Thursday, March 15, 2018

BẢN TIN SÁNG 15/3/2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tưởng niệm sự kiện Gạc Ma
Trong khi các báo lớn nhỏ ở trong nước đăng rất nhiều bài phóng sự, tưởng niệm sự kiện 30 năm Gạc Mạ, báo Nhân Dân im lặng mãi cho tới gần 21h tối 14/3, khi mọi người chuẩn bị đi ngủ thì tờ báo này mới dám rón rén đăng bài: Tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma. Trưa hôm qua thấy có một bài về Trường Sa, nhưng không phải về sự kiện Gạc Ma: Chụp ảnh Trường Sa bằng cả trái tim người ở đất liền.

Về thông tin không được nổ súng khi Trung Quốc bắn vào các chiến sĩ công binh ở Gạc Ma mà tướng Lê Mã Lương phát biểu gần 4 năm trước: “Có đồng chí lãnh đạo cấp cao ra lệnh cho bộ đội ta không được nổ súng nếu như (Trung Quốc) đánh chiếm đảo Gạc Ma”, ông Lê Mạnh Hà, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, con trai cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh, có bài: Trường Sa 1988: không nổ súng trước nhưng phải nổ súng.

Bài viết của ông Lê Mạnh Hà bào chữa cho bố mình, khi nói rằng: Trong trận Gạc Ma, lính Việt Nam tuy không nổ súng trước, nhưng họ vẫn bắn trả sau khi phía Trung Quốc khai hỏa, “phía Trung Quốc thương vong 22 người, trong đó có 6 người chết. Bộ đội Việt Nam đã đánh trả và gây thương vong cho đối phương”.

Báo Tuổi Trẻ có bài: 30 năm Trường Sa – Gạc Ma: Nhìn từ hai chiều thời gian. Về số phận tàu HQ 505, con tàu được sử dụng như “pháo đài giữ đảo” ở Đá Cô Lin, bài báo cho biết: Trên đường trở về sau Hải chiến Trường Sa, tàu HQ 505 bị chìm. “Đến nay, vẫn chưa tìm được một dấu tích nào của nó”.

Bài thứ 2 trong loạt bài trên báo Một Thế Giới về những người lính trở về từ trận Gạc ma: Trở về sau giấy báo tử. Đó là trường hợp các cựu binh Mai Xuân Hải, Lê Văn Đông. Ông Hải kể về những ngày tháng bị Trung Quốc bắt làm tù binh: “Chúng tôi bị bắt lên tàu, trói gô lại, đoạn phim công bố trên mạng có hình ảnh người lính không quần, bị trói đó chính là tôi chứ không phải ai khác”.

Ông Đông kể: “Chúng nhốt chúng tôi biệt lập mỗi người một phòng trong căn nhà tầng hai. Hai tháng đầu tiên cứ đến sáng, chiều là dựng dậy hỏi cung, hỏi về việc ai chỉ huy, quân số bao nhiêu, vũ khí loại gì, chúng tôi đều nói không biết”. Mời đọc lại: Kỳ 1: Người về từ Gạc Ma (MTG).

Giấy báo tử của hạ sĩ Mai Xuân Hải cuối năm 1988, lúc đó người lính từ Gạc Ma này bị Trung Quốc giam giữ tại Lôi Châu. Ảnh: MTG



Sáng 14/3/2018, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đã tổ chức lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ đảo Gạc Ma. Ông Lê Thân đã đọc lời tưởng niệm và cùng các thành viên câu lạc bộ dâng hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo, tại Bến Bạch Đằng. Tấm ảnh các thành viên CLB Lê Hiếu Đằng dâng hương tưởng niệm, của nhà báo Lê Phú Khải gửi tới:

Blog Tễu có bài: Nhân sĩ, trí thức Sài Gòn tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma. Bài viết đăng tải tin tức, hình ảnh buổi tưởng niệm sự kiện Gạc Ma của nhân sĩ, trí thức ở Sài Gòn, mà blogger Trần Bang và GS Nguyễn Đăng Hưng đăng trên Facebook.

Ở Hà Nội, đã xảy ra những vụ bắt giữ người dân tham gia tưởng niệm sự kiện Gạc Ma. Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, vợ nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đã bị an ninh bắt và sách nhiễu. Sau đó bà Hạnh bị tụt huyết áp và phải vào viện. Nhà hoạt động Trương Dũng cũng bị hành hung lúc ông Chênh đến gặp phía an ninh hỏi tình hình bà Hạnh.

RFA đưa tin: Nhà hoạt động nữ Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt. Tối 14/2, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, chồng bà Hạnh, nói với RFA: “Hiện giờ tôi đang ngồi tại Cơ quan An ninh Điều tra để hỏi về lý do vì sao Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt, nhưng người ta vẫn chưa trả lời, bỏ tôi ngồi chờ ở đây rồi có cán bộ giải thích. Tôi chờ được 15 phút rồi”.

Sau đó, ông Chênh cập nhật tình hình bà Hạnh“Nguyễn Thúy Hạnh đã được đưa đi cấp cứu do bị tụt huyết áp và rối loạn tiền đình. Đây là bệnh có tiền sử, đã bị hai lần trước đây nay do nhịn ăn từ sáng đến chiều nên tái phát”.

Ông Chênh kể về thái độ làm việc của an ninh đối với các nhà hoạt động tham gia tưởng niệm tử sĩ Gạc Ma: “Trước đó, khi xuống cơ quan điều tra an ninh để hỏi thăm về Hạnh thì tôi bị bắt giữ, giam vào phòng hỏi cung, tịch thu hết điện thoại và bị đối xử rất thô bạo”.

Facebooker Ngô Duy Quyền viết: Tin khẩn“Anh Dũng Trương bị tấn công trong đồn côn an số 3 Nguyễn Gia Thiều, ngay phòng bên cạnh nơi chị Nguyễn Thúy Hạnh bị thẩm vấn. Khi anh Huỳnh Ngọc Chênh vào trong đồn rồi, anh Dũng ngồi ở bên ngoài phía bên kia đường thì bị đám mặc thường phục lôi vào trong đồn”.

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh viết“Quân khốn nạn đã hành hung anh ấy ngay bên cạnh phòng tôi. Anh ấy đến cơ quan an ninh điều tra và ngồi phía bên kia đường chờ tôi và Hạnh thì bị chúng lôi vào hành hung dã man như thế này”.

Tin Biển Đông
Trang Viet Times có bài: Báo Mỹ: Đảo nhân tạo Trung Quốc trên Biển Đông “khó sống sót” khi có biến. Theo trang National Interest, Trung Quốc đã xây dựng được hệ thống căn cứ quy mô, nhiều khí tài trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong Thế chiến thứ 2, Đế quốc Nhật đã xây dựng được hệ thống căn cứ còn quy mô hơn trên các đảo ở Thái Bình Dương và rồi họ vẫn thất bại trước người Mỹ.

“Các hòn đảo nhân tạo xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông không thể di động và cũng không đủ lớn để che giấu các thiết bị và vật liệu quân sự”. Cho nên các chiến hạm có trang bị tên lửa hành trình của người Mỹ đủ sức xử lý các căn cứ này trong khi phía Mỹ chỉ phải chịu tổn thất nhỏ, trong trường hợp Mỹ thấy phải tấn công.


Quan hệ Việt – Mỹ
TS Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa viết: Quan hệ Mỹ – Việt: Lòng tin và quyền lợi. Nhân dịp lãnh đạo CSVN muốn bắt tay chặt hơn với Chính phủ Mỹ, TS Hưng lưu ý rằng người Mỹ chỉ lựa chọn vì quyền lợi của họ, từ kinh nghiệm của Việt Nam Cộng Hòa:

“Mỹ nhảy vào Việt Nam không phải là để ‘bảo vệ tự do của nhân dân Miền Nam’ như Washington luôn luôn tuyên bố (và nhân dân Miền Nam luôn luôn tin tưởng) mà là để bảo vệ Quyền lợi của chính Mỹ”, nghĩa là để ngăn chặn làn sóng cộng sản ở Đông Nam Á. Khi Trung Quốc chấp nhận bắt tay với Mỹ, đồng thời ngầm “đâm sau lưng” Liên Xô, người Mỹ thấy rằng họ không cần lưu lại Việt Nam nữa.


Nhân quyền ở Việt Nam
LS Đặng Đình Mạnh có thư ngỏ về vụ LS Phạm Công Út bị xóa tên khỏi đoàn luật sư. LS Mạnh viết: “Đoàn LS, nơi tôi phải đóng niên liễm hàng năm, thì từ chỗ tôi ‘hiểu nhầm’ là tổ chức bảo vệ luật sư đã trở thành nơi tuyên án và thi hành luôn bản án tử cho nghề nghiệp nếu chúng ta sơ xuất!”


Vụ án Trịnh Xuân Thanh và hậu quả ngoại giao
BBC đưa tin: Đức ‘điều tra tướng công an VN về vụ bắt cóc ở Berlin’. Bà Petra Isabel Schlagenhauf, LS người Đức của ông Trịnh Xuân Thanh, xác nhận với BBC rằng, cơ quan công tố liên bang Đức đang tiến hành điều tra Trung tướng công an Đường Minh Hưng và những đồng phạm trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.

Bà Schlagenhauf nói thêm: Về mặt lý thuyết, Đức có thể đòi dẫn độ tướng Hưng, là người đã rời Berlin về Việt Nam ngay sau vụ bắt cóc, bởi vì cảnh sát Đức đã “có đủ bằng chứng cho thấy sự can dự của ông ta trong vụ bắt cóc” và “ông Hưng không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao tại Đức”.

Trước đó, trang Thời Báo có bài: Tổng Công tố Liên bang Đức ra quyết định điều tra Trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an Việt Nam. Theo tin từ truyền thông Đức, Tổng công tố Liên bang Đức bắt đầu điều tra Trung tướng Đường Minh Hưng, với cáo buộc: Vào tháng 7/2017, ông Hưng đã tới Đức để phối hợp tổ chức vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin.

Vụ Mobifone mua AVG
Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra toàn diện Dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, báo Nhân Dân đưa tin. Theo đó, trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan đã để xảy ra nhiều sai phạm. Phía Mobifone đã đánh giá sai thực trạng tài chính của AVG, rồi không báo cáo đầy đủ, trung thực khi đề xuất dự án với Bộ 4T.

Đối với Bộ 4T, kết luận thanh tra cho biết: Bộ này đã thiếu trách nhiệm trong thẩm định dự án, “phê duyệt dự án đầu tư không bảo đảm căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước”.

Theo Thanh Tra Chính phủ, chuyện Bộ 4T đề nghị Bộ Công an đưa hồ sơ Mobifone mua AVG vào danh mục Mật là sai quy định, báo Giao Thông đưa tin. Khi TTCP gửi văn bản đề nghị Bộ 4T “xem xét, quyết định theo thẩm quyền được pháp luật quy định về việc giải mật hoặc tiếp tục bảo mật”, Bộ 4T không những không thực hiện, mà còn đề nghị Thanh tra Chính phủ báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, nghĩa là tiếp tục làm sai quy định.

Từ các điểm trên, Thanh tra Chính phủ nhận định “đây là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng” và kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra về Dự án Tổng công ty Mobifone mua 95% cổ phần AVG để xem xét, khởi tố điều tra.


Tướng công an bảo kê cờ bạc
Báo Một Thế Giới viết: Vụ tổ chức đánh bạc qua mạng: Khi cựu tướng công an ‘nối giáo’ cho sới bạc. Bài báo cho biết: “khi một vị lãnh đạo cấp cao của Đảng được nghe báo cáo nhanh vụ việc tày đình này, ông đã không thể tưởng tượng ra điều tệ hại nói trên cũng như không khỏi lo lắng và bức xúc trước tình hình trị an của đất nước”. Hiện tượng suy thoái đạo đức vẫn đang diễn ra trong nội bộ công an, lực lượng có vai trò “thanh kiếm và lá chắn” của chế độ.

Trang VietNamNet có bài: Tháo dỡ biệt thự sai phép của ông Nguyễn Thanh Hóa. Thanh tra Xây dựng quận Nam Từ Liêm cho biết: “Sẽ buộc gia đình ông Nguyễn Thanh Hóa tháo dỡ ngôi biệt thự xây sai phép đúng quy hoạch, còn 3 tầng 1 mái chảy như những nhà khác”. Bên cạnh đó, “ngôi biệt thự BT1 của bà Nguyễn Bích Hồng vợ của ông Nguyễn Thanh Hóa không chỉ sai phạm ở chỗ xây thêm bức tường cao 2,7m, dài 18m mà còn sai phép, phá vỡ quy hoạch”.



Bất cập chuyện “bán lúa giống”
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước xác nhận có sai sót trong thương vụ “bán lúa giống” Sabeco: Sai sót hàng chục tỷ đồng trong thoái vốn Sabeco Pearl và góp vốn vào Tân Thành, theo Chuyên trang Đầu Tư Tài Chính. Chuyện tính sai giá trị doanh nghiệp đã khiến Công ty Sabeco xác định không đúng giá khởi điểm khi đấu giá cổ phần. Sabeco đã không làm kỹ vụ góp vốn vào Tân Thành và “bỏ quên” khoản tiền chậm nộp tới hàng chục tỷ đồng từ các đối tác.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị xử lý cá nhân để thất thu ngân sách gần 2.500 tỉ đồng tại Sabeco, báo Một Thế Giới đưa tin. Theo đó, KTNN đã gửi văn bản đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức “truy nộp ngân sách nhà nước khoản lợi nhuận từ 2016 trở về trước” và bàn với Bộ Công Thương, Sabeco “về việc chia cổ tức năm 2017 cho cổ đông nhà nước theo đúng tỉ lệ vốn điều lệ mà Nhà nước nắm giữ đến ngày 28.12.2017 là 89,59%”.


Quan chức làm sai luật
Báo Zing đưa tin: Tòa trả tự do cho trưởng phòng thanh tra làm giả công văn. Ngày 14/3/2018, TAND tỉnh Cà Mau tiến hành xử sơ thẩm vụ ông Ngô Trường Sơn, Trưởng phòng Thanh tra phòng chống tham nhũng thuộc Thanh tra tỉnh Cà Mau, cố tình làm giả hồ sơ, con dấu trong vụ người dân xã Khánh Thuận, huyện U Minh, đòi đất bị Lâm ngư trường Sông Trẹm thu hồi.

HĐXX quyết định tuyên ông Sơn án 3 tháng 24 ngày tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Do mức án này bằng với thời gian tạm giam nên ông Sơn được HĐXX trả tự do tại tòa.


Môi trường và dự án
Vụ Đà Nẵng đóng cửa 2 nhà máy thép: Dân muốn đi, thành phố bảo ở, theo VOV. Trong cuộc họp tại Hội trường thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên ngày 14/3/2018, hầu hết người dân thôn này bày tỏ nguyện vọng muốn sớm được di dời khỏi khu vực ô nhiễm do hoạt động của các nhà máy thép Dana-Ý, Dana-Úc.

Tuy nhiên, “chủ tọa ngắt lời vì cho rằng ý kiến na ná nhau. Nhiều người đề nghị chủ tọa cuộc họp cho người dân biểu quyết đi hay ở lại nhưng không được chấp nhận”. Cho nên, người dân phản ánh rằng cuộc họp này mang tính “phổ biến chủ trương” của lãnh đạo chứ không thật sự vì nguyện vọng của dân.

Chuyện ở quận Thủ Đức, Sài Gòn: Dân gánh ô nhiễm vì 8 năm vẫn chờ dự án, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Theo đó, dự án xây dựng trạm xử lý nước thải Suối Nhum đã được Sở TN-MT TP.HCM phê duyệt từ năm 2009. Sau 9 năm, người dân ở đây vẫn phải sống chung với nước thải dù họ đã bàn giao mặt bằng.

Một người dân chia sẻ: “Quanh năm suốt tháng hầu như lúc nào cũng thấy nước suối có màu nâu đen, có hôm hôi nồng nặc rất khó chịu. Nhiều năm trước, bà con ở đây đã giao đất… nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa thấy công trình này khởi công”.


Thầy hiệu trưởng ăn chặn tiền lương giáo viên
Chuyện xảy ra ở trường THCS Ngô Mây, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk: Hàng chục triệu đồng tiền lương chi cho giáo viên không cánh mà bay. Khi vụ việc hàng trăm giáo viên bị chấm dứt hợp đồng chưa lắng xuống, lại xuất hiện thông tin thầy hiệu trưởng ăn chặn tiền lương giáo viên.

Báo Tuổi Trẻ có clip: Hiệu trưởng bị tố cáo “ăn chặn” tiền lương của nhiều giáo viên, nói về vụ ông Huỳnh Bê, hiệu trường Trường THCS Ngô Mây, huyện Krông Pắk, bị tố cáo ăn chặn tiền lương của nhiều giáo viên hợp đồng:


Gánh nặng BOT
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội ‘giục’ xử lý các dự án BT, BOT sai phạm trước 31.3, báo Một Thế Giới đưa tin. Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu các bên liên quan “rút ra bài học kinh nghiệm về các hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra tại kết luận thanh tra; rà soát quy định của pháp luật để thống nhất trình tự, thủ tục các bước thực hiện dự án, nâng cao hiệu quả quản lý đối với công tác quản lý dự án BT, BOT”.


Người Trung Quốc xấu xí
Trang VietNamNet có bài: Thương lái Trung Quốc lùng mua đặc sản Việt: Cảnh báo ‘bỏ bom’. Bài viết lưu ý: Cách đây một năm, thương lai Trung Quốc đột ngột ngừng mua chuối ở Đồng Nai, khiến nông dân phải đổ bỏ, hoặc bán tháo với giá 1000 đồng/kg. Giờ giá chuối lên cao ngất ngưởng do thương lái Trung Quốc vào tận vườn thu mua. Đã bắt đầu có hiện tượng người dân tăng diện tích trồng chuối.

Về lâu dài, đấy không phải là tin tốt, vì “câu chuyện thương lái Trung Quốc đua nhau thu mua giá cao, sau lại đột ngột ngừng mua khiến rau quả Việt Nam rớt giá thảm hại, nông dân lỗ nặng không phải là chuyện hiếm, lặp đi lặp lại cả thập kỷ nay”.

Đã từng xảy ra chuyện thương lái Trung Quốc thu gom cau nonchanh dâytrái vảitrái chuốiheo hơi… với giá cao chưa từng có, rồi bất ngờ ngưng, phá hoại ngành chăn nuôi, trồng trọt ở nước ta. Dù đã được cảnh báo những kiểu làm ăn ‘lạ đời’ của thương lái Trung Quốc, thế nhưng người dân vẫn chưa học được bài học khi làm ăn với họ, nên người dân luôn bị thua ngay trên sân nhà.

***

Tin thế giới

Stephen Hawking qua đời
Thiên tài về vật lý vũ trụ, ông Stephen Hawking qua đời hôm qua, thọ 76 tuổi. Có người đặt câu hỏi rằng, ông Hawking nhận được nhiều giải thưởng khoa học danh giá, nhưng sao ông vẫn không nhận được giải Nobel vật lý? Sở dĩ ông không nhận được giải thưởng cao quý này là vì các khám phá khoa học trên lý thuyết phải được khẳng định bằng dữ liệu quan sát trước khi có khả năng giành được giải Nobel.

Ông Hawking nổi tiếng với công trình khám phá về lỗ đen, nhưng rất khó để quan sát thấy một lỗ đen. Và phải mất hàng thập niên để xây dựng các thiết bị khoa học để kiểm tra những khám phá trên lý thuyết. Chẳng hạn như, lý thuyết của Albert Einstein về sóng hấp dẫn trong không gian mà ông đã khám phá lần đầu hồi thập niên 1920, nhưng chỉ mới được chứng minh vào năm 2016.

Stephen Hawking chụp chung với các diễn viên mà ông đóng chung trong bộ phim truyền hình dài nhiều tập “The Big Bang Theory”. Nguồn: Twitter The Big Bang Theory

BBC có bài của TS Lê Đức Tùng, nhà nghiên cứu vật lý ở London: Vì sao Stephen Hawking ‘là người Anh vĩ đại’? Bài viết có đoạn: “Ông được bầu đứng thứ 25 trong số những người Anh vĩ đại nhất trong lịch sử theo số liệu thăm dò của BBC năm 2002. Trong danh sách này ông đứng sau các nhà khoa học Richard Darwin, Isaac Newton, Alexander Fleming, Alan Turing và Michael Faraday… Ông là một trong những người trẻ nhất được bầu viện sỹ tại Anh năm 32 tuổi, chỉ sau W H Fox Talbot được bầu viện sĩ năm 31 tuổi năm 1831“.



Tin nước Mỹ
Truyền thông Mỹ đưa tin: 7000 đôi giày xuất hiện trước tòa nhà Quốc hội Mỹ để cảnh báo bạo lực súng đạn. Các nhà hoạt động đã xếp 7.000 đôi giày tại bãi cỏ trước tòa nhà Quốc hội Mỹ (Capitol Hill), một hình ảnh không thể bỏ qua, đối với sự mất mác của những đứa trẻ bị giết chết trong các vụ xả súng ở Mỹ kể từ vụ thảm sát ở trường tiểu học Sandy Hook hồi năm 2012.

Ảnh: Reuters


Bán đảo Triều Tiên
VOA có bài: Thượng đỉnh Trump-Kim Jong Un, TQ quan sát từ bên lề. Giáo sư Seo Jeong-Kyung thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc Syungkyun đặt câu hỏi: “Liệu việc hình thành một nước Triều Tiên thống nhất dưới sự chiếm đóng của Hàn Quốc, một đồng minh của Hoa Kỳ và thân thiết với Hoa Kỳ sẽ có lợi cho Trung Quốc hay không?


Tổng thống Duterte ớn Tòa Hình sự Quốc tế
VOA đưa tin: TT Duterte muốn Philippines rút khỏi tòa ICC vì bị “công kích quá đáng”. Tổng thống Duterte là đã nhiều lần thách đố Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) truy tố ông ta và nói ông sẵn sàng”ngồi tù rục xương” hoặc ra tòa để bảo vệ cuộc chiến chống ma túy mà ông đã giết chết hàng ngàn người.

Nhưng bây giờ ông Duterte có vẻ hoảng sợ khi ông ta quay ngược 180 độ, khi muốn rút khỏi hiệp ước nền tảng của ICC, có tên “Đạo luật Rome”. Ông nói: “Dường như có một nỗ lực có sự phối hợp của các báo cáo viên đặc biệt LHQ nhằm tô vẽ tôi như một kẻ vi phạm nhân quyền tàn nhẫn bị cáo buộc gây ra hàng ngàn vụ giết người bất chấp pháp luật“.




***







No comments: