Wednesday, March 14, 2018

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM KHÔNG THUỘC KINH THÁNH CỦA MÌNH (Nguyễn Khắc Mai)




Nguyễn Khắc Mai
14/03/2018

Có hai điều xin thưa trước. Một là hai chữ cộng sản đã dịch sai cả trăm năm nay vẫn chưa đính chính. Đúng ra phải dịch là cộng đồng chủ nghĩa. Hai là tôi gọi Bản Tuyên ngôn Cộng sản (Cộng đồng) mà hai ông Mác và Ăng ghen đã công bố năm 1848 là Kinh Thánh của các đảng cộng sản (cộng đồng).

Nói không thuộc Kinh Thánh của mình, là bởi trong bản Tuyên ngôn ấy, mà tất tật các đảng “cộng sản” đều coi như bộ cương lĩnh gốc của mình, có những điều xem ra trái khoáy với hiện thực. Ví dụ trong bản tuyên ngôn ấy hai nhà sáng lập chủ nghĩa cộng đồng từng có dự báo và lên án cái gọi là chủ nghĩa “cộng sản” phong kiến. Thế mà những người “cộng sản” theo khuynh hướng đệ tam lại dựng lên cái mô hình Xô viết rất gần với chủ nghĩa phong kiến, dù đã đặt một cái tên khác, chủ nghĩa xã hội hiện thực.

Quan niệm đất đai chẳng khác gì quan niệm phong kiến: “Phổ thiên chi hạ mạc phi vương thổ”. Nghĩa là đất ở dưới gầm trời đâu cũng là đất của nhà vua! Hoặc như ban lãnh đạo trước sau đều thành vua tập thể. Hoặc như Chương IV của bản tuyên ngôn ấy có ghi rõ: “Thái độ của những người ‘cộng sản’ đối với các đảng đối lập”. Xem ra những người lãnh đạo Đảng “cộng sản” Việt Nam hoặc không thuộc Kinh Thánh của mình, hoặc là đã vất bỏ kinh thánh, coi Mác chỉ như cái bung xung danh nghĩa, chứ thật sự thì đã không còn giữ cái gốc gác của mình nữa rồi.

Lập trường chính thống của ban lãnh đao của dảng cộng sản Việt Nam trước sau vẫn coi ai nói đa đảng đều là phản động, suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, là chống đảng, chống nhà nước. Thế mà trong cái Tuyên ngôn ấy, chương IV, sau khi dẫn chứng về sự hợp tác giữa những người cộng sản với những đảng đối lập khác ở Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Ba Lan… đã có một kết luận:

“Sau hết, những người ‘cộng sản’ ở mọi nơi đều phấn đấu cho sự đoàn kết và liên hợp của các đảng dân chủ ở tất cả các nước”.

Như thế, Tuyên ngôn “cộng sản” đâu có bài xích đa nguyên, đa đảng! Trái lại nó còn nhấn mạnh đến thái độ phấn đấu cho sự đoàn kết và liên hợp giữa cộng sản và dân chủ. Chỉ từ khi phong trào cộng sản chuyển sang lập trường đệ tam thì các đảng dân tộc dân chủ mới bị coi là kẻ thù của cộng sản, thậm chí những khuynh hướng khác trong đảng cũng bị đàn áp.

Rõ ràng cương quyết giữ độc đảng, không đoàn kết, không liên hợp, thậm chí thủ tiêu những đảng đối lập đâu có phải là lập trường Mác- xít, nó chính là phản bội lại chủ nghĩa Mác. Trong khi lên giọng nào là chủ nghĩa Mác là kim chỉ nam, là chủ đạo… nhưng hành động trong hiện thực lại khác, làm sao giữ được tính chính danh, chính thống, mà không khiến cho xã hội nghi ngờ là mình đã đánh mất mình, lại đang đi theo tà thuyết?

Khi đứng lên làm cuộc Khởi nghĩa Tháng Tám, nhân dân Việt Nam đã chọn cho mình thể chế chính trị dân chủ cộng hòa, đa nguyên đa đảng.

Đừng để đánh mất chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Tháng Tám. Mà cũng đừng trở thành kẻ phản bội khi vứt bỏ thánh kinh của mình.

Bài này tôi viết đã lâu, được đăng ở một vài trang mạng, nay nhân có hội thảo kỷ niệm 170 năm Tuyên Ngôn Cộng sản do Ban Tuyên giáo tổ chức, tôi chép lại bài cũ, viết thêm đôi điều làm rõ ý của mình, mong góp vào cái nhận thức đúng đắn của xã hội.

Bản Tuyên ngôn ấy ra đời ngót gần hai thế kỷ, chắc chắn là có nhiều lạc hậu cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Việc coi nó còn nguyên giá trị cả về lý luận, cả về thực tiễn, hoặc nó đang soi đường chỉ lối “đúng đắn” cho đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta của lãnh đạo Ban tuyên giáo và những người gọi là nhà tư tưởng cộng sản hay Mác Lê nin… là quyền của họ.

Cá nhân tôi cho rằng nó chỉ có giá trị “xã hội học lịch sử”, với ý nghĩa nó là một tác phẩm được Mác và Ăng ghen viết ra đã 170 năm nay. Hàng triệu người đã đọc nó và tưởng rằng đang thực hiện lý tưởng của nó thì trên thực tế đã làm cho cả trăm triệu sinh mạng bị giết chết, đã đẩy nhân loại đi vào một khúc quanh lịch sử bi thảm, làm cho nhiều dân tộc biến dạng, băng hoại thảm thương…rồi chính mình phải từ bỏ.

Bây giờ thì cái Đệ tam quốc tế đã bị giải thể, rồi cả Liên xô và hệ thống phe XHCN Đông Âu cũng tan rã. Cái gọi là chủ nghĩa Mác- Lê nin cũng đã phá sản cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Ngay cả Trung Hoa, từ 1960 thế kỷ trước họ chính thức vứt Lê Nin, đến 1970 họ thảo luận với nhau “Nên kiên trì chủ nghĩa Mác nào” và họ kết luận, chỉ lấy cái phép biện chứng của Mác coi thực tế là thước đo. Rồi họ đề xướng lý thuyết “mèo trắng mèo đen”, lại đề “Ba đại diện”, “Xã hội hài hòa”, nay thì đưa tư tưởng Tập Cận Bình thành quốc sách!

Về lý tưởng, Tuyên ngôn ấy nêu ra 4 mô hình chủ nghĩa xã hội, một là CNXH phong kiến kiểu Đức, hai là CNXH không tưởng, ba là CNXH tư sản. Điều trớ trêu là những tính chất phong kiến và không tưởng lại đầy rẫy trong các nhà nước XHCN! Trong thực tiễn cái mô hình nhà nước xô viết là “siêu phong kiến”. (Xem Chế độ phong kiến ở Liên Xô- Anatoly Tille, năm 1992 xuất bản với tên: Luật pháp của sự phi lý- Luật pháp phong kiến xã hội chủ nghĩa. Năm 2003, xuất bản ỏ Mỹ có tên: Cuộc cách mạng tội ác vĩ đại ở nước Nga- Mafia nắm quyền.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều trí thức ở nước ta nhận xét rằng, trong xã hôi VN hiện nay đầy rẫy những thiết chế kiểu phong kiến rất lỗi thời. Ông Nguyễn Văn An cựu ủy viên Bộ chính trị cũng từng nói Bộ Chính trị là vua tập thể. Có người bình luận vui là trong “chế độ làm chủ tập thể” tất sinh ra vua tập thể!

Tác giả bài này, trong nhiều cuộc hội thảo do những ban ngành TW tổ chức từng trình bày nhận xét, những thiết chế phong kiến đầy rẫy ở chế độ ta có lý do tồn tại vì một thời gian dài nền kinh tế đã vận hành với những phương thức mang bản chất phong kiến, một là đổi chác, hai là cống nạp, ba là tước đoạt (những cuộc cải tạo nông nghiệp, cải tạo công thương, đổi tiền, duy trì kéo dài kinh tế phi thị trường rồi gắn thêm cái đuôi XHCN…Thực chất cái gọi là kinh tế nhà nước là chủ đạo ở VN mang dấu ấn kinh tế phong kiến triều đình rất rõ, chúng hoạt động theo mệnh lệnh chính trị và bất chấp lời lỗ như trước đây theo chỉ dụ của nhà vua!).

Trong một bài viết cũng nhân kỷ niệm Tuyên ngôn CS đăng trên tờ Quan hệ Quốc tế (tên cũ) tôi có nhận xét chỉ duy cái CNXH tư sản trong mô hình “Xã hội –Dân chủ” ở châu Âu là đã có những thành công. Khi đăng, ban biên tập đề nghị sửa thành hai chữ thành công nhất định). Như thế là những mô hình CNXH mà tuyên ngôn phê phán thì trước sau các đảng cộng sản ở các nước XHCN đều tích cực thực hiện. Các hình thức XHCN hiện thực mà các đảng cộng sản thực hiện, đều rất đậm đà chất phong kiến, không tưởng, kể cả chất tiểu tư sản phiêu lưu, ngoại trừ mô hình chủ nghĩa xã hội tư sản đã có ich lớn trong phục hưng châu Âu sau thế chiến thứ hai.

Về cái XHCN mà Mác và Ăng ghen mong ước bấy giờ chỉ thấy mấy tư tưởng định hướng:
– Một là tư tưởng “Theo ý nghĩa đó, những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành luận điểm duy nhất này là: xóa bỏ chế độ tư hữu.

– Hai là “giai cấp vô sản từng nước phải xóa bỏ giai cấp tư sản và tự mình trở thành dân tộc. (Sau thấy nói thế võ đoán nên đổi thành giai cấp của dân tộc).

– “Đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với những tư tương kế thừa của quá khứ”.

– “Dùng sự thống trị chính trị của mình từng bước một đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản…”

– “Những biện pháp sau đây sẽ được áp dụng phổ biến”: tước đoạt sở hữu ruộng đất, áp dụng thuế lũy tiến cao, tịch thu tài sản…, tập trung tín dụng, giao thông vận tải vào nhà nước, …kế hoạch chung, tổ chức các đạo quân công nghiệp, đặc biệt cho nông nghiệp, xóa bỏ đối lập thành thị và nông thôn…

Tóm lại là những chỉ thị rất sơ sài cảm tính, không hề có luận chứng vững vàng. Mà thực tế đã bác bỏ, đã chứng tỏ sự sai lầm hồ đồ của chúng.

Tuy nhiên ít ra trong Tuyên ngôn cũng có ba tư duy, khá hợp lý, không kể ý kiến đoàn kết, hợp tác với các đảng dân tộc dân chủ kể trên, một là “phát triển tự do cá nhân là tiền đề phát triển tự do của xã hội”, hai là “giáo dục công cộng và không mất tiền cho tất cả trẻ em”, ba là ”giai cấp tư sản không thể tồn tại nếu không luôn luôn cách mạng hóa công cụ sản xuất, do đó cách mạng hóa những quan hệ sản xuất, nghĩa là cách mạng hóa toàn bộ những quan hệ xã hội”, thì đều bị các đảng cộng sản vứt vào sọt rác. Vì cho đó là quan điểm tư sản!

Nhưng điều đáng nói hơn cả là chừng ba mươi năm sau khi công bố tuyên ngôn, cả hai ông đều cho rằng, không có một lý tưởng cộng sản nào cả, đó là những ý nghĩ “trẻ con” lúc còn trẻ và đã vứt bỏ, lúc cuối đời! (Xem bài tựa của F. Ang ghen viết cho cuốn Những cuộc đấu tranh giai cấp ở Pháp của K. Marx).

Như thế thì nhân loại kỳ cục thật, cái mà người ta đã vứt bỏ, lại ôm lấy vào mình, coi như của quý. Sự kỳ cục đó đã khiến cho cả trăm triệu người phải chết oan uổng, nhiều dân tộc bị băng hoại, trong đó có Việt Nam chúng ta. Còn Nghị viện Châu Âu thì đã ra nghị quyết lên án những nước theo cái Tuyên ngôn ấy mà làm cộng sản. Nghị quyết ấy có số 1481 của Hội Đồng Nghị viện Châu Âu, viết “…Những chế độ độc tài toàn trị cộng sản gồm khối Liên xô, Đông Âu trong thế kỷ XX và một số chế độ cộng sản hiện vẫn còn nắm quyền ở 4 nước trên thế giới, đều là những quốc gia vi phạm nhân quyền…, vi phạm quyền tự do tư tưởng, xúc phạm lương tâm con người, cấm tự do báo chí và tự do chính trị; độc tôn, độc quyền, độc đảng…Không thể dùng quan điểm quyền lợi quốc gia mà lấp liếm, biện hộ sự lên án của nhân loại. Quốc hội chung Châu Âu cực lực lên án tất cả mọi vi phạm quyền con người trong các chế độ cộng sản, coi nó như tội ác chống nhân loại”!

Gần đây đọc Nam Hoa Kinh của Trang tử, thấy có câu chuyện sau: Vua Hoàn công ngồi đọc sách, Luân Biển kẻ làm thợ đẽo bánh xe tiến lên, dám hỏi: Cái mà nhà vua đang đọc là lời gì vậy. Đáp, là lời của thánh nhân. Thưa, thánh nhân còn chăng? Đã chết rồi. Thế thì cái mà nhà vua đọc chỉ là cặn bã của người xưa mà thôi. Quả nhân đọc sách, kẻ đẽo bánh xe sao được bàn càn. Nói thông thì được, không thông thì chết. Luân Biển thưa, tôi lấy việc của tôi mà xét, đẽo bánh xe chậm thì ngọt, mà không bền, mau thì chối mà không vào. Không chậm, không mau, hiểu nó ở tay, ứng vào lòng, miệng không nói ra được. Tôi không thể đem để bảo cho con, con tôi cũng không thể học. Cho nên đã bảy mươi mà già đời vẫn làm nghề đẽo bánh xe. Người xưa và cái không thể học của họ đều đã chết cả rồi. Vậy thì cái nhà vua đọc chỉ là cặn bã của người xưa mà thôi.

Tôi bàn thêm: học lấy cặn bả mà làm nên được trí tuệ, xưa nay chưa từng nghe nói!








No comments: