Ngô
Nhân Dụng
January
16, 2018
Tuần
trước, tạp chí Thế Giới Thời Báo (Global Times) ở Bắc Kinh đã nhận định về ảnh
hưởng trong dư luận Mỹ của cuốn sách “Fire and Fury” của Michael Wolff. Cơ quan
ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc viết rằng, “Mặc dù từ Thế Chiến Thứ Hai các tổng thống Mỹ thường bị báo chí tấn
công, Trump là người đầu tiên mà sức khỏe tinh thần bị đặt câu hỏi. Điều này
cho thấy bản chất của chính trị nước Mỹ.”
Tờ
báo viết tiếp, “Khi người Mỹ đặt câu hỏi
về tình trạng tâm thần của một tổng thống Mỹ thì không những ngôi vị này bị chế
nhạo mà chính hệ thống bầu cử ở nước Mỹ trở thành trò cười.” Báo Global
Times khen ngợi Tổng Thống Trump trong năm qua đã làm được những điều các người
tiền nhiệm không làm được, như việc công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, mà
trước đây không tổng thống Mỹ nào dám nghĩ tới. Nhưng họ cảnh cáo độc giả người
Trung Hoa về “ám ảnh ma quái về chế độ
dân chủ của nước Mỹ… mà chúng ta phải tránh xa” để rút ra một bài học, cho người
Trung Hoa “thêm tin tưởng vào sức mạnh của chế độ độc đảng nước mình.”
Đây
chỉ là một cuộc tấn công của Cộng Sản Trung Quốc trên chế độ dân chủ, với mục
đích đề cao chế độ độc quyền độc đảng mà dân lục địa đang gánh chịu. Trong mấy
năm qua, Trung Cộng còn thi hành một chiến dịch xâm lăng vào các định chế chính
trị của các nước tự do dân chủ khắp thế giới, với các hành động cụ thể.
Tháng
trước, ngày 12 Tháng Mười Hai, 2017, Sam Dastyari, một dân biểu Úc phải từ chức
sau khi báo chí tiết lộ ông ta đã nhận được tiền trợ giúp của một doanh nhân
Trung Hoa khiến ông ta kêu gọi chính phủ Úc phải “tôn trọng chủ quyền của Trung
Quốc trong vùng biển Đông Nam Á.” Ông Dastyari còn tìm cách ngăn cản một một
dân biểu đảng Lao Động không cho gặp các nhà tranh đấu dân chủ ở Hồng Kông.
Báo
chí Úc vạch ra rằng Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo, 黄向墨), một doanh nhân với
quan hệ mật thiết với đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã góp khoảng $5 triệu cho
Dastyari trong thập niên qua. Hoàng Hướng Mặc đã dọa ngưng ủng hộ tiền sau khi
đảng Lao Động ủng hộ chính phủ Úc tăng cường tuần tiễu trong vùng Biển Đông Nam
Á. Ngay sau đó, Sam Dastyari đã lên tiếng yêu cầu Úc phải tôn trọng Đường Lưỡi
Bò của Trung Cộng!
Giám
đốc cơ quan tình báo Úc đã cảnh cáo nước ông đang bị ngoại quốc can thiệp tới mức
nặng nề nhất. Thủ tướng Úc đề nghị ngay một dự luật cấm công dân nước ngoài
không được đóng góp cho các quỹ tranh cử tại Úc, và ra lệnh những người vận động
cho các chính phủ nước ngoài phải chính thức ghi tên, một điều luật nước Mỹ đã
áp dụng từ lâu. Dự luật này bị chính phủ Bắc Kinh đả kích là có tính cách kỳ thị!
Cuộc
xâm lăng thầm lặng của Bắc Kinh diễn ra khắp thế giới. Tại nước Đức, cơ quan phản
gián cho biết Trung Cộng đã dùng các mạng giao tiếp xã hội để quan hệ với
10,000 người Đức, trong đó có các đại biểu quốc hội và công chức, với mục đích
dò tìm tin tức và nuôi ảnh hưởng lâu dài. Chuyện này cũng diễn ra tại Anh,
Trung Cộng nhắm vào những người có quyền lợi kinh doanh trong lục địa.
Một
mục tiêu Cộng Sản Trung Quốc nhắm vào là khối người gốc Hoa sống trong các nước
Tây phương. Họ xâm nhập các tổ chức của người Hoa, nhưng tiêu điểm quan trọng
nhất là báo chí và các đài ti vi dùng tiếng Trung Hoa. Trung Cộng chiêu dụ, mua
chuộc và cưỡng ép các nhà báo để xoay chuyển họ theo đường lối của Bắc Kinh.
Nhưng họ còn nhắm vào giới truyền thông bản xứ nữa. Hãng thông tấn Reuters điều
tra, đã thấy Đài Phát Thanh Quốc Tế của Trung Cộng đang yểm trợ 33 đài phát
thanh trong 14 quốc gia, trong đó có nước Mỹ và Úc. Phần lớn những đài này nói
tiếng Tàu và tiếng Anh, nhưng cũng có đài nói tiếng Ý, tiếng Thái và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tháng
Mười Một năm ngoái, một nhà xuất bản tại Úc đã ngưng không in cuốn sách mang
tên “Silent Invasion” (Cuộc Xâm Lăng Thầm Lặng) vì sợ bị các tay chân của Trung
Cộng kiện về tội phỉ báng. Một giáo sư đã viết về vụ này, với tựa đề là, “Làm cách nào Trung Quốc biến Úc thành một nước chư hầu?” (How China
is turning Australia into a Puppet State?). Mùa Hè năm ngoái, một đại
hội phim ảnh ở Pháp đã bỏ không chiếu một phim tài liệu về Trung Quốc, sau khi
bị áp lực của Trung Cộng.
Giới
đại học cũng bị Trung Cộng chiếu cố, để giảm bớt những công trình nghiên cứu
khoa học phơi bầy tình trạng xấu ở nước Trung Hoa. Họ dùng tiền ủng hộ các đại
học, và rút tiền nếu không vừa ý. Thương gia Hoàng Hướng Mặc kể trên đây không
những góp tiền cho các nhà chính trị mà còn bỏ ra 2 triệu đô la Úc để thành lập
một Viện Quan Hệ Trung Quốc-Úc ở Sydney. Một hoạt động được Trung Cộng mở rộng
là 500 Viện Khổng Tử và hàng ngàn lớp học tiếng Trung Hoa tại các trường từ
trung học lên đại học. Nhiều trường học ở Mỹ nhận được các khoản trợ cấp lớn để
thiết lập Viện Khổng Tử, các giáo sư và sinh viên tham dự được mời đi du lịch
Trung Quốc khỏi tốn tiền.
Các
sinh viên Trung Quốc du học ở các nước Tây phương là một mục tiêu tấn công
khác. Hội Sinh Viên Và Nghiên Cứu Sinh Trung Quốc (CSSA) là một công cụ của chế
độ. Hội này làm công việc gián điệp, tình báo, tổ chức các sinh hoạt cho sinh
viên, giúp đỡ họ khi tìm chỗ ở, và nhất là dò thám thái độ của sinh viên du học
đối với Cộng Sản. Họ hoạt động mạnh mẽ khiến nhiều sinh viên gốc Hoa phải tìm
cách trốn tránh. Nhiều người không chịu tham dự các sinh hoạt vì sợ bị “bắt rễ”
rồi cưỡng ép; một số còn xin giáo sư không xếp mình vào những nhóm có sinh viên
gốc Hoa.
Trong
Tháng Mười Hai năm ngoái, Quốc Hội Mỹ đã nghe điều trần về nỗ lực của Trung Cộng
tìm cách kiểm soát các du học sinh. Có sinh viên đã kể rằng phụ huynh họ ở
trong nước Tàu được cảnh sát, công an tìm đến gây áp lực, sau khi con cái ở Mỹ
phát biểu những ý kiến khác đường lối của nhà nước. Trung Cộng đã làm áp lực buộc
các sinh viên không ghi tên vào Đại Học California tại San Diego, sau khi trường
này mời Đức Đạt Lai Lạt Ma đến giảng.
Cuộc
xâm lăng thầm lặng của Trung Cộng đang bị lật tẩy khắp nơi. Hai nước khác đã phản
ứng mạnh mẽ là New Zealand và Canada. Báo chí New Zealand kêu gọi phải kiểm soát
chặt chẽ khối di dân từ Trung Cộng qua; có nhà báo tố cáo một dân biểu gốc Hoa
đã từng là giáo sư dạy trong trường huấn luyện gián điệp của Bắc Kinh, nhưng đã
che đậy không kê khai hoạt động đó khi xin nhập tịch. Cơ quan tình báo Canada
tiết lộ nhiều công chức, trong đó có cả các bộ trưởng cấp tỉnh, đang giúp Trung
Cộng gây ảnh hưởng. Trong Tháng Mười Hai năm ngoái, Quốc Hội Mỹ nghe điều trần
về âm mưu Bắc Kinh gây ảnh hưởng chính trị trong nước Mỹ. Nghị Sĩ Marco Rubio
đã cảnh cáo những người có trách nhiệm trong chính giới và thương trường, vì họ
bỏ qua các âm mưu xâm nhập các xí nghiệp và đại học ở Mỹ của Trung Cộng, chỉ vì
lóa mắt trước thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Người
dân các nước bị Trung Cộng xâm lăng thầm lặng cũng phản ứng, nhiều khi đi quá
đà. Tại nước Úc, sau khi vụ Sam Dastyari và Hoàng Hướng Mặc bị phanh phui, nhiều
biểu ngữ xuất hiện trong các trường đại học yêu cầu trục xuất các du học sinh
và di dân Trung Hoa từ lục địa. Tại Đại Học Sydney, có người viết: “Giết người
Trung Hoa” (Kill Chinese) trong nhà vệ sinh của sinh viên. Tại thủ đô Canberra,
một học sinh gốc Hoa đã vô cớ bị đánh đập trong lúc chờ xe buýt!
Trung
Cộng hiện biết mình không đủ sức cạnh tranh với các nước dân chủ tự do trên mặt
quân sự, kinh tế. Dù Bắc Kinh có bôi bác, chỉ trích chế độ dân chủ, mỗi lần xảy
ra những mâu thuẫn nội bộ, nhưng người dân trên thế giới khó tin rằng chế độ độc
quyền độc đảng của Tập Cận Bình có ưu thế hơn các thể chế ở Âu, Mỹ Châu. Nhưng
người dân các nước cần thức tỉnh trước cuộc xâm lăng âm thầm phá hoại nếp sống
tự do dân chủ đó. (Ngô Nhân Dụng)
No comments:
Post a Comment