo mười năm trước vẫn nguyên giá trị! Dự án bô xít Tây Nguyên tại một địa điểm có vị trí quan trọng về quốc phòng mà nhiều người cảnh báo, “ai làm chủ Tây Nguyên sẽ làm chủ toàn bộ khu vực Nam Đông Dương“.

Dự án này chẳng những không mang lại lợi ích kinh tế, mà còn tàn phá môi trường, với những tai nạn như bùn đỏ, “quả bom nước” treo lơ lửng, gây chết người. Ngoài ra, dự án này cũng đã phá hủy văn hóa, đảo lộn cuộc sống của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Bao nhiêu nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học, bao nhiêu lời khuyên của các nhân sĩ, trí thức, bao nhiêu kiến nghị của người dân, yêu cầu dừng khai thác bô xít ở Tây Nguyên, thế nhưng những người chủ trương đã không lắng nghe, mà còn bắt bỏ tù và gây ra cái chết của thầy giáo Đinh Đăng Định, một trong những người phản đối mạnh mẽ dự án này.

Bất chấp những tiếng nói ngăn cản, người ta vẫn quyết làm dự án này cho bằng được, bởi ‘Khai thác bauxite là chủ trương lớn’ của đảng và nhà nước. Những người chủ trương thực hiện dự án này chắc chắn biết rõ tác hại của nó ra sao, nhưng họ vẫn làm cho bằng được, bởi cái lợi là những đồng tiền lại quả, họ bỏ vào túi riêng, còn di hại thì… người dân gánh chịu! Đã có câu trả lời sau 10 năm, nhưng những kẻ chủ trương đã về vườn, “làm người tử tế”.

Tiếp tục tăng thuế môi trường dù ô nhiễm gia tăng
Thời Báo Tài Chính dẫn lời PGS.TS Nguyễn Thị Thương Huyền, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính khẳng định, chuyện áp thuế cao với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường là hợp lý. Đề xuất áp thuế cao này không thể hợp lý nếu số tiền tăng thuế đó không được sử dụng để làm sạch môi trường mà lại đi vào túi riêng của các quan thu thuế, thưa bà Huyền.

Trong khi lãnh đạo CSVN lấy lý do “môi trường” để tăng thuế, nhằm cứu nguy ngân sách, thì môi trường Việt Nam ngày càng ô nhiễm. Báo Tài Nguyên và Môi Trường đưa tin: Thanh Hóa: Dân phản đối bãi tập kết đất gây ô nhiễm môi trường. Một người dân sống gần bãi tập kết này cho biết: “Nhiều hôm xe chở đất, chở nguyên vật liệu có cả xe của công ty gạch Vicenza, cả xe ở chỗ khác khi đi qua thì bụi mù trời, sợ nhất là mùa hè trời nóng và có gió lại càng thấy rõ sự ô nhiễm”.

Chuyện ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng: Doanh nghiệp ‘vô tư’ xả thải ra môi trường, theo trang Pháp Luật Net. Người dân ở đây phản ánh rằng trong nhiều năm nay, họ “luôn phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề do Cụm Công nghiệp Vĩnh Niệm xả thải trực tiếp ra kênh Tây Nam, khiến dòng kênh này bốc mùi rất khó chịu”.

Thuế môi trường ngày càng gia tăng, dù ô nhiễm môi trường tỉ lệ thuận với việc tăng thuế, cho thấy chuyện tăng thuế này không phải để bảo vệ môi trường. Họ tăng thuế chỉ nhằm gia tăng ngân sách, trong tình hình ngân khố trống rỗng, còn người dân Việt Nam sống chung với ô nhiễm thì bỏ mặc.



Công trình chống sạt lở… bị sạt lở, xuống cấp
Báo Tài Nguyên và Môi Trường đặt câu hỏi về chuyện công trình kè chống xói lở bờ biển Tam Quan (Hoài Nhơn-Bình Định) bị hư hỏng: Do thiên tai hay nhân tai? Đây là công trình có chức năng “chống xâm thực bờ biển”, do UBND huyện Hoài Nhơn làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 80 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành, công trình “đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã xảy ra hiện tượng hư hỏng”.

Bài báo cho biết: “Công trình kè chống xói lở bờ biển Tam Quan đang bị xuống cấp nặng. Hiện trường cho thấy đá hộc gia cố chân khay, mái kè và tường chắn sóng ở nhiều đoạn qua thôn Thiện Chánh, Thiện Chánh 1 và Thiện Chánh 2, xã Tam Quan Bắc đã sụt lún”.

Chuyện ở TP Cần Thơ: Sạt lở ở khu vực đang thi công dự án kè trên 400 tỉ, theo báo Dân Việt. Ông Trần Văn Tín, Phó Chủ tịch UBND quận Ô Môn cho biết: “Khu vực sạt lở có chiều dài khoảng 54m, ăn vào đất liền 12m và sâu 12m. Hiện tại có ba nhà dân và một nhà gửi xe bị ảnh hưởng”. Về nguyên nhân, ông Tín… đổ lỗi cho thiên tai và khẳng định “không phải do thi công dự án bờ kè”.


Giáo dục ngày càng sa sút
VTC đưa tin vụ cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng: Đưa học sinh đi kiểm tra sức khỏe. Ngày 6/4/2018, ông Phạm Khắc Thảo, ông nội nữ sinh Phạm Phương Anh cho biết, gia đình ông và gia đình giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương, cùng đại diện Trường Tiểu học An Đồng đã “đưa bé Phương Anh đến Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng kiểm tra sức khỏe”.

Báo Dân Việt đặt câu hỏi vụ cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương bắt học sinh uống nước giẻ lau – điều gì xảy ra với ngành giáo dục? Bài viết còn điểm một loạt sự kiện, cho thấy tình hình sa sút của ngành giáo dục: Thầy giáo dạy Văn ở Trường THPT Hàn Thuyên, Sài Gòn bị tạm ngưng việc vì xúc phạm học sinh, thầy giáo ở Quảng Bình nhắc nhở thì bị lớp trưởng đâm thấu gan, vụ nữ sinh Phạm Song Toàn phải chuyển trường sau khi phản ánh chuyện cô giáo dạy Toán “bạo hành tinh thần” học sinh.

Báo Người Đưa Tin có bài: Kể việc cô giáo không giảng bài, nữ sinh phải chuyển trường: Cuộc tháo chạy của lòng quả cảm. Sau khi phản ánh chuyện cô giáo Trần Thị Minh Châu lên lớp mà không giảng bài trong nhiều tháng, nữ sinh Phạm Song Toàn đã phải chịu nhiều áp lực, bởi chính luồng dư luận đả kích từ các học sinh trong trường. Và đã có cuộc tháo chạy của lòng quả cảm” đó: “Kết quả của sự cô lập ấy, phụ huynh của nữ sinh đã phải khẩn thiết xin chuyển trường”.



***


Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Về người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường ở Mỹ, Scott Pruitt, VOA có bài: Tai tiếng bủa vây, quan chức môi trường hàng đầu của Trump cố bám chức. Dẫn nguồn từ AP, cho biết, ông Scott Pruitt vừa gặp Tổng thống Trump để trình bày lý do, vì sao ông nên ở lại, trong lúc ông ta “đối mặt với hàng loạt câu hỏi về vấn đề đạo đức”.

Báo New York Times đưa tin, Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly khuyên ông Trump nên sa thải Scott Pruitt, nhưng ông Trump rất thích Pruitt và xem ông ta là một đồng minh quan trọng trong nỗ lực “cải lùi” các nguyên tắc về môi trường, nên đã phản đối chuyện sa thải Pruitt. Ông Trump cũng không quan tâm đến những cảnh báo tiêu cực về Pruitt gia tăng và có thể sẽ có thêm những phát hiện đáng xấu hổ về Pruitt.



Vụ xử cựu TT Park Geun-hye
VOA đưa tin: Cựu TT Hàn Quốc Park Geun Hye bị tuyên phạt 24 năm tù vì tham nhũng. Toà án Nam Hàn đã kết án bà Park 24 năm tù và phạt hơn 16 triệu đôla, tội nhận hối lộ, vòi tiền, lạm dụng quyền lực… Thẩm phán nói, bà Park phải “chịu trách nhiệm về các hành vi phạm tội, nhằm ngăn chặn việc một tổng thống lạm dụng quyền lực mà người dân giao phó và đồng thời ngăn chặn việc gây ra sự hỗn loạn trong các vấn đề của quốc gia“.

Cựu Tổng thống Park Geun-hye bị tuyên phạt 24 năm tù giam vì tham nhũng. Ảnh: Reuters

RFI có bài: Vụ án Park Geun Hye, một công ba việc của tổng thống Moon Jae In. Năm 2016, bà Park Geun-hye đã ký ban hành đạo luật chống tham nhũng, quy định, mọi hành vi tham nhũng 30.000 đô la có thể lãnh án 3 năm tù. Trang Diplomat đưa tin, nếu được đãi ăn, thực đơn không quá 25 đô la, quà tặng không quá 44 đô la. Quy định này áp dụng cho tất cả chính giới, công chức, doanh nhân, nhà báo

Thế nhưng chính bà đã bị bắt và bị kết tội tham nhũng. Chuyên gia Antoine Bondaz cho rằng, việc kết án bà Park gửi đi thông điệp, “luật pháp tại Hàn Quốc từ nay áp dụng cho tất cả mọi người, kể cả những cựu tổng thống. Nhiều vị cựu tổng thống Hàn Quốc đã và đang bị xét xử về tội tham ô, tuy không hẳn là bị kết án hay bị tống giam. Người tiền nhiệm của bà Park Geun Hye, cựu tổng thống Lee Myun Bak đã bị tư pháp xét xử trong một số vụ tham nhũng”.




***










No comments: