Tuesday, March 6, 2018

BẢN TIN TỐI 6/3/2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Phó đô đốc Philip Sawyer, Tư lệnh Hạm đội 7 nói: ‘Tôi có rất nhiều ý tưởng hợp tác với Việt Nam’, báo VnExpress đưa tin. Khi được hỏi về hoạt động xây dựng, bồi đắp trái phép đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông, ông Sawyer nhận định rằng, hoạt động cải tạo và quân sự hóa của Bắc Kinh đang gây nên lo ngại ở khu vực xung quanh vùng tranh chấp lãnh hải, khi các nước không rõ “điều gì đang xảy ra”.

Tổng lãnh sự Mỹ tại Việt Nam Mary Tarnowka cho biết thêm: “Hợp tác quốc phòng của hai nước giúp tăng cường lợi ích an ninh chung mà hai bên cùng quan tâm, bao gồm tự do hàng hải ở Biển Đông, sự đề cao luật pháp quốc tế và sự công nhận chủ quyền quốc gia”.

Bài thứ 2 trong loạt bài trên báo Lao Động Thủ Đô: Quê hương hải đội Hoàng Sa, Trường Sa. Theo bài viết, đảo Lý Sơn không chỉ là “vương quốc tỏi”, mà còn là “nguồn cội của dân tộc, là lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, khúc tráng ca của hàng vạn người con đất Việt nối tiếp nhau lên đường giữ gìn biển, đảo quê hương”. Bảo tàng trên đảo này vẫn còn lưu giữ linh vị của những người lính thuộc “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” thời các chúa Nguyễn khai phá Đàng Trong.

Linh vị của những người lính Hoàng Sa được lưu giữ trong bảo tàng. Nguồn: LĐTĐ


Quan hệ Việt – Mỹ
Nhân sự kiện tàu sân bay USS Carl Vinson thăm Đà Nẵng, Thượng nghị sĩ McCain nhận định: quan hệ Việt – Mỹ tiến triển ‘vượt xa kỳ vọng trong mơ’, theo báo Thanh Niên. Bài viết dẫn lời tuyên bố trên trang web của Văn phòng Thượng nghị sĩ John McCain: “Chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay USS Carl Vinson đánh dấu tiến triển vô cùng to lớn mà Mỹ và Việt Nam đã cùng nhau đạt được trong nỗ lực hàn gắn các vết thương chiến tranh”.

Trong buổi tiếp đoàn Tư lệnh Hạm đội 7, Hạm đội Thái Bình Dương, Hoa Kỳ, Chủ tịch Đà Nẵng tiết lộ số tiền đầu tư của Mỹ, theo báo Người Đưa Tin. Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết: “Tại TP Đà Nẵng có gần 50 dự án của các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư với tổng số vốn trên 500 triệu USD”.

Tuy nhiên, chính quyền Mỹ tiến hành “ngoại giao tàu sân bay”, không có nghĩa ông Trump từ bỏ lộ trình “nước Mỹ trên hết”: Ngành thép Việt Nam có thể mất toàn bộ thị trường Mỹ sau tuyên bố của Tổng thống Trump, báo Dân Trí đưa tin. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nếu Tổng thống Mỹ áp dụng biện pháp thuế suất tối thiểu 53%, thép Việt sẽ không thể cạnh tranh được với thép từ các nước khác và bị loại trừ hoàn toàn khỏi thị trường Mỹ.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: “Đây chính là biện pháp phân biệt đối xử, đẩy Việt Nam vào tình huống khó khăn và nguy cơ bị triệt tiêu, mất thị trường là thấy rõ. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp trong nước đối mặt với nguy cơ phá sản”.




Công an “nhân dân”
Công an tỉnh Kon Tum vừa khởi tố, bắt tạm giam thiếu úy công an sử dụng súng không đúng quy định, báo Nhân Dân đưa tin. Theo quyết định khởi tố vụ án hình sự của công an tỉnh này, Thiếu úy Phan Võ Thành Nam đã dùng súng AK 47 bắn vào Thượng sĩ Đinh Quốc Hùng, cán bộ công an công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Kon Tum, khiến Thượng sĩ Hùng bị thương nặng ở đầu rồi tử vong.

Trước đó, báo chí trong nước đưa tin vụ Thượng sĩ Hùng trúng đạn vào đầu và tử vong, nhưng không nói rõ nguyên nhân mà dự đoán là anh này… nghịch súng nên súng cướp cò. Sau nhiều ý kiến trên mạng xã hội bày tỏ thái độ nghi ngờ rằng, vụ này do công an bắn lẫn nhau, vì hung khí là súng quân dụng, báo chí nhà nước buộc phải viết lại.

Trưởng công an xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An xài giấy chứng nhận tốt nghiệp giả bị cảnh cáo, theo báo VnExpress. Lãnh đạo huyện cho biết đã tiến hành kỷ luật về mặt đảng đối với ông Phạm Phú Thành, Trưởng công an xã Nghĩa Sơn, do “kê khai không đúng và sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận trái quy định”.

Giấy chứng nhận tốt nghiệp giả do công an Phạm Phú Thành sử dụng. Nguồn: VNE

Báo Giao Thông đưa tin: “Gửi” tiền công an xã, 2 năm dân vẫn chưa đổi được GPLX mới. Đó là chuyện ở xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, Thừa Thiên- Huế, gần 2 năm sau khi hàng trăm người dân xã này nộp hồ sơ và lệ phí để đổi GPLX từ vật liệu bìa sang GPLX PET cho ông Nguyễn Thanh Qúy, Trưởng Công an xã này, người dân vẫn chưa được đổi GPLX. Viên công an này tuyên bố phía bưu điện… chưa làm kịp.


Cố ý làm trái…
Báo Pháp Luật Plus đặt câu hỏi vụ chi sai tiền ngân sách ở huyện Yên Thế: Hiểu thế nào cho đúng? Theo kết luận của thanh tra tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo huyện Yên Thế đã chi tiền tặng quà cho các đối tượng không thuộc bảo trợ xã hội với tổng số tiền lên đến 667 triệu đồng.  Ông Vũ Trí Hải, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế phủ nhận toàn bộ chuyện này khi trả lời báo Pháp Luật Plus.

Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa quyết định giáng chức giám đốc trung tâm y tế lập quỹ đen, ký khống giấy khám sức khỏe, theo báo Người Lao Động. Ông Lê Văn Khiết, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Sơn đã bị giáng chức xuống làm phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện này “do để xảy ra hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý”, ông Khiết đã sử dụng số tiền có được từ chuyện ký khống giấy khám sức khỏe cho mục đích cá nhân.


Vụ án đường ống nước sông Đà
Trong phiên xử hôm nay, đại diện Vinaconex khẳng định: Hiệu quả dự án nước sông Đà lớn hơn nhiều thiệt hại vỡ ống, theo báo VnExpress. Ông Nguyễn Văn Tuân, Tổng giám đốc Vinaconex giai đoạn 2004 -2008, cho rằng, các thành viên dự án đều có tâm huyết đem lại nước sạch cho người dân sử dụng. Ông Hoàng Ngọc Khương, cựu ủy viên HĐQT Vinaconex phát biểu: “Đây là tai nạn nghề nghiệp, không có yếu tố tham ô tham nhũng. Xin tòa xem xét để làm sao khuyến khích các doanh nghiệp, dám làm đầu tiên”.

Trong phần xét hỏi, HĐXX công bố lời khai ông Phí Thái Bình, do ông này tiếp tục vắng mặt, VietNamNet đưa tin. Trong lời khai, ông Bình khẳng định: “Vỡ đường ống nước Sông Đà do nhiều nguyên nhân khách quan, không phải do việc phê duyệt dự án, không thuộc trách nhiệm của HĐQT Vinaconex”.


“Của nợ” đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Lãnh đạo bộ GT-VT khẳng định: “Sẽ không còn đường lùi về thời gian cho dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông”, theo VTV. Trả lời Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, lãnh đạo bộ này cho biết: “Phần khó khăn nhất là vốn của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được giải quyết. Phía Trung Quốc cũng khẳng định sẽ giải ngân vốn đối với tất cả các hạng mục đã hoàn thành khối lượng”.

Báo Người Đưa Tin đặt câu hỏi về dự án đường sắt Cát Linh–Hà Đông: Liệu kịp bàn giao cuối năm 2018? Mặc dù Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nói rằng, dự án này có thể được đưa vào khai thác từ cuối năm 2018, phía Tổng thầu Trung Quốc vẫn cảnh báo: “Tuy khối lượng công việc không còn nhiều nhưng để đạt được mục tiêu hoàn thành, bàn giao vào cuối năm nay vẫn còn nhiều khó khăn và phức tạp”.


“Lực lượng nòng cốt” của đảng
Tiếp tục vụ lãnh đạo Công ty Texwell Vina về nước trong khi vẫn nợ lương công nhân: Nhiều công nhân mang thai và lớn tuổi lo không tìm được việc, theo báo Lao Động. Sáng nay, hàng trăm công nhân công ty này đã bắt đầu làm thủ tục chấm dứt HĐLĐ, chốt sổ BHXH.

Một nữ công nhân chia sẻ: “Kỳ trước tôi được ứng 50% lương được 3,2 triệu đồng, trả tiền phòng 1 triệu đồng, còn lại hai mẹ con ‘ăn dè’ tiếp tục chờ đợi. Nhưng tôi nghĩ cũng chẳng có công ty nào nhận tôi làm việc nữa vì đã lớn tuổi”.

Tình cảnh người lao động nữ: Làm nhiều nhưng hưởng chẳng bao nhiêu, báo Người Lao Động đưa tin. Theo Mạng lưới hành động vì lao động di cư, tỷ lệ tham gia lao động của phụ nữ Việt Nam là 72%, cao hơn mức trung bình thế giới là 49%. Dù đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế của đất nước, người lao động nữ “luôn gặp nhiều khó khăn, rào cản hơn nam giới cả về thu nhập, cơ hội và môi trường làm việc”.


Các vụ án liên quan đến ngân hàng
Vụ doanh nhân Chu Thị Bình mất 245 tỷ tiền gửi trong sổ tiết kiệm ở Eximbank, nhiều LS cho rằng: Ngân hàng không thể đẩy trách nhiệm cho cá nhân sai phạm, theo báo Thanh Niên. Bà Bình giải thích lý do từ chối đề nghị tạm ứng 14 tỷ của Eximbank trong lần làm việc đầu tiên: “Tôi gửi tiền cho ngân hàng chứ không phải gửi tiền cho Lê Nguyễn Hưng”, là người rút tiền của bà Bình.

LS Bùi Quang Tín phân tích: Trong vụ này, ngân hàng Eximbank đã làm sai quy trình, “cho rút tiền mà không có sổ tiết kiệm thì lỗi thuộc về ngân hàng. Ngân hàng phải hoàn trả tiền lại cho khách hàng”.

Vụ mất 245 tỷ ở ngân hàng Eximbank: Nữ đại gia chính thức lên tiếng, VietNamNet đưa tin. Trong buổi làm việc chiều nay, ngân hàng Eximbank giữ quan điểm tạm ứng hơn 14 tỷ tiền bồi thường, bà Bình tiếp tục từ chối và giữ quan điểm: “Eximbank phải chi trả ngay khoản tiết kiệm 245 tỷ đồng, chưa tính lãi suất mà bà đã gửi ở ngân hàng, không trì hoãn, kéo dài”.

Bà Bình chia sẻ: “Việc ngân hàng thương lượng, tạm ứng số tiền nhỏ giọt làm xoa dịu bức xúc của tôi là không phù hợp, không dựa trên quy định pháp luật, trái với đạo đức kinh doanh, làm tổn hại đến chính sách huy động tiền gửi của dân vào hệ thống ngân hàng”.


Bằng thật nhưng chất lượng giả ở Việt Nam
Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước Phùng Xuân Nhạ vừa quyết định công bố danh sách 1.131 GS, PGS đạt tiêu chuẩn năm 2017, theo VietNamNet. Sau khi chấm dứt quá trình rà soát lại chất lượng của 1.226 hồ sơ ứng viên GS, PGS năm 2017, hội đồng này nhận thấy, chỉ có hơn 100 trường hợp không đạt chuẩn hoặc cần được tiếp tục xét lại..
Trong danh sách hơn 1.100 GS, PGS đạt tiêu chuẩn, không có một số quan chức như bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội, ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc…

Chuyện lạ: Bị kiện, Giám đốc Bệnh viện K vẫn được công nhận chức danh giáo sư sớm, theo Thông Tấn Xã Việt Nam. Ông Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K vẫn nằm trong danh sách được công nhận chức danh giáo sư năm 2017 vừa được HĐCDGSNN công bố hôm nay, dù Hội đồng chức danh ngành Y đã nhận được đơn kiện ông này về những sai phạm liên quan đến tài chính ở quỹ Ngày mai Tươi sáng.

Báo Lao Động có bài: Bật mí 11 ứng viên Giáo sư bị “để lại” rà soát. Theo bài viết, phần lớn ứng viên GS trong danh sách 11 trường hợp cần phải xét lại chính là các quan chức muốn có thêm “trang sức học hàm” cho sự nghiệp của họ.

Danh sách các quan chức có hồ sơ ứng viên GS bị giữ lại để xét tiếp. Nguồn: LĐ



Vụ cô giáo bị nhục hình
Cô giáo bị bắt quỳ đã rất mong muốn được cứu giúp nhưng Hiệu trưởng bỏ đi, báo Giáo Dục Việt Nam đưa tin. Theo đơn tường trình do cô giáo Cẩm Nhung gửi Phòng GD-ĐT huyện Bến Lức, Long An, lúc xảy ra vụ việc, cô Nhung đã tìm cách kéo dài thời gian nhưng Hiệu trưởng không có ý kiến và cũng không giúp gì.

Trong khi đó, ông Võ Hoài Thuận liên tục ép cô Nhung: “Con tôi không có lỗi cô bắt quỳ, bây giờ cô đang có lỗi cô quỳ lại đi. Cô quỳ được tôi coi như chuyện này quyết xong”. Theo ông Thuận, hình phạt quỳ gối của cô Nhung đã khiến con ông sợ tới trường, tới lớp.

Vụ cô Nhung bị bắt quỳ xin lỗi phụ huynh, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức cho biết: Sẽ chuyển cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo trang Kinh Tế Đô Thị. Các lãnh đạo huyện đã thành lập tổ xác minh và đến Trường tiểu học Bình Chánh, gặp những người có liên quan để làm rõ tình hình. Lãnh đạo huyện dự định yêu cầu những người có liên quan gồm cán bộ, viên chức, đảng viên làm bản tường trình, nhận sai sót.

Ông Võ Hoài Thuận khẳng định: “Tôi không ép, cô giáo tự quỳ” (!?), báo Người Lao Động đưa tin. Theo lời kể của ông Thuận, lúc xảy ra vụ việc, ông hỏi cô Nhung: “Cô biết cảm giác học sinh quỳ trên ghế thế nào cả tiết học không? Cô có quỳ được hay không mà phạt như thế?”, cô Nhung liền chủ động quỳ xuống để nhận lỗi! Ông Thuận khẳng định, hôm đó ông chỉ muốn làm việc với BGH về chuyện xin chuyển trường cho con.




Văn hóa tâm linh và lễ hội
Cán bộ, công chức nhà nước vẫn đi lễ chùa giờ hành chính, theo báo Petro Times. Bất chấp chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cán bộ chấp hành kỷ cương, “nhiều cán bộ, công chức vẫn vi phạm. Họ vẫn đi lễ hội vào giờ hành chính, thậm chí còn sử dụng xe công và đi tập thể. Đó là hành vi coi thường kỷ cương, phép nước”. Một loạt quyết định kỷ luật không ngăn được cán bộ đi xin “ơn thần linh”.

Giám đốc mất ghế vì lễ đền Trần bình luận: ‘Không vấn đề gì’, báo Dân Việt đưa tin. Ông Nguyễn Hữu Nghị, người vừa mất chức Giám đốc điện lực huyện Bình Lục, Hà Nam, cho biết: “Thực ra các công việc trong công ty điện lực tôi đã đều trải qua, những công việc này đối với tôi đều là những công việc bình thường, tôi đã từng làm… Tôi đã chuyển đơn vị nhiều lần, từ đơn vị này sang đơn vị khác, nên tôi thấy không có vấn đề gì”.

Chuyện một số cán bộ công chức đi lễ trong giờ hành chính đã vi phạm nghiêm trọng chỉ đạo của Thủ tướng. Ảnh do báo Người Đưa Tin cắt từ video clip của VTV



Công trình trái phép ở di sản văn hóa
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Thanh tra văn hóa nói gì về cầu đâm xuyên lõi di sản UNESCO Tràng An? Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL cho biết bộ này đã thành lập đoàn thanh tra làm việc về những sai phạm trong dự án xây cầu thang hàng nghìn bậc xuyên lõi di sản Tràng An. Vấn đề là: Trong 6 tháng cây cầu này được xây dựng, đã có lực lượng chức năng đến lập biên bản, nhưng cây cầu vẫn được hoàn thành, các cơ quan hữu trách chỉ thực sự nghiêm túc vào cuộc, khi di sản bị xâm hại nghiêm trọng!

Sau cuộc họp của Bộ VH-TT-DL để thông báo kết quả thanh tra về công trình bậc thang ở danh thắng Tràng An, lãnh đạo bộ này cho biết: “Vi phạm tại Tràng An cổ là vi phạm hết sức nghiêm trọng điều 13 của Luật Di sản”. Bộ này đã yêu cầu phía chủ đầu tư khẩn trương tháo dỡ công trình được xây dựng trái phép. Tuy nhiên, ảnh hưởng tới di sản văn hóa là “không thể tránh khỏi vì quá trình thi công đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới di sản”.


***

Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Đài ABC đưa tin: Cảnh sát Panama cưỡng chế và đuổi nhân viên khách sạn Trump International Hotel. Tranh chấp diễn ra nhiều tháng trước, các đồng sở hữu Trump International Hotel ở Panama tìm cách xóa tên ông Trump khỏi tòa nhà khách sạn và loại bỏ công ty của ông ta ra khỏi ban quản lý khách sạn.

Hôm 5/3, có hơn 10 cảnh sát mặc áo chống đạn, cùng các quan chức tòa án mang theo lệnh cưỡng chế, đi vào hành lang khách sạn Trump International Hotel. Họ đuổi các nhân viên công ty Trump Organization, công ty do các con trai của ông Trump điều hành. Sự việc diễn ra chỉ vài ngày trước khi ông John Feeley, đại sứ Mỹ ở Panama từ chức, dự định ngày 9/3, do những bất đồng giữa cá nhân ông với chính quyền Trump.

ABC có clip chiếu cảnh cái tên Trump bị gỡ bỏ khỏi khách sạn:

NBC đưa tin, Sam Nunberg, cựu trợ lý trong chiến dịch tranh cử của Trump đồng ý hợp tác với Công tố viên độc lập Robert Muller. Sau một ngày lên tiếng thách thức Công tố viên Muller, ông Sam Nunberg, cựu trợ lý trong chiến dịch tranh cử của Trump đã nói ngược lại những gì ông ta nói trước đó, và rằng ông ta sẽ hợp tác, làm theo trát tòa tìm kiếm tài liệu về chiến dịch tranh cử có liên quan tới cuộc điều tra Nga.

Những người làm chứng như ông Nunberg, khi từ chối xuất hiện trước bồi thẩm đoàn hoặc không trả lời câu hỏi, có thể bị tống giam và đưa vào tù cho đến khi họ đồng ý trả lời, hoặc cho đến khi kỳ hạn của bồi thẩm đoàn chấm dứt.



***

***

***









No comments: