Saturday, March 10, 2018

BẢN TIN TỐI 10/3/2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Báo Giáo Dục Việt Nam bàn về tình hình cán cân quân sự Biển Đông dịch chuyển, ý đồ Trung Quốc và kế sách Mỹ-Nhật. Theo Báo cáo “Tình hình Biển Đông: Trung Quốc bồi lấp đảo – chuyển động của các nước liên quan” do Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vừa công bố, Trung Quốc hiện đang triển khai tổng cộng 744 chiến hạm ở Biển Đông, “bao gồm 28 tàu ngầm, 25 tàu khu trục và tàu hộ vệ”.

Từ tài liệu này, Cựu Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, tướng Yōji Kōda đánh giá: “Cán cân sức mạnh quân sự trên Biển Đông nghiêng hẳn về phía Trung Quốc và mất cân bằng nghiêm trọng”.

Báo Tuổi Trẻ có bài tưởng niệm 30 năm ngày 14/3/1988: Lao tàu lên đảo Đá Lớn. Bài viết kể chuyện 2 tàu phía Việt Nam lao lên đảo Đá Lớn “để giữ đảo trước vòng vây của các tàu chiến Trung Quốc” trước ngày 14/3/1988. Đó là các tàu HQ 701 và HQ 671, đội tàu xuất phát ngày 31/1/1988 được chỉ huy bởi biên đội trưởng Nguyễn Văn Tân.

Cựu thuyền trưởng Hà Văn Thái kể: “Việt Nam đã khẳng định chủ quyền với Đá Lớn từ rất lâu nhưng mình lúc đó còn khó khăn, chưa đủ lực lượng để chốt giữ… Chúng tôi phân công tàu 701 neo ở nam đảo, còn 671 neo ở bắc đảo”.

Thuyền trưởng Hà Văn Thái (trái) và biên đội trưởng Nguyễn Văn Tân trên tàu HQ 701 trong chuyến đi ra Trường Sa đầu năm 1988. Nguồn: NVCC/TT


Quan hệ Việt – Mỹ
Báo Pháp Luật TP có bài: Tổng thống Mỹ áp thuế mới: Thép Việt sẽ gặp khó. Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nhận định: “Việc Tổng thống Mỹ ký lệnh áp thuế trên phần nào đó tác động đến doanh nghiệp Việt, làm cho cơ hội xuất khẩu thép sang Mỹ của doanh nghiệp Việt cực khó”.

Ông Sưa cho biết thêm, Hiệp hội Thép Việt Nam đang cùng các doanh nghiệp theo dõi tình hình, đồng thời tìm hiểu luật pháp của Mỹ và Tổ chức Thương mại thế giới để có ý kiến đề xuất với phía Mỹ.

Báo An ninh Thủ đô đăng ảnh tuần dương hạm USS Hué City: Tường tận sức mạnh chiến hạm Mỹ mang tên thành phố Việt Nam. Tuần dương hạm USS Hué City (CG-66) hạ thủy năm 1990, nó được Trung đoàn 1 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đặt tên “Thành phố Huế” bởi sự kiện trung đoàn này đã từng chiến đấu ở Huế trong dịp Tết Mậu Thân 1968, chi tiết không được nhắc tới trong bài.


Nhân quyền ở Việt Nam
Nhạc sĩ Tuấn Khanh viết: Vì sao chân của blogger Phạm Đoan Trang thương tật? Bài viết dẫn thông tin từ bác sĩ Nikonian, người chữa trị cho nhà báo Phạm Đoan Trang, “tiết lộ sự thật về những kẻ tấn công Trang và cố ý gây thương tật từ một ngón đòn được huấn luyện có trường lớp nghiệp vụ”.

Ông Khanh lưu ý: Hơn một năm trước, bà Trang bị vết thương hành hạ, đã đến một bệnh viện ngoài Bắc nhưng bác sĩ khẳng định vết thương bình thường. Lúc vào Nam, bà Trang mới được các bác sĩ có lương tâm báo rằng chậm chút nữa thôi là không thể đi lại được. Sau một cuộc giải phẫu gấp rút, bà Trang tạm thời qua cơn nguy kịch.

Trước đó, bác sĩ Nikonian viết: Vì sao đứt dây chằng chéo thì gây tàn phế? Bài viết xác nhận rằng nhà báo Đoan Trang bị đứt dây chằng chéo do bị “đạp mạnh từ phía bên đầu gối do một tay nhà nghề, giỏi võ thuật và biết rất rõ hậu quả gây tàn phế của cú đạp này”. Lực lượng an ninh dĩ nhiên được huấn luyện võ thuật, nhưng tiếc rằng họ lại không được huấn luyện cách làm người.

Trong khi Việt Nam vẫn loay hoay với nhân quyền, xã hội Mỹ đã chuyển sang lo cho “thú quyền”. VOA có clip, một thiếu niên Mỹ bị bắt vì giết vịt:

Còn đây là vườn thú Bandung ở Indonesia: Đười ươi hút thuốc gây phẫn nộ.


 Nhà nước “của dân”
Chuyện xảy ra ở xã Yên Phong, huyện Yên Định, Thanh Hóa: Chính quyền xã thờ ơ khi hàng nghìn mét vuông ớt chết nghi bị phun thuốc diệt cỏ, theo báo Lao Động. Một gia đình đã gửi đơn kêu cứu đến HTX về chuyện 2000m2 ớt xuất khẩu nhà họ chết cháy hết trước kỳ thu hoạch.

Tuy nhiên, lãnh đạo HTX trả lời: “Cái này vượt thẩm quyền giải quyết nên chúng tôi sẽ chuyển cho cơ quan công an”. Gia đình này chờ 20 ngày không thấy chuyển biến gì, tiếp tục hỏi thì HXT vẫn khẳng định đã chuyển đơn sang phía công an, phía công an thì khẳng định HTX chưa chuyển đơn.

Kết quả xây cầu tiền tỷ ở Hậu Giang: Dân tập trung phản đối cây cầu “chặn đứng tàu thuyền”, báo Dân Trí đưa tin. Mấy ngày qua, hàng chục hộ dân sống ở kênh Tân Hiệp, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang rất bất bình trước chuyện chính quyền địa phương xây dựng cầu Tân Hiệp với độ cao thông thuyền quá thấp.

Cây cầu tiền tỷ khiến “các phương tiện đường thủy có trọng tải vừa và lớn không thể lưu thông qua lại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất, kinh doanh của người dân địa phương”. Người dân đã báo lãnh đạo UBND thị trấn, nhưng vẫn chưa được giải quyết nên họ chỉ còn cách tụ tập phản đối chính quyền địa phương xây cầu chặn tàu thuyền.


Loay hoay “chống” tham nhũng
Tình hình xử lý tài sản tham nhũng: Bất lực với bất minh, theo trang Diễn Đàn Doanh Nghiệp. Kết quả thiếu thực chất của chuyện chống tham nhũng ở Việt Nam được thể hiện từ số liệu: “Trong 10 năm qua số thiệt hại do tham nhũng là hơn 59.750 tỷ đồng và 400 ha đất, nhưng chỉ thu hồi được 4.676 tỷ đồng và 216 ha đất, tức trên dưới 10%”.

Bài viết bàn về nguyên nhân chính, khiến chuyện thu hồi tài sản tham nhũng khó khả thi: “Pháp luật chưa có cơ chế xử lý sớm tài sản tham nhũng. Cụ thể là pháp luật hiện hành chưa có cơ chế xử lý tài sản bất minh”.

Thẩm phán Trương Việt Toàn nhận định về đề xuất đánh thuế tài sản kê khai thiếu trung thực: Không phù hợp luật, theo báo Tiền Phong. Ông Toàn cho rằng đã là tài sản có được theo cách không minh bạch thì phải bị xử lý theo pháp luật, chứ không thể đánh thuế. Còn về mức thuế 45%, ông Toàn đặt câu hỏi:

“Căn cứ khoa học nào đưa ra con số 45% và tại sao không thu 50% hay 70%? Việc này có thể tiếp tay cho tham nhũng hay không khi đối tượng tham nhũng của Nhà nước rồi đóng thuế 45% là xong? Con số thu thuế phải có căn cứ pháp lý, khoa học của nó”.


Khoảng lặng giữa vụ Navibank
LS Dương Lê Ước An nhận định vụ Navibank: “Triệu tập thẩm phán toà cấp cao là chuyện chưa từng có”, báo Đời Sống và Pháp Luật đưa tin. Về chuyện các LS bào chữa cho nhóm bị cáo vụ Navibank yêu cầu triệu tập ông Quảng Đức Tuyên, cựu Thẩm phán TAND Tối cao tại TP HCM, vì ông là chủ tọa phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm giai đoạn 1, LS An bình luận:

“Việc các luật sư đề nghị triệu tập thẩm phán có liên quan đến vụ án xét xử là chưa từng có. Cá nhân tôi đánh giá đây là một bước đột phá, mạnh dạn của các luật sư để chứng minh, làm rõ nội dung của vụ án khi có những mâu thuẫn chưa làm sáng tỏ”.

LS Nguyễn Duy Bình đánh giá vụ xử cựu lãnh đạo NaviBank: “Siêu tốc” khởi tố điều tra trong 11 ngày, theo báo Dân Việt. LS Bình cho rằng: “Việc điều tra, kết luận một cách ‘siêu tốc’ khiến vụ án này chưa được đánh giá một cách khách quan từng tình tiết, từng chứng cứ và có thể gây oan sai”.


Xử vụ vỡ đường ống nước sông Đà
Phiên xử hôm nay, vụ 18 lần vỡ đường ống nước sông Đà: Nói lời cuối, 9 bị cáo đồng loạt kêu oan, theo VTC. Khi được HĐXX cho phép nói lời sau cùng, bị cáo Hoàng Thế Trung, cựu Giám đốc ban quản lý dự án phát biểu: “Tôi mong muốn HĐXX xem xét công tâm, bởi trong quá trình giám định hậu quả vụ án, đơn vị phụ trách giám định chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ra sự cố vỡ đường ống cấp nước sạch sông Đà”.

Các bị cáo khác đều nói họ không chấp nhận, không phục kết luận của ban giám định về nguyên nhân gây ra các sự cố vỡ đường ống nước sông Đà. Có bị cáo nói: “Chúng tôi không có quyền thực hiện các nhiệm vụ liên quan chuyên môn của từng người trong dự án”.
Các LS trình bày quan điểm bào chữa vụ vỡ ống Sông Đà: Ống cốt sợi thủy tinh không trong danh mục ứng dụng KHKT. Các LS cho rằng, “ống composite cốt sợi thủy tinh là vật liệu mới, cần khuyến khích sự mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng những thay đổi”. Tuy nhiên, đại diện VKS lặp lại kết luận của cơ quan giám định, trong đó “nêu rõ do chất lượng ống không đảm bảo”.


Tài xế vs trạm BOT
Ông Nguyễn Minh Hùng, tài xế đầu tiên bị phạt bởi luật cấm dừng quá 5 phút ở trạm BOT, viết: Hùng cảm thấy không an toàn khi ở trạm BOT T2 Cần Thơ. Tài xế Hùng cho biết, ông bị một người lạ đe dọa và tìm cách hành hung, ngay sau khi làm việc với cơ quan chức năng. Sự việc diễn ra ngay trước mắt công an quận Thốt Nốt, nhưng không ai can thiệp. Ông Hùng chia sẻ video clip ông ghi lại cảnh ông suýt bị hành hung:

UBND tỉnh Quảng Ninh hứa giải quyết kiến nghị của dân liên quan BOT Biên Cương, VOV đưa tin. Theo đó, ông Vũ Văn Hợp, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh vận động người dân không “tụ tập người tại các trụ sở cơ quan làm việc Nhà nước hoặc nghe các hành vi kích động, gây mất an ninh trật tự tại trạm thu phí và các khu vực khác trên địa bàn, gây xấu đến hình ảnh người dân Quảng Ninh”. Ông Hợp không hiểu rằng người dân phải làm vậy để bày tỏ sự phản đối khi họ bị “tận thu”.


Vụ cô giáo bị bắt quỳ
Đảng ủy xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An vừa khai trừ Đảng phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối, theo VietNamNet. Ông Trần Văn Tươi, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức, cho biết: “Qua biểu quyết, lấy ý kiến của chi bộ, xem xét bản kiểm điểm của Đảng viên Võ Hòa Thuận, Đảng ủy xã Nhựt Chánh đã kỷ luật khai trừ Đảng đối với Đảng viên Võ Hòa Thuận”.
Tuy nhiên, ông Tươi nói thêm: Để có kết luận chính thức về hình thức xử lý đối với Đảng viên Võ Hòa Thuận “thì phải chờ kết luận của Đảng ủy huyện Bến Lức. Hiện Đảng ủy huyện vẫn đang xem xét để có quyết định xử lý”.

Trang Gia Đình và Xã Hội phân tích vụ cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh: “Lộ” bất cập của Hội Phụ huynh và Hiệu trưởng. Vụ việc cho thấy Hội Phụ huynh và Hiệu trưởng trường tiểu học Bình Chánh đều chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ. Họ không những không giảng hòa được mâu thuẫn, mà còn tỏ ra bị động trước ông Võ Hòa Thuận.

Trang Sống Mới đặt câu hỏi: Sao người ta dễ quì đến thế? Về ý kiến cho rằng cô Nhung quỳ vì “sợ bị mất việc, sợ sức ép từ các phía khi chính mình cũng đã sai do phạt học sinh quỳ”, tác giả đánh giá: Đó chỉ là ngụy biện. Chuyện cô Nhung quỳ “làm nảy sinh câu hỏi rằng người giáo viên liệu có ý thức bồi đắp nhân cách cho trẻ hay chỉ đơn thuần là một người coi nghề giáo là nghề mưu sinh thuần túy”.

Báo Giáo Dục Việt Nam có bài: Người lớn tranh cãi việc “cô giáo bị quỳ gối” chỉ gây tổn thương cho học sinh. GS Đinh Quang Báo, cựu Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, đánh giá, hình thức phạt quỳ mà cô Nhung áp dụng với các học sinh ở trường tiểu học Bình Chánh: Cô Nhung áp dụng phương pháp xử phạt học sinh “theo kiểu cổ điển, chưa phù hợp với thực tế hiện nay”



Giáo dục Việt Nam: Loay hoay “trồng người”
TS Lê Vinh Triển có bài viết về nội dung căn bản giáo dục đạo đức (đức dục) cho học sinh tiểu học, ba lớp Một, Hai, Ba của Chương trình Tiểu học, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1960. Theo bài viết, học sinh các lớp Một, Hai, Ba của chương trình giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa được dạy về lễ nghĩa, đạo đức, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Biếm họa trên mạng

Nền giáo dục Việt Nam hiện nay đối mặt với nghịch lý tuyển sinh sư phạm: Khi người giỏi không muốn làm thầy, theo báo Người Đưa Tin. Thầy giáo Trần Trung Hiếu, trường THPT Phan Bội Châu, Nghệ An cho biết: Với người trẻ hiện nay, phải cùng đường thì họ mới vào ngành sư phạm.

Thầy Hiếu nhận định: “Những em chọn ngành này thì chất lượng đầu vào rất kém. Điều này thực sự đáng lo ngại bởi những trường sư phạm có đầu vào thấp như vậy chắc chắn không có giáo viên giỏi”.


***

Tin thế giới

Báo Washington Post đưa tin: Trump sẽ nhận được lễ duyệt binh như ý, chỉ có điều không có sự hiện diện của xe tăng. Lễ duyệt binh theo mong muốn của Trump sẽ diễn ra ở Washington vào ngày cựu chiến binh (Veterans Day), tức ngày 11/11/2018, sẽ diễn ra từ tòa Bạch Ốc đến điện Capitol. Không có sự hiện diện của xe tăng vì Bộ Quốc phòng sợ làm hư đường phố.



Biếm họa trong tuần: Trump đánh thuế vào mặt hàng nhôm và thép, nói rằng “chiến tranh thương mại thì tốt… và thắng dễ dàng”. Ảnh: Roger/ Pittsburgh Post Gazette



***








No comments: