Wednesday, March 14, 2018

BẢN TIN SÁNG 14/3/2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tưởng niệm sự kiện Gạc Ma
Báo chí năm nay có vẻ như được viết xả giàn về sự kiện Gạc Ma, tưởng niệm 64 chiến sĩ hải quân làm bia cho lính Trung Quốc tập bắn. Báo Dân Việt viết: Hơn 1.300 ngày bị giam ở nhà tù Trung Quốc của cựu binh Gạc Ma. Báo Nông Nghiệp Việt Nam có bài: Những ngày lao tù trên bán đảo Lôi Châu của các chiến sĩ Gạc Ma. Báo Tài Nguyên và Môi Trường viết: Nghị lực phi thường của người vợ cựu binh Gạc Ma… và nhiều bài báo khác nữa.

Hy vọng khi người dân đi thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ hôm nay ở Sài Gòn, Hà Nội và các tỉnh, thành khác, sẽ không bị ngăn chặn, sách nhiễu hay bị hành hung như những năm qua.

Cụ Hà Thị Liên, 92 tuổi, ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, mẹ liệt sĩ Đào Kim Cương, không kìm được xúc động, nghen ngào khi nghĩ tới con. Ảnh: ĐĐK

VOA viết: CCB: ‘Lễ cầu siêu liệt sĩ Gạc Ma không phải do nhà nước tổ chức’. Cựu binh Nguyễn Văn Chương nói với VOA: “Cầu siêu này không phải của cấp nhà nước. Cầu siêu đây của những người lính, hội cựu chiến binh, những đồng đội, cùng với nhau về đấy, làm đấy, tổ chức, không có cấp nhà nước nào cả”.

Trang VietNamNet có bài: Từ bài học xương máu Gạc Ma nhìn về phía trước. Bài viết có ý nghĩa tuyên truyền trong tình hình dư luận mạng xã hội thường xuyên đặt câu hỏi về thái độ khuất phục của lãnh đạo CSVN trước Trung Quốc trong sự kiện Gạc Ma. Theo đó, bài viết khẳng định “sự hy sinh ở Gạc Ma của các chiến sỹ không hề vô ích” nhưng vẫn tôn vinh quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” giữa Việt Nam, Trung Quốc!?

RFA bàn về Gạc Ma 1988, Hoàng Sa 1974, bài học cho sự cẩn trọng khi liên minh với các cường quốc. Người Việt Nam đã 2 lần bị “đồng minh” bỏ mặc khi Trung Quốc tấn công chiếm đảo. Vào thời điểm xảy ra sự kiện Gạc Ma, Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô đóng ở Cam Ranh đã không can thiệp. Trong Hải chiến Hoàng Sa 1974, người Mỹ có một lực lượng hải quân hùng hậu ở Biển Đông, nhưng họ vẫn làm ngơ.

TS Đinh Hoàng Thắng nhận định: “Sự cam kết của các nước lớn đối với các nước nhỏ là rất bấp bênh, nó rất là bất định. Nếu như khi các nước lớn họ đã thỏa hiệp, họ móc ngoặc với nhau thì lợi ích của các nước nhỏ không bao giờ được tính đến cả”.

Về chuyện sự kiện Gạc Ma sẽ được đưa vào SGK, báo Zing có bài: Nhắc đến Gạc Ma để hướng đến khát vọng hòa bình. GS. TS Phạm Hồng Tung cho biết: Trận Gạc Ma sẽ xuất hiện 3 lần trong SGK, lần thứ nhất trong hợp phần lịch sử của môn Lịch sử và Địa lý cấp THCS, lần thứ 2 trong một chủ đề tích hợp về biển đảo Việt Nam của môn Lịch sử và Địa lý cấp THCS, lần thứ 3 trong SGK THPT.



Vụ tướng công an bảo kê đánh bạc
Báo Pháp Luật TP HCM bàn về thỏa thuận bạc tỉ giữa tướng công an và ‘trùm’ đánh bạc. Theo đó, ông Nguyễn Thanh Hóa đã ký “hợp đồng bảo kê” với Nguyễn Văn Dương, “trong đó thỏa thuận cựu cục trưởng C50 sẽ được chia khoảng 20% lợi nhuận từ số tiền Dương được hưởng từ đường dây đánh bạc”.

Cho nên, ông Hóa không những không ngăn chặn mà còn tiếp tay cho đường dây tổ chức đánh bạc qua mạng internet của Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương. “Nhờ vậy, đường dây đánh bạc ngàn tỉ này tồn tại suốt một thời gian dài”.

Báo Người Đưa Tin đặt câu hỏi: Nguyên tướng công an “bảo kê” tội phạm: Còn ai “nhúng chàm” chưa bị phát hiện?ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho biết: “Dư luận e ngại rằng sai phạm không chỉ riêng ở vị trí của ông Nguyễn Thanh Hóa mà còn ở nhiều vị trí khác có thể có sự tha hóa biến chất cán bộ, nhưng chúng ta chưa phát hiện ra”.

Bên cạnh các “mắt xích” chính là tướng Nguyễn Thanh Hóa, ông Phan Sào Nam, ông Nguyễn Văn Dương, vẫn có một “mắt xích” khác trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ, theo trang Viet Times. Đó là Công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt, một trong các công ty đầu tiên bị công an khám xét, dẫn tới sự sụp đổ của cả đường dây.


Bàn về hai sự kiện nóng: Hợp đồng mua bán giữa AVG và MobiFone được hủy bỏ, “ăn không trôi thì nhả ra trả lại” và đường dây cờ bạc trên mạng, với sự tiếp tay của tướng Nguyễn Thanh Hoá, cựu Cục trưởng Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao, nhà văn Lê Thiếu Nhơn cho rằng: Cần nhà viết sử chốn cung đình.

Ông Nhơn viết, “trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương là ai, mà có thể dễ dàng hợp tác và sai khiến một tướng công an như Nguyễn Thanh Hoá? Muốn trả lời rành mạch về Nguyễn Văn Dương, phải cần đến những nhà viết sử cung đình!” Và ông Nhơn tin rằng, ông Phạm Quang Nghị, cựu UV Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy Hà Nội… xứng danh nhà viết sử cung đình trong trường hợp này.

Biếm họa của Lê Anh Phong






Vụ Mobifone mua AVG
LS Trần Vũ Hải nhận định: ‘Hủy bỏ thỏa thuận Mobifone – AVG là phù hợp luật pháp’, theo Chuyên trang Đầu Tư Tài Chính. LS Hải kể lại buổi họp gấp rút để hủy thỏa thuận giữa Mobifone và AVG, có sự tham gia của một số quan chức bộ Thông tin và Truyền thông: “Ông Phạm Nhật Vũ và đại diện Mobifone đã ký một biên bản làm việc, trong đó có nội dung nhất trí huỷ bỏ Thoả thuận chuyển nhượng cổ phần giữa nhóm ông Vũ và Mobifone”.

LS Hải cho biết thêm: “Hai bên đã cùng đồng ý khi huỷ bỏ thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần, sẽ không để bên nào bị thiệt hại và để AVG tiếp tục hoạt động bình thường, khi các cổ đông nhóm ông Vũ tiếp nhận lại AVG”.

“Nghề tay trái” của cán bộ
Trang Khỏe 365 đặt câu hỏi: Ai bảo kê cho ‘đầu gấu’ lộng hành trên cao tốc Hạ Long-Vân Đồn? Theo đó, ngày 8/3/2018, công nhân ở công trường của Công ty Kiện Khê tại tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn chặn một chiếc xe chở quá tải, sau đó có một nhóm giang hồ hơn 30 người đến đe dọa các công nhân.

Bài viết lưu ý: Công ty Cổ phần BOT Biên Cương đã có văn bản cảnh báo về nguy cơ mất an toàn do nền đường không ổn định ở tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn. Tuy nhiên, vẫn có một đoàn xe quá tải với biển hiệu HOWO ngang nhiên lưu thông trên đoạn đường này, gây “nguy cơ hỏng, sạt lở hành lang đường lưới điện 110Kv”.

Chuyện ở Yên Định (Thanh Hóa): Ai bao che cho việc xây dựng không phép, lấn chiếm đất giao thông, theo báo Tài Nguyên và Môi Trường. Bài viết bàn về một “biệt phủ” ở xã Định Công, huyện Yên Định, đã “lấn chiếm hàng trăm m2 đất hành lang giao thông và đào ao thả cá, xây hòn non bộ, điếm môn”, vi phạm cả hành lang an toàn giao thông. UBND xã Định Công đã gửi văn bản yêu cầu tháo dỡ “biệt phủ”, nhưng chưa có chuyển biến gì.

Công an “nhân dân”
Báo Dân Việt có bài: Xác minh thông tin CSGT vào rẫy bắt xe chở mì, gây sức ép cho dân. Về thông tin cho rằng CSGT Công an huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk vào tận rẫy để bắt xe chở mì, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh này cho biết, ông đã chỉ đạo thanh tra công an tỉnh vào cuộc điều tra, xác minh vụ việc.

Một cán bộ Huyện Ea Súp xác nhận: Ngày 12/3/2018, một số người dân đã đến trụ sở UBND huyện “phản ánh việc CSGT công an huyện gây khó dễ khi họ chở mì ra ngoài để bán”. Người dân kể rằng: “CSGT đã làm khó để ép họ bán mì cho một thương lái với giá rẻ, bằng cách chặn, bắt xe nếu đem ra ngoài bán”.


Nhân quyền ở Việt Nam
Trang Thanh Niên Công Giáo chia sẻ video clip về chuyện: Dân hết đường sống, thắp hương, khóc than, quỳ lạy công an“Sự việc xảy ra tại công viên thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước sau khi công an tịch thu bàn ghế, máy ép nước mía của người dân”:

Trang Tin Mừng Cho Người Nghèo viết: Không khai báo, ông Nguyễn Văn Túc bị đối xử khắc nghiệt trong tù. Vợ ông Túc cho biết: “Mặc dù vợ con, anh chị em trong gia đình muốn được thăm gặp ông Túc để biết rõ hơn về tình trạng bệnh tình nhưng trại tạm giam tỉnh Thái Bình không cho gặp với lý do ‘vụ án vẫn còn trong qua trình điều tra’. Về lương thực tiếp tế thăm nuôi thì trại tạm giam không cho gửi bất cứ thứ gì”.

Bất cập ở các dự án BOT
Trang VnEconomy có bài: Kiểm toán chỉ ra loạt vi phạm tại dự án BOT cầu Đồng Nai mới. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về hoạt động quản lý, sử dụng vốn ở dự án này cho biết: “Việc không tính đến nguồn thu tại trạm thu phí sông Phan trong thời gian xây dựng dự án làm tăng chi phí vốn đầu tư, tăng tỷ suất chiết khấu của dự án, là một trong các thông số tài chính làm tăng thời gian hoàn vốn dự án”.

Bài thứ 3 trong loạt bài trên báo Pháp Luật Plus về sự “mất tích” của hàng nghìn m3 đất thải từ dự án BOT Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn: Hàng chục nghìn m3 đất thải “mất tích” trên cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn: Chủ đầu tư nói gì. Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn cho biết:

“Các nhà thầu phải dùng biện pháp tạm thời san ủi, tập kết đất đào bóc không thích hợp ở gần phạm vi nền đường. Chờ sau khi tuyến đường cơ bản được hình thành… nhà thầu sẽ vận chuyển đất không thích hợp này về bãi chứa theo đúng yêu cầu”.


Ám ảnh nợ công
Trang Kinh Tế Đô Thị có bài: Bộ Tài chính có nhiều sai sót trong quản lý nợ công. Theo đó, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết, “số liệu theo dõi nợ chính quyền địa phương tại Kho bạc Nhà nước của 46 tỉnh, thành chênh lệch 7.144 tỷ đồng so với số liệu theo dõi của cơ quan tài chính được Vụ Ngân sách Nhà nước tổng hợp lên bản tin nợ công”.

Trong lúc chuyện “vẽ” số liệu dần được phanh phui, Chính phủ vẫn khẳng định: Bảo đảm khả năng trả nợ, bảo đảm an toàn nợ công và nền tài chính quốc gia. Trong bài có đoạn: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác”. Chính phủ của ông Phúc vẫn bỏ ngoài tai các lời cảnh báo về chính sách tiền tệ ở Việt Nam.

Giáo dục Việt Nam: Loay hoay “cải cách”
Bộ Giáo dục – Đào tạo quyết định bỏ đề xuất tăng lương giáo viên và miễn học phí THCS trong Luật Giáo dục, theo báo Lao Động. Lý do: Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính than rằng “ngân sách hiện nay còn hạn hẹp”. Điều lạ là lúc các quan chức đổ tiền ngân sách vào các dự án trăm tỷ, nghìn tỷ, để rồi sau đó “đắp chiếu”, mà không nghe ai nói ngân sách “hạn hẹp”. Đến lúc cần chi tiền cho các thế hệ tương lai thì ngân sách lại trở chứng.

Về đề xuất tăng lương giáo viên, Bộ Nội vụ có văn bản nhận định: “Nhiều bộ, ngành khi xây dựng luật chuyên ngành đã đưa quy định về tiền lương (cả phụ cấp) làm phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị”.


Ô nhiễm môi trường
VOV đưa tin: Hà Nội có 187 điểm đen ô nhiễm môi trường. Đây là thông tin do ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội xác nhận trong Hội nghị thông tin báo chí Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chiều 13/3/2018. Ông Định cho biết: “Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy số cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải vẫn còn thấp. Xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép, thực hiện không đúng các nội dung trong hồ sơ pháp lý về môi trường”.


***

Tin thế giới

Chính trường Mỹ
TT Trump bất ngờ sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson qua Twitter. Sáng thứ Ba, trong khi những người dân bờ Tây nước Mỹ chưa kịp thức dậy, thì Trump lên mạng tweet lệnh sa thải Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, đưa Giám đốc CIA Mike Pompeo thay thế ông Tillerson, giữ chức Ngoại trưởng Mỹ và bà Gina Haspel cũng đã được ông Trump chỉ định thay thế ông Pompeo, làm giám đốc CIA.

Ông Tillerson vừa công du từ châu Phi về thì đã bị ông Trump cưa cụt ghế, nhưng ông không hề hay biết mình bị sa thải cho tới khi đọc được tin qua cái tweet của Trump. Hôm 9/3, khi Ngoại trưởng Mỹ đang công du ở châu Phi, ông Trump muốn ông Tillerson từ chức. Ông Tillerson đã phải cắt ngắn chuyến thăm châu Phi để trở về Washington, vừa đặt chân tới Mỹ chưa được bao lâu thì nhận được tweet sa thải của ông Trump.

Căng thẳng giữa hai người xảy ra nhiều tháng qua, do những bất đồng về chính sách ngoại giao liên quan đến vấn đề Bắc Hàn, Iran, Nga… Tháng 10/2017, ông Tillerson gọi ông Trump là “đứa trẻ con”. Chuyện ra đi của Ngoại trưởng Mỹ mọi người đều đoán được, nhưng không ai biết rõ thời gian nào, nhiều tin đồn đoán trước đó là ông Tillerson sẽ bỏ đi, nhưng ông đã cố ở lại để giúp chính quyền Trump, không ngờ Trump ra tay trước.

Ông Tillerson bị sa thải kéo theo cái ghế khác cũng bị cưa cụt. Đó là Thứ trưởng Ngoại giao Steven Goldstein cũng bị sa thải do ông nói thật về vụ Tillerson bị sa thải. Ông Goldstein bị mất ghế vì ông đưa ra tuyên bố được xem là mâu thuẫn với Nhà Trắng về vụ ông Tillerson bị sa thải, khi Goldstein nói với truyền thông Mỹ rằng, ông Tillerson không biết lý do vì sao ông bị đuổi việc và ông chỉ biết được mình bị sa thải từ tweet của Trump. Và rồi cái ghế của Goldstein cũng bị cưa cụt!

Hãng AP đưa tin, trước khi bị sa thải, hôm qua ông Tillerson đưa ra quan điểm trái với Nhà Trắng, khi nói rằng, thuốc độc được sử dụng ở Anh để đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái ông, đến từ Nga. Trước đó, tại cuộc họp báo, khi được hỏi, liệu Mỹ có tin rằng Nga đứng đằng sau vụ ám sát này, bà Sarah Sanders, phát ngôn viên Nhà Trắng không trả lời, mà chỉ nói rằng sẽ ủng hộ Anh, nhưng bà tránh nói tới cái tên Nga.

Wall Street Journal đưa tin: Phụ tá của Trump cũng bị sa thải vì lý do an ninh. Ông John McEntee là phụ tá lâu đời của ông Trump, từng là cận vệ của Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống, đã bị sa thải và bị Bộ Nội an điều tra vì liên quan tới những tội phạm về tài chính hết sức nghiêm trọng.

Ông McEntee dự định cùng bay với ông Trump qua California hôm nay, nhưng bất ngờ bị sa thải. Ông McEntee là một trong hai vệ sĩ thân cận nhất của Trump, người kia là ông Keith Schiller, đã rời khỏi Nhà Trắng hồi tháng 9/2017.


Vụ điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ
Trong khi cuộc điều tra của công tố viên độc lập Robert Mueller vẫn đang diễn ra, thì Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Mỹ kết luận: Không có dấu hiệu Nga can thiệp bầu cử. RFI viết: “Các nghị sĩ phe Dân Chủ chắc chắn sẽ lên án mạnh mẽ kết quả điều tra do phe Cộng Hòa tiến hành, bị coi là nhằm để bao che cho ông Donald Trump, tổng thống đương nhiệm cùng phe“.

Báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện mâu thuẫn với phát biểu của những người trong ủy ban này. Một thành viên của ủy ban là ông Tom Rooney, dân biểu đảng Cộng hòa, nói rằng, “có bằng chứng” cho thấy Nga đã cố gắng giúp ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, trái với bản kết luận của ủy ban.

Dân biểu Rooney trả lời phỏng vấn của cô Erin Burnett trong chương trình OutFront của đài CNN, rằng: “Tôi chắc chắn có bằng chứng về chuyện đó. Tôi không biết rằng cần phải có một chiến dịch đầy đủ để làm mọi thứ họ có thể giúp bầu cho Donald Trump. Tôi nghĩ rằng mục tiêu của họ là tạo sự hỗn loạn“.





***









No comments: