Thursday, March 8, 2018

BẢN TIN SÁNG 8/3/2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Viet Times có bài: Trung Quốc mưu biến Biển Đông thành “pháo đài” tàu ngầm hạt nhân. Quần đảo Trường Sa hoàn toàn không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đã cố tình chiếm đóng và xây dựng các tiền đồn quân sự trên quần đảo này một cách phi pháp.

Trung Quốc đã xây đảo nhân tạo và xây dựng các hệ thống dân – quân sự trên 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa, xây các cảng nước sâu và đường băng, nhằm cải thiện khả năng phối hợp và thực hiện các hoạt động dân sự – quân sự ở khu vực này.

Vụ tàu cá bị mất liên lạc nhiều ngày: Bị Hải quân Thái Lan bắt giữ, theo báo Thanh Niên. Ông Dương Minh Liêm, người ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau cho biết, tàu cá của ông đã bị hải quân Thái Lan bắt giữ, sau khi mất liên lạc từ ngày 20/2/2018 đến nay. Bên cạnh đó, “Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau cũng có báo cáo về việc 1 tàu cá của bà Nguyễn Thị Bé Lan (ngụ khóm 4, TT. Sông Đốc, H. Trần Văn Thời) bị Hải quân Thái Lan bắt giữ”.

Do Trung Quốc thường xuyên triển khai lực lượng “dân quân” trên biển, ngụy trang thành tàu đánh cá và chủ động khiêu khích, thậm chí đâm vào tàu thuyền các nước khác, ngư dân Việt Nam phải dần chuyển ngư trường xuống phía nam Biển Đông. Tuy nhiên, họ chuyển xuống dưới này, họ lại bị hải quân các nước ASEAN bắt giữ, còn chính quyền Việt Nam thì thường im lặng, xem như không phải chuyện của mình.

Nhân quyền ở Việt Nam
Facebooker Hoàng Thái Bình chia sẻ video clip về một người phụ nữ cố gắng đòi lại công bằng cho người con đi lính hải quân bị đánh chết oan. “Cô đã bán hết đất đai nhà cửa để đến các nơi có trụ sở công an và quân đội để mong con được công bằng, vậy mà bao năm nay mọi chuyện vẫn vậy”.


Người giám sát luật làm sai luật
Ông Nguyễn Văn Cường, cựu kế toán Trường THCS Lê Hồng Phong, huyện An Dương, Hải Phòng, tố mất 300 triệu đồng khi công an khám xét, theo báo Pháp Luật TP HCM. LS của ông Cường cho biết, ông “bị mất 300 triệu đồng vì khi công an khám xét nơi làm việc” mà không đưa ông Cường đến chứng kiến.

Tiếp tục vụ Thiếu úy công an ở trại giam Kon Tum bắn chết đồng nghiệp, báo Đất Việt đưa tin: Chưa rõ nguyên nhân thiếu úy dùng súng gây chết đồng nghiệp. Bài viết dẫn lời một người liên quan đến vụ khởi tố Thiếu úy Phan Võ Thành Nam, cho biết: “Hiện vụ việc đang trong quá trình điều tra nên chưa xác định. Tôi cũng chưa được tiếp cận hồ sợ, tiếp xúc nghi phạm Nam nên chưa xác định được”.


Vụ án Trịnh Xuân Thanh và hậu quả ngoại giao
Viện Công tố Liên Bang Đức chính thức truy tố người Việt Nam trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, RFA đưa tin. Hôm qua, cơ quan này đã ra thông báo về vụ“truy tố một người quốc tịch Việt Nam vì tham gia vào hoạt động mật vụ và hỗ trợ cho hành động tước quyền tự do cá nhân”, là vụ an ninh Việt Nam tổ chức bắt cóc trái phép ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.

Các công tố viên Đức khẳng định rằng, “nhân viên tình báo Việt Nam và những người khác trong Đại Sứ quán Việt Nam ở Berlin cùng với một vài người Việt Nam sinh sống ở Châu Âu, bao gồm cả nghi phạm Long. N. H. đã thực hiện vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh”.

Ám ảnh nợ công
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước thừa nhận: Việt Nam nợ quá hạn nước ngoài hơn 470 triệu USD, theo VnEconomy. Đáng lưu ý, hiện đang là tháng 3/2018 nhưng báo cáo này chỉ “dám” tính số liệu đến ngày 31/12/2016. Dự án Vinashin, một trong các “quả đấm thép” có “nợ quá hạn 8.180 tỷ đồng, gồm nợ từ nguồn trái phiếu quốc tế 6.563 tỷ đồng, nợ từ nguồn vay Chính phủ Ba Lan là 1.617 tỷ đồng”.

Thêm bằng chứng về chuyện bóp méo số liệu của các lãnh đạo làm kinh tế: Số liệu ban đầu về nợ công năm 2016 là 2 triệu 863 ngàn tỷ đồng, nhưng sau kiểm toán, con số này trở thành 2 triệu 868 ngàn tỷ đồng, tăng 5 ngàn tỷ đồng.  

Công trình trái phép trong di sản văn hóa
Vụ công trình bậc thang xuất hiện giữa di sản văn hóa thế giới, báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Ai đã để Công ty Tràng An xây công trình xâm hại Danh thắng Tràng An? Đáng ra “danh thắng Tràng An phải được bảo vệ nghiêm ngặt, cấm mọi hoạt động xâm hại”, nhưng Công ty Tràng An vẫn có thể “phá nhiều đoạn núi đá tai mèo để khoan, đổ hàng trăm cột bê-tông làm đường lên núi với hơn 2.000 bậc thang”.

Theo tài liệu từ UBND huyện Hoa Lư, lãnh đạo huyện đã phát hiện công trình trái phép này từ tháng 8/2017, rồi từ đó đến nay… chỉ gửi văn bản yêu cầu Công ty Tràng An tháo dỡ công trình, mà không có bất cứ biện pháp chế tài nào.

Báo Thanh Niên có bài: Địa phương ‘ém’, không báo cáo thông tin vụ cầu xuyên lõi di sản Tràng An? Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL, thừa nhận: Công trình bậc thang của Công ty Tràng An “đã đâm xuyên qua vùng lõi của di sản này”.

Có 2 cơ quan biết được công trình trái phép do Công ty Tràng An xây trong danh thắng Tràng An, nhưng đã xử lý nhẹ tay và không báo cáo đến các cấp có thẩm quyền là Sở Du lịch Ninh Bình và UBND huyện Hoa Lư. Phải đến khi báo chí vào cuộc, chuyện danh thắng Tràng An bị xâm hại nghiêm trọng mới được phanh phui.

Công trình trái phép xuyên di sản Tràng An bị đề nghị tháo dỡ. Nguồn: TN


BOT và lộ trình “tận thu”
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo: ‘Ngán’ chỉ định thầu BOT, lo dân đi đường nào cũng mất phí, theo VietNamNet. Theo đó, 8 dự án giao thông ở phía đông cao tốc Bắc – Nam có thể đẩy người dân vào cảnh đi hướng nào cũng phải đóng phí. Tuy nhiên, giải pháp của Bộ KH-ĐT là… các bên liên quan cố gắng tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu “nghĩa vụ” đóng phí cho các công trình “tận thu” của lãnh đạo CSVN.

Báo Người Lao Động có bài: Đầu tư BOT lạ đời. Bài viết bàn về tình trạng của đoạn đường “được” đầu tư thi công theo hình thức BOT: “Dù đã được sửa chữa, khắc phục nhưng nhiều đoạn mặt đường vẫn bong tróc khiến nhiều tài xế phải tránh vào ven đường để lưu thông”. Chủ đầu tư chỉ làm được đến thế, nhưng vẫn đặt trạm BOT, buộc các tài xế trả tiền cho đoạn đường kém chất lượng!

Hiện tượng “lạm phát” học hàm
Báo Đất Việt đặt câu hỏi: Hồ sơ GS của Bộ trưởng Tiến được xét lại thế nào?Bài báo cho biết: Hồ sơ của bà Tiến, cùng với nhiều hồ sơ khác sẽ được Tổ công tác của HĐCDGSNN xét lại bằng cách làm việc với các cơ quan liên quan, đồng thời xác minh các đơn khiếu nại, tố cáo.

HĐCDGSNN sẽ tiếp tục họp và xét duyệt vào cuối tháng 3/2018, nếu hồ sơ đủ tiêu chuẩn “thì sẽ công nhận cho họ, còn trong trường hợp có thiếu sót thì sẽ không công nhận, cần phấn đấu tiếp”.

Báo Hải Quan có bài: Cách thức phong tặng GS, PGS: Việt Nam “một mình một kiểu”? TS Lê Viết Khuyến nói về sự khác biệt trong quy trình công nhận học hàm của Việt Nam so với thế giới. Trong khi các nước phương Tây, như nước Mỹ, phong tặng danh hiệu GS cho những người có cống hiến nghiên cứu khoa học thật sự, còn Việt Nam phong GS cho những người có thâm niên làm việc và thành tích.

Việc phong tặng chức danh GS, PGS năm 2017 được đánh giá như chuyến tàu “vét”. Nguồn: TT

Báo Tổ Quốc bàn về chức danh GS, PGS: “Không cần nhiều, nhưng phải có trình độ khoa học thật sự”. Bài viết dẫn lời TS Nguyễn Tùng Lâm nhận định: “Một GS, PGS phải là một nhà khoa học đứng đầu ngành trong trường đại học. Những chức danh này chúng ta không cần nhiều, nhưng phải có trình độ khoa học thật sự”.

VOA có bài về chuyện Bộ trưởng Y tế VN bị loại khỏi danh sách giáo sư ‘đạt chuẩn’. Về chuyện có 95 hồ sơ cần xét lại, GS Nguyễn Đăng Hưng cho rằng như vậy vẫn chưa đủ: “Chỉ có chưa tới 100 người không đạt thì tôi nghĩ việc rà soát chưa được tốt, kỹ càng và sâu và thời gian rà soát tôi thấy hơi ngắn”.

Về trường hợp bà Tiến, bài viết lưu ý, hồ sơ ứng viên GS của bà bị nằm trong danh sách xét lại vì có đơn khiếu kiện. Bà Tiến muốn làm GS nhưng “không tham gia giảng dạy, hướng dẫn hay nghiên cứu khoa học là một điều bất thường”.

Vụ cô giáo bị quỳ
Chủ tịch UBND huyện Bến Lức, ông Trần Văn Tươi yêu cầu làm rõ hành vi của phụ huynh bắt cô giáo quỳ, Infonet đưa tin. Đại diện Công đoàn ngành GD-ĐT Việt Nam và Công đoàn Sở GD-ĐT tỉnh Long An đã đến Trường Tiểu học Bình Chánh để làm việc với nhà trường và động viên cô giáo Nhung “vượt qua những áp lực về tinh thần để yên tâm công tác”.

Bài báo cho biết: Thanh tra huyện đang cùng với Công an tỉnh Long An làm rõ xem hành vi của ông Thuận có vi phạm luật hình sự hay không, “cụ thể là có hay không việc ông Võ Hoà Thuận tổ chức nhóm phụ huynh học sinh vào trường gây sức ép, tìm cách hạ nhục người khác”.

Trang VietNamNet có bài: Cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh: Là giảng viên, tôi thấy… Theo bài viết, cô giáo Nhung dùng hình thức quỳ gối để phạt học sinh đã là dùng cái sai trị cái sai, “‘phụ huynh bắt cô giáo quỳ để trừng phạt cái sai của cô giáo lại tiếp tục công thức lấy sai để đáp trả cái sai”, đến lượt dư luận chỉ công kích, phê phán, mà không tìm hiểu rõ trách nhiệm các bên liên quan cũng là tiếp tục vòng lẩn quẩn lấy cái sai trị cái sai.

Thầy giáo Phạm Phúc Thịnh, Hiệu trưởng một hệ thống trường Quốc tế tại Sài Gòn, nhận định: “Chưa bao giờ nghề giáo lại nguy hiểm như lúc này“, theo báo Pháp Luật TP HCM. Vụ cô giáo ở trường tiểu học Bình Chánh bị phụ huynh bắt quỳ gối còn chưa kịp lắng xuống, thì lại có một cô giáo ở trường THCS Tân Thạch bị một nam sinh bóp cổ.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du bình luận: “Đây là kết quả của giáo dục với một thời gian dài chúng ta thiếu đi những bài học thực tế về cách dạy làm người”, tình trạng lạm thu cũng khiến nhà trường mất dần tính vô tư, thanh sạch.

TS Chu Mộng Long có bài bàn luận về văn hóa quỳ: Tổng quan về văn hóa quỳ. Ông Long viết: “Kẻ thống trị biến kẻ bị trị thành thấp bé đến mức ngang hàng động vật đi bốn chân để chăn dắt. Ngược lại kẻ bị trị quỳ lâu sẽ nhầm tưởng mình là động vật không còn đủ khả năng đi hai chân và đáng bị cho kẻ khác chăn dắt”.

“Văn hóa quỳ” chính là sản phẩm đặc trưng của chế độ độc tài. “Quỳ làm cho con người nhu nhược mất hết khả năng phản kháng. Ở đâu có sống quỳ, ở đó có độc tài. Sự vĩ đại của chế độ độc tài là tạo ra thói quen sống quỳ cho mọi công dân”.

Báo Dân Trí có bài: Vụ cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh: “Nghề của mình buồn lắm phải không em?”. Bài báo có đăng bài thơ của cô Lê Thị Huyền, giáo viên Tiểu học ở Thanh Hóa: “Nghề của mình buồn lắm phải không em?/ Khi phụ huynh bắt cô quỳ xin lỗi/ Chỉ vì phút nóng lòng cô nông nổi/ Trách phạt trò phải quỳ gối trước cô“.


Người Đô Thị: Trí thức về đâu? Tác giả đưa ra giải pháp cho những người tốt nghiệp trường sư phạm và y dược là, phải biết chạy thật nhanh: “Chạy đi! Chạy đi! Các thầy cô, các bác sĩ. Chạy đi trước khi bị gia đình bệnh nhân, phụ huynh học sinh hay dư luận xã hội dí đánh. Chạy đi! Chạy nhanh hơn nữa, bởi các vị đã mất hết rồi khả năng tự vệ hay phản kháng. Bởi từ lúc các vị đã không còn tin tri thức tích lũy của mình có khả năng phản kháng“.




Ý thức công cộng và chuyện học tập “bạn vàng”
Trang VietNamNet vừa có bài: “Ý thức nơi công cộng của người Việt còn kém”. Bài viết nêu các ý kiến bình luận của ông Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng trường THPT Lương Ngọc Quyến TP Thái Nguyên về hiện tượng người Việt thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh chung ở các nhà vệ sinh công cộng.

Đáng lưu ý, bài viết trên có nhiều yếu tố thể hiện tinh thần “học tập và làm theo” anh “bạn vàng” Trung Quốc. Theo bài: Làm việc tại nhà vệ sinh công cộng cũng cần bằng đại học, trên báo Thanh Niên, bài: Vũ Hán tìm ‘quản lý toilet có bằng đại học’, trên BBC, để đối phó với tình trạng thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, quan chức đô thị ở Vũ Hán đã yêu cầu tuyển dụng người quản lý nhà vệ sinh công cộng phải có trình độ đại học.

***



Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Báo Người Việt có bài: Chính quyền Trump kiện, đòi chặn ‘tiểu bang an toàn’ California. Đơn kiện có tên hai bị cáo là Thống Đốc Jerry Brown và Bộ Trưởng Tư Pháp Xavier Becera của bang California. Đây là sự đối đầu mới nhất giữa chính quyền ông Trump với tiểu bang California, tiểu bang luôn “chống lại tổng thống qua các vấn đề như thuế và chính sách về cần sa, và nhất quyết không giúp liên bang bắt và trục xuất di dân bất hợp pháp“.



Cựu điệp viên Nga bị đầu độc
VOA có bài: Độc chất thần kinh hiếm trong vụ mưu sát điệp viên nhị trùng Nga. Hôm 4/3, ông Sergei Skripal, 66 tuổi, từng mang cấp bậc đại tá tình báo quân sự Nga, và con gái ông là Yulia, 33 tuổi, bị phát hiện trong tình trạng nguy kịch tại một trung tâm thương mại ở một thành phố thuộc miền Nam nước Anh.

Ông Tom Newton Dunn, chủ biên trang tin chính trị của báo The Sun, dẫn nguồn tin an ninh, cho biết: “Sergei Skripal bị đầu độc bằng một độc chất thần kinh cực hiếm, mà chỉ có một vài phòng thí nghiệm trên thế giới có thể sản xuất”.

RFI đưa tin: Cựu điệp viên Nga bị đầu độc ở Anh: Matxcơva trong tầm ngắm. Một ngày sau khi ông Serguei Skripal, cựu sĩ quan tình báo Nga và cô con gái được phát bị đầu độc và đang trong tình trạng nguy kịch, Chính phủ Anh triệu tập cuộc họp khẩn cấp để điều tra, tìm nguyên nhân.

Mặc dù không nêu tên Nga, nhưng ngoại trưởng Anh Boris Johnson ám chỉ nước này, khi nói rằng: “Nếu tìm ra trách nhiệm của một nhà nước đứng đằng sau vụ này, chính phủ Anh sẽ trả đũa một cách tương xứng và cứng rắn“.





***







No comments: