Tuesday, March 6, 2018

CÁI QUỲ GỐI CỦA NỀN GIÁO DỤC (tin tổng hợp)





Tôi từng nói, nghề giáo là nghề khốn nạn nhất trong những nghề khốn nạn. Phát ngôn này không dưới một lần trong các đợt rầm rộ kỷ niệm Ngày Hiến chương Nhà giáo.

Những người không biết nhục hay lấy nhục làm vinh tỏ ra bất bình, vì tại sao tôi là một nhà giáo mà không biết tự tôn cái nghề của mình.

Bất luận trong hoàn cảnh nào tôi vẫn luôn yêu cái nghề tôi đã chọn. Nhưng tự tôn sao được khi hàng ngày chỉ cần động não một chút cũng đủ thấy loại khẩu hiệu “tôn sư trọng đạo” hay “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” chỉ là giả tạo, sáo rỗng. Đồng lương giáo viên so với mặt bằng thu nhập của cả xã hội nằm ở sát đáy, giáo viên phải tìm mọi cách xoay xở để sống. Mà ở cái nghề này xoay xở bằng cách nào khác, lương thiện thì công khai hoặc lén lút dạy thêm, bất lương thì kiếm chác, vòi vĩnh những chiếc phong bì từ phụ huynh, học sinh.

Thật xót xa cay đắng khi không ít giáo viên háo hức chờ đến ngày 20.11 có được chút quà và coi như đó là nguồn thu nhập tăng thêm. Không cần nói đến những doanh nghiệp thưởng nhân viên hàng trăm triệu đến gần bạc tỉ, đến như các chị lao công quét rác, ngày Tết còn được thưởng dăm mười triệu, trong khi giáo viên trường nào khá nhất thì cũng chỉ được ban ân cho một triệu. Thê thảm lắm!

Một cái ngành gồm những người sống ở mức cùng đinh, dẫn đến càng ngày càng không có trò giỏi dự tuyển đầu vào, đến mức loại học lực thi tốt nghiệp mỗi môn 3 điểm cũng đỗ để thành thầy giáo thì tư cách nào dạy dỗ cho con cái người ta?

Thân phận như thế mà tự tôn cao quý hay đòi xã hội tôn trọng thì thật huyễn tưởng! Hậu quả là ngành giáo dục, cái ngành nuôi nhân tài, nhân lực cho sự phát triển kinh tế của đất nước, lại trở thành cái ngành ăn mày xã hội. Đến mức gần như nhà trường nào cũng tạo ra cái Hội Phụ huynh học sinh để quyên góp cứu tế cho trường. Thân phận ăn mày không bị đối xử như ăn mày mới là chuyện lạ. Các phụ huynh ở Long An bắt cô giáo quỳ ngay giữa học đường chẳng qua chỉ vì họ xem giáo viên chỉ là kẻ ăn mày, đứa con ghẻ hư hỏng cần được chính các phụ huynh dạy bảo.

Khổ lắm, nhục lắm, nhưng thương lắm!

Nhưng cũng phải tỉnh táo mà nói rằng, cô giáo kia, và không chỉ một mình cô, cũng đáng giận lắm. Việc cô chấp nhận hình phạt quỳ 40 phút cho vừa lòng phụ huynh là một sự tự hủy hoại nhân cách, tự làm nhục cho mình và cho cả ngành mình.

Cô đã thay mặt nhà giáo để trả một cái giá quá đắt khi tự hạ mình từ người thầy thành thân phận ăn mày, con ghẻ của xã hội!

Tôi cũng không tin như nhiều người đã tin, rằng cô bắt học sinh quỳ chỉ vì cô muốn cho học sinh học tốt hơn. Tôi chỉ thấy ở đó hậu quả của căn bệnh thành tích hơn là cái ý muốn tốt đẹp kia. Đa số các giáo viên hiện nay trừng phạt học sinh không phải chỉ vì muốn các cháu học tốt hơn mà chỉ vì thành tích của các thầy cô, thành tích của nhà trường, thậm chí đó là biện pháp đe dọa các cháu đi học thêm. Bởi nếu muốn trẻ thực chất học tốt, chỉ cần nhắc nhở hay trừng phạt bằng con điểm và xếp loại kết quả học tập là đủ. Nhưng các thầy cô không dám trừng phạt bằng con điểm hay xếp loại kết quả học tập vì chỉ cần một điểm xấu, một kết quả kém là đã ảnh hưởng đến thi đua của thầy cô và nhà trường.

Tôi tin, nếu trừng phạt trẻ em, dù là hình phạt nặng nhất nhưng với cái tâm trong sáng, vô tư, khó có thể xảy ra chuyện thầy cô giáo bị phụ huynh học sinh trả đũa.

Tôi nhớ thời tôi đi học, dưới chính quyền Việt Nam Cộng hòa, sự trừng phạt của thầy đối với trò kinh khủng lắm chứ bắt quỳ giữa lớp học thì có đáng gì. Không thuộc bài bị thầy bắt quỳ gối trên xơ mít, thậm chí quỳ ở miệng hang kiến lửa và có đứa xoi miệng kiến cho kiến đốt. Ông thầy ngày ấy còn có cây thước gỗ trên tay để gõ đầu, nhiều khi học trò bị thầy gõ đến sưng đầu chảy máu. Dù hình phạt kinh khủng như thế nhưng chưa bao giờ có chuyện phụ huynh tấn công thầy để trả đũa. Hồi nhỏ tôi cũng đã từng bị phạt như vậy, nhưng hình phạt để nhớ đời chứ không mang trong mình một chút thù oán người thầy đã dạy mình.

Tôi không cổ vũ cho tàn dư của thứ giáo dục Nho giáo ấy. Tôn sư trọng đạo theo cách ấy chỉ tổ sinh ra các bạo chúa học đường. Nhưng ít ra, ở nền giáo dục ấy, người thầy được tôn trọng vì họ đáng được tôn trọng.

Cái gì để người thầy xưa được tôn trọng? Đơn giản là ở xã hội ấy, người ta trọng cái chữ. Cha mẹ cho cơm áo, thầy cô cho cái chữ. Ơn ấy cao hơn núi Thái Sơn. Cho nên, thầy cô được xếp một bậc trên cả cha mẹ. Còn bây giờ, khi xã hội không trọng hiền tài, nhan nhản chỗ nào cũng thấy đứa ngu lãnh đạo đứa khôn, dẫn đến người đi học không cần chữ mà chỉ cần bằng cấp và danh hiệu để thăng quan, thì người thầy tâm huyết càng muốn dạy nhiều chữ càng bị khinh ghét là chuyện hiển nhiên. Người ta không xếp vào lực lượng thù địch đòi đào tận gốc, trốc tận rễ lần nữa là còn may!

Nguồn :
Chu Mộng Long

------------------------------------------


Câu chuyện cô giáo quỳ trước mặt phụ huynh bởi, trước đó phạt học sinh quỳ khiến chúng ta không chỉ xót xa về tình cảm con người dành cho nhau mà xa hơn, chính là nền giáo dục đang nát bét. Ở đó, những con người “vỗ ngực tự sướng” có hàng ngàn giáo sư và tỷ lệ đậu tốt nghiệp gần 100%.

Tôi không bàn sâu về hình thức xử phạt của cô giáo và việc cô giáo bị trả đủa bằng sức ép phải quỳ trước mặt phụ huynh vì, dù có viện lý do nào, ai cũng có cái sai của mình. Tuy nhiên, tôi cảm thấy thương cô giáo hơn, cái nghề “trồng người” vốn dĩ cao đẹp nhưng trong nền giáo dục hỗn độn và đen tối như thế này, ngoài việc chịu sức ép dạy trò nên người, họ phải làm sao có “thành tích” để làm đẹp cho bộ mặt giáo dục.

Nhớ thuở nhỏ cách đây mấy chục năm, có thể giáo dục rất tệ về mặt học thuật (tôi không đề cập đến nền giáo dục VNCH vì không trải qua nhưng tôi nghĩ nó tốt do may mắn được hưởng tinh hoa của phương Tây) nhưng đạo lý “tôn sư trọng đạo” mà bao thế hệ luôn tuân thủ, bởi lòng tôn kính dành cho Thầy, Cô mình.

Nay thì sao, giá trị đó còn không? Tôi nghĩ là còn nhưng chỉ le lói, như một vệt sáng ở đường hầm tối tăm.

Tôi xin lỗi những nhà giáo đã và đang ngày đêm cống hiến bằng tất cả trái tim cho cái nghiệp đã lỡ trót mang vào thân, tôi xin lỗi những “người đưa đò” mang con chữ đến vùng miền núi xa xăm. Công việc ấy, giá trị ấy, làm sao đo được vì nó lớn lao vô cùng.

Nhưng! Sao mà vất vả quá, sao mà gian nan quá, ai hiểu, chúng ta có hiểu nỗi đau ấy?
Quay trở lại câu chuyện trên, tôi ước rằng, người cha sẽ chỉ ra cái sai của đứa con, sau đó lên gặp cô giáo mà rằng “thưa cô, cháu sai, tôi biết đó là hình phạt nhưng nếu được mong cô đừng để cháu quỳ, cháu sẽ xấu hổ tội cháu cô ạ”.

Còn cô: “Dạ, cũng chỉ mong cháu tốt hơn thôi ạ, em sẽ không bao giờ làm thế nữa, em xin lỗi, cảm ơn anh rất nhiều” cùng cái bắt tay và nụ cười dành cho nhau nhưng nó không xảy ra.

Vì sao, vì một nền giáo dục đang quỳ gối không biết khi nào đứng lên.

P/S: Tôi mượn hình ảnh đẹp của GS Ngô Bảo Châu và các cháu, hi vọng một ngày mai tươi sáng.

Ngày 06/03/2018
LS Lê Ngọc Luân








No comments: