Thursday, March 15, 2018

NHÃ CA, GIẢI KHĂN SÔ CHO HUẾ (Phan Ni Tấn)




14/03/201810:57:30

Một số hình ảnh :










Thời buổi văn minh, trong một gia đình nào đó có người thân qua đời, khi hạ huyệt, hầu hết con cháu đều bỏ khăn tang xuống lòng huyệt như để gởi theo lòng thương tiếc xuống với người quá cố. Đây là một hành xử văn minh, tránh hủ tục rườm rà, nặng nề, đeo đẳng cưộc sống con người nhiều năm.

Nhưng sự kiện đáng nói ở đây, là trong suốt 50 năm qua, giải khăn sô cho Huế, giải khăn sô cho những người con của Huế, của lịch sử bi thảm Huế và của cả dân tộc Việt Nam vẫn còn đó, vẫn đeo trắng cả một màu tang tóc trong hồn người Việt mà không thể nào vứt bỏ được, không cách nào nguôi ngoai được.

Năm 1970, hồi ký Giải Khăn Sô Cho Huế của nhà văn Nhã Ca đoạt giải Văn chương Việt Nam Cộng Hòa. Vì tác phẩm tố cáo tội ác của Việt Cộng trong biến cố Tết Mậu Thân 1968 tại Huế nên sau ngày mất nước 1975,  Nhã Ca bị tù biệt giam vì Giải Khăn Sô Cho Huế bị liệt vào một sản phẩm cực kỳ phản động, sách đã bị tịch thu, trưng bày trong "Nhà Triển Lãm Tội Ác Mỹ Ngụy". Còn phu quân của bà, thi sĩ Trần Dạ Từ bị tù 12 năm vì tội danh "biệt kích văn hoá". Do sự can thiệp của Văn Bút Quốc Tế phối hợp với Ân xá Quốc tế và Thủ tướng Thụy Điển Ingvar Carisson, ông bà được sang Thụy Điển tỵ nạn. Năm 1992 bà cùng gia đình sang California, Hoa Kỳ, lập hệ thống báo chí Việt Báo Daily News tại Quận Cam đến nay.

Nhã Ca tên thật Trần Thị Thu Vân là nhà văn bất khuất, một tên tuổi nổi bậc trong văn đàn nước Việt trước 1975 đến nay, Khởi viết năm 1960 đến 1975, bà đã xuất bản 36 tác phẩm gồm nhiều thể loại như thơ, bút ký và tiểu thuyết. Vì sinh trưởng tại Huế nên xứ Huế, người Huế được đề cập trong một số tác phẩm trĩu nặng ưu tư của bà trong đó Gỉải Khăn Sô Cho Huế  đã gắn liền tên tuổi Nhã Ca với Huế.

Sau 38 năm, nhân dịp tưởng niệm 40 năm biến cố Tết Mậu Thân nhà xuất bản Việt Báo đã tái bản Gỉải Khăn Sô Cho Huế năm 2008.

Năm 2014, Giải Khăn Sô Cho Huế được giáo sư sử học đại học Texas A&M Olgar Dror, người Nga dịch sang Anh ngữ tựa đề Mourning Headband For Hue, được Indiana University Press xuất bản.

25/2/2015, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học California Berkeley đã có buổi giới thiệu bản tiếng Anh Mourning Headband For Hue.

Ngoài Mourning Headband For Hue, tác phẩm Đêm Nghe Tiếng Đại Bác đã được Liêu Trương dịch sang tiếng Pháp tựa đề Le Cannon tonnent La Nuit.

Đoàn Nữ Binh Mùa Thu được Barry Hilton dịch sang tiếng Anh tựa đề The Short Timers.

Phim Đất Khổ được hãng Remis phát hành với tên Land Of Sorrows.

11/3/2018, Tôn Thất Hùng, hậu duệ của VNCH, người viết trẻ có chí hướng và tâm huyết, đã tổ chức một buổi ra mắt sách Giải Khăn Sô Cho Huế bằng tiếng Anh Mourning Headband For Hue tại Đại học Toronto với sự hiện diện của tác giả Nhã Ca và phu quân Trần Dạ Từ đến từ Hoa Kỳ.

Trong buổi ra mắt sách, ngoài giới truyền thông, báo chí tại Toronto tham dự, còn có chương trình văn nghệ đấu tranh do các văn nghệ sĩ địa phương phụ trách.

Chương trình kết thúc lúc 4:00 chiều cùng ngày sau buổi hội thảo vấn đáp do giáo sư Phùng Quang Tuấn điều hợp thật sôi nổi và cảm động về vấn đề liên quan đến xứ Huế, người dân Huế bị thảm sát trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân tại Huế được gói trọn nội dung trong tác phẩm Giải Khăn Sô Cho Huế, một minh chứng hùng hồn tố cáo tội ác của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Phan Ni Tấn








No comments: