Thursday, March 15, 2018

TĂNG THUẾ NHẬP CẢNG THÉP, NHÔM LÀ VẬN ĐỘNG TRANH CỬ (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
March 13, 2018

Nhật báo The Wall Street Journal thường là tiếng nói hướng dẫn dư luận bảo thủ, luôn đứng trong hàng ngũ đảng Cộng Hòa, từ hơn một trăm năm nay. Chủ nhân tờ báo hiện giờ là gia đình ông Murdoch, một người hay điện thoại trò chuyện với Tổng Thống Donald Trump từ trước khi ông ứng cử.

Cho nên chúng ta nên chú ý khi một bài quan điểm (Editorial) của báo này, ngày 7 Tháng Ba năm 2018, viết giản dị, thẳng thắn, không cần nói khéo: “Ông Trump nhảy vào lãnh vực mậu dịch có thể làm hại các nhà xuất cảng Hoa Kỳ và sẽ biến thành một cơn xoáy tàn hại’” (Trump’s trade irruptions could imperil American exporters and become a destructive spiral). Bộ biên tập của tờ báo cảnh cáo nếu ông Trump nhất định gây chiến tranh mậu dịch (với các nước Châu Âu) thì “ông ta và nước Mỹ sẽ thua – thua đậm” (…he and America will lose – and big).

Đây là mấy con số dẫn ra trong bài báo. Năm 2016, giao thương giữa Mỹ và Châu Âu lớn nhất so với thế giới. Mỹ bán $270 tỷ đô la hàng hóa và $231 tỷ đô la các dịch vụ qua Châu Âu. Về hàng hóa, Mỹ khiếm hụt $147 tỷ nhưng lại thặng dư $55 tỷ trong các dịch vụ, như ngân hàng, kế toán, sản phẩm trí tuệ, văn nghệ, điện ảnh,… Nhưng cũng trong năm đó, một nửa số tiền mới đầu tư trực tiếp vào nước Mỹ là do Châu Âu cung cấp, khoảng $200 tỷ. Hiện nay gần 5 triệu người Mỹ làm việc cho các công ty Châu Âu ở Mỹ (những việc trả lương cao).

Ai cũng biết nhà máy sản xuất xe hơi lớn nhất của công ty BMW  không phải ở Đức mà nằm tại tiểu bang South Carolina. Năm ngoái đó là nhà máy xuất cảng nhiều xe hơi nhất trên toàn nước Mỹ, sản xuất 371,000 chiếc xe, bán ra ngoài ba phần tư.

Ngày 12 Tháng Ba, Wall Street lại nhắc nhở Tổng Thống Trump một lần nữa; đăng thêm một bài quan điểm, nhắm vào lý do an ninh quốc gia mà ông Trump nêu ra để tăng thuế nhập cảng. Ông Trump dùng điều 232 trong đạo luật năm 1962, cho phép hành pháp đánh thuế trên một số hàng nhập cảng nếu có điều nguy hại cho an ninh. Chính phủ Trump nói thép và nhôm nhập cảng khiến việc chế tạo vũ khí của Mỹ bị đe dọa. The Wall Street Journal nhắc lại rằng chưa vị tổng thống Mỹ nào sử dụng điều đó để tăng thuế; và viết: Ngay cả Bộ Quốc Phòng Mỹ cũng không tin. Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis nói rằng số nhôm và thép nhập cảng chỉ chiếm 3% số dùng trong sản xuất của Mỹ, cho nên không thể gây ảnh hưởng nào đáng kể.

Trước đó ba ngày, trên mặt báo The Wall Street Journal, nhà bình luận Greg Ip phân tích kỹ hơn về vấn đề “an ninh quốc gia” mà chính phủ Trump viện ra để tăng thuế.

Thật là khôi hài khi nói rằng nhập cảng thép, nhôm từ Nhật Bản, Đức, Pháp, Nam Hàn, Canada có thể đe dọa an ninh nước Mỹ; trong khi nước Mỹ cũng đang “giao phó vận mạng” của mình trong tay các nước này, qua các hiệp ước, liên minh quân sự, tình báo, vân vân!
Nhà báo Greg Ip nhấn mạnh trong thế giới hiện nay quốc gia nào cũng cần nhập cảng, để làm đủ thứ hàng. Thí dụ, Mỹ nhập cảng thép để làm bánh xe hơi. Theo Hội Các Nhà Sản Xuất Bánh Xe Mỹ (U.S. Tire Manufacturers Association) thì bánh xe hơi (dân dụng hay quân sự) ở Mỹ, cần đến một loại thép đặc biệt mà không nhà sản xuất thép nào ở Mỹ muốn làm – vì làm ở Mỹ tốn kém quá.

Nhưng đánh thuế thép nhập cảng chỉ nhằm mục đích thiển cận, có thể gây mối họa lâu dài. Hiện nay số lượng dự trữ quặng mỏ sắt, dùng để chế tạo thép của nước Mỹ chỉ bằng một nửa của Nga hoặc Trung Quốc; số quặng ở Mỹ chứa ít sắt hơn. Một nguyên do là vì trong một trăm năm qua nước Mỹ đã khai thác quá nhiều. Nếu bây giờ chính phủ Mỹ nâng giá bán thép lên, thúc đẩy các xí nghiệp Mỹ khai thác quặng sắt nhiều hơn, thì tính về lâu dài, nước Mỹ đang làm hại chính mình! Một bài học đáng nhớ là thời Tổng Thống Dwight Eisenhower. Năm 1959, ông Eisenhower muốn bảo vệ quyền lợi các công ty dầu lửa Mỹ, cũng viện lẽ an ninh quốc gia mà hạn chế số dầu nhập cảng. Hậu quả là kho dự trữ dầu lửa ở Mỹ đã cạn đi rất nhanh. Đến năm 1973, nước Mỹ bắt đầu nhập cảng dầu nhiều hơn xuất cảng thì lệnh này mới bỏ, nhưng sau đó bị các nước sản xuất dầu OPEC bắt bí.

Lý luận dễ hiểu nhất của Greg Ip là chuyện nhôm, cho thấy tăng thuế nhập cảng là phi lý. Ông viết: Anh không thể nào chế tạo nhôm nếu không có  dùng bô xít (bauxite). Nước Mỹ hiện nay nhập cảng tất cả số bô xít sử dụng, những nhà máy ở Mỹ đã đóng cửa từ 30 năm nay rồi. Khai thác bô xít dùng quá nhiều điện, làm ở Mỹ tốn quá, ở nước khác rẻ hơn. Các công ty nhôm của Mỹ đều có nhà máy khai thác mỏ bô xít ở nước ngoài, như các nước Nam Mỹ và Canada. Bây giờ họ có thể phải mua bô xít của chính họ với giá cao hơn, vì thuế nhập cảng!

Bài quan điểm của nhật báo The Wall Street Journalngày Thứ Hai, 12 Tháng Ba vừa qua, kết luận rằng các công ty sử dụng thép hãy kiện lệnh tăng thuế nhập cảng của chính phủ Trump ra tòa vì họ sắp phải mua thép với giá đắt hơn! Các xí nghiệp có thể thắng dễ dàng; vì lý do chính phủ viện ra là an ninh quốc gia không thể đứng vững!

Lý do đích thực là vận động tranh cử. Tổng Thống Trump đang nhắm vào cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống năm 2020. Ông cần củng cố lòng trung thành của các công nhân trong công nghệ thép và nhôm ngay từ bây giờ! Họ là thành phần cốt cán năm 2016, khi ông Trump đả kích tất cả các nhà chính trị hai đảng đã bỏ rơi, để cho họ mất việc vì hàng nhập cảng! Bây giờ đánh thuế trong một, hai năm, giá thép và nhôm tăng, nhiều công nhân lại có việc làm và trả lương cao hơn, họ cũng thỏa mãn. Nếu bây giờ tòa án bắt chính phủ xóa bớt luật tăng thuế thép, nhôm, cũng không sao. Vì nếu ông Trump thua kiện, các cử tri “cốt cán” của ông càng yêu ông hơn!

Còn những hậu quả kinh tế thì sao? Kinh tế Mỹ rất lớn. Dù chính sách tăng thuế nhập cảng có gây hậu quả xấu, cũng không lo tai hại quá đáng! Sau hai, ba năm, chính phủ Mỹ sẽ đảo ngược lại cũng không sao! Thời ông Reagan, ông Bush đã làm rồi!

Nhưng đối với các nhà chính trị, vận động tranh cử là điều quan trọng nhất! (Ngô Nhân Dụng)








No comments: